Từ những năm 1960, việc khai thác nước ngầm ở Ấn Độ tăng mạnh, với tốc độ cao hơn nhiều nơi khác. Điều này chủ yếu được thúc đẩy bởi Cách mạng Xanh, một chính sách nông nghiệp sử dụng nhiều nước nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong nước vào những năm 1970 và 1980, và vẫn tiếp tục dưới một số hình thức cho đến tận ngày nay.
“Chúng tôi từng chi 25.000 rupee (khoảng 330 USD) mỗi năm để vận hành máy bơm nước chạy bằng diesel. Điều này thực sự làm giảm lợi nhuận của chúng tôi”, nông dân tên Parmar nói. Khi Viện Quản lý Nước Quốc tế phi lợi nhuận (IWMI) đề nghị anh tham gia vào một dự án thí điểm tưới tiêu sử dụng năng lượng mặt trời với lượng khí thải carbon bằng 0 vào năm 2015, Parmar đã làm theo hướng dẫn của các chuyên gia.
Parmar và 6 nông dân ở Dhundi đã bán hơn 240.000kWh cho Nhà nước Ấn Độ và kiếm được hơn 1,5 triệu rupee (20.000 USD) từ 2015 đến nay. Thu nhập hàng năm của Parmar đã tăng gấp đôi từ trung bình 100.000 - 150.000 rupee lên 200.000 - 250.000 rupee.
Nguồn kinh tế này đã giúp Parmar có thêm nguồn thu nhập để giáo dục các con của mình, trong đó có một người đang theo đuổi bằng cấp về nông nghiệp - một tín hiệu đáng khích lệ ở một đất nước nơi trồng trọt không còn là nghề phổ biến với thế hệ trẻ. Parmar nhận xét, “Năng lượng mặt trời là giải pháp kịp thời, ít gây ô nhiễm hơn và mang lại cho chúng tôi thêm thu nhập. Có lý do gì mà không theo đuổi cơ chứ?”
Parmar đã học cách tự bảo trì và sửa chữa các tấm pin cũng như máy bơm. Hiện tại, các làng lân cận cũng tìm đến sự trợ giúp của anh khi muốn lắp đặt hoặc sửa chữa các hệ thống bơm năng lượng mặt trời. “Tôi rất vui khi những người khác cũng đang lựa chọn theo đuổi lối đi mà chúng tôi đã chọn. Thực sự, tôi cảm thấy tự hào khi họ nhờ đến tôi để giúp họ xây dựng hệ thống bơm năng lượng mặt trời”, anh nói.
Dự án của IWMI tại Dhundi đã thành công đến mức bang Gujarat quyết định mở rộng kế hoạch này vào năm 2018 dưới sự chỉ đạo của sáng kiến Suryashakti Kisan Yojana, tức là Chương trình Năng lượng Mặt trời cho Nông dân. Bộ Năng lượng mới và Tái tạo của Ấn Độ hiện cung cấp hỗ trợ tài chính và cung cấp các khoản vay lãi suất thấp để hỗ trợ các nông dân thực hiện tưới tiêu bằng năng lượng mặt trời.
Aditi Mukherji, đồng nghiệp của Verma và là tác giả của báo cáo tháng 2 từ Hội đồng Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), nhấn mạnh: “Điều quan trọng nhất về nông nghiệp thông minh với khí hậu là mọi thứ chúng ta làm đều phải có lượng khí thải carbon ít hơn. Đây là thách thức lớn nhất. Làm thế nào để chúng ta tạo ra sản phẩm có lượng khí thải carbon thấp mà không ảnh hưởng tiêu cực đến thu nhập và năng suất của nông dân?”
Mukherji là trưởng dự án khu vực về Tưới tiêu bằng năng lượng mặt trời cho khả năng phục hồi nông nghiệp ở Nam Á, một dự án của IWMI nghiên cứu các giải pháp tưới tiêu bằng năng lượng mặt trời khác nhau trong khu vực.
Quay trở lại Anantapur, Reddy nhận thấy rõ rệt sự thay đổi về thảm thực vật ở quận của họ. “Trước đây, có nhiều nơi trong huyện không có cây xanh. Bây giờ không có nơi nào thiếu ít nhất 20 cây trong tầm mắt bạn. Điều này là một thay đổi nhỏ nhưng vô cùng ý nghĩa đối với khu vực khô hạn của chúng tôi”. Ramesh và những nông dân khác đang có thu nhập ổn định và bền vững từ nghề nông.
Ramesh chia sẻ: “Khi trồng lạc, tôi thường bán nó cho các chợ địa phương. Hiện tại, tôi bán trực tiếp cho người dân thành phố thông qua các nhóm WhatsApp (mạng xã hội phổ biến ở Ấn Độ. Các cửa hàng tạp hóa trực tuyến lớn nhất Ấn Độ như bigbasket.com và các cửa hàng khác cũng đã bắt đầu mua sản phẩm trực tiếp từ tôi để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về trái cây và rau hữu cơ và sạch”.
Ramesh tin tưởng rằng, các con của mình cũng có thể theo nghề nông và kiếm sống tốt nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đây chính là giá trị bền vững mà nông nghiệp tái tạo đem lại cho nông dân Ấn Độ.