Dự án điện mặt trời áp mái lớn nhất năm
Đầu tháng 3 năm nay, De Heus, Bel Gà và Green Roof đã cùng kí kết Biên bản ghi nhớ đánh dấu sự hợp tác để cùng phát triển dự án điện mặt trời áp mái lớn nhất năm 2023 ở Việt Nam.
Được khởi động vào quý II/2023 và hoàn thành vào năm 2024 với tổng công suất lên đến 20 MWp, dự án sẽ được triển khai ở 30 địa điểm sản xuất thức ăn chăn nuôi, cũng như trang trại giống di truyền và nhà máy ấp của De Heus và Bel Gà trên khắp Việt Nam.
Theo ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc De Heus châu Á, trước đây, một số nhà máy của De Heus ở Việt Nam đã đầu tư lắp đặt điện mặt trời áp mái như nhà máy ở Đồng Nai, Vĩnh Long … Với dự án này, De Heus không làm riêng lẻ ở từng nhà máy nữa mà đầu tư một lần cho tất cả các nhà máy và toàn bộ các trang trại giống.
Dự án điện mặt trời áp mái này sẽ giúp De Heus và Bel Gà đóng góp mạnh mẽ vào sự chuyển đổi sang nền nông nghiệp phát thải thấp và bền vững hơn, cũng như đóng góp vào cam kết trở thành một quốc gia phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam. Cụ thể, dự án dự kiến sẽ tạo ra hơn 28 triệu kWh năng lượng sạch và giúp cắt giảm 22.500 tấn CO2 hàng năm, tương đương với lượng hấp thụ CO2 của 1 triệu cây trưởng thành hoặc loại bỏ phát thải của 5.000 xe hơi một năm.
Ông Johan van den Ban, Tổng Giám đốc De Heus Việt Nam, chia sẻ: “De Heus thôi thúc được chung tay tạo nên một tương lai tốt hơn, bền vững hơn cho Việt Nam. Với vị trí dẫn đầu trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, việc hợp tác và phát triển dự án điện mặt trời áp mái ở mọi cơ sở sản xuất của chúng tôi ở Việt Nam là một trong những bước tiến tiếp theo trong cam kết tạo nên những thay đổi thực sự và đóng góp tạo nên chuỗi sản xuất thực phẩm bền vững hơn. Chúng tôi rất mong chờ những tác động tích cực mà dự án này mang đến cho môi trường và xã hội Việt Nam”.
Ông Johan van den Ban cho biết, De Heus sẽ tiếp tục mở rộng quy mô và tìm hiểu các phương hướng áp dụng năng lượng tái tạo khác, ví dụ như thử nghiệm hệ thống lưu trữ điện (Baterry energy storage system - BESS) và lắp đặt điện mặt trời nổi trên ao nuôi trồng thủy sản.
Ngoài ra, De Heus sẵn sàng tham gia cơ chế DPPA (Direct Power Purchase Agreement) là cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa khách hàng sử dụng điện và đơn vị phát điện năng lượng tái tạo, ngay khi cơ chế này chính thức được ban hành tại Việt Nam. Ông Johan van den Ban khẳng định “đó sẽ là một bước đi quan trọng giúp De Heus thực hiện mục tiêu tối đa hóa việc sử dụng năng lượng sạch”.
Ông Rick van der Linden, Tổng Giám đốc Bel Gà và là Giám đốc mảng Di truyền giống của De Heus Việt Nam, cũng thể hiện sự mong chờ đối với dự án điện mặt trời áp mái. Ông chia sẻ: “Năm 2023 kỉ niệm tròn 10 năm Bel Gà được thành lập ở Việt Nam. Trong suốt những năm qua, chúng tôi đã thực hiện nhiều hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng song song với phát triển kinh doanh. Nhưng đồng thời, chúng tôi cũng nhận ra trách nhiệm của mình cần phải hơn như thế. Chúng tôi tin mình còn phải đóng góp vào tính bền vững của môi trường. Dự án này là một cột mốc trong hành trình trở nên bền vững hơn của Bel Gà, đánh dấu chúng tôi bắt đầu sử dụng năng lượng tái tạo có chiến lược hơn và thể hiện cam kết về phát triển bền vững và kinh doanh có trách nhiệm của chúng tôi”.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN-PTNT), cho rằng, sự hợp tác giữa De Heus, Bel Gà và Green Roof sẽ đóng góp vào tiến trình phát triển bền vững hơn của ngành nông nghiệp Việt Nam. Ông cũng kì vọng các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ tiếp tục đồng hành để phát huy các thế mạnh chung, đặc biệt nhằm giúp người chăn nuôi Việt Nam nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hướng tới 100% năng lượng sạch
Ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc De Heus châu Á, cho biết, sản xuất thức ăn chăn nuôi tiêu thụ một lượng điện rất lớn. Sau khi hoàn thành, dự án mới chỉ đáp ứng được 20 - 25% tổng lượng điện cho các nhà máy thức ăn chăn nuôi của De Heus ở Việt Nam.
Kế hoạch của Tập đoàn De Heus là bước đầu tập trung càng nhiều các tốt để làm hệ thống điện mặt trời áp mái cho các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi hiện có. Sau khi làm xong cho tất cả các nhà máy, Tập đoàn tính toán phần điện còn thiếu (từ năng lượng tái tạo), từ đó đầu tư vào một số dự án lớn về năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời... Mục tiêu là chậm nhất đến 2035, toàn bộ năng lượng sử dụng trong các nhà máy sản xuất thức ăn của De Heus đều là năng lượng sạch.
Bên cạnh đó, sau khi hoàn thành dự án điện mặt trời áp mái cho các nhà máy, De Heus sẽ hợp tác với các trang trại nuôi cá, nuôi tôm, nuôi heo, nuôi gà để hỗ trợ, hướng dẫn các trang trại áp dụng điện mặt trời. Theo tính toán của chúng tôi, với những trang trại lớn, nếu họ áp dụng điện mặt trời, chắc chắn nguồn điện sẽ đủ cho nhu cầu của trại.
Xây dựng chuỗi cung ứng bền vững
Để phát triển bền vững hơn, với sự định hướng của chương trình phát triển bền vững toàn cầu mang tên Responsible Feeding, De Heus đã và đang thực hiện nhiều dự án chiến lược với nhiều hoạt động bền vững khác nhau.
Bên cạnh dự án điện mặt trời áp mái, việc thu mua nguyên liệu bền vững, thúc đẩy sản xuất nguyên liệu nội địa, tối ưu hóa logistic và quản lý rác thải nhựa hiệu quả là những bước đi có tầm nhìn khác mà De Heus đang hướng tới để giảm phát thải các bon. Thông qua các sáng kiến này, De Heus mong muốn đóng góp tạo nên một chuỗi cung ứng bền vững hơn.
Về xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, De Heus đang hợp tác với những đối tác trọng điểm trong chuỗi cung ứng thực phẩm nhằm bền vững hóa cả chuỗi bằng việc phát triển những phương thức chăn nuôi và mô hình kinh doanh mới, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và giảm phát thải khí nhà kính.
Chuỗi sản xuất chăn nuôi là nguyên nhân gây ra 14,5% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu. Do đó, De Heus cho rằng, tất cả các tác nhân trong chuỗi giá trị chăn nuôi cần phải tính toán một cách kĩ lưỡng về những tác động đến môi trường trực tiếp và gián tiếp liên quan đến các hoạt động trong chuỗi của mình và cung cấp dữ liệu minh bạch để cùng nhau tìm giải pháp giảm phát thải khí nhà kính.
Vào năm 2023, De Heus sẽ thực hiện đo CO2 trên tất cả các đơn vị kinh doanh của mình. Đồng thời, cũng trong năm 2023, De Heus có thể cung cấp cho khách hàng lời khuyên phù hợp tại trang trại chăn nuôi nhằm giảm lượng khí thải các bon ở chính trang trại đó. Dựa trên kết quả của phép đo, De Heus sẽ hình thành các mục tiêu và tìm giải pháp để giảm lượng khí thải các bon của công ty.