Bên một khoảng trống

Hồ Thị Ngọc Hoài - Thứ Năm, 02/06/2022 , 06:05 (GMT+7)

Chị ngồi nhìn ra khu đất trống. Xanh. Cây cỏ xanh rờn, xanh ào ạt từng ngày bên kia khung song sắt nhà chị.

 

Khoảng hiên, các chậu cây cảnh; hoa giấy, sứ quân tử, mai chiếu thủy, nguyệt quế, ngũ sắc, đinh lăng, sung và bên kia song sắt, đất vàng đất ngọc của người ta bỏ không... Chị nhớ, mấy năm trước về đây, bao loài cây bên khu đất trống mỗi mùa mỗi lớn, dần nên khu vườn hoang dại. Mỗi mùa, qua song nhìn sang, chị thuộc nết cây cỏ, chim chóc, thuộc nết ngày, nết mùa...

Thế rồi một hôm người ta cho người và máy móc chặt đào ầm ầm, san ủi trống trơn, hồn chị cũng như trống trơn luôn. Chị tiếc, từ đó luôn nhớ da diết sự sống khu vườn hoang; tất cả đều cách biệt qua song sắt nhưng chị nhớ cả mùi cỏ chết mùa khô, mùi ẩm mục mùa mưa, chưa nói đến hương tràm độ thu về, cây me tây la đà những chùm hoa phớt hồng, và chim chóc khi bắt sâu, khi ngậm trái, khi lẻ đôi như cô đơn tìm kiếm nhau, hót gọi nhau, chuyền cành rồi ríu rít bay theo nhau...

Vậy mà tất cả chỉ còn sống động nguyên vẹn trong hoài niệm của chị. Họ làm gì tiếp? Xây khách sạn? Chung cư? Nhà cho thuê? Nếu là nhà cao tầng mọc lên thì mặt trời và những đêm trăng cũng chỉ còn mọc, lặn trong tâm trí chị?

Nhưng sau khi chặt phá, san ủi họ lại bỏ đó. Một năm, rồi hai năm, mặt trời chiều, những đêm trăng mọc trăng lặn vẫn đó, cây cỏ lại được thỏa sống, thỏa xanh, chim chóc dần về đông lại, trứng cá đua mọc bời bời cao thấp đủ mức, cỏ cây càng vùn vụt xanh tốt không ngờ khi mùa mưa về. Khu đất dễ chừng năm, bảy trăm tỉ, có khi hơn thế, còn chị, được ngắm màu xanh mấy trăm tỉ, ngàn tỉ cũng âm ỉ vui sướng từng phút giây.

Xanh tươi. Cỏ cây được yên sống, chúng như cũng biết sướng vui lắm. Lòng chị xanh thắm theo, hồn chị cũng thêm những dịu êm. Cỏ chết lại mọc, trứng cá rồi sẽ tỏa tán, ra hoa độ quả cho chim gọi nhau về chuyền cành, ăn trái... Chị nhớ bao mùa trước, nhớ từng chút, vẻ lụi tàn khô rạc nhẹ nhõm của cỏ, của cây lá mùa khô, nhưng trứng cá, tràm, me tây... vẫn xanh suốt.

Chị nhớ, ngày người ta chưa chặt cây, đào ủi, có đôi bìm bịp quẩn quanh... Nay, chị vui vì bìm bịp cũng trở về nhưng không hiểu sao chỉ còn một con? Nó có hoài nhớ, tìm kiếm quá khứ?

Rồi một ngày nào đó người ta lại chặt, ủi, tất cả sẽ lại biến mất, bị thay thế. Chắc chắn vậy, chỉ là sớm hay muộn thôi. Chị lại sẽ xót xa nuối tiếc và hoài niệm khoảng xanh.

Một khoảng trống đã cho chị những điều kì diệu, đã nói với chị rất nhiều điều.

Hôm qua mưa nhiều, khí ẩm mát đẫm cả không gian sáng nay. Nửa buổi sáng trôi qua rồi, nắng cũng chỉ hườm ửng, gió vẫn căng đầy hơi mát. Xanh mát.

Chị cầm sách lên đọc tiếp. Trang sách dẫn chị đi về thời trước. Cái nghèo, chiến tranh, nỗi vất vả khổ cực, nỗi lo lắng của con người... Những gì tác giả trải qua cùng với đồng bào mình, thật đáng lo đáng sợ, thế thì chị, lớn lên trong hòa bình, những gì từng khiến chị phải đau buồn nào có thấm gì, nhỉ?

Trang sách vừa cho chị thêm sức sống, sức mạnh... Được đọc và được ngắm nhìn cỏ cây luôn là hạnh phúc của chị, chẳng có gì mang lại hạnh phúc cho chị bền lâu được như thế. Nhưng những việc vặt, bao sự xen vào, tháng ngày phải lo bao việc, chị chẳng thể làm ngơ rồi ích kỉ nhận về cho mình thật nhiều hạnh phúc từ việc đọc, ngắm hoa lá.

Hoa giấy bên hiên thềm lay trong gió, màu hồng tươi thắm nhẹ nhàng lẫn trong lá xanh vươn ra song, vươn lên cao. Cây dưa leo bên song, chị gieo mấy hạt, lớn được một cây sống chung cùng chậu hoa giấy. Chị đếm, mười mấy lần nó ra hoa mới đậu được một quả. Cây và chị cùng nuôi, quả đã già căng rồi nhưng không nỡ hái ăn. Đẹp, giữ đó, nhưng không mãi mãi được. Khu đất trống trước mắt chị cũng thế, rồi đây người ta sẽ làm gì đó với nó. Làm gì? Chị ước nếu người ta xây dựng thì đó là một kiến trúc đẹp, trồng nhiều hoa cỏ, cây xanh.

Cứ ước, biết đâu là thật. Điều đó có lợi cho bao người, làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn. Chẳng phải chị từng đạt được những điều ước đó ư?! Đúng, chị có những sự thật tìm đến, đẹp hơn cả mơ ước và có những mơ ước thành sự thật, rất là may mắn, rất hạnh phúc!

Những khoảng trống, xin hãy tươi xanh! Và con người luôn cố gắng hết sức với những gì tốt đẹp.

Hồ Thị Ngọc Hoài
Bên dòng Kiến Giang huyền thoại
Bên dòng Kiến Giang huyền thoại3

Sự hiểu biết cùng cảm xúc rất đặc biệt của cô bé Hà Nội 12 tuổi về đất và người Lệ Thủy, Quảng Bình.

'Dân Ông Tạ' cất giữ một phần ký ức đô thị phương Nam
'Dân Ông Tạ' cất giữ một phần ký ức đô thị phương Nam

'Dân Ông Tạ' là cộng đồng người gốc Bắc di cư vào nam, được tác giả Cù Mai Công phản ánh trong bộ sách 'Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó'.

Viết ngược từ theo sở thích làm méo mó ngôn ngữ Việt
Viết ngược từ theo sở thích làm méo mó ngôn ngữ Việt

Gần đây, trường hợp viết đảo ngược từ xuất hiện tràn lan và ngày một phát triển. Có cơ hội, có dịp là đảo ngược. Đảo lấy được. Nhà văn, nhà báo cũng đua nhau viết ngược từ.

Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt trong tâm hồn người Việt, một lần nữa được nhắc nhớ qua chương trình đặc biệt kỷ niệm Giỗ tổ Hùng Vương trên Nông nghiệp Radio tối nay (18/4).

Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc
Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Nhà báo, nhà văn Dương Bá Trạc (1884-1944), hiệu Tuyết Huy, là anh trai của nhà giáo Dương Quảng Hàm. Cụ cùng các chiến sĩ đã sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục.

Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết
Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết

Đại tá Nguyễn Văn Hồng sau 30 năm cầm súng lại có tiếp 30 năm cầm bút, đó là nội dung tọa đàm văn chương diễn ra sáng 12/4 tại TP.HCM.

Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác
Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác

Hát trống quân Đức Bác là sự kết hợp giữa lời hát và nhịp điệu, cùng với những khúc hát sôi động xoay quanh các chàng trai Đức Bác và cô đào Phù Ninh.

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ
Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ3

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng thường được nhiều người biết đến với tư cách một nhà khoa học nông nghiệp, nhưng ít ai biết ông từng có thơ được in từ thời sinh viên.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã rời khỏi dương gian 23 năm, nhưng di sản nghệ thuật của ông vẫn không ngừng lôi cuốn công chúng, trong đó có những đoản văn tự tình.

Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’
Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’

Việc ứng xử như sách đã chép ít nhiều thể hiện sự tôn trọng đáng kể, dù 'Thư thất điều' đã khiến vua Khải Định bẽ mặt với quốc dân đồng bào ở trong và ngoài nước lúc đó.

Hà Giang hút khách
Hà Giang hút khách

Thị trấn Đồng Văn giờ khác lắm. Cầu trời, năm mười năm nữa, Đồng Văn sẽ không theo bước Tam Đảo, Sa Pa, nhà tầng chất ngất cướp mất dáng núi, thung mây...

Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh
Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh

Trong bài văn tế Phan Châu Trinh, Sào Nam Phan Bội Châu đánh giá 'Thư thất điều đón giá như Tây, uy sấm chớp chẳng kinh cùng chẳng hãi'.