Ca cao là một trong những mặt hàng nông sản có sự tăng giá mạnh nhất trên toàn cầu trong năm nay. Vào tháng 2/2024, giá ca cao trên thị trường tương lai đã lần đầu tiên vượt qua mốc 10.000 USD/tấn. Sau đó, giá ca cao giảm xuống nhưng vẫn ở mức rất cao. Cuối tháng 10/2024, giá ca cao trên thị trường thế giới đang ở mức hơn 7.300 USD/tấn.
Giá ca cao tăng cao có nguyên nhân chính là sản lượng ca cao giảm mạnh ở Bờ Biển Ngà và Ghana trong niên vụ 2023/2024. Theo Tổ chức Ca cao Quốc tế (ICCO), Bờ Biển Ngà và Ghana là 2 nước sản xuất ca cao lớn nhất thế giới, chiếm tới 54% sản lượng ca cao toàn cầu. Trong niên vụ vừa qua, sản xuất ca cao ở 2 nước này gặp khó khăn lớn bởi dịch bệnh, qua đó ảnh hưởng đến sản lượng ca cao thế giới. ICCO dự báo sản lượng ca cao toàn cầu niên vụ 2023/2024 sẽ giảm 11,7% so với niên vụ 2022/2023, xuống còn 4,461 triệu tấn.
Theo đà tăng giá chung trên thị trường thế giới, giá ca cao ở Việt Nam cũng tăng rất mạnh. Bà Lê Thị Thu Hà, nông dân ở xã Phú Hòa, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, cho biết, trong tháng 10/2024, giá ca cao tươi khoảng 12.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao chưa từng thấy với người trồng ca cao Việt Nam.
Cây ca cao trồng ở xã Phú Hòa, nếu được chăm sóc tốt có thể đạt năng suất tương đương từ 25 - 30 tấn/ha. Với giá bán hiện tại, mỗi ha ca cao, nông dân trồng tại xã Phú Hòa đang có doanh thu từ 300 - 360 triệu đồng/ha. Do ca cao ở xã Phú Hòa nói riêng và ca cao ở Đồng Nai nói chung đều được trồng xen trong vườn điều hoặc với các cây công nghiệp khác, nên ngoài doanh thu nói trên từ ca cao, nông dân còn có thu nhập từ cây trồng khác.
Điều đáng tiếc với ngành ca cao Việt Nam là trong bối cảnh giá thế giới tăng rất cao, thì diện tích và sản lượng lại đã xuống ở mức rất thấp. Theo Cục Trồng trọt, diện tích ca cao Việt Nam liên tục giảm từ năm 2012 đến nay. Năm 2012, diện tích ca cao Việt Nam đạt mức cao nhất trong lịch sử với 25,7 nghìn ha. Đến năm 2023, diện tích ca cao Việt Nam chỉ còn 3.471ha, trong đó, diện tích thu hoạch là 2.836ha, sản lượng đạt 4.786 tấn hạt khô.
Diện tích ca cao ở Việt Nam giảm liên tục trong hơn 10 năm qua là do hiệu quả sản xuất ca cao thấp, khó cạnh tranh với các loại cây trồng khác. Do đó, nông dân ở các vùng trồng ca cao đã chuyển đổi nhiều diện tích ca cao sang trồng cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày khác...
Tại Đắk Lắk, diện tích ca cao trên 10 năm tuổi tập trung ở các công ty như Công ty Cà phê Tháng Mười, Công ty Cà phê - Ca cao Krông Ana, Công ty Cà phê Buôn Hồ. Trong thời gian qua, người lao động đã chuyển đổi phần lớn diện tích ca cao sang trồng cà phê và cây ăn quả như sầu riêng, bơ...
Tại khu vực ĐBSCL, diện tích ca cao xen canh trong vườn dừa và cây ăn quả đã giảm mạnh ở các tỉnh Trà Vinh và Tiền Giang. Tỉnh Bến Tre từng có gần 10 nghìn ha ca cao trồng xen với dừa và cây ăn quả, đến nay, không còn đâu trồng ca cao.
Tuy diện tích và sản lượng ca cao giảm mạnh, nhưng ở nhiều tỉnh đã có sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trồng ca cao để hình thành những vùng sản xuất ca cao tập trung mang lại hiệu quả kinh tế tốt hơn cho nông dân và nâng cao chất lượng ca cao.
Cụ thể, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Ca cao Thành Đạt đầu tư chuỗi sản xuất, chế biến, kết hợp du lịch trải nghiệm tại Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức đầu tư chuỗi sản xuất ca cao, từ trồng trọt đến chế biến, thương mại tại Đồng Nai. Công ty Cao Nguyên Xanh đầu tư phát triển vùng ca cao tập trung quy mô lớn tại Đắk Lắk. Công ty TNHH Puratos Grand - Place Việt Nam triển khai dự án hỗ trợ sản xuất ca cao theo phương pháp nông lâm kết hợp tái sinh tại tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng.
Những doanh nghiệp và nông dân đang tiếp tục gắn bó với cây ca cao vẫn có niềm hy vọng với cây trồng này, bởi ca cao Việt Nam được các khách hàng quốc tế đánh giá cao về hương vị.
Theo Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (Đồng Nai), thị trường hạt ca cao thế giới phân ra 2 loại, gồm loại hạt “hương vị” và loại hạt “thường”. Loại hạt “hương vị” là từ giống cây Criollo hoặc Trinitario, trong khi loại hạt “thường” là từ giống cây Forastero. Sản lượng hạt ca cao “hương vị” chiếm chưa đến 10% tổng sản lượng ca cao hàng năm trên toàn thế giới. Giống ca cao được trồng ở Việt Nam là giống lai Trinitario là giống có chất lượng cao nằm trong 10% loại hạt “hương vị” trên toàn thế giới.
Còn theo Cục Trồng trọt, hiện nay, phần lớn nông dân sản xuất ca cao đã được tập huấn về lên men ca cao theo quy trình kỹ thuật được Bộ NN-PTNT ban hành. Nhờ vậy, 100% hạt ca cao Việt Nam được lên men, đạt chất lượng tốt, đảm bảo yêu cầu của các nhà thu mua chế biến và xuất khẩu trong và ngoài nước. Hạt ca cao Việt Nam cũng đã được ICCO chứng nhận là ca cao hương vị.
Sản xuất ca cao ở Việt Nam hiện tập trung ở Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Trong đó, Tây Nguyên có diện tích lớn nhất với 1.674ha, sản lượng 2.038 tấn, chiếm 48% diện tích và 43% sản lượng ca cao cả nước. Vùng Đông Nam bộ có với diện tích 1.380ha, sản lượng 2.291 tấn, chiếm 40% diện tích và 48% sản lượng cả nước.