'Chia sẻ' hay 'chia xẻ', đừng để nhầm lẫn đáng tiếc

Hoàng Tuấn Công - Thứ Ba, 31/05/2022 , 07:07 (GMT+7)

Đáng chú ý, những người mắc lỗi này thuộc đủ mọi trình độ, kể cả người cầm bút chuyên nghiệp, có học hàm học vị cao.

Trong tiếng Việt, “chia sẻ” và “chia xẻ” là hai từ thường bị dùng lẫn lộn hoặc đánh đồng làm một, dẫn đến lỗi sai chính tả. Đáng chú ý, những người mắc lỗi này thuộc đủ mọi trình độ, kể cả người cầm bút chuyên nghiệp, có học hàm học vị cao. Thậm chí ngay cả người hoạt động trong lĩnh vực ngôn ngữ và biên soạn từ điển chính tả cũng nhầm lẫn, viết sai. Ví dụ:

Trên mạng xã hội Facebook, một người đưa ra thắc mắc: “Em cũng rất băn khoăn với từ “chia sẻ” theo nghĩa hiện hành. Nếu viết “chia xẻ” họ bảo sai theo quy tắc chính tả bây giờ, dù rằng phải “xẻ” mới chia được”.

PGS.TS Ngôn ngữ học Lê Đức Luận (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, chỉ có “chia xẻ” chứ không có “chia sẻ”. Trong một bình luận trên Facebook, ông viết: “Viết sai chính tả là chuyện ai cũng vấp ít nhất một lần. Người miền Bắc có cái sai mà bây giờ thành đúng, như màu thành mầu, tàu thành tầu, xẻ thành sẻ, trong chia sẻ và mặc nhiên thừa nhận”. Và ông lý luận: “Chia tức là phải xẻ ra, còn sẻ không có nghĩa gì cả. Chia mà không xẻ ra thì không chia được”.

GS.TS - Nhà biên soạn từ điển Nguyễn Văn Khang lại coi “chia sẻ” và “chia xẻ” chỉ là một từ với hai dạng chính tả đều được chấp nhận. Điều này dẫn đến lẫn lộn lung tung:

- Trong “Từ điển chính tả tiếng Việt” (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội - 2018) Nguyễn Văn Khang chỉ dẫn “chia xẻ = chia sẻ”; viết thành ngữ “nhường cơm sẻ áo” thành “nhường cơm xẻ áo”.

- Đến sách “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Hán”, với trường hợp đáng lẽ phải dùng “chia xẻ”, thì Nguyễn Văn Khang lại dùng “chia sẻ”; ngược lại đáng lẽ phải viết “chia sẻ” mới đúng, thì ông lại dùng “chia xẻ”. Ví dụ, ông viết: “chia năm sẻ bảy” trong tiếng Việt đồng nghĩa với “四分五裂” (tứ phân ngũ liệt) trong tiếng Hán; trong khi viết đúng phải là “chia năm xẻ bảy”, vì “chia xẻ” mới có nghĩa là “phân liệt” 分 裂 (chia cắt).

Ở một mục khác, Nguyễn Văn Khang lại chọn cách viết “chia ngọt xẻ bùi” trong tiếng Việt để đối chiếu với “同甘共苦” (đồng cam cộng khổ), “分甘共苦” (phân cam cộng khổ) và “有福共享” (hữu phúc cộng hưởng) trong tiếng Hán. Tuy nhiên, viết đúng phải là “sẻ bùi”, vì “sẻ” ở đây là “chia sẻ”, “san sẻ”, cùng hưởng cùng chịu, tương ứng với “đồng cam” 同甘, “phân cam” 分甘, “cộng hưởng” 共享, phân hưởng 分享 (cùng hưởng vị ngọt, đắng; tỉ dụ có phúc cùng hưởng, hoạn nạn cùng chịu) trong tiếng Hán.

Khi chúng ta chia sẻ thông tin, chia sẻ bài vở, thì thông tin, bài vở ấy không hề bị xé ra, xẻ ra, không bị vơi bớt đi. Bởi vì “chia sẻ” này có nghĩa là cùng đọc, cùng thu nhận thông tin với nhau, chứ không có nghĩa là chia phần.

Còn “sẻ áo” trong “nhường cơm sẻ áo” nghĩa là chia sẻ, san sẻ, giúp cho nhau về cái mặc, cùng nhau chung hưởng (thế nên còn có dị bản “sẻ cơm nhường áo”; “Thương nhau chia củ sắn lùi/Bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng” - Tố Hữu). Còn “xẻ áo”, chỉ có nghĩa là cắt, xé, xẻ cái áo ra làm nhiều mảnh.

Như vậy, cái lý “chia tức là phải xẻ ra, còn sẻ không có nghĩa gì cả. Chia mà không xẻ ra thì không chia được”, không thể đứng vững.

Vậy khi nào thì dùng “chia sẻ”, khi nào thì dùng “chia xẻ”? Cách đơn giản để phân biệt giữa “chia sẻ” và “chia xẻ” như thế nào?

- Chia sẻ: Khi chúng ta diễn tả việc chia với nhau để cùng hưởng hoặc cùng chịu thì dùng chia sẻ. Sự chia sẻ này thường mang ý nghĩa tích cực.

Ta hãy nhớ một cách máy móc rằng, sẻ đây là san sẻ, san sớt. Vì san sẻ, san sớt không thể viết thành xan xẻ, xan xớt, nên chia sẻ cũng không thể viết thành chia xẻ.

- Chia xẻ: Khi diễn tả sự gì bị chia cắt, bị xé lẻ thành nhiều phần, làm cho một chỉnh thể nào đó không còn nguyên một mảnh, một khối nữa, thì dùng chia xẻ. Sự chia xẻ này thường mang nghĩa tiêu cực. Ví dụ: Lãnh thổ bị chia năm xẻ bảy; Mảnh đất bị chia xẻ ra làm nhiều miếng; Lực lượng bị chia xẻ ra nhiều nơi.

Ta hãy ghi nhớ chia xẻ đây là cắt xẻ, xé lẻ ra từng mảnh, nên phải viết giống xẻ trong xẻ gỗ.

Như vậy, chia sẻ và chia xẻ là hai từ mang hai nghĩa khác nhau, không thể thay thế cho nhau trong mọi trường hợp.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt là chuyên mục mới trên báo Nông nghiệp Việt Nam, được đặt theo tên một cuốn sách của Giáo sư Cao Xuân Hạo, nhà ngữ học và là một trí thức tinh hoa của đất nước.

Tên chuyên mục cũng nói hộ sự kỳ vọng kiến tạo và chấn hưng những giá trị đang bị xô lệch bởi cơn bão thời đại vốn lẫn nhiều gió độc. Ở đây, các nhà nghiên cứu và người Việt nói chung quan tâm đến văn hóa dân tộc sẽ góp tiếng nói sâu sắc, chính trực trong một khát vọng chung nhằm góp phần xây dựng những nền tảng quan yếu cho một xã hội tốt đẹp trong hiện tại và cho tương lai.

Rất mong nhận được sự ủng hộ, chia sẻ và cộng tác của những bậc thức giả cùng bạn đọc yêu mến!

Bài viết cho chuyên mục xin được gửi về Báo Nông nghiệp Việt Nam, 14 Ngô Quyền, Hà Nội. Email: baonnvnts@gmail.com.

Hoặc liên hệ người phụ trách chuyên mục: Ông Tô Đức Huy, Trưởng ban Thư ký Tòa soạn; Điện thoại: 0913.378.918; Email: toduchuy75@gmail.com.

NNVN

Hoàng Tuấn Công
Tin khác
Mạch nha Thi Phổ
Mạch nha Thi Phổ

Làng Thi Phổ thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là nơi sản xuất loại mạch nha thơm ngon nổi tiếng trong cả nước, gọi là 'mạch nha Thi Phổ'.

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận
Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh không chỉ được chuyển thể thành phim truyền hình và phim điện ảnh, mà còn liên tục tái bản với số lượng lớn để phục vụ độc giả.

Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư
Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư

Trong 'Quốc văn trích diễm', giáo sư Dương Quảng Hàm trích bài thơ 'Bán than' và cho là của Trần Khánh Dư. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tác giả là người khác.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả được giải thưởng Hồ Chí Minh, được hậu sinh kỷ niệm 10 năm ông đi xa, bằng một hội thảo tổ chức tại TP.HCM sáng 6/12.

Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm
Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm

Trên bia đá đền thờ tổ nghề chạm bạc Đồng Xâm có tuổi đời gần 600 năm ghi dấu ấn tinh hoa làng nghề và những điều răn dạy con cháu giữ nghiêm phép nghề.

'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc
'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc

Nội dung của 'Hưng Hóa kí lược' có 12 đề mục, bao gồm đầy đủ nội dung truyền thống của một cuốn địa chí.

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’
Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn với chùm thơ về vẻ đẹp đô thị năng động và bao dung, đã được trao giải nhất cuộc thi thơ ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’ năm 2024.

Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh
Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh

Nhà thơ xứ Nghệ Trần Quang Khánh chắt chiu cảm xúc những ngày quân ngũ và những năm dạy học để gửi gắm vào vần điệu chân thành và sâu lắng.

Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái
Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái

Vẻ đẹp núi rừng ở miền tây xứ Nghệ được tác giả Hữu Vi phác họa sinh động và quyến rũ qua tập truyện ngắn ‘Cái chết của bầy ong’.

Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm
Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm

Nhà văn Sơn Nam đã được nhiều tác giả tập trung nghiên cứu, và chuyên luận ‘Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam’ chứng minh rằng ông có thêm một khách tri âm nữa.

Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia
Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia

Học giả Nguyễn Đình Tư ở tuổi 104 được trao giải A của Giải thưởng sách quốc gia 2024 với công trình nghiên cứu về lịch sử đô thị phương Nam.

Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi
Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi

Đào tạo tiếng Việt tại Lào có thêm một địa chỉ mới ở Viên Chăn, với sự phối hợp giữa Trường Đại học Cửu Long và Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Lào.