Tôi được làm việc với anh Nguyễn Công Tạn từ khi mới tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp Hà Nội (1969) được phân công về Đoàn chỉ đạo sản xuất của Bộ Nông nghiệp giúp tỉnh Hòa Bình mà anh là Trưởng đoàn.
Kỷ niệm đầu tiên của tôi về anh là khi vào họp Đoàn, có ai đó trong nhóm chúng tôi đến chậm, anh yêu cầu lần sau sẽ không được dự nữa, để lại ấn tượng trong tôi về nguyên tắc làm việc nghiêm túc.
Từ đó đến nay hơn 40 năm, với tôi anh luôn là người thầy, người anh, người lãnh đạo trên những chặng đường hoạt động nghề nghiệp khi ở địa phương hay khi công tác ở Bộ, lúc về hưu tiếp tục xây dựng hiệp hội nông nghiệp.
Xuất phát điểm đóng góp lớn của anh Nguyễn Công Tạn là sự nghiệp trồng người, đào tạo nguồn nhân lực.
Từ cuối những năm 50, anh là Trưởng Bộ môn Canh tác, giảng dạy ở Học viện Nông Lâm, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Trưởng đoàn chỉ đạo sản xuất của Bộ Nông nghiệp giúp tỉnh Hòa Bình (năm 1967), khi anh công tác ở Phú Thọ (1971), ở Bộ (1978) rồi về Hà Nội (1982), trở lại Bộ Nông nghiệp (1986), ở Chính phủ (1997)…
Anh luôn chăm lo đào tạo, xây dựng đội ngũ từ sinh viên, cán bộ giảng dạy, xây dựng Bộ môn “Lao động xã hội chủ nghĩa”, rèn luyện cán bộ chỉ đạo sản xuất “ba cùng” với nông dân và thiết kế, xây dựng nguồn nhân lực toàn ngành nông, lâm, thủy sản, thủy lợi...
Khi nghỉ hưu (2002), anh lại sáng lập Trường Đại học Thành Tây, tiếp tục sự nghiệp “tiên vi sư, hậu vi sư” của mình. Có lần đi công tác với anh lên thăm Trường Đại học Lâm nghiệp, anh nêu ý tưởng xây dựng trường Xuân Mai đẹp, kiểu mẫu cho toàn khu vực Đông Nam Á.
Gần đây, nói chuyện vui với tôi, anh bảo: “Gia tài mình để lại còn hai thứ không biết cho ai đó là ngoại ngữ và tủ sách”. Tôi nói với anh: “Tủ sách thì anh nên tặng lại cho trường đại học, còn ngoại ngữ thì anh phải mang đi thôi”.
Trong những năm 60 và 70, là Thường vụ Trung ương Đoàn TNCSHCM, anh đi tiên phong trong phong trào thanh niên “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang” chống Mỹ cứu nước, tập hợp lực lượng trẻ đi xây dựng Khu kinh tế đầu tiên của Đoàn Thanh niên, khai sơn phá thạch, khẩn hoang ở vùng rừng Quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ) ngày nay.
Khi về Bộ Nông nghiệp (1978), anh là Thứ trưởng phụ trách sản xuất rồi kiêm Tổng Cục trưởng Tổng cục Khai hoang kinh tế mới, anh lại đi tiên phong trong phần việc xây dựng vùng kinh tế mới ở miền Trung, miền Nam và khai hoang vùng Tây Nguyên, Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên… góp phần giải quyết mục tiêu an ninh lương thực quốc gia và phân bổ lại lực lượng lao động, lực lượng sản xuất, khôi phục kinh tế nông nghiệp sau chiến tranh.
Chúng tôi khi đó gọi vui anh là “Nguyễn Công Trứ” thời nay. Có thể nói rằng anh Nguyễn Công Tạn đã giành cả cuộc đời mình cho mặt trận nông nghiệp, luôn ở tuyến đầu. Năm 1975 chúng ta mới có 10 triệu tấn lương thực (ĐBSCL khoảng hơn 4 triệu tấn), đến nay sản lượng lương thực của nước ta đã đạt 45 triệu tấn (ĐBSCL đạt gần 25 triệu tấn). Đó là một trong những kỳ tích của lịch sử nông nghiệp Việt Nam và thế giới.
Khoa học ngày nay phân biệt rõ lực lượng sản xuất và lực lượng sản xuất trực tiếp. Những nhà quản lý được xếp vào nhóm lực lượng sản xuất trực tiếp bởi vì những quyết định của họ có ảnh hưởng đến hàng triệu con người.
Anh Nguyễn Công Tạn là nhà quản lý hàng đầu trong ngành nông nghiệp nước ta, trưởng thành từ các cương vị: Giám đốc Khu kinh tế thanh niên, lãnh đạo cấp sở, thành phố, cấp bộ, cấp Chính phủ, tham gia Trung ương Đảng, Quốc hội…
Anh đã từng trải qua lãnh đạo ngành nông nghiệp các thời kỳ kế hoạch tập trung bao cấp sang Đổi mới, sang thị trường và hội nhập; chứng kiến và góp phần xây dựng những mốc tiến hóa trong nông nghiệp nước ta: Chỉ thị 100 (1981), Nghị quyết 10 (1988), xóa bỏ tem phiếu, sổ gạo, được Liên Hợp quốc tặng giải thưởng Thiên Niên kỷ cho Việt Nam về An ninh lương thực quốc gia và xóa đói giảm nghèo…
Nhớ những ngày, tháng, năm anh làm Bộ trưởng điều hành từng chuyến xe chở gạo từ Nam ra Bắc, những đêm ngày trực xử lý xả lũ nước sông Đà, những chuyến đi khảo sát thoát lũ ở ĐBSCL nắng cháy da…
Trong những năm 1990, 2000, anh là chủ biên của những chương trình lớn như chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp; phát triển kinh tế trang trại; chương trình rau, hoa, quả; chương trình giống quốc gia; chương trình thủy sản; chương trình trồng 5 triệu ha rừng; chương trình thủy lợi và thoát lũ ở ĐBSCL; chương trình khuyến nông…
Anh chủ trì xây dựng Luật Đất đai 1993, Luật Tài nguyên nước, Luật Phát triển rừng, Luật Đê điều, Luật Thú y, Luật Bảo vệ thực vật…
Mới đây nhất anh tâm huyết đề xuất “tái cấu trúc” ngành nông nghiệp chuyển đổi giảm bớt đất lúa sang nuôi trồng cây con khác có hiệu quả cao hơn khi động lực sản xuất của nông dân giảm sút. Tôi nghĩ rằng những nhà quản lý như anh Nguyễn Công Tạn có hệ số ảnh hưởng lớn trong nông nghiệp nước ta nói riêng và kinh tế cả nước nói chung.
Tuy chủ yếu làm quản lý nhưng điểm đặc biệt của anh Nguyễn Công Tạn luôn vẫn là người say mê khoa học kỹ thuật nông nghiệp. Người ta phong tặng anh là “cha đẻ” của việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật lúa lai vào nước ta từ đầu những năm 90 thế kỷ trước.
Hơn 20 năm qua, mỗi năm chúng ta gieo cấy 700.000 ha lúa lai, tăng sản lượng 1 triệu tấn thóc/năm, cộng dồn lại là một con số kỳ tích có giá trị hàng tỷ USD. Anh là người tổ chức chỉ đạo thực hiện ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật mới, đi nước ngoài anh mang về từng quả trứng giống, hom giống, cây giống, hạt giống… không chỉ trong nông nghiệp mà cả trong lâm nghiệp, thủy sản…
Khi nghỉ hưu, anh vẫn say sưa tìm tòi, viết sách, dịch sách… lập viện nghiên cứu nông lâm nghiệp, có sản phẩm lúa chất lượng cao RVT, cỏ VA06, nuôi ngỗng trời, trồng cây mắc ca, cây nhiên liệu sinh học, cây dược liệu mới, ứng dụng công nghệ xanh…
Tôi còn nhớ những ngày đầu ở Cục Khuyến nông Khuyến lâm (Bộ NN-PTNT), anh chỉ đạo chúng tôi tập trung làm 5 ưu thế lai gồm: lúa lai, ngô lai, bò lai (bò sữa), lợn lai, keo lai thành công.
Buổi trưa anh thường không nghỉ, hay xuống phòng tôi thảo luận, chỉ đạo. Ngay từ lúc đó, anh đã nêu ý tưởng cho chúng tôi về những “thành phố vườn”, về những “cặp đôi hoàn hảo”, những chủ trương “hai, ba trong một”, về những “dòng sông thịt, sữa” (trồng cỏ nuôi bò thịt, bò sữa ven các dòng sông).
Anh khẳng định về nông nghiệp đa mục tiêu, về dinh dưỡng và tầm vóc của con người và nông nghiệp Việt Nam nhiều năm sau. Thực tiễn đã chứng minh những sự suy tưởng khúc xạ, tầm nhìn vượt những đường biên của anh đã và đang trở thành hiện thực.
Gần anh Nguyễn Công Tạn, tôi học tập được phong cách sát thực tiễn, hỏi nhiều, đi nhiều, luôn tổng kết, nhạy bén với cái mới và luôn là con người của hành động.
Có lần tôi nói với anh, anh em so sánh khi đi công tác cùng anh với các yếu nhân khác là rất khổ, đi sớm, về muộn, chậm bữa…
Anh bảo: “Thế à, vậy thì cậu nhắc mình nhé”. Chánh Văn phòng Bộ Nông nghiệp tổng kết: “Anh ấy khen đừng vội mừng, anh ấy chê đừng vội buồn”.
Chúng tôi biết tính anh rồi thì cứ bình thản mà làm việc. Anh Tạn thuộc tầng lớp người “Elite” (tinh hoa) cầm lái, luôn suy nghĩ và nắm bắt nhanh nhậy thông tin khoa học công nghệ và thị trường để định hướng, chỉ đạo, tư vấn.
Nhớ anh người thấp nhỏ mà giọng nói rất vang, lúc nào cũng tính nhẩm rất nhanh hiệu quả kinh tế. Chúng tôi thường nói vui: “Đi với anh Tạn một lúc có thể nhận được hàng triệu USD”.
Anh Tạn có tố chất người dẫn đường, vừa quý vừa hiếm.