| Hotline: 0983.970.780

Ký ức về quá trình phát triển lúa lai ở Việt Nam

Thứ Tư 26/05/2021 , 06:26 (GMT+7)

Các nhà khoa học đã tiếp cận rất nhanh cả về nghiên cứu lúa lai 3 dòng lẫn 2 dòng. Chỉ sau gần chục năm, Việt Nam tương đối chủ động giống lúa lai.

Giống lúa lai 3 dòng chất lượng cao của Việt Nam HYT325 tại Thanh Sơn - Phú Thọ, vụ xuân 2020.

Giống lúa lai 3 dòng chất lượng cao của Việt Nam HYT325 tại Thanh Sơn - Phú Thọ, vụ xuân 2020.

Lúa lai vào Việt Nam như thế nào

Công nghệ lúa lai ra đời và phát triển đến nay đã già nửa thế kỷ. Thế giới biết đến sự thành công của Trung Quốc nhằm giải quyết nạn đói trầm kha suốt nhiều năm đại nhảy vọt bằng các công trình nghiên cứu của Giáo sư, Viện sỹ Viên Long Bình (Yuan Long Ping), người được mệnh danh là “cha đẻ” lúa lai của Trung Quốc, ngay từ 1964 các công trình này đã được công bố và lúa lai phát triển mạnh mẽ ở Trung Quốc với sự hỗ trợ của Chính phủ. Đến giữa những năm 1990, diện tích lúa lai của nước này đã lên tới trên 15 triệu ha, chiếm 50% diện tích trồng lúa. Năng suất lúa lai lúc đó của Trung Quốc đạt 6,44 tấn/ha cao hơn lúa thuần (Inbred rice) 2,02 tấn/ha, nhờ đó sản lượng lúa của Trung Quốc đã tăng trên 20 triệu tấn/năm và giúp nước này tự túc cơ bản được vấn đề lương thực.

Giống lúa lai LP1601 tại Nga Sơn - Thanh Hóa vụ xuân 2021.

Giống lúa lai LP1601 tại Nga Sơn - Thanh Hóa vụ xuân 2021.

Cũng đến đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, sau khi quan hệ 2 nước Việt - Trung được bình thường hóa, các nông dân dọc tuyến biên giới là những người được tiếp cận và gieo trồng lúa ưu thế lai từ nước bạn thông qua con đường trao đổi, giao lưu nhân dân. Nông dân các huyện Ba Chẽ, Móng Cái, Đầm Hà, Bình Liêu... tỉnh Quảng Ninh trồng lúa lai trên những mảnh ruộng bậc thang và dưới các thung lũng xen kẽ. Các ruộng lúa lai tạo nên sự ngỡ ngàng của không chỉ nông dân mà cả các cán bộ trồng trọt. Sở Nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh đã báo cáo Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, và Bộ đã chỉ đạo phải đi tắt đón đầu các tiến bộ khoa học công nghệ, quyết tâm phát triển lúa lai ở Việt Nam. Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn chỉ đạo cần tiếp cận nhanh với công nghệ lúa lai, tìm kiếm biện pháp mới để phá trần năng suất lúa, đảm bảo cân bằng vững chắc nhu cầu lương thực cho các tỉnh phía Bắc. Các dự án ngắn hạn về phát triển lúa lai ở Việt Nam được hình thành và Cục Khuyến nông chủ trì thực hiện; sau đó dự án nghiên cứu và phát triển lúa lai cũng nhận được sự tài trợ của các tổ chức Quốc tế. Bộ đã thành lập một Ban chương trình lúa lai toàn quốc, Trưởng ban là một lãnh đạo Bộ. Để nghiên cứu khoa học về lúa lai một cách hệ thống, Bộ còn thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển lúa lai đặt trong Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam.

Thái Bình buổi ban đầu

Thế hệ lúa ưu thế lai đầu tiên được nhập vào sản xuất rộng ở Việt Nam là giống Bác ưu 64 (còn gọi là Tạp giao 4 - TG4), là giống thích hợp cho vụ mùa ở miền Bắc Việt Nam; vụ lúa xuân có San ưu 63 (gọi là Tạp giao 1), San ưu quế 99 (Tạp giao 5)... Đây là những giống nổi trội.

Tôi lúc đó công tác ở Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp tỉnh Thái Bình.

Ở Thái Bình, vụ mùa năm 1992, lãnh đạo tỉnh và 2 sở: Khoa học Công nghệ, Nông nghiệp ra thăm lúa của Quảng Ninh và quyết định mua về hơn 1 tạ giống lai Bác ưu 64 (TG4). Công tác triển khai sản xuất giống này vô cùng khó khăn, vì hạt giống lai vừa lép kẹp, vừa hở vỏ trấu, khi mang đi giới thiệu kể cả cho không giống, hỗ trợ thêm phân bón cũng bị nhiều nơi từ chối với lý do đã chuẩn bị đủ giống cho vụ mùa rồi. Rất may, lượng giống mà Sở Nông nghiệp giao cho Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp tỉnh, chúng tôi đã thuyết phục được Phó chủ nhiệm HTX Nguyên Xá - Đông Hưng nhận làm. Hạt giống cho 5 sào, khi gieo cấy chỉ được 2,5 sào vì khi lấy hạt giống chị vợ anh phó chủ nhiệm đã sảy hạt lửng đi (đúng ra thì không bỏ). Hồi hộp theo dõi suốt hơn 3 tháng mùa vụ, cuối cùng cũng đến ngày lúa trổ bông phơi màu. Cả tấm ruộng 2,5 sào rất tốt, tốt trội hơn tất cả các giống xung quanh, chưa có giống lúa nào từ trước đến giờ trổ nhanh và đều như giống này, chỉ 3-4 ngày đã trổ xong và thụ phấn rất nhanh; bông to, nhiều hạt, và đến khi lúa chắc xanh, quay xuống mới thở phào nhẹ nhõm. Rất may vụ đó sâu đục thân và cuốn lá ít, phòng trừ đúng nên gần như không có thiệt hại. Khi bông lúa đỏ đuôi, lá đòng vẫn xanh và vươn trên bông, lúc chín lá đòng chuyển xanh vàng, cả ruộng lúa nhìn như sân phơi lúa vậy. Sở Nông nghiệp tổ chức hội nghị đánh giá ở nhiều điểm, song điểm Nguyên Xá - Đông Hưng là điểm thuyết phục nhất; rồi nông dân, cán bộ hợp tác xã cứ lũ lượt đến xem. Ruộng lúa Tạp giao 4 vụ mùa năm ấy chúng tôi gặt thống kê được trên 300 kg khô/sào (8,3 tấn hạt khô/ha, kỷ lục). Các địa phương cũng bắt đầu có kiến thức về lúa lai, hiểu biết rõ hơn đặc tính, đặc điểm và xây dựng được các quy trình canh tác hợp lý hơn, lượng giống sử dụng ít hơn so với lúa thường.

Hấp dẫn lúa lai.

Hấp dẫn lúa lai.

Từ đó lúa lai bắt đầu ồ ạt vào sản xuất, nhập lúa lai phải xin hạn ngạch của Cục Khuyến nông, kinh doanh hạt lúa lai được xem là lĩnh vực “siêu lợi nhuận”.

Chủ động nghiên cứu và sản xuất hạt giống

Về nghiên cứu lúa ưu thế lai: Ban đầu với các dự án hỗ trợ, chúng ta nhập hạt bố mẹ (dòng A và R) để sản xuất thử; công ty hoặc trung tâm giống của các tỉnh được tham gia dự án sản xuất, một đội ngũ cán bộ kỹ thuật được đào tạo và tập huấn về sản xuất hạt lai. Quy trình sản xuất gần như được bê nguyên và chuyển giao từ các chuyên gia Trung Quốc; ngâm ủ, gieo dòng bố, dòng mẹ, khoảng lệch về số lá và chênh lệch ngày gieo, mạ phải gieo rất thưa để to gan và có ngạnh trê (đã đẻ 1-2 nhánh) rồi móc cả bộ rễ lên đem cấy; theo dõi sinh trưởng rồi phát dục của lúa dòng mẹ, dòng bố, chỉ khi nào 2 dòng trổ trùng khớp thì mới cho hạt lai, còn lệch ít thì năng suất thấp, lệch nhiều thì mất hẳn chỉ có trấu ở dòng mẹ. Vụ sản xuất đầu tiên làm tổ hợp San ưu 63, ở Thái Bình không thu được hạt vì lệch nhau, dòng bố trổ trước tung gần hết phấn rồi mẹ mới trổ.

Điểm sản xuất hạt giống lúa lai F1.

Điểm sản xuất hạt giống lúa lai F1.

Khi Trung tâm nghiên cứu và phát triển lúa lai được thành lập và quy tụ những cán bộ kỹ thuật được đào tạo sâu về lúa ưu thế lai, được tập huấn ngắn hạn tại Trung Quốc, Việt Nam bắt đầu nghiên cứu sâu về dòng bất dục, dòng duy trì và dòng phục hồi, cùng với việc phát triển các tổ hợp mới, những giống đã được mở rộng sản xuất ở Việt Nam được tập trung nghiên cứu cải tiến và sản xuất dòng A trên cơ sở phát hiện và chọn được dòng B (duy trì bất dục) để nhân dòng A cho sản xuất hạt lai khi mà R có thể nhân sản xuất bình thường. Mục tiêu là tiến tới chủ động được sản xuất hạt lai, hạn chế nhập khẩu vì bị động và phụ thuộc vào sản xuất của Trung Quốc đồng thời không kiểm soát được chất lượng.

Đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Việt Nam đã nhanh chóng tiếp cận công nghệ sản xuất, những thí nghiệm cải tiến quy trình mới, thay đổi so với quy trình chuyển giao của bạn nhằm đơn giản hóa, giảm công sức và giá thành sản xuất. Sản xuất hạt lai được chuyển xuống thực hiện trên ruộng của nông dân thông qua các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, và thay vì phải gieo thưa, móc cấy, dòng mẹ được gieo mạ nền cứng, vừa gọn vừa đơn giản lại phù hợp với cách làm của nông dân, dòng bố được gieo dược nếu dài ngày hơn và thậm chí cũng được gieo mạ nền, phương thức gieo sạ trực tiếp dòng A cũng được tiến hành và các quy trình đã được xây dựng dựa trên các kết quả nghiên cứu đã đủ độ tin cậy. Sản xuất hạt lai không còn khó khăn như những năm đầu, và đó là cách làm của Việt Nam. Những năm gần đây, sản xuất hạt lai gồm cả 3 dòng và 2 dòng phần lớn được làm tại khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Các giống lúa lai có khả năng chống chịu thời tiết bất thuận tốt, năng suất cao và chất lượng ngày một cải thiện. 

Các giống lúa lai có khả năng chống chịu thời tiết bất thuận tốt, năng suất cao và chất lượng ngày một cải thiện. 

Nhiều tổ hợp có khoảng cách lá dòng bố, mẹ ngắn, độ thò vòi nhụy của dòng A tốt, nhận phấn tốt và chất lượng phấn của dòng A khỏe, nhiều, năng suất hạt lai khá cao, 3-4 tấn/ha.

Các nhà khoa học của Việt Nam đã tiếp cận rất nhanh cả về nghiên cứu lúa lai 3 dòng lẫn 2 dòng. Chỉ sau gần chục năm tiếp cận, Việt Nam đã có các giống lúa lai do các nhà khoa học Việt Nam chọn và sản xuất. Các giống lúa lai 3 dòng chất lượng cao như HYT100, HYT 57, LC2, LC3..., đặc biệt các giống lúa lai 2 dòng như VL20 và TH3-3 đã tạo những tiếng vang lớn khi nó được chuyển nhượng bản quyền cho doanh nghiệp. Chúng ta cũng chủ động cải tiến và sản xuất, duy trì được dòng mẹ bất dục Nhị 32A cũng như một số dòng A khác với chất lượng và ưu thế, khả năng kết hợp không thua kém dòng A nhập từ Trung Quốc.

Xem thêm
Hợp tác xã nuôi ong mật gắn với xây dựng sản phẩm OCOP

HÀ TĨNH Ong trong dự án sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh, năng suất bình quân đạt ≥18kg/đàn/năm, hiệu quả kinh tế tăng ≥10% so với nuôi đại trà.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Tiêu thụ chè trong nước bằng 1/3 lượng xuất khẩu nhưng mang lại giá trị cao hơn

Thực trạng cho thấy, lượng chè tiêu thụ trong nước chỉ bằng 1/3 so với khối lượng chè xuất khẩu, tuy nhiên giá trị tiêu thụ trong nước cao hơn.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.