| Hotline: 0983.970.780

'Cha đẻ lúa lai mất đi khiến chúng ta càng trân quý hạt gạo'

Thứ Tư 26/05/2021 , 11:10 (GMT+7)

'Sự ra đi của cha đẻ lúa lai Viên Long Bình như một nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của an ninh lương thực, không chỉ ở Trung Quốc mà cả thế giới'.

Cha đẻ lúa lai- giáo sư-viện sĩ  Viên Long Bình và các đồng nghiệp kiểm tra lúa lai trên cánh đồng thử nghiệm. Ảnh: Getty

Cha đẻ lúa lai- giáo sư-viện sĩ  Viên Long Bình và các đồng nghiệp kiểm tra lúa lai trên cánh đồng thử nghiệm. Ảnh: Getty

Đó là mở đầu chia sẻ của ông Phàn Thắng Căn, giáo sư đầu ngành tại Đại học Nông nghiệp Trung Quốc, nguyên Tổng giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế (IFPRI) có trụ sở tại Washington DC (Mỹ).

IFPRI là một trung tâm nghiên cứu nông nghiệp quốc tế được thành lập vào đầu những năm 1970 để nâng cao sự hiểu biết về chính sách nông nghiệp và lương thực thế giới nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới trong công nghệ nông nghiệp. Nhiệm vụ của IFPRI là tìm kiếm các giải pháp bền vững cho cuộc chiến xóa đói nghèo thông qua các nghiên cứu. IFPRI còn có văn phòng đại diện ở nhiều nước đang phát triển, bao gồm cả Trung Quốc, Ethiopia, và Ấn Độ, và có đội ngũ nghiên cứu viên làm việc tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Theo ông Phàn Thắng Căn, sự kiện nhà nông học nổi tiếng, cha đẻ lúa lai Viên Long Bình vừa qua đời cuối tuần trước (người đã có đóng góp lớn giúp hàng triệu người dân ở nhiều nước thoát khỏi đói nghèo) càng khiến chúng ta phải nỗ lực hơn nữa nhằm bảo đảm an ninh lương thực và giảm nghèo.

Dưới đây là cuộc phỏng vấn của tờ Chinadaily với ông Phàn Thắng Căn:

Ông đánh giá thế nào về thành tựu của ông Viên Long Bình trong bảo vệ an ninh lương thực của Trung Quốc cũng như những đóng góp của ông ấy trong cuộc chiến chống nạn đói trên toàn cầu?

Giáo sư Viên là một trong những nhà khoa học nông nghiệp quan trọng nhất, người đã cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp phát triển lúa lai năng suất cao. Nhờ công trình nghiên cứu của ông và các cộng sự, sản lượng lúa gạo của Trung Quốc đã tăng liên tục trong nhiều năm, giúp duy trì tỷ lệ tự cung tự cấp về lương thực của quốc gia đông dân nhất hành tinh.

Do năng suất lúa tăng cao, tức là sản lượng trên một đơn vị canh tác nên diện tích đất trồng trọt có thể được tiết kiệm cho các mục đích sử dụng khác, và kéo theo nước cũng như lượng khí thải carbon trên một đơn vị canh tác lúa cũng được giảm bớt. Trong khi đó nông dân lại được hưởng lợi từ sản lượng gạo nhiều hơn và tương tự người tiêu dùng cũng được hưởng lợi từ giá gạo thấp hơn.

Công nghệ sản xuất lúa lai của nhà nông học Viên Long Bình cũng đã được áp dụng ở nhiều quốc gia châu Phi và Nam Á, góp phần quan trọng vào an ninh lương thực toàn cầu và xóa đói giảm nghèo.

Sự qua đời của vị cha đẻ lúa lai đã gợi lại cho mọi người một chương đau buồn về nạn đói trong lịch sử. Tại sao Trung Quốc giờ đây vẫn coi an ninh lương thực và xóa đói giảm nghèo là ưu tiên hàng đầu?

Xóa đói có nghĩa là cải thiện các quyền cơ bản của con người, giúp họ tiếp cận thu nhập, tiếp cận thực phẩm, tiếp cận nhà ở. Tất cả những quyền này đều là những quyền cơ bản của con người mà chúng ta cần phải giải quyết, cho dù thời gian qua Trung Quốc đã đạt được thành tựu to lớn nhờ công cuộc xóa đói giảm nghèo và giảm suy dinh dưỡng.

Ông Phàn Thắng Căn phát biểu tại hội nghị của IFPRI vào năm 2020. Ảnh: Flickr

Ông Phàn Thắng Căn phát biểu tại hội nghị của IFPRI vào năm 2020. Ảnh: Flickr

Một điều cũng không kém phần quan trọng nữa là xóa đói giảm nghèo chính là nền tảng của hiện đại hóa đất nước, hiện đại hóa xã hội, và hiện đại hóa nền kinh tế.

Trung Quốc đã thành công trong con đường xóa đói giảm nghèo kể từ khi cải cách và mở cửa. Trung Quốc có thể đưa ra những kinh nghiệm gì trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và tầm quan trọng của nó đối với công cuộc xóa đói giảm nghèo toàn cầu?

Có một số bài học quan trọng mà chúng ta có thể học được từ kinh nghiệm của Trung Quốc và bài học đầu tiên là bắt đầu từ nông nghiệp. Chính sách sửa đổi, cải cách ruộng đất trong nông nghiệp đã giúp cải thiện thu nhập của nông dân, thu nhập của mọi người và giúp họ cải thiện khả năng tiếp cận lương thực.

Chính vì vậy, đây là một bài học lớn mà mọi quốc gia thực sự nên biết, làm sao để cho người nông dân có động lực sản xuất ra nhiều nông sản hơn bán ra thị trường. Nhưng khi nông dân có đủ “cái ăn” thì câu hỏi tiếp theo là làm thế nào để họ có thể tăng thu nhập?

Do đó sự dịch chuyển những việc làm phi nông nghiệp sau cuộc cải cách chính sách nông nghiệp đầu tiên bao giờ cũng rất quan trọng. Dần dà khi tất cả có đời sống kinh tế khá lên, giúp giảm nghèo trên quy mô lớn thì câu hỏi lại đặt ra là “Làm thế nào để việc giảm nghèo trở nên chính xác đến từng thôn bản, đến từng hộ gia đình, thậm chí cá nhân”?.

Vì vậy, tôi cho rằng công cuộc xóa đói giảm nghèo mà Trung Quốc đã thực hiện kể từ sau năm 2000, thậm chí là trong hơn 10 năm qua là đúng hướng và rất quan trọng để đảm bảo rằng không có ai bị bỏ lại phía sau.

Theo ông, làm thế nào để Trung Quốc có thể kết hợp giữa việc tăng thu nhập từ nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực với việc củng cố các thành tựu trong xóa đói giảm nghèo?

Nông nghiệp cần phải được định hình lại hoặc tái cơ cấu mạnh mẽ hơn nữa để đảm bảo rằng ở khu vực nông thôn, người dân nông thôn tiếp tục nâng cao thu nhập thông qua quá trình phát triển nông nghiệp và nông thôn.

Tôi muốn đưa ra một khía cạnh khác được gọi là phương pháp “tiếp cận hệ thống thực phẩm”. Nó bao gồm tất cả các hoạt động, nhân tố hoặc người tham gia vào “sân chơi” từ đầu vào, công nghệ, sản xuất, thu hoạch, chế biến, bán lẻ, bán buôn cho đến nhà tiêu thụ, đến mọi yếu tố của hệ thống đó.

Và lưu ý sau chót là sản xuất lương thực cũng liên quan đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nếu tác động thái quá sẽ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta. Tất cả điều này tạo thành một phương thức tiếp cận hệ thống thực phẩm.

Chúng ta cần sử dụng nó để đảm bảo rằng mọi người trong chuỗi hệ thống thực phẩm sẽ được hưởng lợi từ những thay đổi. Giai đoạn tiếp theo của cải cách là sử dụng phương pháp tiếp cận hệ thống thực phẩm để đảm bảo rằng mọi người dân ở nông thôn đều được hưởng lợi từ việc chuyển đổi hệ thống lương thực.

Trung Quốc đã cam kết sẽ làm hồi sinh nông thôn, nhưng khu vực nông thôn đang phải đối mặt với vấn đề dân số ngày càng giảm và già hóa. Vây theo ông cần thực hiện những biện pháp nào để từng bước đạt được mục tiêu?

Hiện có nhiều thách thức hoặc vấn đề mà chúng ta phải đối mặt ở các vùng nông thôn như phung phí nguồn nước, lạm dụng phân bón và thuốc trừ sâu, hay ô nhiễm môi trường… Hầu hết những vấn đề này đều đến từ khâu sản xuất.

Tôi cho rằng, để giải quyết những vấn đề này, ngay từ bây giờ chúng ta cần thay đổi hoặc định hình lại hệ thống lương thực để đảm bảo rằng môi trường khu vực nông thôn được bảo vệ. Và việc chuyển đổi hệ thống lương thực này có thể giúp thanh niên quay trở về nông thôn, tham gia vào khu vực doanh nghiệp giúp họ có thể khởi nghiệp kiếm tiền không kém những cư dân ở các đô thị.

Và quan trọng không kém là việc làm. Nếu tất cả các hệ thống thực phẩm liên kết với các doanh nghiệp sẽ có thể giúp sử dụng một số lượng lớn cư dân nông thôn di cư trở về có việc làm và thu nhập đảm bảo.

Cuối cùng tôi muốn nhấn mạnh một điều nữa là trung hòa cacbon. Tôi nghĩ rằng hệ thống lương thực, nông nghiệp phải đạt được mức độ trung hòa carbon vào năm 2060. Hệ thống thực phẩm và nông nghiệp cũng có thể được định hình lại hoặc đổi mới nhằm góp phần vào mục tiêu trung hòa carbon.

Vì vậy, mỗi khi bạn dùng bữa hãy đừng chỉ nhìn vào tác động đến dinh dưỡng và sức khỏe mà còn nghĩ đến môi trường của chúng ta. Ngoài ra nếu chúng ta giảm lãng phí và thất thoát thực phẩm, thì điều đó cũng giúp giảm lượng khí thải carbon, giảm sử dụng nước, giảm quay vòng đất và có thể giúp đạt được mức độ trung tính carbon vào năm 2060.

(Theo Chinadaily)

Xem thêm
Thường vụ Quốc hội đồng ý khởi tố, bắt tạm giam Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề nghị về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ nổ lò hơi khiến 6 người tử vong: Công an đã xác định nguyên nhân

ĐỒNG NAI Sau khi vụ nổ lò hơi tại Công ty gỗ Bình Minh xảy ra, Công an tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các đơn vị vào cuộc điều tra nguyên nhân của vụ việc.

Cò đã trắng trên miền cát mặn

Một bầy cò trắng tranh nhau dầm những đôi chân khẳng khiu trong hồ nước hiếm hoi giữa miền cát trắng. Nghe tiếng động, chúng nháo nhác bay lên, sải những đôi cánh trắng muốt...