Nông nghiệp sinh thái, nghe có vẻ mới mẻ nhưng thực chất có nhiều thực hành nông nghiệp sinh thái đã và đang diễn ra. Nhiều người trong ngành nông nghiệp hiểu rằng đó là xu thế tất yếu để phát triển bền vững vì lợi ích cho sức khỏe con người, kinh tế và môi trường, hôm nay và mai sau. Tuy nhiên, nhiều người vẫn hoài nghi rằng liệu có thể chuyển đổi trên diện rộng, thậm chí là trên toàn quốc? Đọc bài viết này, bạn cùng tôi thảo luận vấn đề này rồi mỗi chúng ta tự kết luận cho riêng mình.
Trước hết chúng ta cần hiểu thế nào là nông nghiệp sinh thái. Không thể phủ nhận vai trò của cách mạng xanh những năm 1960s-1990s của thế kỷ trước, việc sử dụng thuốc BVTV hóa học, phân bón hóa học đã góp phần đáng kể vào việc tăng năng suất cây trồng, là một bước tiến của sản xuất nông nghiệp, giải quyết việc thiếu lương thực trên toàn cầu.
Tuy nhiên, việc sử dụng quá nhiều thuốc BVTV, dẫn đến ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (đất, nước và không khí), ảnh hưởng đến sức khỏe con người và gây ra cái chết của các sinh vật có ích như ong, động vật thủy sinh (tôm, cua, cá). Việc sử dụng quá nhiều phân bón hóa học dẫn đến sự suy thoái đất, ô nhiễm NO3 nước ngầm (NO3 quá ngưỡng 50 mg/lít), tăng phát thải khí nhà kính N2O. Do đó, chúng ta cần tiến đến một nền nông nghiệp bền vững hơn. Năm 2019, 197 nước, trong đó có Việt Nam đã thông quan 10 yếu tố nông nghiệp sinh thái do FAO đưa ra:
- Đa dạng (sinh học và kinh tế)
- Đồng sáng tạo và chia sẻ kiến thức
- Sự cộng hưởng tạo ra đa giá trị
- Hiệu quả
- Tái chế
- Sự thích ứng
- Nâng cao đời sống con người và giá trị xã hội
- Truyền thống văn hóa và ẩm thực
- Quản trị có trách nhiệm
- Kinh tế tuần hoàn và đoàn kết
Nghe có vẻ mông lung đúng không? Ta hãy cụ thể hóa bằng những ví dụ như sau:
Tại “Hội thảo tham vấn Quốc gia: Chuyển đổi nông nghiệp sinh thái trong bối cảnh ASEAN”, được nghe, được tham gia buổi thảo luận nhằm thúc đẩy chuyển đổi nông nghiệp tại Việt Nam, sau đó trực tiếp nghe giải đáp những thắc mắc từ PGS.TS Đào Thế Anh – Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, người ủng hộ nông nghiệp sinh thái, tôi hiểu rằng, có nhiều mô hình chúng ta đang canh tác: Sản xuất an toàn, VietGAP, GobalGAP, quản lý sâu bệnh tổng hợp (IPM), quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), nông lâm kết hợp, rừng và trang trại, sản xuất hữu cơ (có chứng nhận như chứng nhận hữu cơ Việt Nam, hữu cơ PGS Việt Nam, EU Châu Âu, JAS Nhật Bản, USDA Hoa Kỳ), những mô hình nông nghiệp bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế, giảm hoặc không dùng hóa chất, tiết kiệm tài nguyên, thân thiện với môi trường đều là nông nghiệp sinh thái.
Một ví dụ điển hình là sản xuất nông nghiệp ở thôn Đồng Sương, xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Ở đó có khu sản xuất rau hữu cơ PGS Đồng Sương. Nhưng điều đáng chú ý là cả phía ngoài khu rau hữu cơ PGS, người dân cũng không dùng thuốc trừ sâu bệnh. Cỏ cắt bằng máy, làm bằng tay, bắt ốc bươu vàng trước khi cấy lúa.
Lượng phân bón vừa đủ, hạt lúa chín chắc mẩy. Vụ mùa 2023, trong khi tại ĐBSH, nông dân vất vả với rầy nâu và sâu cuốn lá, lúa ở Đồng Sương không bị dịch này. Vụ xuân 2024 cũng thế. Bà con gặt xong rồi, không biết đến dịch sâu cuốn lá như ở ĐBSH.
Hỏi bà con tôi được biết, trước đây, khi bị tác động bởi quảng cáo, bà con có dùng thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu bệnh, sau đó thấy nó không tốt cho chính mình và cũng không cần thiết, bà con đã không dùng nữa. Cả cỏ trong thôn xóm cũng thế. Khi cỏ ven đường rậm rạp, bà con sẽ cùng nhau dọn sạch đường làng, cắt cỏ bằng máy.
Ví dụ thứ hai là tại ĐBSH – vùng lúa rươi tại xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Đây là điểm đầu tiên của tỉnh Hải Dương được cấp chứng nhận hữu cơ, là mô hình để nhân rộng sang các xã lân cận có cùng điều kiện sinh thái. Với diện tích đất bãi ngoài đê 137 ha canh tác lúa – rươi – cáy đã được cấp chứng nhận hữu cơ, 214 ha đất trong đê đang trong quá trình chuyển đổi, ngoài sản phẩm rươi, cáy, hạt gạo hữu cơ ST25 không chỉ phục vụ gia đình mà còn là hàng hóa, tăng thêm thu nhập cho người dân.
Ở đây cỏ trên bờ cũng là một phần của hệ sinh thái, chúng giữ bờ, nuôi cả côn trùng, thiên địch và ong. Khi cỏ cao, đi lại khó khăn thì sẽ được cắt bằng máy. Dưới ruộng, cỏ được làm thủ công. Lúa cấy hàng sông rộng 40 cm, có thể dùng cào làm cỏ dễ dàng. Người dân bắt ốc bươu vàng trước và sau khi cấy lúa.
Nhà nhà bẫy chuột mỗi vụ lúa. Khi thu hoạch lúa, những ruộng lầy bùn máy không xuống được thì gặt bằng liềm là bắt buộc. Anh Phạm Xuân Luận, Giám đốc HTX cho biết những ruộng có thể gặt máy, người dân lo máy gặt nén đất, ảnh hưởng xấu đến rươi vì rươi tập trung ở tầng đất mặt nên HTX có kế hoạch chuyển sang gặt tay để bảo vệ rươi.
Vậy có thể nhân rộng mô hình như ở Đồng Sương hay An Thanh đến các tỉnh thuộc ĐBSH? Hãy nhớ cây trồng hay một hệ sinh thái đồng ruộng không phải là một nhà máy. Đó cũng là sự khác biệt giữa nông nghiệp và công nghiệp. Đồng Sương ruộng đồng được bao quanh bởi làng mạc và núi đồi. Bên cạnh đồng ruộng trồng cây hàng năm có nhiều cây lâu năm, là nơi trú ngụ của chim, thiên địch.
Trồng cây bóng mát trên ruộng đồng, vừa làm bóng mát, chỗ trú nắng cho người làm ruộng, vừa là nơi cho chim và các loài thiên địch khác được trú ngụ và nuôi dưỡng. Chim én ăn rầy nâu, tôi biết điều này khi đến ĐBSCL. Khi chim én chao lượn rồi dừng lại nhìn chằm chằm xuống ruộng lúa, anh chị em đồng nghiệp ở Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long nói với tôi rằng chúng tìm bắt rầy nâu. Một ví dụ về cây lâu năm nuôi dưỡng thiên địch là cây nhội.
Cây nhội tôi trồng trong vườn thu hút nhện hại, nhưng cũng chính là cây nuôi dưỡng thiên địch ăn nhện. Nhờ đó những cây hoa hồng trong vườn phát triển bình thường ngay cả trong mùa hè, nhện hại không đáng kể. Với mô hình lúa rươi hữu cơ ở An Thanh, Tứ Kỳ: xã An Thanh xa khu công nghiệp có sông Thái Bình bao bọc, cánh đồng có triền đê, lũy tre, có hệ sinh thái đồng ruộng phù hợp với rươi, cáy. Nước sông Thái Bình ra vào thường xuyên, có độ mặn từ 0 - 5‰ tùy theo mùa, độ mặn chủ yếu ở mức 1‰.
Theo anh Phạm Xuân Luận, Giám đốc HTX An Thanh, phát triển hữu cơ phải có điều kiện tự nhiên phù hợp, người dân ở đó phải có tính tự nguyện thực hiện, thanh tra chéo cũng chỉ là biện pháp. Người dân phải tuân thủ mới là bền vững. Với điều kiện tự nhiên như trên và xa khu công nghiệp, An Thanh đủ điều kiện để phát triển nông nghiệp hữu cơ. Cấy lúa kết hợp khai thác rươi, cáy tăng thêm thu nhập nên người dân tuân thủ cùng nhau bảo vệ môi trường để con rươi, con cáy phát triển. Có thể nhân rộng mô hình ra các vùng có điều kiện tương tự.
Việc cắt cỏ bằng máy hay bằng liềm trên bờ ruộng, không dùng thuốc trừ cỏ cháy cũng làm giảm đầu vào thuốc hóa học. Ảnh hưởng xấu của thuốc trừ cỏ đến môi trường kéo dài hơn chúng ta nghĩ. Đồng nghiệp từng chia sẻ với tôi rằng người ta lấy bùn dưới ao mà trên bờ thường phun thuốc trừ cỏ, cây mạ được gieo trên nền bùn đó chỉ lên được 1-2 cm (mạ mũi chông) rồi chùn lại, không phát triển được nữa.
Để người dân cắt cỏ, không dùng thuốc trừ cỏ đã bị cấm sử dụng Paraquad, Glyphosate nữa, người đứng đầu khu dân cư, HTX phải thay đổi tư duy. Việc cắt cỏ thay vì dùng thuốc trừ cỏ không làm nông dân nghèo đi, mà chất lượng môi trường sống được tăng lên. Hệ sinh thái đồng ruộng không bị phá vỡ. Bờ là nơi trú ngụ của côn trùng, cũng là để nuôi dưỡng thiên địch (giống như cây nhội).
Ví dụ rệp thích cỏ xuyến chi, rệp là thức ăn của bọ rùa. Hoa cỏ xuyến chi nuôi dưỡng ong. Bờ có cỏ mới không bị lở do rễ cỏ giữ bờ và cỏ che phủ mặt đất, đất bờ không bị xói mòn do mưa. Bờ cũng là nơi ở của động vật lưỡng cư và là thiên địch như ếch, ngóe, của giun và cua.
Làm thế nào để nâng cao năng lực của người nông dân? Theo tôi, cần thay đổi hình thức đào tạo khuyến nông, thay vì mời bà con đến lớp học, hãy đồng hành cùng bà con trên ruộng đồng. Đối với cây lúa, từ khi cấy đến khi lúa được 40 ngày hầu như không cần phun thuốc BVTV. Thời kỳ làm đòng, cây lúa mẫn cảm, dễ bị sâu bệnh tấn công. Khi đó cần cán bộ kỹ thuật đồng hành với nông dân, hướng dẫn bà con phun thuốc đúng lứa sâu, trị bệnh kịp thời. Từ khi ngài rộ đến khi sâu non nở thường khoảng 1 tuần. Lúa bị rầy nâu thường kèm theo khô vằn. Ở vùng sản xuất lúa hàng hóa, các công ty thu mua thóc cần có cán bộ kỹ thuật đồng hành cùng bà con để giảm thuốc BVTV và tiết kiệm chi phí.
Đối với cây rau, việc nâng cao sức khỏe đất là mấu chốt để cây trồng khỏe mạnh. Giảm phân bón hóa học, tăng phân hữu cơ để nuôi dưỡng không chỉ cây trồng mà cả hệ vi sinh vật trong đất và giun đất, giúp bảo vệ cây trồng như vi sinh vật đối kháng nấm bệnh như Trichoderma spp., giúp cây trồng chịu hạn như nấm cộng sinh Mycorrhizae, v.v. Ngoài việc tận dụng nguồn phân hữu cơ sẵn có bằng ủ phân từ chất thải chăn nuôi, ủ phân xanh, cần có đầu vào phân hữu cơ chất lượng. Đồng thời thuốc BVTV sinh học cần có sẵn trên thị trường.
Tôi chứng kiến thử nghiệm dùng phân hữu cơ Lucavi, giảm một nửa phân bón hóa học đã được thực hiện trên cây cà rốt xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Anh Nguyễn Văn Thuật, Giám đốc HTX cho biết, sử dụng phân bón hữu cơ, củ cà rốt có mẫu mã đẹp, đồng đều, năng suất thương phẩm bằng hoặc tăng so với đối chứng. Tuy nhiên, do người dân bán cả ruộng cho thương lái, nên ruộng bón Lucavi cũng bán với giá tương đương như ruộng canh tác thông thường. Chỉ cần chi phí sử dụng Lucavi bằng với chi phí canh tác thông thường, người trồng cà rốt Đức Chính sẵn sàng sử dụng phân bón Lucavi để giảm một nửa lượng phân hóa học.
Đối với vùng rau chuyên canh, cần luân canh với cây trồng ít hiệu quả kinh tế hơn cây rau nhưng có tác dụng tốt cho việc cải tạo đất như trồng cây họ đậu, không làm đất để giảm xói mòn. Có thể luân canh với lúa nước hoặc khoai lang để đất sạch bệnh và khống chế cỏ dại.
Việc lựa chọn cây trồng mùa nào thứ ấy làm giảm đáng kể đầu vào thuốc BVTV. Vụ đông 2023, tôi trồng cải bắp ngày 26/10, từ khi trồng đến khi thu chỉ phun 2 lần thuốc sinh học BT (Bacillus thuringensis). Cà chua, nếu trồng vụ sớm, cần lựa chọn giống chịu nóng, kháng virus xoăn vàng lá (TYLV).
Với cây công nghiệp, việc chuyển đổi nông nghiệp sinh thái trên cây chè đang được thực hiện bắt đầu bằng việc sử dụng phân hữu cơ và giảm phân bón hóa học, như bài đã đang ngày 25/10/2023 trên báo Nông nghiệp Việt Nam: Phân bón hữu cơ Lucavi và chuyển đổi nông nghiệp sinh thái. Đến thời điểm hiện tại người sản xuất chè ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên; huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai; huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái tiếp tục sử dụng phân hữu cơ, giảm phân hóa học.
Tôi được biết tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Sơn La sẽ đi đầu trong cả nước trong chuyển đổi nông nghiệp sinh thái và hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, có trách nhiệm, bền vững. Cứ đi là sẽ đến. Chúc hai tỉnh thành công và kinh nghiệm của hai tỉnh sẽ được chia sẻ, nhân rộng trên toàn quốc.