| Hotline: 0983.970.780

Bèo hoa dâu: Phân bón sinh học, thức ăn chăn nuôi và bảo vệ môi trường

Thứ Hai 19/12/2022 , 13:45 (GMT+7)

Phát triển bèo hoa dâu trên đất lúa hay trên mặt ao hồ có thể làm phân bón sinh học, làm thức ăn chăn nuôi, thay thế một phần đậu tương, bảo vệ môi trường...

Cuốn sách "Câu chuyện Bèo Hoa dâu (Azolla) - một thông điệp đến từ tương lai (Jonathan Bujack & Alexandra Bujak, 2022; dịch giả Phạm Gia Minh) đã làm tôi nhớ ngày còn bé, mùa xuân, khi cây lúa đã ra những chiếc lá non, xanh mơn mởn, trời lất phất mưa, các bà các mẹ thường gánh bèo ra thả ruộng lúa.

Cuốn sách

Cuốn sách "Câu chuyện Bèo Hoa dâu (Azolla) - một thông điệp đến từ tương lai.

Ngày đó, tôi được giải thích là bèo hoa dâu để làm phân vì nó cố định đạm và để hạn chế cỏ dại trên ruộng lúa. Hồi ấy chưa dùng thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm cho lúa như bây giờ, cỏ làm bằng tay hay bằng cào cỏ, lúc đầu là cào cỏ răng lược, sau là cào cỏ cải tiến cũng dùng lực tay để đùn. Cỏ bờ được cắt, một phần trâu ăn (những em bé chăn trâu cầm một đầu dây thừng, đầu kia cố định bởi một miếng cao su luồn qua mũi trâu để canh chừng, không cho trâu ăn lúa).

Bèo lan rất nhanh. Khi đã kín mặt ruộng một thời gian, nước trong ruộng được tháo cạn để lúa dừng đẻ nhánh, chuẩn bị làm đòng, cũng là lúc bèo chết để chuyển hóa thành dinh dưỡng cho cây lúa. Ngày bé, chắc hầu hết chúng ta đều được làm bài toán về bèo hoa dâu khi học cấp số nhân: "Cứ hai ngày thì diện tích bèo tăng gấp đôi. Hỏi diện tích thả bèo ban đầu là... thì sau bao lâu bèo sẽ phủ kín mặt ruông có diện tích là...".

Báo Nhân dân số 9007 ngày 5/2/1979, kỹ sư Đặng Đình Chấn (Vụ Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp) chỉ  đạo "Các địa phương dồn sức nhân thả nhanh bèo hoa dâu, đảm bảo hoàn thành kế hoạch vụ đông xuân 1978 - 1979: 400 nghìn ha bèo hoa dâu và 40 triệu tấn bèo hoa dâu được vùi cho lúa chiêm xuân" (theo con số này thì bèo hoa dâu phải được vùi đến 5 - 10 lần trong một vụ).

Ao bèo giống.

Ao bèo giống.

Tuy nhiên, có lẽ do sự phát triển của thuốc trừ cỏ, vì sự tiện lợi của phân bón hóa học, người ta không còn quan tâm đến bèo hoa dâu, nguồn phân xanh cho lúa và giảm cỏ dại nữa. Tôi nhớ quảng cáo thuốc trừ cỏ trên tivi, người ta trộn thuốc trừ cỏ với vật liệu gì đó rồi rắc bằng tay trần - không găng tay, sai về an toàn sử dụng thuốc BVTV (có lẽ vì thế đa số người dân không nghĩ rằng thuốc trừ cỏ là thuốc độc). Đọc cuốn sách trên, bèo hoa dâu có nhiều lợi ích hơn là phân xanh và hạn chế cỏ trên ruộng lúa. Tôi xin tóm tắt công dụng của bèo hoa dâu được viết trong cuốn sách trên cùng một số tài liệu khác như sau: 

Phân bón sinh học

Bèo hoa dâu Azolla cộng sinh chính với tảo lam Anabaena azolla. Chính tảo lam cố định đạm từ ni-tơ (N2) trong không khí, giống như vi khuẩn nốt sần trong rễ cây họ đậu, nhưng với năng suất cao hơn. Cụ thể, cây họ đậu cố định được 400kg ni-tơ/ha/năm; bèo hoa dâu cố định được 1.100kg ni-tơ/ha/năm. Với khả năng tăng sinh khối nhanh (tăng gấp đôi sinh khối trong thời gian chưa đến 2 ngày), bèo hoa dâu cung cấp lượng lớn chất hữu cơ để cải tạo đất. 

Ảnh 3: ruộng lúa thả bèo hoa dâu huyện Châu Thành, Kiên Giang. Ảnh: Phạm Gia Minh

Ruộng lúa thả bèo hoa dâu ở huyện Châu Thành, Kiên Giang. Ảnh: Phạm Gia Minh.

Thức ăn chăn nuôi

Bèo hoa dâu có hàm lượng dinh dưỡng cao: Tính theo khối lượng chất khô, protein (Pr) chiếm 25 - 35%; axit amin lên đến 10%; 10 - 15% chất khoáng; giàu omega 3, omega 6, vitamin A, beta caroten, vitamin B12 và các khoáng chất thiết yếu như Ca, Cu, Fe, Mg, P và K. Nó chứa Pr cao hơn các loài bèo khác như bèo tây, bèo cái và cỏ làm thức ăn gia súc như cỏ ba lá (cỏ ba lá có Pr chiếm khoảng 20% khối lượng chất khô). Do vậy, bèo hoa dâu có thể làm thức ăn cho gia súc, gia cầm và cá, dạng ăn tươi hay chế biến. 

Bảo vệ môi trường

+ Bèo hoa dâu có khả năng hấp thu CO2 cao, tăng nhanh khi môi trường chứa nhiều CO2, trong môi trường CO2 chiếm khoảng 385ppm (2008), Azolla filiculovides hấp thu 2.587kg C/ha/năm, tăng lên 4.660kg C/ha/năm ở môi trường 1.000ppm CO2, 6.569kg C/ha/năm, tương đương 24.108kg CO2/ha/năm ở môi trường 1.600 ppm CO2. Do vậy, mặt nước gần các nhà máy nhiệt điện nên nuôi bèo hoa dâu để giảm CO2 ra môi trường toàn cầu?         

+ Bèo hoa dâu ngăn ngừa việc muỗi đẻ trứng xuống nước do làm thành lớp ngăn cách mặt nước và không khí.

ảnh vèo hoa dâu GS Nguyễn Quang Thạch nuôi tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, do dịch giả Phạm Gia Minh cung cấp.

Bèo hoa dâu GS Nguyễn Quang Thạch nuôi tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Phạm Gia Minh.

+ Giảm phát thải khí CH4: Bèo hoa dâu làm thức ăn cho động vật nhai lại giúp giảm phát thải khí metal từ chất thải của chúng. Khí metal gây hiệu ứng nhà kính cao gấp 25 lần so với CO2 trên cùng một tỷ lệ thể tích. Khí CH4 gây hiệu ứng nhà kính chiếm 15 - 20% tổng số khí gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Theo nghiên cứu của Kimani S.M. và cộng sự 2018, đất trồng lúa nước có thả bèo hoa dâu phát thải khí CH4 bằng 2/3 lượng CH4 phát thải trên đất lúa nước không thả bèo.  

Việc sử dụng bèo hoa dâu làm phân bón sinh học, giúp giảm lượng đạm Urê phải sản xuất, tiết kiệm đáng kể tài nguyên nước và năng lượng. Năm 2018, trên toàn cầu có 2.170.000 tấn phân Urê được sản xuất, tiêu tốn 27.742.225m3 nước, chiếm 16% lượng nước tiêu thụ toàn cầu; tiêu tốn 376.979.956 kWh điện, chiếm 26% lượng điện tiêu thụ toàn cầu. Giảm sản xuất mỗi tấn Urê sẽ tiết kiệm được 12,8m3 nước và 173,7 kWh điện.

Cũng giống như bèo tây và các chi, loài bèo khác, bèo hoa dâu hấp thu kim loại nặng, chất khoáng, trong đó có NO3-. Cần lưu ý rằng, không có giải pháp vật lý và hóa học nào để có thể tách NO3- ra khỏi nguồn nước mặt, nhưng giải pháp sinh học thì có thể. Thực vật thủy sinh nói chung hấp thu NO3- làm giảm nguy cơ ô nhiễm NO3- ở nguồn nước mặt. Bèo hoa dâu và các chi, loài bèo khác được dùng để xử lý nước thải là một giải pháp hữu hiệu.

Chúng ta nên nuôi trồng và phát triển bèo hoa dâu trên đất lúa hay trên mặt ao hồ làm phân bón sinh học, làm thức ăn chăn nuôi, thay thế một phần đậu tương và bảo vệ môi trường. Tại Hội nghị Biến đổi khí hậu COP26, Thủ tướng cam kết cắt giảm khí nhà kính đến năm 2050 bằng 0. Chúng ta sẽ làm gì để từng bước thực hiện? Bèo hoa dâu có thể là một trong những giải pháp.

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                    

(Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm)

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Hành vụ đông bội thu

HẢI DƯƠNG Mỗi sào hành vụ đông thu lãi từ 4 - 6 triệu đồng, bằng 8 - 10 sào lúa.