Cuối tháng chạp, thời tiết đỏng đảnh cả năm cũng trở nên đằm thắm dịu dàng se sắt bởi chút gió đông sót lại khi mùa xuân hây hẩy ùa về. Dạo quanh vòng chợ, bất chợt nhận ra chợ quê đã khác rồi nhắm mắt hồi tưởng ngày xưa chị Bảy bán mắm ngay ở cửa chợ, cô Năm bán vải thường mặc áo bông, bà Mười ngồi bán bánh đúc, cạnh tiệm tạp hóa cô Hai chuyên bán nhẫn lắc dây chuyên mà bọn trẻ hay ùa ra mua rồi đeo lên lủng lẳng với tâm trạng hĩnh hĩnh trong chiều tất niên.
Chiều tất niên năm nào, tôi hay theo má ra chợ. Bà tần ngần giữa chợ vì ít tiền nên đắng đót chọn mua mỗi thứ một ít gói ghém đủ ăn trong ba ngày tết. Ở chợ, người bán kẻ mua có cùng âm sắc, cùng phương ngữ trao đổi, người mua đo được tấm lòng người bán, người bán hiểu rõ tâm trạng người mua, bởi người nào cũng gốc gác từ nông dân ra chợ.
Bây giờ ra chợ nghe nhiều giọng lạ, tất cả tạo nên hợp âm vùng miền sống động, hối hả trong tâm thế tất tả của những ngày cuối tháng chạp. Trong hỗn mang âm thanh ấy, lẫn có tiếng va đập chao chát, rồi tiếng chì tiếng bấc, tiếng nan nỉ ỉ ôi xen lẫn tiếng than thở nghẹn ngào. Bất chợt lòng chùng xuống khi chứng kiến hình ảnh và lời nói văng tục của anh trai miền Tây khi điên tiết đập nát các chậu hoa ngay thời khắc giao thừa, để sáng mai về lại căn nhà trống rỗng, anh cùng vợ con gặm nhắm nỗi buồn vì cái tết bẽ bàng theo mùa hoa tha hương.
Không biết tự lúc nào, tôi thích nghe giọng nói miền Tây, nghe tiếng mời Chế ơi, Cậu ơi mua giúp dùm em... Đó không phải lời rao giữa chợ, nó như lời mời của người trong nhà, giống mời nước mời cơm chân thành mà không đong đưa mồm mép, khác hẳn tiếng rao lặp đi lặp lại được cấy ghép nhả ra từ loa phóng thanh.
Chợ quê cuối tháng chạp ồn ã, người bán buôn như chim di trú, chẳng biết nơi nao là bến đỗ sau cùng, chỉ trừ dân địa phương. Dân địa phương thường hay vào sạp, thường nói cùng phương ngữ, cùng xưng má xưng con, cùng xưng bảy xưng mười, nếu lỡ mua hàng không ưng đổi lại. Hôm nào ra chợ gặp người xưng má thì thấy thương luôn vì lâu lắm rồi mình không được nghe, nên nỗi nhớ da diết từ đâu ập về.
Giọng chợ hôm nay trộn lẫn theo nhu cầu mưu sinh. Chỉ cần nhìn thấy hàng bán và nghe qua giọng nói đã khắc họa gia cảnh của họ, họ bỏ lại chồng con mang theo hành trang vào Nam là dư vị quê hương trên đôi quang gánh. Vậy nên người bán tàu hủ có giọng nói riêng, người bán mì gõ có cùng âm sắc nên tôi đồ rằng, người bán mì gõ tất thảy miền Trung và không ai nấu ngon bằng họ. Tương tự như vậy, chợ quê có thêm bánh pía bánh cam, bánh ú bánh ít được gói cẩn trọng như gói ghém yêu thương của người dân sông nước.
Có người nói, cảm nhận cái tết là những ngày cuối tháng chạp. Và cảm nhận những ngày cuối tháng chạp không đâu bằng ở chợ. Bởi lẽ, ở chợ, những ngày cuối tháng chạp thêm cám cảnh nhiều phận đời tha hương cầu thực. Kẻ háo hức bán vội mớ hàng sót lại rồi vội vã lên xe tốc hành kịp sum họp gia đình, người bần thần ở lại trong nỗi nhớ niềm thương về cái tết xa nhà với tâm trạng thẩn thờ lạc chợ để cuối cùng quay về nhà trọ ẩn dật một mình.
Đám sinh viên xa nhà ru ngủ niềm vui về quê ăn tết, túa ra tìm kiếm việc làm thời vụ mong có tiền trang trải học hành. Chị đồng nát, ve chai hẹn trở lại đồng bằng Bắc bộ sau tết, bởi trước và trong tết là mùa mưu sinh vào vụ để bù lại chuỗi ngày khó khăn vất vả trong năm. Thương bà bán vé số cần mẫn mời mọc, thương cậu trai mù đứng hát cải lương, thương mảnh đời cơ nhỡ rồi tự hỏi, không biết trong những ngày này họ có nhà cửa, có quê hương để về?
May mắn tôi có quê hương để về. Về thăm lại chợ quê trong những ngày cuối tháng chạp, về với thời quá vãng để hình dung má tôi loay hoay giữa chợ mà chẳng mua gì vì không có tiền. Những năm tuổi già, bà cũng loay hoay giữa chợ mà không mua gì vì mắt mờ chân yếu, cốt ra chợ để nghe tiếng người rồi hình dung chỗ này, chỗ kia ngày xưa ai ngồi.
Bây giờ má đã về trời, tôi một mình ra chợ nên buổi chợ cũng xao xác theo, như quãng đời xác xao chạy chợ của má. Bây giờ giọng chợ có nhiều cung bậc, lúc trầm lúc bổng, lúc da diết, lúc hối hả ngược xuôi. Trong vũ khúc đa âm ấy, tôi tạm gọi đó là giọng chợ mà trong đó có giọng má tôi, giọng bà gọi thằng con khi nó đang nhẩn nha đâu đó quanh chợ, tiếng gọi ấy như từ âm ba vọng về khắc khoải nhớ thương mà cả cuộc đời tôi không thể quên.