| Hotline: 0983.970.780

Nao nao chợ Tết dưới làng

Thứ Sáu 02/02/2024 , 06:30 (GMT+7)

Quảng Bình Ngày cuối năm, những phiên chợ quê vẫn đông kín người mua kẻ bán. Hàng hóa phong phú để nói lên sự đủ đầy trên những miền quê…

Đó là vào những năm thập niên 60, khi tôi đã biết đi bộ năm, bảy cây số mà không kêu mỏi chân thì mẹ mới cho theo đi chợ Chè. Cứ tưởng là mẹ sẽ cho ăn những chén chè ngọt lịm thì mới là chợ Chè, nhưng chẳng có chè ngọt đâu cả. Mà thôi, được theo Mẹ đi chợ là vui, là sướng rồi…

'Lạt này gói bánh chưng xanh'. Ảnh: T. Đức.

“Lạt này gói bánh chưng xanh”. Ảnh: T. Đức.

Chợ Chè nằm trên trục đường quốc lộ 1A thuộc xã Hồng Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), nơi gần tiếp giáp với xã Gia Ninh (huyện Quảng Ninh). Có lẽ, vì thế chợ Chè như nằm tại điểm chân đứng của cái compa khổng lồ khi nó quay một vòng tròn để quét gọn vào trong đó. Từ chợ Chè mở ra hướng đông băng qua mấy trảng cát là vùng biển Ngư Thủy, Gia Ninh. Ngước qua hướng tây là qua phá Hạc Hải rồi đến vùng bán sơn địa của Vạn Ninh, Hoa Thủy, Còn xuôi ngược Bắc – Nam thì có vùng Gia Ninh, Hồng Thủy, Thanh Thủy… Vì vậy mà chợ như hội tụ được cả đặc trưng những miền quê biển, sông hồ, ruộng đồng, núi đồi…vào trong đó.

Chợ Chè còn nổi tiếng về câu chuyện bộ đội Việt Minh vật nhau với lính Tây để cướp súng làm dấy lên phong trào “tay không cướp súng giặc” của lực lượng vũ trang Quảng Bình hồi đánh Pháp. Theo lời kể lại, lúc bấy giờ, lính Pháp đóng ở đồn Hòa Luật nam hay đi càn bắt Việt Minh dọc đường quốc lộ. Mỗi khi đi càn, chúng hay vào chợ Chè để ghẹo mấy cô thôn nữ, ăn quỵt hàng của các mẹ. Bộ đội địa phương và du kích lập kế hoạch bắt chúng và cướp súng. Một sáng, chợ Chè đang đông đúc thì từ cổng chợ có ai đó hét lớn “Tây đến”.

Toán lính Pháp chừng chục tên khoác súng đi thành hàng vào chợ rồi đi khắp hàng quán.  Bí mật, bộ đội cải trang nông dân đi chợ kè kè sát bên, cứ mỗi lính là có từ hai đến ba người giả vờ đi sát cạnh. Mấy cô hàng xén hôm nay không sợ lính mà cứ sấn đến bá tay ghì súng ra chiều lả lơi với mấy lính lê dương. Khi người chỉ huy thấy tình hình đã thuận lợi nên hô lớn “Ôm hè”. Ngày lập tức, những lính Pháp bị bộ đội vật ngã, người tước súng, kẻ giữ tay chân không cho chống cự. Cũng có trường hợp lính Tây khỏe quá, xô hẳn bộ đội nhỏ con dạt ra và chộp lại được súng. Nhưng nghe tiếng hô “Bộ đội Việt Minh đánh Pháp, bà con không nên hoảng loạn mà giúp bộ đội bắt lính Pháp”, thì nhiều người khỏe mạnh đã xúm vào vật ngã những tên lính ngoan cố để trói lại.

Trận đánh diễn ra không quá nữa giờ đồng hồ, không có ai thương vong. Lính Pháp bị trói và được giải thích chính sách khoan hồng của Việt Minh tha cho về đồn và cảnh cáo không càn quét, sát hại dân chúng. Còn bộ đội ta thu súng đạn, chiến lợi phẩm cùng quà bánh của bà con tặng, rút theo đướng bí mật về khu an toàn.

Niềm vui tìm được lá chuối đẹp để gói bánh chưng ngày Tết. Ảnh: T. Đức.

Niềm vui tìm được lá chuối đẹp để gói bánh chưng ngày Tết. Ảnh: T. Đức.

Cứ vào dịp gần Tết, thế nào mẹ cũng cho tôi đi chợ. Những lúc đó cứ như được lạc vào một cõi bồng lai nào đó, tay cầm chiếc kẹo bột (thứ kẹo nấu bằng đường bánh) một tay mẹ dắt đi qua hàng này đến hàng khác. Thỉnh thoảng, mẹ dừng lại hỏi han mua bán, tôi lại tha hồ ngắm nhìn hàng hóa, chú lợn con nằm im thin thít trong rọ tre hay mấy con ngan con như những cục bông vàng ngơ ngác.

Quê thuần nông nên sản vật cũng bắt nguồn từ hạt gạo mà ra. Nhiều nhất vẫn là các loại bánh: bánh đa, bánh đúc ăn vào vừa bùi vừa béo, bánh lá, bánh chưng thơm và dẻo, bánh mật ăn ngọt đến khó quên.

Người miền biển gánh vào chợ những gánh cá nục, cá ngừ, cá thu đã kho trong những nồi đất. Người mua thường mang theo bát, tô để đựng cá và cứ nì nài xin thêm muỗng nước kho cá. Bà miền biển vờ nghiêng nồi cá rồi chao cái thìa qua đáy xoong múc lên thứ nước kho thơm lừng cho vào bát người mua như ý nói: "Ui chao, nước kho cũng sắp hết rồi mà cá thì đang còn”. Bà bên cạnh thì bán cá nướng. Cá nục, cá trích, cá phèn được nướng bằng than cây rười cho vảy cháy lem nhem, cho con cá cứng lại. Hồi đó, để cá không bị ươn là các bà đốt cây rười để nướng cá rồi hôm sau mang vào chợ bán.

Thường người dân vùng đồi Hoa Thủy, Vạn Ninh.. đi chợ bằng đò chèo băng qua một góc phá Hạc Hải mang về những chè xanh, sắn, mít, măng, mật… của vùng đồi núi. Người dân vùng cát có thuốc lá, rau đậu, tôm cá. Cứ đến chợ Chè là đầy màu sắc văn hóa các vùng quê.

Thúng bánh chưng ngày Tết. Ảnh: T. Đức.

Thúng bánh chưng ngày Tết. Ảnh: T. Đức.

Ở chợ còn có rượu, thứ rượu quê trong vắt làm say biết bao lòng người. Rượu được nấu bằng gạo lứt nên uống rất êm, lỡ có quá chén một chút cũng không nhức đầu. Người dân nấu rượu chẳng mong chi lời lãi, chỉ lấy được bã hèm rượu để chăn nuôi. Tất cả, như quyện trộn tạo thành một cảm giác đầy đủ, no ấm của một chợ quê.

Ngày cuối năm, chợ vẫn nhộn nhịp, đầy đủ sắc màu. Người làm xong vườn tược, gieo cấy thì có vẻ thong thả tí chút. Ngược lại, người còn nhiều việc để làm, vội vàng, bán nhanh, mua vội để về theo việc đồng áng.  Người quê ngoài đi chợ Tết mua sắm các đồ ăn thức uống, không quên mua hoa. Những cành hoa rực màu theo mọi người đi khắp nẻo quê.

Có bữa, giáp Tết, mẹ nhắn tin, hôm qua đi chợ gặp con Thanh, nó mới về quê, nhắn con lên chơi, đi chợ tết vì nó cũng còn ít ngày lắm. Công việc níu giữ nên khó dứt ra được. Đến khi tôi về quê thì Thanh đã đón xe đò vào lại Tây Nguyên từ hôm qua. Mẹ tôi bảo: “Nó ra không gặp được con mà lại vội vào. Khổ, hôm trước đến chào mẹ để quay vô thấy nó cũng buồn buồn…”.

Hàng nông sản vùng quê luôn được xem là đặc sản của thị thành. Ảnh: T. Đức.

Hàng nông sản vùng quê luôn được xem là đặc sản của thị thành. Ảnh: T. Đức.

Thanh là cô bạn gái học cùng làng, cùng học với tôi. Thanh học không giỏi nên cô giáo cứ bắt tôi phải kèm thêm toán, văn cho bạn. Trẻ con cứ vậy chơi thân với nhau, có củ sắn cũng dành để bẻ làm đôi. Có những dịp giáp Tết, tôi và Thanh được mẹ giao cho đi chợ bán hương ren. Cây hương ren mọc trên đồi cát, đào lên lấy rễ phơi khô xay thành bột để làm hương thắp những ngày Tết. Mùi hương ren thơm đến kỳ lạ. Mỗi lần lên chợ, Thanh lại khéo léo bán hết thúng hương của tôi trước rồi mới đến lượt bán hương của gia đình mình. Có ngày chợ, hương của tôi bán hết, nhưng hương của em thì còn. Tôi hơi buồn, nhưng em lại cười tươi: "Rứa mai có đi thêm bữa chợ với em nữa mà”.

Rồi hết cấp hai, tôi thi đậu và học cấp ba trường huyện. Thanh học ở trường vừa học vừa làm nên hai đưa ít gặp nhau hơn. Đến tuổi thiếu nữ, Thanh đẹp thật, cái răng khểnh với cái lúm đồng tiền trên khuôn mặt hồng đã làm cho tôi ngượng khi ngồi gần và thi thoảng chỉ dám ngắm Thanh từ xa thôi. Có bữa, đi ra đầu làng, thấy Thanh đang lúi húi hái rau cho lợn bên bờ ruộng, tôi đáng bạo đến gần thì Thanh đứng thẳng người lên. Tôi như thoáng ngợp đến mấy giây mà cứ tưởng đã dài lắm. Thoáng nhận ra, mặt Thanh bất giác tái đi rồi chuyển sang ửng đỏ. Em ngớ người không nói được câu gì rồi bất chợt nhào lên xô ngã tôi xuống ruộng rồi tất tả bước thấp, bước cao chạy về nhà, để mặc tôi đang loay hoay với rổ rau bị đổ tung ra dưới ruộng. Thanh giận, đến gần cả tháng trời né mặt tôi. Có đêm, họp thanh niên của làng để tiễn mấy anh lớn tuối lên đường nhập ngũ, tôi hẹn Thanh đi cùng nhưng em từ chối bảo bận học. Nhưng khi tan buổi, Thanh đi lướt qua tôi dúi vào tay mảnh giấy rồi đi vội. Về nhà, tôi mở ra đọc “Thấy rồi, cấm không được kể với ai nghe không”- chỉ vậy thôi mà làm cái thằng mới lớn như tôi mất ngủ nguyên đêm đó.

Những sản vật các vùng quê tại chợ Chè những ngày giáp Tết. Ảnh: T. Đức

Những sản vật các vùng quê tại chợ Chè những ngày giáp Tết. Ảnh: T. Đức

Sau ngày thi tốt nghiệp, ai ai cũng lo học đêm ngày để bước vào kỳ thi đại học. Gia đình Thanh đăng ký đi vùng kinh tế mới Tây Nguyên nên không còn thời gian cho Thanh ở lại quê. Đêm quê, hai đứa đứng dưới gốc cây xoan, Thanh tấm tức khóc làm ướt cả vạt áo tôi. Tôi ghé chợ Chè, bước chân chầm chậm, thoảng trong gió mùi hương ren quen thuộc thơm nồng ấm, nao nao.

Những người ở xa, mỗi khi nhớ quê lại nhớ về chợ Tết, nhớ những hàng quán nhỏ rực ánh sắc hồng của tranh màu, nhớ cái xuýt xoa cay khi nếm món bánh đúc chấm ruốc pha ớt thật nhiều. Và phảng phất trong cái se lạnh mùi thơm hương ren vàng ai đó đốt lên mời gọi người mua thắp cho ông bà tổ tiên trong những ngày con cháu sum vầy. Cũng thật là thiêng liêng chỉ có ngày Tết thì dù đi đâu, ở đâu ai cũng mong được về sum họp gia đình. Những bữa ăn sum họp vào chiều Ba mươi cúng rước ông bà tổ tiên và chợ quê ngày Tết còn mãi gắn bó con người với cội nguồn quê hương.

Cá biển nướng cây rười vẫn là đặc sản cho đến bây giờ. Ảnh: T. Đức

Cá biển nướng cây rười vẫn là đặc sản cho đến bây giờ. Ảnh: T. Đức

Chợ quê không còn nghèo về hàng hóa mang đủ đầy cho cuộc sống yên bình. Bạn bè, anh em lâu ngày mới về quê một lần, xuống xe, xuống tàu y như rằng sáng ngày hôm sau phải ra ngay ngoài chợ. Muốn biết quê mình đổi thay ra sao, bây giờ có gì thì cứ ra chợ là khắc biết. Ngoài biết quê mình thay đổi thì còn cái thú gặp bạn bè. Lâu ngày gặp lại, sau hồi hỏi han tíu tít lại chèo kéo nhau vào quán lá ở góc chợ xì xụp ăn cháo bánh canh nấu cá tràu. Nghe ngon hơn mọi thứ trên đời…

Xem thêm
Công tử Bạc Liêu trên màn ảnh mờ nhạt cá tính

Công tử Bạc Liêu là nhân vật để lại nhiều giai thoại trong đời sống cộng đồng, nhưng khi được tái hiện thành một tác phẩm điện ảnh lại không mấy ấn tượng.

Đại kiện tướng Lê Quang Liêm xếp thứ nhì giải cờ vua quốc tế KPNest

Kỳ thủ cờ vua số 1 Việt Nam từ Mỹ trở về TPHCM thi đấu giải cờ vua quốc tế và kết thúc ở hạng nhì trong bảng mở của nam.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.