| Hotline: 0983.970.780

Thời sự Nông nghiệp

Xuất khẩu chuối đi Trung Quốc: Để người nông dân không còn mất Tết

Xuất khẩu chuối đi Trung Quốc: Để người nông dân không còn mất Tết

Từ một loại trái cây đứng Top 3 trong số các mặt hàng rau quả có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong năm 2023, vì sao trái chuối của Việt Nam lại ra nông nỗi trong những tháng giáp Tết này? Đâu là giải pháp căn cơ. Bài phân tích của ông Phạm Quốc Liêm - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Unifarm. 

Những ngày gần đây, tôi liên tục nhận được cuộc gọi từ các cơ quan quản lý nông nghiệp của các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương nhờ tiêu thụ chuối cho người trồng chuối tại các địa phương này. Từ một loại trái cây đứng Top 3 trong số các mặt hàng rau quả có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong năm 2023, vì sao trái chuối của Việt Nam lại ra nông nỗi trong những tháng giáp Tết này? Đâu là giải pháp căn cơ cho tình trạng "được mùa mất giá", vốn cứ lặp đi lặp lại?

Mới đây một số tờ báo đã dẫn lời của các chuyên gia phản ánh về tình trạng này với lý do khá chung chung là "do cung vượt cầu". Còn vì sao lại có câu chuyện "cung vượt cầu" trong bối cảnh Việt Nam và Trung Quốc đã ký Nghị định thư để xuất khẩu chuối sang Trung Quốc hơn một năm nay, đồng thời, đâu là giải pháp căn cơ thì lại chưa thấy ai nói. Với hiểu biết nhất định về ngành chuối, tôi xin phân tích một số chi tiết để những người có liên quan tham khảo.

Vì sao có tình trạng cung vượt cầu đối với sản phẩm chuối vào các tháng cuối năm?

Cần nắm rõ quy luật về giá chuối tại thị trường châu Á.

Cần nắm rõ quy luật về giá chuối tại thị trường châu Á.

Bất kỳ người sản xuất và kinh doanh chuối có kinh nghiệm nào đều phải nắm rõ quy luật về giá chuối tại thị trường châu Á vốn bị chi phối bởi nhu cầu từ các thị trường lớn, gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước Trung Đông. Nếu như do đặc thù về thời tiết, Hàn Quốc và Nhật Bản hoàn toàn không thể trồng chuối trên quy mô thương mại thì người Trung Quốc lại có thể trồng chuối với hàng trăm nghìn ha tại các tỉnh phía nam Trung Quốc, bao gồm: Quảng Đông, Vân Nam, Quảng Tây, Phúc Kiến và Hải Nam, từ đó, có thể cung cấp chuối cho chính họ trong suốt vụ hè thu kéo dài sang một phần vụ đông. Từ vụ đông, do nhiệt độ tại các vùng nói trên trở nên rất thấp (tương tự như miền Bắc nước ta), nên cây chuối thường không trổ bắp, kéo theo từ vụ xuân (tức 3 tháng sau), các vùng này sẽ không có chuối thu hoạch, dẫn đến gia tăng nhu cầu nhập khẩu chuối từ các quốc gia Đông Nam Á. Quy luật ở đây là, giá chuối nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc thường bắt đầu tăng từ tháng 2 đến tháng 5 dương lịch, rồi giảm dần cho đến tháng 10, sau đó giảm sâu vào các tháng còn lại.

Chính vì có quy luật này mà các doanh nghiệp, trang trại trồng chuối lớn chuyên xuất khẩu cho thị trường Trung Quốc từ các quốc gia Đông Nam Á như Philippines, Việt Nam, Campuchia… đều tập trung xuống giống vào đầu vụ hè để có thể thu hoạch vào vụ xuân, đón đầu giá chuối cao tại thị trường tỉ dân này. Câu hỏi đặt ra ở đây là vì sao người dân Việt Nam (và nhiều quốc gia khác) lại có sản lượng chuối lớn tại thời điểm vụ thu đông năm nay?

Ba năm qua, giá chuối tại thị trường Trung Quốc luôn từ rất cao đến ổn định

Ba năm qua, giá chuối tại thị trường Trung Quốc luôn từ rất cao đến ổn định

Có một thực tế là, trong hơn ba năm qua, giá chuối tại thị trường Trung Quốc luôn từ rất cao đến ổn định. Cùng kỳ năm 2023, giá chuối mà các thương lái thu mua tại các nhà vườn ở Đồng Nai, Tây Ninh đều ổn định từ 10.000 đồng/kg trở lên. Thực tế này có liên quan đến diễn biến bệnh héo rũ Panama (một loại bệnh hủy diệt trên cây chuối) đã không ngừng tàn phá các vùng trồng chuối trên thế giới, đặc biệt là tại Trung Quốc trong nhiều năm qua, làm giảm đáng kể diện tích trồng chuối tại quốc gia này. Cùng với chính sách về quản lý dịch bệnh Covid-19, tình hình càng trở nên khó khăn hơn với các trang trại trồng chuối do bế tắc trong khâu tuyển dụng và quản lý lao động. Sản lượng chuối thu hoạch tại Trung Quốc vì thế bị giảm sâu, kể cả vào thời điểm chính vụ của họ, kéo theo giá chuối nhập khẩu vào thị trường này chưa bao giờ xuống thấp. Người dân trồng chuối tại các quốc gia Đông Nam Á có một số năm được hưởng lợi từ tình trạng nói trên. Không ít nhà trồng chuối đã quên đi quy luật thị trường vốn đã hình thành từ rất nhiều năm về trước.

Diện tích chuối tại Việt Nam, Campuchia và Lào đang gia tăng nhanh chóng.

Diện tích chuối tại Việt Nam, Campuchia và Lào đang gia tăng nhanh chóng.

Hiện nay, tin vui cho người trồng chuối Trung Quốc là một số Viện nông nghiệp của họ đã bước đầu tuyển chọn được một vài giống chuối có khả năng chống chịu bệnh Panama với tỉ lệ sống sót chấp nhận được (dù chất lượng chuối cũng chưa cao). Tình hình kiểm soát dịch bệnh Covid-19 cũng đã cơ bản thành công. Những vùng trồng chuối của họ lại hồi sinh để có thể tự cung cấp chuối cho nhu cầu của chính mình. Vấn đề là, những ngày mùa đông này, chất lượng chuối tại Trung Quốc trở nên không tốt do bị nhiễm thời tiết lạnh. Sản lượng lớn, chất lượng thấp, cộng thêm với một lượng chuối khổng lồ được nhập khẩu từ các quốc gia Đông Nam Á đã làm cho tình trạng ùn ứ với giá thấp đang diễn ra khắp mọi nơi. Những ngày này, tại các chợ nông sản tại Quảng Tây, Quảng Châu, Thiên Tân, Thượng Hải…, không có gì nhiều bằng chuối tồn kho. Ngay cả các mặt hàng trái cây ôn đới như táo, lê, cherry… cũng đang rất dồi dào và cũng bị tác động giảm giá lây.

Nếu như những năm trước, quốc gia cung cấp sản lượng chuối lớn nhất cho thị trường Trung Quốc là Philippines thì hiện tại, diện tích chuối tại Việt Nam, Campuchia và Lào đang gia tăng nhanh chóng. Riêng tại Campuchia và Lào đã có rất nhiều trang trại chuối quy mô công nghiệp được thành lập với diện tích từ hàng trăm, hàng nghìn đến vài chục nghìn ha, được đầu tư bởi các ông chủ người Trung Quốc hoặc Việt Nam. Hầu hết các ông chủ này đều không ngần ngại chỉ rõ thị trường đích đến là Trung Quốc. Một số lượng khổng lồ trứng, à không, chuối, đang được đánh cược vào cùng... một rổ.

Giá chuối xuất đi Trung Quốc giảm sâu và những ai đang gặp tổn thương?

Tôi tạm phân chia thành bốn nhóm và liệt kê theo thứ tự tăng dần về mức độ tổn thương.

Nhóm đầu tiên, những đơn vị chuyên xuất khẩu chuối đi thị trường cao cấp tại châu Á như Hàn Quốc và Nhật Bản, dù có ảnh hưởng một chút do giá chuối thế giới đang thấp thì vẫn đang hoạt động ổn định, thành quả của việc chất lượng được kiểm soát chuẩn mực của những đơn vị này. Xuất khẩu đi Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc hay đi bất kỳ đâu với tiêu chuẩn đó đều ổn. Giá chuối mùa này dù có thấp một chút thì cũng là chuyện đã nằm trong kế hoạch kinh doanh của họ. May mắn thay, trong nhóm này, Unifarm không gặp ảnh hưởng gì do chủ động ký kết giá tiêu thụ cố định quanh năm với các khách hàng của mình.

Nguyên Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình (trái) thăm trang trại chuối của Unifarm tại Bình Dương.

Nguyên Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình (trái) thăm trang trại chuối của Unifarm tại Bình Dương.

Nhóm thứ hai, những doanh nghiệp và trang trại lớn chuyên xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tại các quốc gia Đông Nam Á như Philippines, Việt Nam, Campuchia, Lào. Những đơn vị này với quy mô của mình đều có sự đầu tư bài bản nhất định. Dù chất lượng chuối của họ chưa đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang các thị trường khó tính thì vẫn không đến mức không xuất khẩu được do đã có hợp đồng với những khách hàng Trung Quốc vốn "có ăn có chịu" với nhau. Mặc khác, những đơn vị này thường biết nên tránh tập trung sản lượng để thu hoạch vào vụ thu đông. Do vậy, họ được tính là nhóm dù có tổn thương về giá nhưng vẫn chưa quá khó khăn kiểu không tiêu thụ được.

Nhóm thứ ba, những đơn vị không đầu tư trồng chuối mà chỉ chuyên đi thu mua chuối của các trang trại và nông hộ. Cách đây vài năm, trong một bài viết đăng trên báo Nông nghiệp Việt Nam, tôi có phản ánh các vùng trồng chuối tại Đồng Nai, Tây Ninh chưa chú trọng đầu tư nhà đóng gói và kho lạnh bài bản tại trang trại. Thay vào đó, các nhà đóng gói lớn trong vùng thường do những đơn vị thu mua (phần nhiều có yếu tố Trung Quốc) đầu tư rồi đi gom hàng để đóng gói và xuất khẩu đi Trung Quốc. Họ không đầu tư vào quá trình trồng của người dân nhưng luôn sẵn sàng vào tận vườn để mua với giá cao và chất lượng thấp, khiến cho phần lớn các trang trại và nông hộ nhỏ đều tập trung bán cho nhóm này, để rồi khi giá chuối tại Trung Quốc lao dốc thì họ đóng cửa nhà đóng gói và ngừng thu mua. (Tình trạng này khá giống với tình hình kinh doanh sầu riêng tại Thái Lan và Việt Nam hiện nay). Nhóm này nếu có tổn thương hay mất mát, thì thứ để mất của họ là… uy tín, cũng một dạng tổn thương lớn.

Nhóm thứ tư, các hợp tác xã và nông hộ trồng chuối trên quy mô nhỏ. Nhóm này là tập hợp của rất nhiều người dân trồng chuối (hoặc bất kỳ sản phẩm nào khác đang có giá cao) theo phong trào, theo kiểu: "Tấp nập người trồng, mình cũng trồng". Ở nhiều địa phương, dù vẫn có các hợp tác xã được hình thành để giữ vai trò liên kết các xã viên trong sản xuất và tiêu thụ nhưng thực chất vẫn là mạnh ai nấy làm và hoàn toàn không theo tiêu chuẩn nào. Những người nông dân thường bỏ tiền vào mảnh vườn của mình với niềm tin là sẽ bán được cho nhóm thứ ba nói trên với giá cao. Gọi là "bỏ tiền với niềm tin" vì giữa họ và nhóm thứ ba nói trên không hề có bất cứ cam kết hay ràng buộc gì với nhau. Từ đó, trong điều kiện ùn ứ như hiện nay, "niềm tin" của người nông dân đã trở thành nỗi tuyệt vọng. Buồn thay, tập hợp các trang trại và hộ nông dân nhỏ lại đang chiếm một diện tích rất lớn trong tổng diện tích trồng chuối của cả nước. Thậm chí có không ít nhà quản lý còn quả quyết một cách tự hào rằng địa phương mình mới là thủ phủ trồng và xuất khẩu chuối, như một hình thức vô tình cổ vũ cho các mô hình manh mún mà đông đảo này. Với những gì đang xảy ra trên ngành chuối vụ thu đông này, không người có tâm nào có thể vô cảm được trên nỗi đau của người nông dân mình, nhưng rõ ràng có rất nhiều người trong cuộc cần kiểm điểm lại cách tư duy của mình, bởi một lẽ: Bài học này sẽ không chỉ dành riêng cho ngành chuối.

Có ai "giải cứu" chuối cho bà con nông dân nổi không?

Có một nghịch lý là ngay tại lúc này, khi trái chuối của người nông dân tiểu điền đang rên xiết kêu gọi "giải cứu" thì các doanh nghiệp đang bán hàng sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn không đủ sản lượng chuối để xuất khẩu. Tuy nhiên, chẳng thể có một phép màu nào để ngay lập tức biến những sản phẩm vốn hoàn toàn không đáp ứng được yêu cầu của thị trường khó tính về ngoại quan, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, yêu cầu về truy xuất nguồn gốc và đặc biệt là không có nhà đóng gói… thành sản phẩm có thể xuất khẩu đi các thị trường khác ngoài Trung Quốc.

Về lâu dài, chúng ta cần xác định việc đáp ứng tiêu chuẩn cho các thị trường khó tính là không hề khó. Người khác làm được thì mình phải làm được. Vấn đề là thời gian và giải pháp đúng đắn. Còn bây giờ, chịu đau một lần để nhớ mà làm lại cho tốt hơn, có lẽ là tư duy thích hợp nhất.

Đâu là những giải pháp cần hướng đến?

Công ty công nghệ sinh học Vietplants do Unifarm đầu tư.

Công ty công nghệ sinh học Vietplants do Unifarm đầu tư.

Trong chiến lược đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của mình, Unifarm vẫn trung thành với nguyên tắc "một tiêu chuẩn sản phẩm cao nhất cho tất cả thị trường". Tôi tin rằng ngành chuối Việt Nam nói riêng và ngành nông sản Việt Nam nói chung nếu muốn phát triển bền vững và hình thành năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế thì cũng phải áp dụng nguyên tắc này. Thị trường châu Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc hay Trung Đông đều có thể thay đổi tùy theo diễn biến của thị trường đối với ngành hàng. Vấn đề là để linh động chuyển đổi giữa các thị trường khi cần thiết, tiêu chuẩn sản phẩm phải là chuẩn cao nhất mà tất cả các thị trường đều chấp nhận.

Công ty công nghệ sinh học Vietplants do Unifarm đầu tư.

Công ty công nghệ sinh học Vietplants do Unifarm đầu tư.

Việc áp dụng công nghệ tự động hóa, công nghệ sinh học (về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) và thực hiện số hóa đồng ruộng là bước tiếp theo mà tất cả các trang trại lớn, nhỏ tại Việt Nam đều phải hướng đến sau điều kiện cần mang tên chất lượng. Qua đó, sản phẩm được làm ra phải có chất lượng tốt nhất với giá thành được kiểm soát cạnh tranh nhất, được tiếp thị đến khách hàng bằng dịch vụ chuyên nghiệp nhất. Cuộc cách mạng về số hóa, logistics và chính sách ưu đãi về thuế quan của thế giới sẽ dần thu hẹp lại các chênh lệch về chi phí sản xuất và tiêu thụ giữa các quốc gia trên thế giới. Lợi thế cạnh tranh giữa các quốc gia sản xuất sản phẩm cùng loại, vì vậy, đến từ chất lượng, năng lực quản lý và trình độ công nghệ.

Các doanh nghiệp nông nghiệp lớn vốn có sự đầu tư bài bản và tầm nhìn chiến lược nên việc chuyển đổi theo các định hướng nói trên là trong khả năng nếu họ thực sự muốn. Đối với các doanh nghiệp nhỏ, các hợp tác xã và nông hộ thì chỉ có một con đường duy nhất là liên kết. Liên kết giữa các nông hộ với hợp tác xã, giữa hợp tác xã với các doanh nghiệp có Tâm và Tầm để cùng phát triển bền vững. Tư duy sản xuất "giật gấu vá vai" và bán hàng kiểu "ăn xổi ở thì" cần nhanh chóng được xóa bỏ, nếu như không muốn thấy tình trạng "kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra" như hiện tại.

Trong bất kỳ liên kết nào, các mắt xích đều cần có năng lực, tâm huyết và chân thành cùng nhau. Việc này nói dễ nhưng làm khó, nhất là bên ngoài những liên kết đó luôn có nhiều nhóm cơ hội luôn không muốn bỏ chi phí đầu tư vào liên kết và không cam kết thu mua khi thị trường mất giá, nhưng sẵn sàng vào tranh vùng nguyên liệu và phá vỡ liên kết khi thị trường được giá. Vai trò của Nhà nước trong công tác tuyên truyền và chế tài đối với các bên tham gia liên kết, vì thế, là rất cần thiết. Nhu cầu về một liên kết bốn nhà (Nhà nước, Nhà khoa học, Nhà doanh nghiệp, Nhà nông), một khái niệm xưa nhưng chưa bao giờ là cũ.

Doanh nghiệp lớn vững mạnh cùng chung tay với các liên kết bền vững. Làm được điều này, chúng ta sẽ không bao giờ lo lắng về việc nông sản của Việt Nam phải lâm vào tình trạng "được mùa mất khách" (chứ không còn là "mất giá") như sản phẩm chuối trong mùa thu đông này.

Dịp tết Dương lịch 2023, tôi có một bài viết đăng trên Báo Nông nghiệp Việt Nam với tiêu đề "Đường đã mở nhưng chỉ dành cho người tử tế", trong đó có cảnh báo: "Không có một con đường nào dẫn đến sự suy tàn của một ngành nhanh cho bằng cứ phát triển ào ạt về số lượng nhưng không kiểm soát được chất lượng".

Mong rằng sẽ không có người nông dân Việt Nam nào còn phải mất Tết vì lời cảnh báo đó. Lần này là chuối, lần tới, mong là không đến sản phẩm nào khác.

----- Ông Phạm Quốc Liêm -----

Phạm Quốc Liêm
Xem thêm