“Đồng sen tàn” do NXB Hội Nhà Văn ấn hành tháng 9/2023. Tập thơ “Đồng sen tàn” chia làm 3 phần, mỗi phần 36 bài lục bát, gồm “Đồng sen tàn”, “Mùa sấu rụng” và “Tháng sáu”. Nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành cho biết, ông chỉ mất khoảng 50 ngày để hoàn thành từng phần. Tính toán chi li, tập thơ “Đồng sen tàn” được viết trong 150 ngày.
Nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành sinh năm 1964 tại Hà Nội. Ông từng tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du khóa 1993-1997, đồng môn với các tên tuổi Dạ Ngân, Nguyễn Quyến, Đặng Thị Thanh Hương, Đào Phong Lan… Ông có một tiểu thuyết và một tập truyện ngắn, trước khi chuyển sang kinh doanh khá thành công với thương hiệu taxi tải Thành Hưng.
Sau hai thập niên tung hoành thương trường, nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành quay lại sáng tác và công bố hàng loạt tác phẩm “Giấc mơ sông Thương”, “Chiều”, “Chân quê”. Năm 2022, nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành tung ra bộ trường thiên tiểu thuyết “Cõi nhân gian” 8 tập với 2000 trang in.
Nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành chia sẻ, ông không tự minh định sở trường của mình. Khi viết thơ, hoặc văn xuôi, ông đều thấy ngòi bút trơn tru với tốc độ viết cực kỳ nhanh, dù độ khá của từng thể loại khác nhau.
Từ bộ tiểu thuyết trường thiên “Cõi nhân gian” đến tập thơ lục bát “Đồng sen tàn”, nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành lý giả: “Với “Cõi nhân gian”, thì việc quản lý cả trăm nhân vật, liên kết các sự kiện trong một tuyến tính, trong một bố cục chặt chẽ và liên hoàn là hết sức khó khăn. Nó đòi hỏi ngòi bút luôn phải vừa tỉnh táo, khoa học, mạch lạc, khúc chiết, nhưng lại phải viết trong trạng thái thăng hoa, nhằm nuôi giữ ngọn lửa cảm xúc trên từng trang viết. Tóm lại vẫn phải giữ “trái tim nóng và cái đầu lạnh” của một nhà quản trị mới quản lý được một số lượng lớn nhân vật như vậy.
Với “Đồng sen tàn”, lục bát của tôi phá cách hơn so với lục bát truyền thống. Tôi sắp đặt cấu trúc, nhịp điệu, và sử dụng ngôn từ theo một tư duy mới, tạm gọi là tư duy lục bát mới. Tôi cố tình không thực hiện theo luật bằng trắc của lục bát truyền thống. Tôi ngắt nhịp, tạo nhịp điệu mạnh mẽ hơn so với lục bát cũ, nhằm nhấn mạnh chuyển tải ý nghĩa của câu thơ đến người đọc”.
Tập thơ “Đồng sen tàn” của Nguyễn Phúc Lộc Thành cùng tập thơ “Thanh không” của Tranh Thanh và tập thơ “Ngoài mây trời đầy trống vắng” của Đoàn Văn Mật là ba tập thơ vào chung khảo giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023. Kết quả cuối cùng, tập thơ “Đồng sen tàn” được vinh danh.
“Đồng sen tàn” là tác phẩm của một người viết có nghề, tự tin về khả năng làm chủ cảm xúc lẫn làm chủ kỹ thuật. Bằng sự trân trọng thể thơ truyền thống, tác giả chọn chủ đề nhất định như một “đơn đặt hàng” để thử thách bản thân trong quá trình lập ý, dựng câu, dụng chữ.
Thơ lục bát vốn luôn giăng bẫy vần điệu, để tác giả nào mất cảnh giác sẽ sa đà vào nhịp nhàng dễ dãi. Nguyễn Phúc Lộc Thành nhờ phẩm chất thi sĩ đã vượt qua trở ngại ấy, tạo cho mình một lối riêng: “Tôi ngồi canh tiếng chân quen/ Như con nghê đá phục bên sân đình/ Lặng nghe từ phía bình minh/ Hình như có cánh sen mình đang rơi”.
Nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành không cách tân lục bát, không làm đứt gãy câu thơ để lạ hóa lục bát, mà tuân thủ niêm luật tối đa theo cách “bình cũ rượu mới”. Lục bát Nguyễn Phúc Lộc Thành có ưu điểm ở sự tràn đầy hứng khởi quăng bắt từ câu đầu đến câu cuối. Nói cách khác, hơi thơ đắm đuối làm nên sự rung lắc khác biệt cho lục bát Nguyễn Phúc Lộc Thành: “Nhẹ thôi, em, hãy lựa mình/ Cho ta vừa khít cuộc tình trăng sao/ Cho em gượng chút hồng đào/ Để mai còn úa nốt vào trong nhau”.
Trong 3 phần của tập thơ “Đồng sen tàn”, tổng cộng 108 bài, thì phần “Mùa sấu rụng” vượt trội về sức quyến rũ với những ai yêu thích thơ lục bát. Ở phần “Mùa sấu rụng”, Nguyễn Phúc Lộc Thành dùng phương pháp xóa mờ khoảng cách giữa thực và ảo, để những chi tiết đời thường chìm vào bảng lảng sương khói mông lung. Có thể nhận ra điều này qua những câu thơ chấp chới không rõ vui buồn, từ sự bịn rịn “Đêm nay thôi bế thôi bồng/ Tình tan như sắc cầu vồng cuối mưa/ Ngập ngừng em bước lên chùa/ Còn nghe thấy tiếng mõ khua rụt rè” đến sự chia lìa “Ta theo mùa sấu ra đi/ Riêng em ở lại vu quy cùng ngày/ Giữa ta một khoảng trời chay/ Cách nhau chỉ nửa bàn tay muộn phiền”.
Tập thơ “Đồng sen tàn” góp thêm một sắc thái cho thể thơ lục bát Việt, từ ý tưởng nghệ thuật đến thực hành biểu đạt. Nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành không lắt léo ngôn ngữ mà uyển chuyển tâm tư để câu sáu và câu tám vận hành khéo léo và tự nhiên: “Ta về trồng mấy hàng si/ Đêm trôi trên những sợi khuy không cài”.