Nhà văn trẻ Huỳnh Trọng Khang thuộc thế hệ 9X, quê ở An Giang. Sau nhiều tác phẩm đăng trên các báo và tạp chí từ trung ương đến địa phương, nhà văn trẻ Huỳnh Trọng Khang gây tiếng vang trên văn đàn với tác phẩm “Mộ phần tuổi trẻ” và đạt được vinh danh hạng mục “Phát hiện mới” của giải thưởng Sách Hay năm 2017.
Với đam mê và nhiệt huyết, nhà văn trẻ Huỳnh Trọng Khang lần lượt phát hành các tác phẩm như tiểu thuyết “Những vọng âm nằm ngủ”, tập truyện ngắn “Phật trong hẻm nhỏ”, tập truyện thiếu nhi “Bơ không phải để ăn”. Trong năm 2023, anh có hai cuốn sách “Khu rừng trong chai” và “Bể trăng côi”, thì có một cuốn được trao giải thưởng Tác Giả Trẻ của Hội Nhà văn TP.HCM.
Khi tiểu thuyết “Bể trăng côi” vừa nhận giải thưởng Tác Giả Trẻ, thì nhà văn trẻ Huỳnh Trọng Khang lại được Nhà xuất bản Trẻ cho in truyện dài “Nơi không có tuyết”. Nếu như “Bể trăng côi” mượn nhân vật nhà sư Huyền Trang để bày tỏ những băn khoăn giữa đạo và đời, thì “Nơi không có tuyết” đề cao thế giới mơ mộng “Những người lớn ấy mà, họ có bao giờ hiểu đâu, cứ như họ chưa từng là con nít, cái niềm vui sướng, cái vẻ tò mò trước vạn vật trần gian, vì vạn vật trần gian đều tươi mới như quả vải dù mỗi năm đến mùa lại có, vậy mà vẫn một vị ngọt của mùa trước, của nhiều ngàn mùa trước, của triệu triệu mùa trước sai quả nặng cành đấy thôi”.
Với dung lượng 168 trang, “Nơi không có tuyết” khơi gợi trí tưởng về không gian xứ tuyết giá lạnh, nhưng lại nồng ấm như cổ tích mẹ kể, là đại diện đẹp đẽ bước ra từ khung trời mơ mộng trong mắt em thơ, đồng thời cũng là áng thơ tinh tế dành tặng cho những điều vốn nhỏ nhoi trong mắt người lớn.
“Nơi không có tuyết”, tức là nói về miền nhiệt đới ẩm ương oi nồng. Chốn đó ngày xưa có cậu nhóc hết sức thú vị với cỗ máy lạ lùng có tên “tủ lạnh” gây cuốn hút: “Buổi sáng xa xưa, ba tôi đem về nhà một chiếc tủ lạnh. Thuở ấy thị xã nhiều nhà vẫn chưa có điện, dù là phát minh xưa lắc lơ nhưng hiện diện ở vùng ngoại ô nơi khói bếp còn ám lên từng chiếc lá cỏ ven đường vẫn là một thứ xa xỉ phẩm để trưng bày hơn là sử dụng. Một cỗ máy được sáng chế để kéo dài sự hư hoại của các tạo vật thời gian đã ấn định phải có thời”.
Những buổi trưa hè, cậu nhóc lại rón rén mở cánh cửa ấy ra để thỏa niềm đam mê xem “tuyết” ra đời. Nhiều năm sau cậu nhóc ấy lớn khôn, dốc lòng học tập, dành dụm tiền tự lắp ráp cho mình chiếc phi cơ hòng chinh phục đỉnh tuyết băng vĩnh cửu Hy Mã Lạp Sơn.
Giữa đêm trường bão tuyết, số mệnh đã run rủi cho “phi công” ấy mối duyên lạ kỳ với một bông tuyết xa xưa, bé tí ti thôi, nhưng là chứng nhân cho bao nỗi buồn thương của muôn người muôn vật trên Trái Đất tự xa xôi ngút ngàn. Một cuộc hàn huyên bắt đầu với những cắc cớ, những hoang mang và những choáng ngợp.
Nhà văn trẻ Huỳnh Trọng Khang luôn tìm tòi cách thể hiện. Cho nên, “Nơi không có tuyết” lại có dư âm suy ngẫm của một người viết dạt dào cảm hứng sáng tạo: “Tuyết. Mênh mông tuyết. Khắp Hy Mã Lạp Sơn này trùm kín một màn tuyết dày vĩnh cửu, cái ôm tha thiết, giá băng của thanh thiên vĩnh hằng quyết định giữ rịt làm riêng, tránh xa những phàm nhân tò mò, từ ngày này qua ngày khác, năm nọ sang năm kia, cố gắng chinh phục nó. Ôi chao! Thanh thiên vĩnh hằng thở than - họ mới cao ngạo làm sao”.