Nông sản xuất khẩu 2024

Đưa tôm Việt Nam vào sâu các thị trường nhỏ

Bảo Thắng - Thứ Hai, 01/04/2024 , 14:20 (GMT+7)

Với diện tích vùng nuôi, năng suất gần như được giữ ổn định nhiều năm qua, ngành tôm cần tính toán thị trường xuất khẩu để tối đa hóa giá trị.

2023 là một năm nhiều thách thức với ngành tôm Việt Nam. 

Từ đầu năm 2024, ngành tôm được dự báo sẽ gặp khó khăn khi Hiệp hội Chế biến tôm Hoa Kỳ (ASPA), một tổ chức đại diện cho quyền lợi của ngành khai thác tôm tự nhiên và chế biến tôm của quốc gia này, nộp đơn đề nghị áp thuế chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu từ Ecuador, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam.

Cùng với đó, căng thẳng tại Biển Đỏ khiến cước vận tải biển đi Hoa Kỳ tăng. Hồi tháng 2/2024, VASEP  đánh giá xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ - thị trường xuất khẩu đơn lẻ lớn nhất của Việt Nam - sẽ bị ảnh hưởng suốt nửa đầu năm 2024. 

Tuy nhiên, thực tế xuất khẩu tôm các loại sang Hoa Kỳ trong 2 tháng đạt 72 triệu USD, tăng 26%. Đồng thời, sau khi chạm đáy vào tháng 11/2023, giá trung bình các loại tôm đã có xu hướng tăng trong đầu năm 2024.

Bà Tạ Thị Kim Thu, chuyên gia thị trường tôm của VASEP nhận định, doanh số bán thủy sản tươi sống và đông lạnh của Hoa Kỳ dự báo sẽ ổn định trong năm 2024, sau khi gặp nhiều khó khăn trong năm 2023 do lạm phát, người dân thắt chặt chi tiêu.

"So với một số nguồn cung tôm chính cho Hoa Kỳ là Ấn Độ, Ecuador, Trung Quốc thì Việt Nam được đánh giá có triển vọng hơn, nhất là khi quan hệ ngoại giao giữa hai nước hiện rất tốt đẹp, mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa Việt Nam sang Hoa Kỳ", bà Thu phân tích.

Cũng theo chuyên gia này, người dân Hoa Kỳ hiện có xu hướng tiêu dùng nhiều hơn, sau khi Cục Dự trữ Liên bang (FED) đưa ra những tín hiệu lạc quan về bức tranh kinh tế trong năm nay, như tiền lương của người lao động trong tháng 1/2024 tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn nhiều so với dự báo trước đó; thu nhập thực tăng 2,5% trong năm nay.

Ngoài ra, GDP của Hoa Kỳ được dự đoán tăng 2,1%, cao hơn so với dự báo 1,4% trước đó. Quốc gia này đang triển khai nhiều chính sách đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, giảm phụ thuộc quá nhiều vào một vài thị trường lớn.

Xuất khẩu tôm năm 2024 có thể tái hiện kỷ lục năm 2022, ở mức 4,3 tỷ USD. Ảnh: TTXVN.

Hiện tôm Việt Nam đã được xuất khẩu đến khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 5 thị trường lớn gồm châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Việt Nam liên tục nằm trong tốp 3 quốc gia xuất khẩu tôm nhiều nhất thế giới, với giá trị xuất khẩu chiếm 13 - 14% tổng giá trị xuất khẩu tôm toàn cầu.

Hàng năm, ngành tôm đóng góp khoảng 40 - 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ từng lập kỷ lục 4,3 tỷ USD. Cũng trong năm này, ngành thủy sản lần đầu tiên vượt mốc 10 tỷ USD xuất khẩu.

Điều tương tự có thể tái diễn trong năm 2024, theo các chuyên gia thủy sản. 

Căn cứ kế hoạch triển khai năm 2024, Cục Thủy sản giữ ổn định tổng diện tích nuôi trồng (khoảng 1,3 triệu ha), trong đó có 737.000ha nuôi tôm nước lợ. Ước tính, Việt Nam sẽ thu hoạch khoảng 1,12 triệu tấn tôm, gồm 300.000 tấn tôm sú, còn lại là tôm thẻ chân trắng.

5 nhóm nhiệm vụ cũng được xác định triển khai từ giờ đến cuối năm. Cục trưởng Trần Đình Luân cho biết, ngành thủy sản sẽ phối hợp chặt chẽ giữa công tác quan trắc, cảnh báo môi trường với giám sát dịch bệnh để có dự báo chính xác và cảnh báo sớm đến người dân.

Đồng thời, toàn ngành tôm sẽ phát triển chuỗi sản xuất theo hướng thâm canh, công nghệ cao. Trên cơ sở đó, người nuôi sẽ được hướng dẫn trực tiếp về kỹ thuật, khoa học công nghệ tiên tiến, phù hợp, hiệu quả với từng phương thức nuôi.

Tại các vùng sản xuất tôm trọng điểm, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long, doanh nghiệp, HTX và người dân được khuyến khích tổ chức sản xuất theo hướng liên kết, sản xuất có chứng nhận chất lượng để sản xuất an toàn, hạ giá thành và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Cùng với đó, đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật đối với diện tích nuôi tôm sú quảng canh, quảng canh cải tiến, sinh thái, hữu cơ.

Bà Trần Thụy Quế Phương khuyến cáo đẩy mạnh xuất khẩu tôm đến các thị trường gần Việt Nam.

Đồng hành với cơ quan quản lý, doanh nghiệp xuất khẩu phấn đấu tăng trưởng 10 - 15% trong năm 2024. VASEP thông tin, nhu cầu sản phẩm có nguồn gốc protein từ thủy sản đang ngày một tăng. Người tiêu dùng tại các nước phát triển có xu hướng thay thế dần nguồn protein từ động vật trên cạn.

Bà Trần Thụy Quế Phương, Chánh văn phòng VASEP chia sẻ: "Sự tăng trưởng của thị trường nhỏ lẻ là động lực để xuất khẩu tôm Việt Nam tái hiện mốc kỷ lục. Do ảnh hưởng của chiến tranh và biến động ở Trung Đông, chi phí vận chuyển tới châu Âu, Hoa Kỳ tăng, nên nhóm thị trường có vị trí gần Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc sẽ là lợi thế".

Hiện tôm Việt Nam đứng thứ 3 tại thị trường Trung Quốc, thứ nhất tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến định hướng, ngành tôm cần hướng tới tăng sản lượng để có "phần dôi dư" xuất khẩu sang một số thị trường nhỏ, trong đó có Hà Lan.

"Cùng một lượng sản xuất nhưng xuất khẩu đi đâu để nâng cao giá trị là điều cần tính toán. Để phát triển ngành tôm bền vững, các địa phương cần chung tay quản lý về tôm giống, vận chuyển, chất lượng thương phẩm. Đồng thời, ứng dụng khoa học công nghệ về giống, chế phẩm sinh học, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm", Thứ trưởng yêu cầu.

Được xem là cường quốc xuất khẩu tôm, nhưng Việt Nam còn gặp nhiều vấn đề tiềm ẩn. Trong đó, tôm bố mẹ phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu (83,5% tôm thẻ chân trắng, 16,5% tôm sú) và khai thác từ tự nhiên (33,3 % tôm sú).

Ngoài ra, nhiều cơ sở chưa được kiểm tra cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản theo quy định của Luật Thủy sản 2017 (khoảng 40% số cơ sở) nhưng vẫn được cấp chứng nhận kiểm dịch. 

Giá thành sản xuất tôm ở Việt Nam còn tương đối cao. Cụ thể, tôm thẻ chân trắng loại 50 con/kg Việt Nam chi phí khoảng 90.000 đồng (4 USD), trong khi, Ấn Độ (3 USD), Ecuador (2,5 USD). 

Nguyên nhân, do chi phí thức ăn nuôi tôm đang chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất (khoảng trên 65% giá thành); chi phí con giống nhập khẩu tôm bố mẹ cao; nhiều vùng nuôi thiếu điện phải sử dụng máy nổ để bơm nước, quạt khí, phát điện. 

Phần lớn hạ tầng vùng nuôi tôm chưa đảm bảo, hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản chủ yếu vẫn dùng chung với hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, nguồn nước dễ bị ô nhiễm.

Công tác đăng ký nuôi trồng thủy sản và cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi với tôm nước lợ còn chậm. Tỷ lệ đăng ký thấp dẫn đến khó khăn trong truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính.

Bảo Thắng
Tin khác
Tiến vào thị trường thực phẩm Halal 2.500 tỷ USD: Cơ hội hợp tác với nhiều nước châu Á
Tiến vào thị trường thực phẩm Halal 2.500 tỷ USD: Cơ hội hợp tác với nhiều nước châu Á

Hàn Quốc, Ấn Độ là những quốc gia châu Á có kinh nghiệm phát triển, đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng Halal và sẵn sàng chia sẻ, hợp tác với Việt Nam.

Tiến vào thị trường thực phẩm Halal 2.500 tỷ USD: Saudi Arabia sẽ cùng Việt Nam phát triển hệ sinh thái Halal mạnh mẽ
Tiến vào thị trường thực phẩm Halal 2.500 tỷ USD: Saudi Arabia sẽ cùng Việt Nam phát triển hệ sinh thái Halal mạnh mẽ

Lãnh đạo Trung tâm Halal Saudi, Cơ quan Thực phẩm và dược phẩm Saudi Arabia - SFDA khẳng định cam kết phát triển hệ sinh thái Halal với Việt Nam.

Quy định mới của EU về xác định chủ sở hữu vùng nguyên liệu dừa hữu cơ
Quy định mới của EU về xác định chủ sở hữu vùng nguyên liệu dừa hữu cơ

Bến Tre hiện có hơn 20.000ha dừa được sản xuất tiêu chuẩn hữu cơ, trong đó diện tích đã được chứng nhận khoảng 13.000ha.

Xuất khẩu hàng chục nghìn tấn cà phê decaf với giá cao
Xuất khẩu hàng chục nghìn tấn cà phê decaf với giá cao

Ngoài cà phê nhân thông thường, trong niên vụ vừa qua, cà phê nhân đã khử cafein (cà phê decaf) của Việt Nam cũng được xuất khẩu nhiều với giá cao.

Tiến vào thị trường thực phẩm Halal 2.500 tỷ USD: 25 triệu khách hàng châu Âu và hơn thế nữa
Tiến vào thị trường thực phẩm Halal 2.500 tỷ USD: 25 triệu khách hàng châu Âu và hơn thế nữa

Ở châu Âu, các sản phẩm Halal không chỉ phục vụ người Hồi giáo mà người tiêu dùng của nhiều tôn giáo khác cũng ngày càng ưa chuộng vì chất lượng và tính phù hợp.

Tiến vào thị trường thực phẩm Halal 2.500 tỷ USD: Thêm vài giọt rượu vào nước xốt, tưởng cho ngon nhưng là điều cấm
Tiến vào thị trường thực phẩm Halal 2.500 tỷ USD: Thêm vài giọt rượu vào nước xốt, tưởng cho ngon nhưng là điều cấm

Theo Chủ tịch Hội đồng Halal Thế giới, rào cản lớn nhất hiện nay đối với việc mở rộng thị trường này của Việt Nam là sự thiếu hiểu biết về yêu cầu của Halal.

Tiến vào thị trường thực phẩm Halal 2.500 tỷ USD: Gần 1.000 doanh nghiệp đã có 'giấy thông hành'
Tiến vào thị trường thực phẩm Halal 2.500 tỷ USD: Gần 1.000 doanh nghiệp đã có 'giấy thông hành'

Theo NAFIQPM, Việt Nam hiện có gần 1.000 doanh nghiệp được chứng nhận Halal với các đơn vị dẫn dắt như TH True Milk, Trung Nguyên..., nhiều tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm phù hợp với chứng nhận Halal như VietGAP, GobalGAP, chứng nhận hữu cơ, HACCP, ISO.

Cà phê Việt Nam 'đạt chuẩn' EUDR, thị trường vẫn hot dù bị EU tạm hoãn
Cà phê Việt Nam 'đạt chuẩn' EUDR, thị trường vẫn hot dù bị EU tạm hoãn

Cho dù EU có tạm hoãn việc thực hiện Quy định chống phá rừng (EUDR), ngành cà phê Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục chủ động thực hiện quy định này để chủ động nâng chất các lô hàng xuất khẩu.

Dù bị kiện, Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam
Dù bị kiện, Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam

Hơn 20 năm qua, Mỹ vẫn luôn là thị trường lớn nhất của xuất khẩu thủy sản Việt Nam, bất chấp các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp.

23% thanh thiếu niên nông thôn, 17% ở thành thị gặp rủi ro cao về thiếu hụt dinh dưỡng
23% thanh thiếu niên nông thôn, 17% ở thành thị gặp rủi ro cao về thiếu hụt dinh dưỡng

Thông qua các buổi tập huấn thực tế, Sáng kiến SHiFT hy vọng góp phần đảm bảo dinh dưỡng, cũng như khả năng tiếp cận với nguồn thực phẩm chất lượng cho người dân.

C.P. Việt Nam muốn cùng Bộ NN-PTNT ‘vẽ ước mơ’ cho nông dân
C.P. Việt Nam muốn cùng Bộ NN-PTNT ‘vẽ ước mơ’ cho nông dân

Ngày 25/10 tại Bộ NN-PTNT, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì buổi thảo luận về nâng cao năng lực cộng đồng, phát huy tri thức nông dân.

Bảo tàng Nông nghiệp ĐBSCL: Nơi tái hiện chân thực nghề làm nông
Bảo tàng Nông nghiệp ĐBSCL: Nơi tái hiện chân thực nghề làm nông

Bảo tàng Nông nghiệp ĐBSCL là nơi trưng bày các dụng cụ sản xuất và tái hiện không gian sống, công việc hằng ngày của nông dân một cách sinh động nhất.