Đất phương Nam đã từng có địa danh lừng lẫy: Gia Định. Bởi thế, ai mà lại không biết câu ca dao:
Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về.
Ấy là khi đồng bào ta từ miền ngoài vào đây định cư và bà con người Hoa từ Quảng Đông, Phúc Kiến được chúa Nguyễn cho đến đây khai hoang lập ấp. Từ cửa biển ngược vào đất liền, khi đến Nhà Bè người ta thấy sông chia thành hai nhánh: rẽ phải đến Biên Hòa, Đồng Nai và rẽ trái đến Sài Gòn, Gia Định.
Nhắc đến Gia Định, hẳn ai cũng nhớ các danh nhân lừng lẫy. Văn nhân có Gia Định Tam gia Lê Quang Định, Ngô Nhân Tịnh, Trịnh Hoài Đức, đều là học trò của bậc túc nho tài danh Gia Định là tiên sinh Võ Trường Toản. Võ tướng có Gia Định Tam hùng Đỗ Thanh Nhơn, Châu Văn Tiếp, Võ Tánh. Đặc biệt là Tả quân Lê Văn Duyệt, người hai lần giữ chức Tổng trấn Gia Định, có công lớn trong việc ổn định và phát triển vùng đất chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh thành nơi bình yên, giàu có nhất cả nước.
Danh xưng Gia Định có từ bao giờ?
Từ năm 1698, theo lệnh chúa Nguyễn Phúc Chu, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào vùng đất phương Nam để xác lập chủ quyền, phân chia địa giới và ổn định đời sống cư dân. Ông lập ra phủ Gia Định gồm 2 huyện Phước Long và Tân Bình trải từ lưu vực sông Đồng Nai đến sông Vàm Cỏ Đông. Từ đó danh xưng phủ Gia Định xuất hiện, trong đó Gia 嘉 có nghĩa là tốt đẹp, Định 定 là xác định, chắc chắn.
1790 chúa Nguyễn Ánh cho xây thành Bát Quái làm thủ phủ của Gia Định, nên gọi là thành Gia Định hay Gia Định thành. Đây cũng là thủ phủ của cả Nam bộ, nên còn gọi là Gia Định kinh. Cổng chính của thành Bát Quái nằm ở vị trí nay là trụ sở UBND TP Hồ Chí Minh, nhìn ra đại lộ Nguyễn Huệ.
Năm 1802 Nguyễn Ánh thống nhất giang sơn, lên ngôi hoàng đế, ghép hai địa danh Gia Định, Thăng Long làm đế hiệu: Gia Long.
Năm 1808 trấn Gia Định được đổi là Gia Định thành cho xứng với vai trò cai quản xứ Nam, tương đương với Bắc Thành (thành Thăng Long) cai quản ở xứ Bắc. Gia Định thành bao gồm 5 trấn Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thanh, Định Tường và An Giang.
Năm 1832 vua Minh Mạng xẻ Gia Định thành ra làm 6 tỉnh Biên Hòa, Gia Định (mới - lần thứ nhất), Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Từ đó xuất hiện danh xưng Nam Kỳ Lục Tỉnh.
Năm 1889, sau khi chiếm Nam Kỳ, Pháp lại xẻ tỉnh Gia Định thành 5 tỉnh Chợ Lớn, Tân An, Gò Công, Tây Ninh và Gia Định. Lúc này, tỉnh Gia Định (mới - lần thứ hai) gồm 4 quận Thủ Đức, Nhà Bè, Gò Vấp và Hóc Môn và là 1 trong 20 tỉnh của Nam Kỳ.
Năm 1956 chính quyền Ngô Đình Diệm sáp nhập tỉnh Chợ Lớn vào Đô thành Sài Gòn rồi đặt lọt thỏm trong lòng tỉnh Gia Định (mới - lần thứ ba). Khi đó tỉnh Gia Định có các quận Bình Chánh, Cần Giờ, Hóc Môn, Nhà Bè, Quảng Xuyên, Tân Bình và Thủ Đức với các thị trấn quan trọng như Bà Chiểu, Phú Nhuận, Thị Nghè. Tòa Hành chính tỉnh Gia Định nay là trụ sở UBND quận Bình Thạnh.
Năm 1976, sau khi đất nước thống nhất, tỉnh Gia Định hợp nhất với Đô thành Sài Gòn để trở thành Thành phố Hồ Chí Minh. Kể từ đây, sau 278 năm vang bóng trời Nam, danh xưng Gia Định với những chiến tích lẫy lừng đã đi vào lịch sử.
Ngày nay, danh xưng Gia Định chỉ còn lác đác dăm ba chỗ, ví như Công viên Gia Định, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Trường Đại học Gia Định, Trường THPT chuyên Gia Định, Nhà sách thiếu nhi Gia Định.