Tri thức nghề nông

Hiểu về cây mắc ca: Phân bố địa lý, cách trồng và chăm sóc

Hiểu về cây mắc ca: Phân bố địa lý, cách trồng và chăm sóc

Mắc ca là cây trồng kinh tế cao, thị trường tốt. Báo Nông nghiệp Việt Nam và Nhà xuất bản Nông nghiệp trân trọng giới thiệu tới bà con kỹ thuật trồng cây mắc ca.

Vào giai đoạn phân hóa mầm hoa, cây mắc ca cần nhiệt độ ban đêm từ 18 - 21℃ và kéo dài trong 5 tuần. Nếu nhiệt độ cao, cây không thể ra hoa. Đây là điều kiện bắt buộc để xác định vùng trồng mắc ca.

1. Giá trị của cây mắc ca

Ngay từ khi mới phát hiện ra cây mắc ca, người ta đã đặc biệt quan tâm đến loại quả này. Mắc ca có giá trị sử dụng rất cao. Nó là một loại cây quả khô mà nhân của chúng chứa rất nhiều chất dinh dưỡng. Trong nhân, hàm lượng dầu chiếm tới 78% (cao hơn cả ở lạc, ở hạnh nhân và hạnh đào). Trong dầu đó có tới 87% là axit béo không no - một hợp chất quý đối với sức khỏe con người, nó làm giảm hàm lượng cholesterol và phòng trị bệnh xơ cứng động mạch.

Lượng protein trong hạt chiếm tới 9,2% với 20 loại axit amin (mà trong đó có 8 loại axit amin rất cần thiết đối với con người). Ngoài ra, nó còn có nhiều chất bột, chất khoáng và nhiều loại vitamin. Vì vậy, người ta đã ví von nó là “hoàng hậu của các loại quả khô”!

Đặc biệt, nhân của mắc ca ăn rất ngon, có hương vị bơ, bùi, ngậy. Nó còn được chế biến để làm bánh, làm kẹo, làm dầu ăn, nước uống, làm dầu dưỡng da, dầu dược liệu. Những năm gần đây, vào dịp Tết, sản phẩm mắc ca được xếp là loại hàng hấp dẫn nhất, thường xuyên không đủ cho khách hàng...

Vỏ bên ngoài của quả mắc ca (vỏ xanh) có chứa nhiều tanin và protein. Ta có thể dùng nó để chế biến thức ăn chăn nuôi hoặc thuốc để thuộc da. Vỏ hạt thì rất cứng, nó có thể dùng làm than hoạt tính, làm chất đốt hoặc nghiền ra làm giá thể để ươm cây giống. Với nhiều đặc điểm ưu việt như trên nên mắc ca trở thành đối tượng cây trồng mới đầy hấp dẫn. Bà con khắp nơi nô nức trồng. Nó không phải là đối tượng chỉ giúp dân xóa đói giảm nghèo mà còn giúp cho bà con mau chóng giàu có!

Đồi trống được phủ xanh mắc ca ở Điện Biên.

Đồi trống được phủ xanh mắc ca ở Điện Biên.

2. Sự phát triển của cây mắc ca trên thế giới

Diện tích trồng mắc ca trên phạm vi toàn cầu bắt đầu phát triển nhanh từ những năm thập kỷ 90 của thế kỷ XX. Theo thống kê của Hiệp hội Mắc ca các nước, tính đến năm 2020 trên thế giới trồng mắc ca đạt khoảng 450.000 ha. Trong đó, lớn nhất là Trung Quốc với diện tích khoảng 200.000 ha, tiếp đó là Nam Phi với diện tích hơn 50.000 ha, Úc là hơn 30.000 ha... Việt Nam hiện đang đứng khoảng thứ 5 trên thế giới với diện tích khoảng hơn 20.000 ha.

Tại Trung Quốc, diện tích trồng mắc ca tính đến cuối năm 2020 đạt khoảng hơn 200.000 ha tập trung tại Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, Quý Châu, Tứ Xuyên. Trong đó, hai vùng trồng lớn nhất là tại Lâm Thương - Vân Nam (~180.000 ha) và Quảng Tây (~ 33.000 ha). Mắc ca được trồng tại Lâm Thương từ năm 1991, đến cuối năm 2020 diện tích trồng mắc ca đạt ~180.000 ha, chiếm 88% diện tích trồng tại Vân Nam, 81% diện tích trồng của Trung Quốc và hơn 52% diện tích trồng mắc ca thế giới.

Năng suất thu hoạch Mắc ca ở những vườn cây thành thục trung bình đạt từ 2,5 - 3 tấn hạt/ha. Tổng sản lượng hạt mắc mắc ca toàn cầu năm 2020 đạt khoảng 230.000 tấn hạt khô (Hội đồng hạt quả khô thế giới - INC, 2020). Đứng đầu là Nam Phi với hơn 48.000 tấn hạt khô (độ ẩm khoảng 10%), tiếp đó là Úc với sản lượng gần 47.000 tấn, Kenya với sản lượng khoảng 37.000 tấn.

Ngành chế biến hạt mắc ca trên thế giới đang phát triển nhanh và rộng rãi. Trong vòng 10 năm trở lại đây, tính đến năm 2020, nguồn cung mắc ca đã tăng gấp đôi với sản lượng khoảng 230.000 tấn hạt khô. Úc và Nam Phi hiện là các nhà cung cấp nhân mắc ca hàng đầu thế giới, đều chiếm tỷ trọng 25% tổng sản lượng toàn cầu. Ngành công nghiệp mắc ca mới chỉ chiếm khoảng 2% lượng hạt khô tiêu thụ trên thế giới. Theo dự báo, nhu cầu tiêu thụ nhân hạt mắc ca trên thế giới vẫn duy trì ở mức tăng trưởng cao trong thời gian tớ. Tiềm năng mở rộng thị trường còn rất lớn. Dự báo đến năm 2030, nguồn cung mắc ca trên toàn thế giới chi đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu tiêu thụ của thị trường (INC, 2020).

Năm 2020, quy mô thị trường hạt mắc ca toàn cầu đạt 1,43 tỷ USD và dự báo tốc độ tăng trưởng hàng năm là 9,2% trong giai đoạn 2020 - 2030. Việc sử dụng hạt mắc ca sấy khô trong chế độ ăn uống thường xuyên ngày càng tăng trên toàn thế giới, thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường. Bên cạnh đó, xu hướng sử dụng sản phẩm mắc ca hữu cơ cũng được đánh giá là sẽ tăng lên trong thời gian tới. Phân khúc hạt mắc ca hữu cơ dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 10,2% từ năm 2020 đến năm 2030. Sự phát triển ngày càng tăng của thực phẩm hữu cơ là nguyên nhân chính cho sự tăng trưởng này. Hạt mắc ca hữu cơ tốt cho sức khỏe hơn các sản phẩm thông thường vì chúng không chứa thuốc trừ sâu và phân bón tổng hợp.

Đồng thời, cùng với sự phát triển nhanh và mạnh của ngành Mắc ca, các nước trồng, sản xuất mắc ca đã và đang tập trung vào các nghiên cứu về kỹ thuật tạo giống, kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh hại cũng như định hướng chung về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm mắc ca và thị trường tiêu thụ hạt mắc ca trên toàn thế giới. Tháng 09/2021, Hiệp hội Mắc ca Thế giới (WMO) đã được thành lập với 7 quốc gia sáng lập (trong đó có Việt Nam) với mục tiêu quảng bá và thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm mắc ca trên thế giới.

Trong thời gian tới, WMO sẽ định hướng tập trung vào 03 phân khúc thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc, Ấn Độ và các đối tượng khách hàng sử dụng chế độ ăn nguồn gốc thực vật. Đây cũng là tổ chức sẽ xây dựng và giám sát các tiêu chuẩn chất lượng của các loại sản phẩm mắc ca để phổ biến và áp dụng chung trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, Ủy ban nghiên cứu khoa học và phát triển Mắc ca Quốc tế (IMSC) là tổ chức chuyên môn nghiên cứu khoa học ứng dụng về các kỹ thuật trồng, chăm sóc cây Mắc ca cũng đang được xúc tiến thành lập tại Lâm Thương, Vân Nam, Trung Quốc.

3. Đặc điểm sinh học của cây mắc ca 

a. Đặc điểm

Trong phân loại, mắc ca thuộc họ Proteaceae, chi Macadamia. Nó có nhiều loài nhưng chỉ có 2 loài mà hạt của chúng có thể ăn được là Macadamia integrifolia và Macadamia tetraphylla.

Mắc ca là loài cây thân gỗ, lá xanh quanh năm; cây có thể cao tới 18 m và tán rộng tới 15 m. Nó sống tới 100 năm và tuổi thọ kinh tế khoảng 40 - 60 năm. Ngay ở Đà Lạt cũng có một cây mắc ca có tuổi thọ trên 60 năm do người Pháp đưa vào trồng nay vẫn tươi tốt.

Mắc ca không có rễ cọc mà chủ yếu là rễ chùm được phân bố ở tầng đất phía trên. Vì vậy, nó chống đỡ với gió bão kém. Mắc ca phân cành nhiều, tán lá dày. Lá cứng và ở nhiều loài mép lá có răng cưa. Mắc ca rất nhiều hoa. Hoa của chúng giống với hoa lộc vừng, có loại màu trắng, có loại màu hồng.

Hoa mắc ca.

Hoa mắc ca.

Tuy nhiên, tỷ lệ đậu hoa mắc ca rất thấp. Cây mắc ca 15 tuổi, mỗi kỳ hoa, nó có thể có tới 1 vạn hoa tự; mỗi hoa tự có 300 hoa nhỏ, nghĩa là một cây có tới 3 triệu hoa nhỏ. Tuy nhiên, chỉ có 6 - 13% số hoa được kết thành quả mà sau đó, chỉ còn 0,3 - 0,4% phát triển thành quả thành thục. Như vậy, cây đó chỉ đậu khoảng 10.000 - 12.000 quả. Nhưng với một cây như thế là đã quá tốt rồi!

Quả mắc ca.

Quả mắc ca.

Quả mắc ca mọc thành chùm. Tuỳ vào khả năng đậu và đeo quả mà mỗi chùm có thể chỉ có 1 - 2 quả, 5 - 7 quả nhưng cũng có chùm có tới 20 - 30 quả hoặc nhiều hơn nữa. Tại vườn của ông Nguyễn Đức Ba (ở Thạnh Mỹ, Đơn Dương, Lâm Đồng) có chùm chúng tôi đếm được tới 32 quả!

Nếu trồng từ cây thực sinh (tức là cây trồng từ hạt) thì phải 6 - 7 năm hoặc lâu hơn nữa cây mới ra hoa. Mặt khác, quả của chúng dễ bị phân ly. Vì vậy, Hiệp hội Mắc ca thế giới khuyến cáo nên trồng mắc ca bằng cây ghép. Nếu trồng từ cây ghép thì chỉ 3 - 4 năm là đã ra bói. Tới năm thứ 6 là cây đã cho nhiều quả. Còn từ năm thứ 10 trở đi, cây sẽ cho năng suất ổn định 20 - 30 kg/cây/năm (trong đó 1/3 là nhân). Nếu chăm sóc tốt cây còn cho năng suất cao hơn.

Quả mắc ca từ những cành thành thục phát triển trong tán cây.

Quả mắc ca từ những cành thành thục phát triển trong tán cây.

Trong một năm, cây mắc ca có 3 hoặc 4 lần ra lộc. bình quân mỗi lần ra lộc (kể từ khi ra chồi đến khi thành thục) cần 40 ngày. Với cây đã ra quả, một năm thường ra lộc 3 lần. Mùa cao điểm ra lộc xuân là vào tháng 4; ra lộc hè là vào cuối tháng 6 và ra lộc thu muộn là vào cuối tháng 10. Tuy nhiên, hàng tháng, trên tán vẫn lẻ tẻ ra lộc. Cành của chúng dài từ 30 - 50 cm. Trên mỗi cành có 7 - 10 vòng lá. Với những cây non mà sinh trưởng tốt hoặc ở một số giống, có cành dài tới trên 1 mét.

Ở cây mắc ca đã cho quả, phần lớn cành có quả là những cành thành thục, đã có 1,5 - 3 năm tuổi. Chúng phát triển từ khuôn trong của tán. Tuy nhiên, vẫn thấy một số cành đã cho quả nhưng cành lại nhỏ, chỉ dài vài xăng-ti-mét và mọc ở phía trong của tán cây.

Việc phát dục của hoa gồm 3 thời kỳ: Thời kỳ ngủ nghỉ sau mầm, thời kỳ vươn dài của hoa và thời kỳ ra hoa. Giai đoạn phân hoá hoa đến khi ta nhìn được mầm hoa bằng mắt biến động từ 50 - 96 ngày. Sau đó, hoa tự bắt đầu mọc dài. Ở những nơi khí hậu mát mẻ, hoa tự sớm vươn dài và chỉ mất khoảng 60 ngày. Sau khi phân hóa chồi hoa khoảng 136 - 153 ngày thì hoa bắt đầu nở.

Thông thường hoa bắt đầu nở vào hạ tuần tháng 2, nở rộ vào giữa tháng 3. Hoa sẽ tàn vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4. Nếu giống khác nhau thì thời vụ nở hoa cũng khác nhau. Ví dụ: Giống 695 thường ra hoa chậm hơn các giống khác. Tới hạ tuần tháng 3 nó mới bắt đầu ra hoa; tới cuối tháng 3 và đầu tháng 4 nó mới ra hoa rộ; giữa tháng 4 hoa mới tàn.

Hoa mắc ca nở rộ.

Hoa mắc ca nở rộ.

Phần lớn các giống mắc ca đậu quả nhờ tự thụ phấn. Tuy nhiên, cây mắc ca cũng có hiện tượng tự thụ phấn bất dục ở mức độ đáng kể. Hiện nay, rất nhiều nước dã đưa ong vào vườn mắc ca. Ong hỗ trợ đắc lực cho việc thụ phấn cây mắc ca. Thu nhập từ mật ong ở vườn mắc ca cũng rất đáng kể.

Việc rụng quả non ở cây mắc ca cũng là hiện tượng sinh lý bình thường. Việc mất cân đối hàm lượng các chất khoáng ở các giai đoạn phát triển của cây thường dẫn đến hiện tượng rụng quả.

Khi hoa ra rộ, chúng cần nhiều dinh dưỡng nên làm cho hàm lượng chất khoáng ở lá giảm sút. Đây là nguyên nhân gây ra hiện tượng rụng quả đầu tiên. Tới cuối tháng 6, khi lộc hè bắt đầu ra nhiều cũng là lúc quả bước vào thời kỳ tích luỹ dầu. Nhu cầu dinh dưỡng của quả lên cao, cạnh tranh với hàm lượng chất khoáng cung cấp cho bộ lá trong tháng 7. Đó là thời điểm xuất hiện mức rụng quả cao điểm lần thứ 2. Việc giảm sút hàm lượng đạm, lân, kali trong lá là nguyên nhân dẫn tới việc rụng quả. ta gọi đó là hiện tượng rụng quả sinh lý.

Ngoài ra, việc rụng quả còn phụ thuộc các yếu tố ngoại cảnh như sâu bệnh, nhiệt độ môi trường tăng cao, việc thiếu nước trong đất, ẩm độ không khí giảm mạnh, gió bão, v.v... Ngay khi sắp được thu hoạch, nếu nhiệt độ tăng lên bất thường cũng dẫn đến hiện tượng rụng quả. Các nghiên cứu cho thấy, khi quả đã đậu được 70 ngày mà nhiệt độ tăng lên 30 - 35℃ thì chúng cũng rất dễ bị rụng.

Đặc biệt, trong thời kỳ phát dục ban đầu, nếu cây thiếu nước thì cũng làm cho quả rụng nhiều. Còn nếu lại gặp gió khô và nắng nóng xuất hiện thì quả sẽ bị rụng rất nhiều.

Ở nước ta, hiện tượng mưa xuân xuất hiện ở khu vực Việt Bắc rất ảnh hưởng đến việc đậu quả và rụng quả non ở mắc ca.

Năm nào mùa xuân kéo dài sẽ là năm ở khu vực Việt Bắc dễ bị thất thu mắc ca.

b. Các yếu tố thích hợp

Để mắc ca phát triển tốt, chúng ta cần lưu ý tới các điều kiện cần thiết thích ứng cho sự sinh trưởng và phát triển của cây.

c. Nhiệt độ

Nhiệt độ thích hợp để cho cây mắc ca phát triển bình thường trong khoảng từ 12 - 32℃, trong đó, nhiệt độ tối ưu là từ 20 - 25℃. Đặc biệt, vào giai đoạn phân hóa mầm hoa, cây cần nhiệt độ ban đêm từ 18 - 21℃ và kéo dài trong 5 tuần. Nếu nhiệt độ cao, cây không thể ra hoa. Đây là điều kiện bắt buộc để ta xác định vùng trồng mắc ca.

d. Lượng mưa

Tuy mắc ca được tìm thấy ở vùng bán sa mạc nhưng để cây phát triển tốt ta cần đảm bảo lượng nước khoảng 1.200 mm/năm và được phân bố đều trong năm.

Ở những vùng gò đồi ở Tây Bắc và Việt Bắc cũng như một số khu vực cao ở Tây Nguyên, lượng nước tự nhiên không đủ thì chúng ta cần phải tìm cách bổ sung.

e. Gió

Như đã trình bày, mắc ca cao cây, tán dày mà bộ rễ lại ăn nông nên rất dễ gãy đổ khi gặp gió to hoặc bão lớn.

Khi xác định vùng trồng, nên quan tâm đến vấn đề này. Những nơi hay có bão tố, những vỉa núi gió nhiều ta không nên bố trí trồng mắc ca. Ngay ở những vùng thuận lợi, ta cũng nên nghĩ tới việc chằng, buộc để để giữ cho cây khỏi bị ngã, đổ khi gặp gió lớn.

f. Độ cao so với mực nước biển

Theo tài liệu của nhiều nước, mắc ca thích hợp nhất ở những vùng có độ cao từ 300 - 1.200 m so với mực nước biển.

Tuy nhiên, trong thực tế, chúng ta thấy ở Việt Nam có những vùng thấp hơn hoặc cao hơn ngưỡng trên nhưng mắc ca vẫn phát triển được bình thường. Cần theo dõi lâu hơn để có được các kết luận chính xác.

g. Đất trồng

Mắc ca có thể trồng trên nhiều loại đất. Tuy nhiên, tầng đất phải dày trên 70 cm, thoát nước tốt, giàu chất hữu cơ, không quá sét. Tốt nhất là nó được trồng trên đất feralit, đất nâu đỏ, đất phù sa ven sông suối, đất dốc tụ chân đồi núi, đất đỏ bazan. Nếu phải trồng trên đất xấu thì chúng ta phải chú ý đầu tư để cải tạo đất. Mắc ca không thích hợp với đất kiềm, đất phèn mặn, đất đá vôi, đất đá ong hoặc các vùng đất bị thoái hóa nghiêm trọng, đất ngập úng...

Tóm lại, các yếu tố trên là rất quan trọng khi tiến hành trồng mắc ca. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất chính là biên độ nhiệt, đặc biệt là thời kỳ cây ra hoa. Nhiệt độ tối ưu để cây ra hoa rộ là từ 15 - 21℃. Mức tốt nhất là 18℃ và kéo dài trong 4 - 5 tuần.

4. Giống và vấn đề nguồn giống

a. Chọn giống tốt

- Giống mắc ca khi đem trồng phải là cây ghép, có nguồn gốc xuất xứ và được định danh rõ ràng.

- Cây sinh trưởng phát triển khỏe mạnh, ít sâu bệnh, có sức chống chịu tốt với điều kiện bất lợi của môi trường.

Cây mắc ca ghép tại vườn giống.

Cây mắc ca ghép tại vườn giống.

Cây có năng suất tốt, có tỷ lệ thu hồi nhân cao (trên 33%), chất lượng tốt, bắt đầu cho thu hoạch sau 3 - 4 năm trồng, đến năm thứ 10 cho năng suất đạt 5 tấn hạt/ha/năm, từ năm thứ 14 - 15 trở đi, năng suất phải cao hơn nữa, có khả năng đạt 15 tấn hạt/ha/năm.

- Hiện tại trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, Tây Bắc và một số vùng khác đã trồng 23 dòng: OC, 246, 695, 741, 800, 816, 842, 849, 900, Daddow, Al6, A38, QN1, 788, 344, A4, A268,A203, 699, 508, 814, 846, H2. Trong đó có 13 dòng Mắc ca đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận (OC, 246, 695, 741, 800, 816, 842, 849, 900, Daddow, A16, A38, QN1), và 10 dòng chưa được công nhận: 788, 344, A4, A268, A203, 699, 508, 814, 846, H2...

Vườn cây mắc ca giống tại Công ty Him Lam Mắc ca.

Vườn cây mắc ca giống tại Công ty Him Lam Mắc ca.

b. Nguồn giống

Bà con không nên tự sản xuất giống vì chi phí cho việc sản xuất giống khá tốn kém, thời gian kéo dài. Mặt khác, ta phải có nguồn cây đầu dòng được Nhà nước công nhận để lấy mắt ghép. vì vậy, bà con có thể lấy giống ở các cơ sở đã được cấp phép. Nếu có khó khăn, xin liên hệ với Hiệp hội Mắc ca Việt Nam.

5. Xây dựng vườn cây 

a. Quy hoạch vườn cây

 - Các hộ gia đình cá nhân có diện tích đất nhàn rỗi đáp ứng đủ các yêu cầu về đặc điểm sinh thái của cây Mắc ca thì nên quy hoạch để trồng cây mắc ca. Nhưng diện tích tốt nhất nên từ 1,0 ha trở lên để việc bố trí cơ cấu giống của vườn cây được đảm bảo.

- Về mật độ trồng: Mật độ trồng tùy theo điều kiện thực tế của từng vườn và tuân thủ theo quy định là đất tốt trồng thưa, đất xấu trồng dày, đất bằng trồng thưa, đất dốc trồng dày.

Vườn trồng cây mắc ca đầu dòng để làm giống.

Vườn trồng cây mắc ca đầu dòng để làm giống.

+ Trồng thuần: Từ 250 - 415 cây/ha (Tương đương hàng cách hàng 5 m, cây cách cây từ 5 - 8 m).

+ Trồng xen: Cây mắc ca có thể trồng xen với cây cà phê, cây chè để làm bóng mát cho cây chè, cây cà phê, mật độ 93 cây/ha (9 × 12 m) đến 123 cây/ha (9 × 9 m), hoặc cũng có thể trồng xen với cây công nghiệp ngắn ngày khác.

Vườn trồng Mắc ca xen chè.

Vườn trồng Mắc ca xen chè.

b. Chọn đất và cuốc hố

- Nên chọn đất có độ dày tầng đất từ 0,5m trở lên, tơi xốp, tiêu thoát nước tốt. Đối với diện tích đất có độ dốc từ 20° trở lên thì cần tiến hành đào đường đồng mức để trồng cây.

Giáo sư Hoàng Hòe kiểm tra hệ thống đường đồng mức để trồng Mắc ca.

Giáo sư Hoàng Hòe kiểm tra hệ thống đường đồng mức để trồng Mắc ca.

- Đào hố: Kích thước hố đào: 60 × 60 × 60 cm; khi đào để đất mặt sang một bên, đất đáy sang một bên. Đào xong phơi hố từ 15 - 20 ngày.

Rải vôi bột trước khi tiến hành lấp hố.

Rải vôi bột trước khi tiến hành lấp hố.

- Lấp hố: Trước khi lấp hố, tiến hành rải vôi bột hoặc Trichoderma để khử chua, sâu, nấm bệnh.

+ Trộn đều lớp đất mặt rồi cho xuống 2/3 hố. Phần đất còn lại trộn đều với 20 - 30kg phân chuồng ủ hoai, 0,5 - 1,0 kg NPK tổng hợp. Nếu nghèo lân thì thêm 1,0 kg lân nung chảy. Sau đó, lấp xuống hố, tạo bồn cao hơn miệng hố từ 5 - 10cm, cắm cọc tiêu đánh dấu tâm hố. Việc lấp hố phải tiến hành trước khi trồng từ 30 - 45 ngày.

c. Chọn và xử lý cây giống

Bảng tóm tắt cây giống đủ tiêu chuẩn trồng

STT

Chỉ tiêu

Tiêu chuẩn

 

Chiều cao cây tính từ mặt bầu

60 - 80 cm

 

Chiều dài cành ghép tính từ vết ghép đến ngọn cành dài nhất

> 30 cm

 

Đường kính gốc ghép

1,0 - 1,5 cm

 

Chiều cao của gốc ghép

Từ 30 - 40 cm

 

Bộ rễ

Khoẻ

 

Thân cây

1 thân, thẳng, không bị cong vẹo

 

Bộ lá

Xanh, phân bố đồng đều

 

Cây ghép

Không dấu hiệu của thiếu dinh dưỡng, bị nhiễm côn trùng sâu bệnh

 

Dây ghép

Đã được cắt, tháo dây ghép

10

Bầu đất

Đầy đủ đất, cách mép trên của bầu là 1,0cm

11

Nhãn tên giống khi xuất vườn

Nhãn tên ghi rõ tên giống, nơi sản xuất, thời gian xuất vườn

Cây giống mắc ca có giá thành cao hơn nhiều loại cây giống khác do ghép khó và thời gian ở vườn ươm kéo dài. Vì vậy, phải chọn lựa kỹ để trồng, đảm bảo vườn cây phát triển nhanh, sớm cho quả, có năng suất, chất lượng tốt, tuổi thọ kinh tế dài.

Để giảm thoát hơi nước, nâng cao tỷ lệ sống, khi cây xuất vườn cần cắt bớt một số lá già dưới chân, kể cả một số chồi non chưa thành thục, cũng phải ngắt đi.

d. Trồng cây

Trước khi trồng cần trộn đất và phân trong hố một lần nữa. Sau đó đào một hố nhỏ sâu 25 - 30cm, rộng 15 - 20cm ở chính giữa hố đã được lấp trước đó. Dùng dao sạch cắt hẳn đáy bịch đất, rạch một đường thẳng đứng có độ dài khoảng 2/3 túi bịch từ dưới đáy bịch lên; kiểm tra bộ rễ, nếu rễ trụ bị cong, xoắn đuôi rễ thì phải cắt bỏ đoạn rễ cong dưới đáy bịch.

Đặt cây xuống lỗ, bóc nhẹ túi trồng tránh làm vỡ bịch đất. Lấp đất, tưới nước và ủ cỏ khô giữ ẩm cho cây. Khi trồng xong cắm cọc chéo 60o so với mặt đất và buộc dây cố định để cây không bị đổ ngã. Cây phải trồng thẳng hàng.

6. Chăm sóc vườn cây 

a. Trồng dặm 

Cây mắc ca giống đã được luyện nắng, nếu trồng đúng kỹ thuật thì tỷ lệ sống rất cao. Tuy vậy, vẫn có cây bị chết sau khi trồng hoặc lẫn cây thực sinh. Vì vậy, phải kiểm tra kỹ vườn cây, loại thải kịp thời cây chết, cây xấu, cây thực sinh để trồng dặm cây mới.

b. Chế độ tưới nước

Những năm đầu (thời kỳ xây dựng cơ bản) cây mắc ca chưa cần nhiều nước. Việc trồng vào thời điểm mùa mưa là đủ nước để cây phục hồi và sinh trưởng. Lượng nước cần phải bổ sung là vào thời điểm cây ra hoa, đậu quả (từ năm thứ 4 trở đi). Do vậy, tùy theo điều kiện của các hộ gia đình mà quyết định đầu tư hệ thống tưới nước cho phù hợp.

Đối với các dự án/vườn cây trồng vào đầu mùa mưa thì chưa cần xây dựng hệ thống tưới. Riêng Tây Nguyên nên xây dựng hệ thống tưới trước khi trồng.

Đối với những nơi có điều kiện xây dựng hệ thống tưới, có thể trồng vào mùa khô: Cây mới trồng khi không có mưa cần tiến hành tưới bằng phương pháp nhỏ giọt, phun sương hoặc theo phương pháp truyền thông với tần suất tưới liên tục 1 ngày/lần trong 20 ngày đầu sau trồng. Sau đó khoảng 7 - 10 ngày/lần, lượng nước từ 5 - 30 lít/lần/cây, tùy theo tuổi cây.

c. Bón thúc

Chia làm 3 - 4 lần bón/năm, loại phân và liệu lượng theo bảng sau:

Kỹ thuật bón: Đào rãnh theo hình chiếu tán cây, kích thước của rãnh: rộng 0,3 m, sâu 0,2 - 0,3 m, trộn đều phân với đất theo rãnh và lấp lại hoặc đào 6 lỗ xung quanh gốc theo hình chiếu tán kích thước 30 × 30 × 40 cm áp dụng với năm thứ 3 trở đi. Riêng vôi bột, rắc đều trên mặt bồn cây khi xới xáo.

Lưu ý: Loại phân, liều lượng và số lần bón tuỳ thuộc vào độ phì nhiêu của đất và điều kiện cụ thể của từng vườn trồng để điều chỉnh cho phù hợp.

 

d. Cắt tia cành, tạo tán

Thường xuyên kiểm tra và cắt bỏ chồi thực sinh (chồi mọc phía dưới vết ghép).

Tỉa cành, tạo tán: Khi cắt tỉa cần chú trọng quan sát cách phân cành theo từng dòng (giống) khác nhau để điều chỉnh cành, tán cho phù hợp để giúp tán cây thoáng, hạn chế sâu bệnh hại, hạn chế ảnh hưởng của gió bão (toác cành, gãy cành, đổ cây...).

7. Chăm sóc thời kỳ kinh doanh (từ năm thứ 5 trở đi)

a. Chăm sóc vườn cây sau thu hoạch

- Cắt, tỉa cành, vệ sinh vườn cây

+ Tỉa cành và tạo tán, làm thông thoáng vườn cây, cắt tỉa cành khô, cành không cho quả, cành bị bệnh, cành tăm, cuống quả và tỉa bớt một ít cành ở phía ngoài đâu cành;

(Nếu làm cành kỹ, đúng kỹ thuật, giúp vườn cây thông thoáng, hạn chế sâu bệnh, tiết kiệm thuốc bảo vệ thực vật, tăng đậu quả);

+ Hạ độ cao của cây bằng chiều rộng của hàng. Phần ngọn nên cắt tỉa cành, tạo thành ống khói để có nhiều ánh sáng tán xạ trong tán cây;

+ Sau khi cắt tỉa cành xong, tiến hành vệ sinh vườn cây, phun rửa vuờn cây để diệt trừ nấm bệnh (nếu có điều kiện).

- Bón phân kết hợp phòng trừ sâu bệnh hại

+ Giai đoạn 1: Sau khi thu hoạch, tiến hành cắt tỉa cành, tạo tán kết hợp bón phân gốc. Trước khi bón, tiến hành đo pH của đất, nếu ở ngưỡng 5,5 - 6,5 là phù hợp; nếu thấp hơn, cần bón bổ sung vôi bột để điều chỉnh độ pH, bón đều diện tích tán cây. Đào rãnh theo hình chiếu tán của cây trở vào trong tán, rộng 30 - 40cm, sâu 20 - 30 cm, bón 25 - 50 kg phân hữu cơ/phân bò ủ hoai/phân vi sinh + l kg NPK có hàm luợng đạm cao 20-5-5 TE+ Humic;

Trong quá trình bón, cần trộn đều phân với đất trước khi lấp đất (quá trình lấp đất, trộn đều phân cần xác định vùng rễ hữu hiệu của cây để thực hiện thao tác bón với mục tiêu bón đúng vị trí, đúng nhu cầu cây). Giai đoạn này còn mưa nên không cân tưới.

+ Giai đoạn 2: Tháng 11 - 12, bón cho mỗi cây 0,3 - 0,5 kg/cây phân NPK 16-16-16 dưới gốc kèm phun cho cây một đợt thuốc trừ sâu + phân bón lá để cung cấp thêm Ca, Bo, Zn, Fe... thuốc sâu để phòng trừ côn trùng chích hút khi cây ra hoa.

+ Giai đoạn 3: Vào tháng 3 - 4, khi quả đã đậu, có đường kính từ 0,6 - l cm tiến hành bón cho mỗi cây 0,3 - 0,5 kg/cây NPK 12-12-17. Đồng thời, phun thuốc trừ sâu và CanxiBo lần 2 để hạn chế rụng quả non cũng như là các loại côn trùng chích hút. Giảm hàm lượng phân NPK, vì bón nhiều, cây có thể bị sốc phân, gây rụng trái hàng loạt.

+ Giai đoạn 4: Vào giữa tháng 6 - 7, quả đã to và đang tích luỹ dầu, ít còn hiện tượng rụng quả non, cần bón thêm mỗi cây 0,5 - 1 kg NPK có hàm lượng K cao để tăng kích thước và phẩm chất hạt. Giai đoạn này không phun phân bón lá và thuốc trừ sâu nữa.

+ Loại phân và liều lượng theo bảng sau:

 

Lưu ý: Việc xác định loại phân, liều lượng bón tuỳ thuộc vào độ tuổi cây, năng suất của cây và điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng để điều chỉnh cho phù hợp.

- Tưới nước

Đối với những nơi có mùa khô kéo dài, lượng mưa ít cần có hệ thống tưới và tiến hành tưới vào thời kỳ ra hoa và dưỡng quả:

+ Thời kỳ ra hoa (từ tháng 1 - 2 hàng năm): Tuới từ 2 - 3 đợt, mỗi đợt cách nhau 7-10 ngày, với lượng nước từ 20 - 30 lít/ cây, chỉ tưới vào gốc, không được tưới phun lên tán cây, tránh ảnh hưởng đến hoa và việc thụ phấn của hoa.

+ Thời kỳ dưỡng quả (từ tháng 3 - 4): Tưới từ 2 - 3 đợt, mỗi đợt cách nhau 7-10 ngày, với lượng nước từ 20 - 30 lít/cây, tưới vào gốc và có thể phun lên tán cây làm mát để hạn chế rụng quả.

+ Đối với những nơi có điều kiện thì có thể đầu tư hệ thống tưới phun, tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước và tăng hiệu quả tưới.

b. Một số lưu ý thời kỳ hoa rộ, đậu quả non

Thời điểm này cân chú ý các điều kiện ngoại sinh tác động dẫn đến rụng hoa - quả non như:

- Dinh dưỡng mất cân đối, thừa đa lượng, thiếu vi lượng, sâu bệnh hại (đặc biệt nấm thán thư gây đen cuống, thối cuống, rụng quả non). Mắc ca rất mẫn cảm với sự thay đổi bất thường của thời tiết và sâu bệnh như: Kiến lửa, kiến đen, rệp sáp, rệp muội, bọ xít muỗi, ấu trùng sâu non hại chùm hoa; bệnh thán thư làm đen thối phấn hoa, làm giảm tỷ lệ thụ phấn, gây teo cuống và rụng quả. Thời kỳ quả non, bọ xít muỗi chích làm cho bề mặt vỏ quả bị đốm đen, mã quả xấu, nhiều trường hợp quả chậm lớn hoặc phát triển lệch.

- Kiểm soát côn trùng chích hút, không để côn trùng phát triển đến giai đoạn hoa rộ khó kiểm soát và việc phun thuốc lúc này sẽ làm cho hoa, quả non Mắc ca rụng hàng loạt (do cấu trúc cuống hoa Mắc ca rất mảnh, mỏng, dễ bị ngộ độc bởi thuốc hoá học, nhất là các nhóm thuốc xông hơi).

- Các biện pháp chăm sóc bổ sung: Bổ sung dinh dưỡng dễ hấp thu qua lá, giúp hoa to, khoẻ, nâng cao chức năng sinh lý của hạt phấn bằng các loại phân vi lượng chứa Bo, Can xi, Magiê, Silic, Molypden, Mangan. Phun 1 - 2 lần, 7 ngày/lần (nếu thấy cần thiết).

c. Một số vấn đề liên quan đến rụng quả non và biện pháp khắc phục

- Về dinh dưỡng cho cây (phân bón): Bởi bón sai, bón không đúng nhu cầu dinh dưỡng, bón không đúng thời điểm, không phù hợp điều kiện thời tiết dẫn đến hệ quả làm mất cân đối giữa sinh trưởng sinh dưỡng và sinh trưởng sinh thực.

- Về trồng xen kẽ giữa các dòng, cần sự hiểu biết về đặc điểm ra hoa tự nhiên. Giữa các dòng trồng xen với nhau chúng phải có thời gian ra hoa gần giống nhau, chênh nhau không quá 7 - 10 ngày đổ lại. Trồng xen hợp lý tạo ra nhiều thuận lợi: giảm thiểu rủi ro mất mùa trước bất lợi thời tiết, có thể tận dụng được thụ phấn chéo, tăng tỷ lệ đậu quả tự nhiên, hạn chế một phần thoái hoá giống.

- Chủ động nước tưới thời điểm bắt đầu phân hoá mầm hoa. Về cơ bản, khi hoa to khoẻ, đầy đủ dinh dưỡng thì tỷ lệ thụ phấn thành công tăng rõ rệt. Khi bắt đầu nhú mầm hoa cần phải chủ động nước tưới, duy trì độ ẩm từ lúc phân hoá mầm hoa 70 - 80% (+/- 5%). Thời điểm phân hoá mầm hoa mà thiếu nước thì hoa phát triển chậm, hoa nhỏ, uốn móc, dị dạng,... có thể xảy ra ở tỷ lệ nhất định. Ở thời kỳ hoa nở rộ đến đậu quả non, nếu gặp mưa ẩm kéo dài, mưa có axit (nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp) đều làm rụng quả non khó kiểm soát.

- Cần chủ động phòng trừ sâu, bệnh hại (côn trùng chích hút cuống hoa + nấm bệnh gây hại trực tiếp cuống gây đen cuống, thối cuống, đôi khi ảnh hưởng đến cả vỏ quả non).

- Các chùm quả non vừa hình thành, kích cỡ không bằng hoặc nhỏ hơn hạt đậu xanh. Nếu thấy chậm lớn (1 - 3 ngày), kết hợp bề mặt vỏ quả không được bóng xanh tự nhiên, cuống không được khoẻ thì chắc chắn sẽ rụng. Cần phải điều chỉnh hệ dinh dưỡng qua lá sao cho khi phun qua lá đạt hiệu quả hấp thu tối ưu (mặt trên lá hầu như không hấp thu dinh dưỡng, mặt dưới lá hấp thu tốt hơn); đồng thời, bổ sung qua lá: Bo, Kẽm, Magie, Molypden, Silic (dạng colloidal) đạt tỷ lệ hấp thu khá cao.

8. Quản lý, bảo vệ vườn cây

a. Xây dụng hàng rào bảo vệ vườn cây

Xây dựng hàng rào để bảo vệ vườn cây khỏi sự phá hoại của gia súc (trâu, bò,...) trong thời kỳ kiến thiết cơ bản.

b. Phòng trừ sâu bệnh gây hại

Các loại bệnh chủ yếu và biện pháp phòng trừ

Bệnh thối hoa:

- Triệu chứng: Đầu tiên xuất hiện một số đốm nâu vàng tối trên đài hoa, sau đó là cả hoa bị khô héo đến rụng. Trong điều kiện mưa ẩm, những hoa bị nhiễm bệnh biến sang màu nâu xám đến đen.

- Nguyên nhân: Do nấm Phytophthora capsici Botrytis cinerea, ngoài ra còn có thể do nấm Cladosporium. Mưa lớn kéo dài và nhiệt độ thấp trong quá trình ra hoa là điều kiện lý tưởng cho sự phát triển của bệnh này. Nấm Phytophthora thường phổ biến hơn các loài nấm khác trong vườn cây, nó tấn công vào tất cả các giai đoạn ra hoa và phát triển của quả trong khi nấm Botrytis cinerea chủ yếu tấn công khi hoa nở.

- Biện pháp phòng trừ: Sử dụng các loại thuốc trị nấm như Daconil. Khi thời tiết khô hoặc lượng mưa giảm sẽ hạn chế được bệnh này. Nên cắt tỉa cành, dọn dẹp vườn để tạo độ thông thoáng cho vườn cây.

Bệnh đốm quả: Bệnh đốm quả xuất hiện từ lúc đậu quả cho tới lúc quả chín.

Bệnh đốm quả mắc ca.

Bệnh đốm quả mắc ca.

 - Triệu chứng: Quả có các đốm tròn màu vàng đến nâu vàng, đường kính 5 - 10 mm trên vỏ quả xanh. Chỗ bị đốm quả thì quả khó cắt ngang bằng dao sắc hơn chỗ không bị nhiễm. Bệnh tiến triển trong 15 - 18 tuần.

- Nguyên nhân: Do nấm gây nên.

- Biện pháp phòng trừ: Phun thuốc diệt nấm khi bắt đầu xâm nhiễm.

Bệnh loét vỏ cây:

Triệu chứng: Ở cây trưởng thành, vỏ cây ở gốc bị bạc màu và bị chảy nhựa. Ở cây non bị bệnh thường cằn cọc, tán lá thưa và lá bị vàng. Bệnh xâm nhập qua vết thương trên vỏ, truyền xuống phần dưới thân cây và rễ hút.

Nguyên nhân: Bệnh thường xuất hiện khi thời tiết ẩm ướt và tạo thành những vũng nước xung quanh gốc cây, cây bị thương khi bị va đập sẽ tạo điều kiện cho nấm bệnh phát triển.

Biện pháp phòng trừ: Cắt những cành bị loét vỏ và bôi vết loét bằng thuốc diệt nấm có đồng và phối hợp với quét vôi trắng.

Bệnh loét vỏ cây mắc ca.

Bệnh loét vỏ cây mắc ca.

Một số loại thuốc diệt nấm hoa, quả, thân 

Bệnh hại

Một số thuốc thương mại

 

Nồng độ

 

Ghi chú

 

 

Thối hoa

 

Dung dịch Rovral

 

100 ml/100 lít

 

 

Phun lên toàn bộ hoa khi bắt đầu nở

Nước đặc Rovral

50 ml/100 lít

Nước đặc Ippon 500

50 ml/100 lít

 

 

 

Đốm quả

 

Spin Flo

 

50 ml/100 lít

Phun sau khi hoa nở rộ từ 5-8 tuần và phun không quá 2 lần/mùa.

 

Các loại thuốc có chứa hoạt tính Oxychloride

 

 

250 ml/100 lít

Phun cách 3 - 4 tuần từ lúc đậu quả đến giữa hè nếu mùa trước có bệnh

 

 

 

 

 

 

Loét vỏ cây

Ridomil Gold 50 Gzee-mil 50G

Axiom 50G

 

25-100 g/lít

 

Phun lên đất

 

Ridomil Gold Plus Axiom Plus

 

 

37,5 g/lít

Phun từ 1-5 lít tùy theo độ lớn của cây, phun ướt phần dưới gốc cây đất quanh gốc.

Các loại thuốc có chứa hoạt tính Metalaxyl + Oxychloride đồng

Hydroxide đồng

 

70 - 100 g/100

lít

Phun từ 1-5 lít tùy theo độ lớn của cây, phun ướt phần dưới gốc cây đất quanh gốc.

 

c. Các loại côn trùng (chủ yếu) gây hại

Sâu hại hoa và quả

Các loại sâu, bướm hại hoa chủ yếu gốm: Sâu bướm lông xanh, Sâu đo hoa và các loại côn trùng khác.

Triệu chứng: Con trưởng thành đẻ trứng lên các chùm hoa. Ấu trùng khi nở sẽ ăn các nụ hoa và kết các nụ hoa lại, làm cho hoa bị khô. Phân của ấu trùng và chùm hoa kết lại với nhau bằng mạng tơ do chúng tạo ra, làm cho chùm hoa bị hư hoàn toàn.

Biện pháp phòng trừ:

+ Biện pháp sinh học: Kiểm soát cỏ dại, giữ khu vườn thoáng gió và sạch. Tránh lạm dụng thuốc hóa học làm chết các loài thiên địch có ích.

+ Biện pháp hoá học: Sử dụng các loại thuốc hoá học trị sâu Mắc ca.

Bọ xít đốm quả

Đặc điểm: Bọ xít trưởng thành đẻ trứng trên ngọn non, trái non, trái đang lớn. Ấu trùng và thành trùng tạo vết chích lõm tròn màu nâu đen, gây rụng trái non và nhân trái đang lớn bị teo thối.

Triệu chứng: Bọ xít gây hại bằng cách chích và hút dịch từ vỏ quả và hạt. Thời gian gây hại từ tháng 4 đến tháng 6, làm giảm sản lượng và chất lượng nhân nhiều nhất.

Biện pháp phòng trừ: Thường xuyên vệ sinh vườn cây, kiểm tra quả xanh rụng hàng tuần để xác định mức độ thiệt hại. Mức độ thiệt hại khi 5% quả xanh bị rụng ở tuần đầu tiên hoặc 2,5% bị hại trong các tuần tiếp theo thì sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Mọt đục trái

Đặc điểm hình thái: Mọt trưởng thành là bọ cánh cứng nhỏ, đầu gục về phía trước. Con cái có màu đen bóng, dài từ 1,5 - 2 mm và có cánh màng. Con đực có màu nâu đen, không có cánh màng và nhỏ hơn con cái, chỉ dài 1 mm.

Triệu chứng: Bộ phận gây hại chủ yếu là cành, trái, hạt. Quả Mắc ca bị mọt gây hại thường có một hoặc nhiều lỗ tròn nhỏ 0,5 mm.

Biện pháp phòng trừ: Thường xuyên vệ sinh vườn trồng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Bọ xít gây đốm quả mắc ca.

Bọ xít gây đốm quả mắc ca.

Các loại sâu hại khác:

Gồm: Bọ trĩ, Rệp cam đen, Rệp đám, Rệp sáp Latan, sâu hại cành non, Sâu tóc và Bọ rùa.

Sâu hại

Một số thuốc thương phẩm

Tỷ lệ trong 100 lít

Sâu hại hoa

Lepidex 500

100 ml

Lepidex 500 SL

100 ml

Minic 700 WP

8,5 g

 

 

Bọ xít và rệp đốm quả

Gusathion 200 SC

190 ml

Benthion 200

190 ml

Bulldock 25EC

25 ml hoặc 50 ml

Lepidex 500

100 ml

Lepidex 500 SL

100 ml

Supracide 400

65 ml

Suprathion400EC

65 ml

 

 

Mọt hạt

Gusathion 200 SC

190 ml

Benthion 200

190 ml

Bulldock 25EC

50 ml

Supracide 400

1255 ml

Suprathion400EC

125 ml

Minic 700 WP

12,9 g

d. Chống đổ do gió, lốc

- Hạn chế trồng ở những nơi thường xuyên có gió lốc, bị ảnh hưởng của bão,...

- Tỉa cành, tạo tán để cây thoáng gió.

- Đối với những nơi bị ảnh hưởng của gió, bão, có nguy cơ gãy đổ, phải tiến hành chằng, chống để hạn chế thiệt hại do gió, bão gây ra.

10. Thu hoạch - bảo quản hạt 

a. Sơ chế

Sau khi thu hoạch trong vòng 24 giờ phải bóc ngay vỏ quả tươi để lấy hạt.

Cây mắc ca chuẩn bị thu hoạch quả.

Cây mắc ca chuẩn bị thu hoạch quả.

 - Đối với những cơ sở chế biến có quy mô nhỏ: Hạt sau khi bóc đem rải đều trên giá lưới có mắt lưới 10 - 15 Phía trên giá lưới có mái che thông thoáng. Dùng quạt gió làm khô hạt. Mỗi ngày đảo ít nhất 1 lần. Sau 7 ngày, hạt sẽ khô, độ ẩm giảm xuống còn 10 - 15%.

- Đối với những cơ sở sản xuất có quy mô lớn: Sử dụng máy sấy, quạt gió với nhiệt độ 35 - 40℃ trong 48 giờ, cứ sau 6 giờ phải đảo hạt một lần, độ ẩm giảm xuống 10 - 15%.

Nông dân các tỉnh đến tham quan vườn trồng mắc ca tại tỉnh Điện Biên.

Nông dân các tỉnh đến tham quan vườn trồng mắc ca tại tỉnh Điện Biên.

b. Bảo quản hạt

Sau khi làm khô hạt xuống độ ẩm 10 - 15%, chuyển sang công đoạn chế biến hoặc đưa đi tiêu thụ. Trong trường hợp chưa chế biến hoặc tiêu thụ được ngay thì có thể bảo quản trong các dụng cụ như bao bì, thùng, hộp,... nhưng phải đảm bảo nơi khô ráo, thoáng mát, tránh sự xâm nhập của côn trùng. Thời gian bảo quản có thể từ 6 - 9 tháng.

Cuốn sách 'Cách trồng cây mắc ca' do Nhà xuất bản Nông nghiệp phát hành quý I/2022.

Cuốn sách "Cách trồng cây mắc ca" do Nhà xuất bản Nông nghiệp phát hành quý I/2022.

VÕ DUẨN - HUỲNH NGỌC HUY - ĐỖ THÀNH ƠN - NGUYỄN LÂN HÙNG

Tin khác

Nghề làm bún 400 tuổi bên sông Bồ trở thành di sản văn hóa quốc gia

Nghề làm bún 400 tuổi bên sông Bồ trở thành di sản văn hóa quốc gia

THỪA THIÊN - HUẾ Nghề làm bún Vân Cù (thị xã Hương Trà) và lễ hội điện Huệ Nam (thành phố Huế) được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ tháng 12/2024.

Tri thức nghề nông  - 25/12/2024
Triển khai toàn diện quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM

Triển khai toàn diện quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM

Ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật: Ngành Nông nghiệp, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, sẽ tiếp tục phối hợp tốt trong triển khai quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM.

Tri thức nghề nông  - 21/12/2024
Trên 47.000 cán bộ khuyến nông cộng đồng có thể tham gia chương trình IPHM

Trên 47.000 cán bộ khuyến nông cộng đồng có thể tham gia chương trình IPHM

Trình bày và đề xuất của đại diện Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang và lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia về lực lượng khuyến nông tham gia triển khai chương trình IPHM.

Tri thức nghề nông  - 21/12/2024
Cách thành phố Cần Thơ triển khai mô hình IPHM gắn với nông nghiệp sinh thái

Cách thành phố Cần Thơ triển khai mô hình IPHM gắn với nông nghiệp sinh thái

Đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ giới thiệu cách triển khai mô hình IPHM gắn với nông nghiệp sinh thái và cảnh quan.

Tri thức nghề nông  - 21/12/2024
Cây trồng có giá trị kinh tế cao cần phân bón 'chuyên dụng'

Cây trồng có giá trị kinh tế cao cần phân bón 'chuyên dụng'

Theo GS.TS Trần Văn Hâu, nguyên Giảng viên cao cấp Trường Đại học Cần Thơ, những cây trồng có yêu cầu kỹ thuật, giá trị kinh tế cao cần có phân bón 'chuyên dụng'.

Tri thức nghề nông  - 20/12/2024
Lợi ích từ áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM

Lợi ích từ áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM

Chia sẻ của ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật về những lợi ích trong áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM, đảm bảo an toàn sản xuất và xuất khẩu.

Tri thức nghề nông  - 20/12/2024
Phân bón mới nâng cao hiệu suất sử dụng BiO

Phân bón mới nâng cao hiệu suất sử dụng BiO

Ông Lê Văn Hải, Tổng Giám đốc BiOWISH Việt Nam trình bày về dòng phân bón mới nâng cao hiệu suất sử dụng hữu hiệu (BIO EFF).

Tri thức nghề nông  - 20/12/2024
Mỗi năm Syngenta Việt Nam đào tạo cho 1 triệu nông dân sử dụng thuốc BVTV

Mỗi năm Syngenta Việt Nam đào tạo cho 1 triệu nông dân sử dụng thuốc BVTV

Mỗi năm Syngenta Việt Nam tiếp cận, tập huấn kỹ thuật sử dụng thuốc BVTV an toàn hiệu quả cho hơn 1 triệu nông dân. Có 250.000 nông dân được tập huấn theo chuyên đề 4 đúng, 5 nguyên tắc vàng, sử dụng thuốc và thu gom bao gói sau sử dụng có trách nhiệm.

Tri thức nghề nông  - 20/12/2024
Ứng dụng cây trồng cải tiến trong thực hành IPHM

Ứng dụng cây trồng cải tiến trong thực hành IPHM

Bà Đào Thu Vinh, Điều phối viên tổ chức Croplife Việt Nam cho biết các giống cây trồng cải tiến, kháng sâu bệnh hại giúp cây trồng khỏe mạnh hơn, có khả năng chống chịu lại các yếu tố bất lợi của môi trường và dịch hại. Đây luôn là một cấu phần quan trọng trong chương trình IPHM và IPM.

Tri thức nghề nông  - 20/12/2024
Các sinh vật gây hại mới nổi và biện pháp phòng ngừa

Các sinh vật gây hại mới nổi và biện pháp phòng ngừa

GS.TS Nguyễn Văn Tuất, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật BVTV Việt Nam, chia sẻ, nhiều sinh vật gây hại bùng phát mạnh trong điều kiện biến đổi khí hậu, cần phòng ngừa bằng tổng hợp nhiều giải pháp.

Tri thức nghề nông  - 20/12/2024
Tổng quan đề án IPHM và kết quả triển khai ở các tỉnh

Tổng quan đề án IPHM và kết quả triển khai ở các tỉnh

Ông Đỗ Văn Vấn, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, Cục Bảo vệ thực vật, giới thiệu tổng quan đề án quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM và kết quả triển khai ở các tỉnh, thành trên cả nước.

Tri thức nghề nông  - 20/12/2024
Phát triển kit chẩn đoán nhanh giám định sinh vật gây hại

Phát triển kit chẩn đoán nhanh giám định sinh vật gây hại

Ngoài một số bệnh hại sẵn có, cây trồng còn chịu tác động của nhiều sinh vật gây hại mới nổi, sinh vật ngoại lai khiến công tác phòng chống gặp khó khăn.

Tri thức nghề nông  - 19/12/2024