| Hotline: 0983.970.780

Tri thức nghề nông: 'Dựng nhà' trú ngụ cho tôm cá giữa biển khơi

Thứ Bảy 03/02/2024 , 09:30 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Dù ngày càng có nhiều công nghệ khai thác hiện đại, ngư dân nhiều nơi ở miền Trung vẫn đánh bắt hiệu quả bằng phương pháp thả chà để dụ tôm cá giữa biển khơi.

"Phố đêm” trên biển

Cách đây chừng 30 năm, đêm về, dọc tuyến Quốc lộ 1D nối TP Quy Nhơn (Bình Định) với thị xã Sông Cầu (Phú Yên), vùng biển thuộc khu vực Bãi Xép (phường Gềnh Ráng, TP Quy Nhơn) rực sáng ánh đèn trông như “thành phố” trên biển. Ánh sáng ấy được phát ra từ những mành đèn trên những cây chà được ngư dân đặt dưới biển để đánh bắt tôm hùm giống.

Tôm hùm giống chỉ xuất hiện trong mùa biển động. Vùng biển Bãi Xép được bao bọc bởi những cụm đảo và bán đảo nên kín gió, thuận lợi cho tàu cá có công suất nhỏ bủa lưới đánh bắt, trở thành “vùng đất hứa” của nghề đánh bắt tôm hùm giống.

Ngư dân Hoài Nhơn (Bình Định) chuyển vật liệu làm chà xuống tàu để đưa ra ngư trường quần đảo Trường Sa thả chà. Ảnh: Ngọc Thuận.

Ngư dân Hoài Nhơn (Bình Định) chuyển vật liệu làm chà xuống tàu để đưa ra ngư trường quần đảo Trường Sa thả chà. Ảnh: Ngọc Thuận.

Trên vùng biển Bãi Xép không chỉ có ngư dân TP Quy Nhơn hoạt động, mà còn thu hút cả ngư dân ở thị xã Sông Cầu (Phú Yên) ra thả mành đèn, đặt chà đánh bắt tôm hùm giống. Nghề đặt chà đánh bắt tôm hùm giống hiện đã dần mai một, thế nhưng theo anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng, Giám đốc HTX Dịch vụ Du lịch - Thủy sản xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn), hiện ở Nhơn Hải vẫn còn 7 hộ hành nghề thả chà đánh bắt thủy sản ven bờ với 14 cây chà.

Theo các lão ngư ở làng chài Nhơn Hải, chà là các loại cây, lá được buộc lại thành bó thả xuống biển tạo thành vùng rạn nhân tạo dẫn dụ tôm cá tập trung về trú ngụ, rồi bủa lưới đánh bắt. Độc đáo của nghề thả chà là có thể di chuyển vùng rạn nhân tạo khắp nơi trên biển để đón lõng những đàn cá di chuyển theo mùa vụ.

Cội chà có khoảng 5 - 7 cây tre dài, thẳng, nhặt mắt, đặc ruột được buộc lại bằng những sợi dây rừng đã qua ngâm nước để tạo độ dẻo, độ bền. Sau đó, mỗi cội chà được gia cố thêm xung quanh khoảng 10 - 15 gốc tre có độ dài khoảng 3m nhằm tạo thêm sự vững vàng, tạo bóng để dẫn dụ thủy sản vào trú ngụ.

Trước đây, khi cây chà là còn dày đặc trên rừng, ngư dân thường dùng lá cây này bện xung quanh những gốc tre để tạo thành “căn nhà” cho thủy sản tập trung lại định cư, cõ lẽ do vậy mà nó được mang tên là cây chà. Sau khi cây chà hình thành, ngư dân thả xuống biển, dưới gốc được buộc những cục đá lớn để cây chà ổn định giữa những dòng hải lưu.

Ngư dân phường Hoài Hương (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) cập cảng cá Quy Nhơn chở vật liệu để ra ngư trường Trường Sa đặt thêm chà dụ cá. Ảnh: Ngọc Thuận.

Ngư dân phường Hoài Hương (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) cập cảng cá Quy Nhơn chở vật liệu để ra ngư trường Trường Sa đặt thêm chà dụ cá. Ảnh: Ngọc Thuận.

Tìm ra được những cục đá để làm chà là cả một kỳ công. Công cuộc tìm đá được giao phó cho những ngư dân trai tráng. Họ lên thuyền chạy ra các đảo xa tìm chọn những cục đá có hình quả trám, hình hột xoài, mỗi cục nặng cả 100kg chở về rồi dùng dây rừng cột những cục đá vào đuôi cội chà để làm neo giữ những cây chà yên vị dưới đáy biển.

Theo lão ngư Nguyễn Văn Long ở phường Gềnh Ráng (TP Quy Nhơn), cách đây 20 năm, khi ấy ông còn khỏe, là một trong những ngư dân chuyên hành nghề thả chà đánh bắt tôm hùm giống ở vùng biển Bãi Xép, nghề này đã “sắm thuyền, cất nhà” cho gia đình ông.

Ngày ấy tôm hùm giống còn dày, mỗi mùa tôm hùm giống (từ tháng 11 âm lịch năm trước đến tháng 2 - 3 âm lịch năm sau) ngư dân làm ăn ở Bãi Xép đánh bắt đến gần 20.000 con. Giá tôm hùm giống khi ấy dao động từ 80.000 - 140.000đ/con tùy thời điểm, Tết Nguyên đán năm nào ngư dân cũng ăn Tết rôm rả nhờ thu nhập từ đánh bắt tôm hùm giống.

Những năm gần đây, người nuôi mực lá ở xã đảo Nhơn Châu (TP Quy Nhơn) cũng thả chà để đánh bắt mực giống về thả nuôi. Hàng năm, từ tháng 2 âm lịch người dân Nhơn Châu bắt đầu vụ nuôi mực lá đầu tiên, đây cũng là thời điểm vào vụ đánh bắt mực giống.

Tàu dừa là vật liệu quen thuộc, dễ kiếm để ngư dân các tỉnh miền Trung làm chà dụ cá khi đi biển. Ảnh: Ảnh: Châu Tỉnh.

Tàu dừa là vật liệu quen thuộc, dễ kiếm để ngư dân các tỉnh miền Trung làm chà dụ cá khi đi biển. Ảnh: Ảnh: Châu Tỉnh.

Từ 8 giờ sáng đến 1 giờ chiều mỗi ngày, ngư dân chèo thuyền thúng đi bủa lưới quanh những bó chà mình đã đặt để đánh bắt mực giống. Mỗi hộ nuôi mực thả hàng chục bó chà trên vùng biển xung quanh đảo để đánh bắt mực giống. Mực lá khoảng nửa lạng/con từ ngoài biển theo sóng dạt vào, tụ tập dưới bóng mát của những bó chà cho ngư dân Nhơn Châu nguồn mực giống dồi dào.

Ông Trần Văn Cho (62 tuổi), người đang nuôi 5 bè mực lá, mỗi bè 2 ô, bình quân mỗi ô nuôi 150 con mực. Để có mực giống thả nuôi, từ bến đò Nhơn Châu đến 3 bãi ở phía nam cù lao ông Cho thả 40 - 50 bó chà. Những cây chà đã cho ông Cho nguồn mực giống thả nuôi quanh năm.

Những "làng chà" giữa biển khơi

Khoảng chục năm gần đây, nghề đánh bắt thủy sản xa bờ làm ăn thất bát do nguồn lợi thủy sản ở vùng khơi ngày càng cạn kiệt. Thêm vào đó, những năm gần đây, lượng tàu cá đánh bắt xa bờ ở Bình Định không ngừng tăng cao. Hiện Bình Định đang có hơn 5.000 tàu cá, trong đó có đến hơn 3.000 tàu có công suất lớn, chuyên đánh bắt xa bờ.

Thợ lặn trên tàu hành nghề lưới vây đánh bắt cá ngừ sọc dưa tiếp cận cây trôi trên biển. Ảnh: V.Đ.T.

Thợ lặn trên tàu hành nghề lưới vây đánh bắt cá ngừ sọc dưa tiếp cận cây trôi trên biển. Ảnh: V.Đ.T.

Biển vắng cá, tàu thì dày đặc nên sản lượng đánh bắt của mỗi tàu sụt giảm mạnh. Hơn nữa, thời gian qua giá nhiên liệu và các mặt hàng nhu yếu phẩm tăng chóng mặt nên hầu hết tàu cá của ngư dân Bình Định bị lỗ tổn, đời sống của ngư dân lâm cảnh long đong.

Tàu cá của ngư dân Bình Định chiếm phần lớn hành nghề câu cá ngừ đại dương và nghề lưới vây đánh bắt cá ngừ sọc dưa. Theo lão ngư Bùi Thanh Ninh (65 tuổi), người đang sở hữu 6 tàu cá xa bờ chuyên hành nghề lưới vây đánh bắt cá ngừ sọc dưa ở thôn Thiện Chánh 1, xã Tam Quan Bắc (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định), đặc thù của loài cá ngừ sọc dưa là đi kiếm ăn theo dòng nước. Từ tháng 8 năm trước đến tháng 1 dương lịch năm sau là mùa vụ chính đánh bắt cá ngừ sọc dưa. Đến mùa, cá ngừ sọc dưa kéo nhau thành đàn đi kiếm ăn. Đàn ít nhất cũng 4 - 5 tấn, có đàn nhiều đến cả chục tấn. Nếu đàn cá thấy một khúc cây rừng hoặc tàu dừa trôi trên biển là chúng dựa theo bóng cây hoặc tàu dừa ấy để đi kiếm ăn. 

Không chỉ có ngư dân Bình Định, ngư dân nhiều địa phương phía Nam hiện nay vẫn duy trì hiệu quả kinh nghiệm đánh bắt bằng việc làm chà thu hút hải sản. Ảnh: Nguyên Minh.

Không chỉ có ngư dân Bình Định, ngư dân nhiều địa phương phía Nam hiện nay vẫn duy trì hiệu quả kinh nghiệm đánh bắt bằng việc làm chà thu hút hải sản. Ảnh: Nguyên Minh.

Trước đây, khi những tàu cá hành nghề lưới vây ra đến ngư trường, tài công thường cho tàu chạy chầm chậm, lang thang khắp mặt biển để tìm cây trôi. Thấy có khúc cây trôi là ngư dân trên tàu đồng loạt hò reo như bắt được vàng, thuyền trưởng lập tức cử ngư dân lặn xuống biển để đánh giá trữ lượng đàn cá ngừ sọc dưa đang dựa vào bóng cây ấy. Nếu thấy trữ lượng đàn cá lớn, đủ bủa mẻ lưới, thợ lặn liền cột vào khúc cây trôi ấy lá cờ để đánh dấu rằng khúc cây này đã “có chủ”. Trên đầu cây cờ có gắn bóng điện nhỏ được thắp sáng bằng bình ắc quy để đêm xuống tài công biết hướng khúc cây trôi và cho tàu chạy theo, 4 giờ sáng hôm sau sẽ bủa lưới đánh bắt.

“Bây giờ đánh bắt theo kiểu cầu trời như trước đây không còn phù hợp vì tàu đánh bắt cá ngừ sọc dưa chạy dày biển, cây trôi thì thưa thớt, “chảy máu mắt” mới tìm được đàn cá. Nhiên liệu thì ngày càng tăng giá, cho tàu chạy lang thang khắp nơi trên biển chẳng khác gì đốt tiền. Thế nên hiện nay 6 tàu cá của tôi thả chà ngoài biển Đông tạo bóng để cá ngừ sọc dưa đến "dựa".

Hàng ngày, ngư dân canh chà lặn xuống thăm dò, nếu thấy có đàn cá lớn liền liên lạc về bờ, tôi cho tàu chở ngư lưới cụ cùng ngư dân chạy ra bủa lưới đánh bắt. Cách đánh bắt này hiệu quả gấp mấy lần so với cách đi tìm cây trôi như trước đây”, lão ngư Bùi Thanh Ninh chia sẻ.

Bắt gặp cây trôi trên biển ngư dân mừng như bắt được vàng. Ảnh: V.Đ.T.

Bắt gặp cây trôi trên biển ngư dân mừng như bắt được vàng. Ảnh: V.Đ.T.

Theo lão ngư Ninh, vùng biển ngoài khơi rất sâu, ngư dân phải khảo sát tọa độ, tìm những bãi đá ngầm nổi cao hơn đáy biển để thả chà. Chọn được điểm rồi, ngư dân cho thả chiếc neo nặng khoảng 1 tấn xuống đáy bãi đá ngầm, chiếc neo được buộc vào sợi dây neo chuyên dụng to bằng cổ tay người lớn, dài khoảng 5.000 - 6.000m.

Cách mặt nước biển khoảng vài ba trăm mét, ngư dân dùng tàu dừa, cành tre, cây bụi cột thành chùm để tạo bóng mát dẫn dụ cá ngừ sọc dưa về quần tụ. Bên trên dây neo ngư dân sử dụng 3 - 4 chiếc thùng xốp có thể tích khoảng 1 khối/thùng làm phao để giữ cây chà yên vị giữa sóng gió.

“Đầu tư cho 1 cây chà tốn đến vài trăm triệu đồng nhưng hiệu quả mang lại rất cao nên càng ngày ngư trường Trường Sa càng mọc dày những cây chà. Vùng thả chà đánh bắt cá ngừ sọc dưa trên biển Đông giờ “sầm uất” trông như một làng chài, tập trung tại nhà giàn ĐK1. Tàu cá canh giữ những cây chà thường xuyên có mặt trên biển Đông, cứ như những cột mốc khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”, lão ngư Bùi Thanh Ninh chia sẻ.

Xem thêm
Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 3] Nhân rộng mô hình tiên tiến

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ nỗ lực mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, khu vực thí điểm.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Cùng ngư dân Trà Vinh thắp sáng đèn trên biển

Trà Vinh Những suất quà tặng bà con ngư dân gồm bình ắc quy, đèn led, combo pin, túi thuốc, cuốn cẩm nang nhằm hỗ trợ, động viên ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển