Sáng tạo chiếc chạt lọc của ông chủ nhiệm hợp tác xã nghề muối

Nguyễn Mạnh Dũng - Chủ Nhật, 10/03/2024 , 17:14 (GMT+7)

THANH HÓA Trong sản xuất muối, chạt lọc là công cụ lấy nước mặn từ cát trước khi đưa lên ô kết tinh. Chủ nhiệm một HTX nghề muối đã làm ra loại chạt lọc hoàn hảo.  

Đồng muối. Ảnh: Thanh Cường.

Làm muối phơi cát là nghề truyền thống đã có từ hàng ngàn đời nay ở những vùng ven biển. Diêm dân - những người sản xuất muối vốn đã nghèo, ít học, lại đã quá quen với những ô, nề, thống, chạt… để làm ra hạt muối thêm vị cho bữa ăn hàng ngày của hàng triệu con người nên chẳng có thể làm gì hơn đối với những công cụ sản xuất hàng ngày của mình.

Những dụng cụ đó thô sơ và quen thuộc đến nỗi có những vị quan chức nhà nước quản lý ngành muối đã cho rằng đối với việc sản xuất muối theo phương pháp phơi cát thì chẳng có gì để mà nghiên cứu, thay đổi cả. Trên thực tế cũng diễn ra đúng như vậy.

Chẳng có cơ quan nghiên cứu hay trường đại học, cao đẳng nào để tâm nghiên cứu cải tiến các thiết bị nhằm nâng cao năng suất và giảm nhẹ sức lao động cho diêm dân. Có chăng, sau bao nhiêu năm tháng, người ta mới bắt đầu sử dụng bạt để trải lên ô kết tinh thay cho việc làm ô, nề ngày xưa mà thôi. Còn các chạt lọc, lọc cát mặn lấy nước chạt đưa vào kết tinh muối thì vẫn cũ kỹ như xưa.

Tuy nhiên, có một người lại không nghĩ như vậy. Đó là ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ nhiệm Hợp tác xã muối xã Hải Lộc (huyện Hậu Lộc) - một trong những hợp tác xã làm muối lớn nhất của tỉnh Thanh Hóa, hàng năm sản xuất ra trên 50% sản lượng muối của tỉnh này.

Cả đời làm nghề muối, hơn 10 năm làm chủ nhiệm hợp tác xã làm muối của xã, ông Hùng luôn trăn trở cải tiến công nghệ, thiết bị phục vụ cho hoạt động sản xuất của diêm dân. Cuối cùng, ông đã thành công trong việc cải tiến chạt lọc cát mặn được mọi xã viên trong hợp tác xã sử dụng vì nó bền, không phải bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên, lại tốn ít vật liệu và cho năng suất cao hơn loại chạt cũ.

Cảnh đồng muối. Ảnh: Thanh Cường.

Trong sản xuất muối, chạt lọc là công cụ không thể thiếu. Đó là công cụ lọc lấy nước mặn từ cát trước khi đưa lên ô kết tinh. Từ trước đến nay, diêm dân vẫn sử dụng một trong 3 loại chạt lọc, đó là chạt lọc Nam Định (còn gọi là chạt nứa), chạt lọc Trúc Lĩnh và chạt lọc Cát Hải. Trong đó, chạt lọc Nam Định là cơ bản và phổ biến nhất. Đối với loại chạt lọc này, sau khi làm xong thành chạt, đáy chạt, người ta bắt đầu làm lòng chạt.

Lòng chạt của chạt lọc Nam Định gồm 2 phần là cầu chạt và nan chạt. Cầu chạt bao gồm những thanh tre hoặc bương có bản rộng 2cm xếp cách nhau khoảng 10 - 12cm (đối với thanh xếp dọc) và 20 - 30cm (đối với thanh xếp ngang chạt) ở trên gờ đỡ giữa thành chạt và đáy chạt, làm nhiệm vụ đỡ các nan chạt.

Nan chạt làm bằng nứa cây, được cắt ra thành từng đoạn dài đúng bằng chiều ngang đáy chạt. Dùng dao băm nứa theo chiều dài cây và gọt hết các đầu mặt, vách nối để sau này khi bẩy chạt (dùng sêu lấy cát bã ra khỏi chạt) không bị vấp, vừa làm hỏng sêu vừa làm hỏng nan chạt. Cần băm kỹ, dùng vồ đập theo vết băm để sau này lòng chạt không bị “bí” nước (nước khó chảy qua lớp lòng chạt).

Nan chạt phải được phơi khô cho da nứa hết màu xanh thì khi gài chạt mới bền, không thối. Gài chạt phải khéo tay, sắp nan nọ khít với nan kia trên cầu chạt. Nếu nứa làm nan chạt dày, cứng thì gài một lớp. Nếu dùng nứa mỏng có thể phải gài 2 lớp. Khi gài chú ý để mặt cật của nứa quay lên trên và ngọn đoạn nứa làm nan chạt cùng chiều với hướng người bẩy chạt. Làm như vậy để khi dỡ cát trong chạt ra không bị vấp sêu vào những đốt đầu mặt nứa, có thể làm vỡ sêu hoặc bật nan chạt ra.

Lòng chạt có tốt hay không, quá trình lọc chạt có thuận lợi hay không, hiệu suất lọc có cao hay không, phần lớn phụ thuộc vào chất lượng nứa và kỹ thuật làm nan chạt. Nứa dùng làm nan chạt cũng phải được chọn lựa kỹ càng.

Nan chạt làm bằng nứa già quá, khi gặp nước các khe hở sẽ khó khít lại, ngược lại khi nan chạt làm bằng nứa non, khi lọc sẽ co lại làm khe hở giữa các nan chạt rộng ra, làm nước mặn chảy nhanh qua cát mặn, ảnh hưởng đến hiệu suất lọc cát mặn. Trong quá trình sử dụng phải thường xuyên giữ ẩm cho nan chạt bằng cách duy trì một lượng cát trong lòng chạt, tránh nắng, mưa làm cong và hư hại nan chạt.

Chạt lọc cải tiến của ông Nguyễn Văn Hùng đã giúp năng suất, chất lượng muối tăng cao, giảm công lao động. Ảnh: Thanh Cường.

Chạt lọc Trúc Lĩnh là một kiểu chạt lọc cải tiến của chạt lọc Nam Định bằng cách thay cầu chạt bằng một đoạn gỗ hay nửa cây nứa có làm các rãnh răng cưa ở hai bên úp lên máng chạt, sau đó đổ lần lượt một lớp đá cục (đường kính 4cm), một lớp sỏi và một lớp cát to hạt. Cuối cùng, không dùng nan chạt mà gài lên trên những thanh tre, nứa theo chiều ngang của chạt lọc, thanh nọ cách thanh kia 15cm để khi bẩy chạt không xúc phải lớp cát, sỏi làm lòng chạt. Chạt lọc Trúc Lĩnh có ưu điểm tốn ít vật liệu, nhất là nứa làm nan chạt, vốn không có sẵn ở các vùng làm muối ven biển, thi công lại nhanh hơn mà hiệu suất lọc cũng có phần cao hơn chạt lọc Nam Định.

Từ nhiều đời nay, diêm dân của Hải Lộc nói riêng và Hậu Lộc (Thanh Hóa) nói chung vẫn sử dụng loại chạt lọc Nam Định. Tuy nhiên, do ngày càng hiếm loại nứa làm nan chạt đúng với yêu cầu nên diêm dân thường xuyên phải đối mặt với những khó khăn trong duy trì, thay thế chạt lọc do hay bị vấp sêu trong quá trình bẩy chạt; nan chạt bị vỡ, không có để thay thế ngay; hiệu suất lọc cũng như chi phí trong quá trình làm muối bị ảnh hưởng nhiều, năng suất giảm.

Sau nhiều thời gian trăn trở, suy tư với nghề làm muối, với trách nhiệm của người đứng đầu hợp tác xã, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hùng đã quyết định cải tiến chạt lọc trên đồng muối quê hương mình.

Lao động nghề muối. Ảnh: Thanh Cường.

Khi làm chạt lọc, sau khi đã làm xong cầu lọc, ông Hùng đã thay thế việc gài nan chạt bằng việc trải lên đó một lớp lưới nilon rồi đổ một lớp cát to dày chừng 3 - 5cm lên trên, cuối cùng là gài các thanh tre, bương có bản rộng 2 - 2,5cm, cách nhau 7 - 10cm theo chiều ngang của chạt lọc để khi bẩy chạt không xúc đi lớp cát to bên dưới, đồng thời lại không bị vấp sêu hoặc làm gẫy nan chạt như loại chạt lọc cũ…

Vấn đề quan trọng là phải chọn được loại lưới nilon có độ dày và mắt lưới thích hợp mới cho ra hiệu suất lọc và chất lượng nước chạt như ý muốn. Loại chạt lọc này không phải dùng nứa làm nan chạt như chạt lọc kiểu Nam Định, không phải sử dụng đá cục, sỏi… như chạt lọc Trúc Lĩnh mà lại tốn ít công làm hơn, trong khi hiệu suất lọc rất cao, nước chạt có độ mặn như ý muốn và trong hơn so với lọc bằng loại chạt cũ rất nhiều.

Có thể nói, chạt lọc qua cải tiến của ông Nguyễn Văn Hùng vừa mang đặc điểm của chạt lọc Nam định, vừa có ưu điểm của chạt lọc Trúc Lĩnh nhưng tốn ít chi phí nhân công, vật liệu hơn, cũng như ít phải bảo dưỡng, thay thế như các loại chạt lọc đã có.

Qua hơn 2 năm thực hiện, loại chạt lọc của ông Hùng đã chứng tỏ được ưu thế: Hiệu suất lọc khá cao, nước chạt trong hơn, tốt hơn, giúp nâng cao năng suất, chất lượng muối. Nghề làm muối có thêm một thiết bị, công cụ đem lại lợi ích không nhỏ cho người sản xuất.

Nguyễn Mạnh Dũng
Tin khác
Hướng dẫn nhặt lá mai đúng cách để hoa nở vàng đúng dịp Tết 2025
Hướng dẫn nhặt lá mai đúng cách để hoa nở vàng đúng dịp Tết 2025

Hoa mai là biểu tượng quen thuộc của Tết cổ truyền Việt Nam. Nhặt lá đúng cách là kỹ thuật quan trọng giúp mai nở đúng dịp.

Nghề làm bún 400 tuổi bên sông Bồ trở thành di sản văn hóa quốc gia
Nghề làm bún 400 tuổi bên sông Bồ trở thành di sản văn hóa quốc gia

THỪA THIÊN - HUẾ Nghề làm bún Vân Cù (thị xã Hương Trà) và lễ hội điện Huệ Nam (thành phố Huế) được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ tháng 12/2024.

Triển khai toàn diện quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM
Triển khai toàn diện quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM

Ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật: Ngành Nông nghiệp, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, sẽ tiếp tục phối hợp tốt trong triển khai quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM.

Trên 47.000 cán bộ khuyến nông cộng đồng có thể tham gia chương trình IPHM
Trên 47.000 cán bộ khuyến nông cộng đồng có thể tham gia chương trình IPHM

Trình bày và đề xuất của đại diện Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang và lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia về lực lượng khuyến nông tham gia triển khai chương trình IPHM.

Cách thành phố Cần Thơ triển khai mô hình IPHM gắn với nông nghiệp sinh thái
Cách thành phố Cần Thơ triển khai mô hình IPHM gắn với nông nghiệp sinh thái

Đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ giới thiệu cách triển khai mô hình IPHM gắn với nông nghiệp sinh thái và cảnh quan.

Cây trồng có giá trị kinh tế cao cần phân bón 'chuyên dụng'
Cây trồng có giá trị kinh tế cao cần phân bón 'chuyên dụng'

Theo GS.TS Trần Văn Hâu, nguyên Giảng viên cao cấp Trường Đại học Cần Thơ, những cây trồng có yêu cầu kỹ thuật, giá trị kinh tế cao cần có phân bón 'chuyên dụng'.

Lợi ích từ áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM
Lợi ích từ áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM

Chia sẻ của ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật về những lợi ích trong áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM, đảm bảo an toàn sản xuất và xuất khẩu.

Phân bón mới nâng cao hiệu suất sử dụng BiO
Phân bón mới nâng cao hiệu suất sử dụng BiO

Ông Lê Văn Hải, Tổng Giám đốc BiOWISH Việt Nam trình bày về dòng phân bón mới nâng cao hiệu suất sử dụng hữu hiệu (BIO EFF).

Mỗi năm Syngenta Việt Nam đào tạo cho 1 triệu nông dân sử dụng thuốc BVTV
Mỗi năm Syngenta Việt Nam đào tạo cho 1 triệu nông dân sử dụng thuốc BVTV

Mỗi năm Syngenta Việt Nam tiếp cận, tập huấn kỹ thuật sử dụng thuốc BVTV an toàn hiệu quả cho hơn 1 triệu nông dân. Có 250.000 nông dân được tập huấn theo chuyên đề 4 đúng, 5 nguyên tắc vàng, sử dụng thuốc và thu gom bao gói sau sử dụng có trách nhiệm.

Ứng dụng cây trồng cải tiến trong thực hành IPHM
Ứng dụng cây trồng cải tiến trong thực hành IPHM

Bà Đào Thu Vinh, Điều phối viên tổ chức Croplife Việt Nam cho biết các giống cây trồng cải tiến, kháng sâu bệnh hại giúp cây trồng khỏe mạnh hơn, có khả năng chống chịu lại các yếu tố bất lợi của môi trường và dịch hại. Đây luôn là một cấu phần quan trọng trong chương trình IPHM và IPM.

Các sinh vật gây hại mới nổi và biện pháp phòng ngừa
Các sinh vật gây hại mới nổi và biện pháp phòng ngừa

GS.TS Nguyễn Văn Tuất, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật BVTV Việt Nam, chia sẻ, nhiều sinh vật gây hại bùng phát mạnh trong điều kiện biến đổi khí hậu, cần phòng ngừa bằng tổng hợp nhiều giải pháp.

Tổng quan đề án IPHM và kết quả triển khai ở các tỉnh
Tổng quan đề án IPHM và kết quả triển khai ở các tỉnh

Ông Đỗ Văn Vấn, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, Cục Bảo vệ thực vật, giới thiệu tổng quan đề án quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM và kết quả triển khai ở các tỉnh, thành trên cả nước.