Họa sĩ Xu Man trở thành ‘Con thiêng của rừng’

Phạm Tuấn - Thứ Tư, 13/11/2024 , 21:36 (GMT+7)

Họa sĩ Xu Man được nhà văn Trung Trung Đỉnh lấy làm cảm hứng sáng tác truyện dài ‘Con thiêng của rừng’ dày 124 trang, do Nhà xuất bản Trẻ vừa ấn hành.

Họa sĩ Xu Man (1925-2007).

Họa sĩ Xu Man sinh năm 1925 tại An Khê phía đông tỉnh Gia Lai. Suốt thời niên thiếu, ông phải làm tôi tớ để trả nợ cho chủ. Đến tuổi thanh niên, ông từng bí mật giúp đỡ cách mạng rồi gia nhập lực lượng quân đội địa phương.

Đến năm 1954, họa sĩ Xu Man được tập kết ra Bắc và cử đi học văn hóa. Năm 1974, ông hoàn thành chương trình đại học và trở về quê hương tiếp tục công tác. Năm 1983, họa sĩ Xu Man về hưu, trở lại làng Bông chôn nhau cắt rốn sinh sống cho đến khi qua đời năm 2007.

Nhà văn Trung Trung Đỉnh bày tỏ: “Xu Man là một đốm lửa trong rừng, một người nghệ sĩ được ngôi làng rừng của người Ba Na Tây Nguyên nuôi dưỡng từ thuở lọt lòng, giống như bếp lửa trong ngôi nhà sàn được truyền từ đời này sang đời khác, giống như một bài hát kể, kể về ngọn lửa và cuộc sống của dân làng. Ngọn lửa là nỗi đam mê ám ảnh đối với mỗi sinh linh.

Ngọn lửa bên bếp lửa than thuở thiếu thời nuôi dưỡng tâm hồn Xu Man, đưa ông đi và cả đưa ông về, theo ông suốt cả cuộc đời. Lửa trong bếp lửa nhà sàn nuôi lớn những tâm hồn và làm nên vẻ đẹp lung linh của lịch sử các tộc người, bởi vì tiền sử nối tiếp tiền sử thành ra lịch sử. Và chúng ta “nuôi lửa” trong lòng bởi chúng ta hiểu rằng, tương lai cũng tham gia vào dòng lịch sử thiêng liêng”.

Cuốn sách “Con thiêng của rừng” dẫn dắt người đọc lần ngược quá khứ trở về với vùng núi rừng Tây Nguyên thập niên 1930, gặp gỡ một chú bé người dân tộc Ba Na tên Siêu Dơng. Lớn lên trong cảnh nợ nần, nghèo khó, Siêu Dơng đã sớm chứng kiến cảnh cha mẹ mình phải nai lưng làm lụng cho nhà chánh tổng, rồi cả nhà em lại bị đem bán cho tri phủ Môr như những món hàng. Siêu Dơng sớm bộc lộ tài hội họa, nhưng rồi cái tài ấy cũng bị khuất lấp đi dưới tầng tầng lớp lớp những đắng cay tủi nhục khi làm tôi tớ cho cha con lão tri phủ Môr tàn ác.

Thời niên thiếu của Siêu Dơng là chuỗi ngày bất hạnh tới cùng cực. Đã chẳng có của cải gì trong tay, Siêu Dơng còn mất đi những người thân yêu nhất: cha anh, mẹ anh, vợ anh, con anh… Hạnh phúc nhỏ nhoi của chàng thanh niên hết lần này đến lần khác bị chà đạp, nghiền nát dưới gót giày ngang ngược, tàn ác của lũ tay sai thân Pháp. Siêu Dơng từng phản kháng, từng buông xuôi mặc sự nào nhặn của Môr, nhưng không lựa chọn nào đem lại cho anh sự yên ổn. Nhưng rồi, ngay giữa đêm trường tăm tối ấy, Siêu Dơng đã nhìn thấy tia sáng chiếu rọi tương lai cho mình.

Viết “Con thiêng của rừng”, nhà văn Trung Trung Đỉnh lấy cảm hứng từ những nhân vật có thật trên phông nền là một giai đoạn lịch sử đặc biệt của dân tộc. Nhân vật chú bé Siêu Dơng sau này là họa sĩ Xu Man.

"Kho lúa", tranh sơn dầu của họa sĩ Xu Man.

Trong suốt cuộc đời, họa sĩ Xu Man được giao làm nhiều công việc khác nhau và luôn hoàn thành nhiệm vụ. Dù bận bịu, họa sĩ Xu Man vẫn luôn dành thời gian cho niềm đam mê hội họa. Chủ đề lớn trong các tác phẩm của ông là tấm lòng người dân Tây Nguyên đối với Bác Hồ. Những bức tranh vẽ xong, họa sĩ Xu Man không giữ lại hay rao bán mà đem tặng cho bạn bè, cho nhân dân. Tới nay, các bức tranh của ông đã chu du khắp đất nước Việt Nam. Một số tác phẩm còn được lưu giữ trong hai viện bảo tàng mỹ thuật lớn tại Hà Nội và TP.HCM. 

Nhà văn Trung Trung Đỉnh đã có cơ duyên gặp gỡ họa sĩ Xu Man và hai người sớm trở thành đôi bạn tâm giao. Họ đã cùng trải qua những đêm truyện trò bên rượu cần bếp lửa, để người họa sĩ lần mở những trang quá khứ đời mình. Chuyến hành trình ấy càng dài, thì ý tưởng viết sách càng thêm rõ nét trong tâm trí tác giả, thôi thúc ông đặt bút.

“Con thiêng của rừng” là một cuốn truyện dù nhỏ nhắn về dung lượng nhưng đáng quý. Nó không chỉ là cuốn sách đầu tiên viết về cuộc đời người nghệ sĩ lớn của dân tộc Ba Na được giới văn học nghệ thuật đương đại của Tây Nguyên gọi là “con thiêng của rừng” mà còn là kết tinh của một tình bạn giản dị đơn sơ mà bền chặt.

Tuổi trẻ sóng gió của họa sĩ Xu Man trong những trang viết của Trung Trung Đỉnh đã hiện lên một cách rất sinh động và giàu cảm xúc, nhờ sự kỳ công của nhà văn trong việc đi sâu nghiên cứu và tìm hiểu về nét văn hóa và phong tục tập quán của đồng bào Ba Na và các dân tộc Tây Nguyên. Từ cách đi đứng nói cười, nếp sống nếp nghĩ, thói quen sinh hoạt, hội hè cho tới cả những bi kịch mà họ từng phải gánh chịu. Ở khía cạnh này, “Con thiêng của rừng” có thể coi như một cuốn sách hé mở trước mắt độc giả cánh cửa để tìm hiểu về văn hóa và lịch sử phát triển của các cộng đồng dân tộc Tây Nguyên.

Nếu nửa đầu tác phẩm "Con thiêng của rừng" tập trung kể chuyện Siêu Dơng và bà con buôn làng bị đày đọa bởi cha con tri phủ Môr và đám tay sai của quân Pháp, thì nửa sau câu chuyện tập trung vào hành trình của Siêu Dơng khi đã quyết một lòng đi theo Cách mạng. Trên chặng đường mới, người thanh niên lại tiếp tục trải qua một cuộc đấu tranh nội tâm giữa bên này khao khát được ngay lập tức cầm súng đánh giặc với bên kia là nhiệm vụ đi học trường mỹ thuật để sau này phục vụ đời sống tinh thần của bà con và chiến sĩ.

Truyện dài "Con thiêng của rừng" lấy cảm hứng từ cuộc đời họa sĩ Xu Man.

Nhà văn Trung Trung Đỉnh đã dành nhiều trang để mô tả kỹ lưỡng những chuyển biến trong tâm lý của Siêu Dơng, giúp người đọc hiểu được tấm lòng của người thanh niên và cả cái lý của anh. Độc giả sẽ thấy cuộc đấu tranh tâm lý dữ dội của Siêu Dơng để tìm ra con đường tương lai của mình có thể cũng sẽ nói thay tâm sự của bất cứ ai, sống ở bất cứ đâu, ở bất cứ thời điểm nào trong lịch sử. Quan trọng là, một khi đã tìm được sứ mệnh của cuộc đời mình, ta hãy một lòng một dạ cống hiến cho nó đến cùng - như cách Siêu Dơng/họa sĩ Xu Man đã từng.

Tác phẩm được kể theo trình tự thời gian, ứng với các bước đi trong cuộc đời chú bé Siêu Dơng người dân tộc Ba Na. Từ tấm bé, Dơng và bố mẹ đã bị đám chánh tổng và tri phủ làm tay sai cho Pháp mua đi bán lại, bị bóc lột sức lao động đến cùng cực. Lớn lên, Siêu Dơng vẫn không thoát khỏi sự đàn áp của tên chánh tổng, bị hắn bức hại tới mức mất vợ, mất con. Chỉ tới khi cách Mạng tới, cuộc đời anh mới sang trang. Nhờ Cách mạng, Siêu Dơng được đi học, xây dựng hạnh phúc mới và tìm lại niềm đam mê hội họa. Từ đây, anh dành cả cuộc đời mình để vẽ những bức tranh phục vụ bà con Tây Nguyên.

Phạm Tuấn
Tin khác
Nhà thơ Mai Thìn lắng nghe ‘tiếng của thiên lương’
Nhà thơ Mai Thìn lắng nghe ‘tiếng của thiên lương’

Nhà thơ Mai Thìn gây ấn tượng cho người đọc, bởi một lối viết coi ý tứ là trọng, coi tổng thể nặng hơn chi tiết và rất nặng lòng trước thế thái nhân tình.

Hoa hậu H’Hen Niê đưa thư viện thân thiện về nông thôn
Hoa hậu H’Hen Niê đưa thư viện thân thiện về nông thôn

Từ khi đăng quang đến nay, Hoa hậu H’Hen Niê đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng, trong đó có chương trình đưa ‘Thư viện thân thiện’ về nông thôn.

Người quê lúa lặng lẽ viết lại những trang đời
Người quê lúa lặng lẽ viết lại những trang đời

Người quê lúa Đặng Đình Liêm sau chuỗi ngày tham gia quân đội và công tác xa nhà, đã trở về Thái Bình thanh thản viết lại những câu chuyện đời mình.

Thức dậy một dòng sông để thương nhớ làng quê
Thức dậy một dòng sông để thương nhớ làng quê

‘Thức dậy một dòng sông’ của tác giả Trần Nam Phong hình thành một bút pháp với những câu thơ ngân như ngọn gió không lời vừa quen vừa lạ.

Nghe tin bão lụt quê mệ Quảng Bình
Nghe tin bão lụt quê mệ Quảng Bình

Tôi nhớ tới thuật ngữ “nước khách” của vùng rốn lũ Lệ Thủy và chỉ mong nước như một vị khách quý đến rồi lại đi nhẹ nhàng, đừng để lại những đau thương, tổn thất gì cho quê hương.

Nứt ra từ đá những chân tình vùi dưới cơn mưa
Nứt ra từ đá những chân tình vùi dưới cơn mưa

‘Nứt ra từ đá’ là tập thơ thứ 7 của nhà thơ Phạm Phương Lan, một gương mặt nữ khá ấn tượng trong đời sống thi ca đô thị phương Nam.

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng miệt mài dõi theo chuyển động văn hóa
Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng miệt mài dõi theo chuyển động văn hóa

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng từ Hà Nội vào TP.HCM để giới thiệu hai cuốn sách mới viết về đời sống văn hóa, với công chúng đô thị phương Nam sáng 26/10.

Tiếc thương vĩnh biệt người Thầy, người Anh cả của ngành BVTV Việt Nam
Tiếc thương vĩnh biệt người Thầy, người Anh cả của ngành BVTV Việt Nam

Ngày 23/10/2024, GS.TS Đường Hồng Dật đã qua đời ở tuổi 96, để lại tiếc nuối cho những người làm nông nghiệp và bảo vệ thực vật trên cả nước cũng như bạn bè, đồng nghiệp.

Nhà văn Yên Ba cùng những tâm sự về 'Viết & Đọc'
Nhà văn Yên Ba cùng những tâm sự về 'Viết & Đọc'

Trải qua 6 năm, chuyên đề 'Viết & Đọc' đã đạt con số 26 ấn phẩm và nhận được nhiều yêu mến của độc giả.

Vẻ đẹp phụ nữ Việt như điểm tựa cảm xúc thi ca
Vẻ đẹp phụ nữ Việt như điểm tựa cảm xúc thi ca

Vẻ đẹp phụ nữ Việt không chỉ được nhắc đến trong những dịp nhộn nhịp như Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, mà luôn giống như điểm tựa cảm xúc thi ca bất tận.

Lão thi sĩ trầm tư kỷ niệm ‘ai cũng có ngày xưa’
Lão thi sĩ trầm tư kỷ niệm ‘ai cũng có ngày xưa’

Lão thi sĩ Trần Duy Hiển ngoài tuổi tám mươi vẫn chứng minh sức nghĩ và sức viết chưa mệt mỏi, với tập thơ ‘Ai cũng có ngày xưa’ vừa ra mắt công chúng.