Họa sĩ Hồng Quân quê quán An Giang, nhưng sinh năm 1957 tại Hà Nội. Bởi lẽ, thân phụ của ông là nhạc sĩ Phan Nhân (1930-2015) và thân mẫu của ông là Nghệ sĩ Ưu tú Phi Điểu đều là những nhân vật văn hóa Nam bộ tập kết ra Bắc sau Hiệp định Gieneve.
Sau khi rời quân ngũ, Hồng Quân học trung cấp mỹ thuật và làm thiết kế mỹ thuật cho Đoàn văn công Đồng Tháp. Năm 1995, khi đã 42 tuổi, Hồng Quân vẫn thi vào khóa đào tạo chính quy của Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM. Suốt 5 năm được học khoa sơn dầu, họa sĩ Hồng Quân cũng từng có nhiều tác phẩm theo chất liệu ấy.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hành cầm cọ chuyên nghiệp, họa sĩ Hồng Quân bỗng thích chất liệu màu nước và chuyển sang sáng tác tranh màu nước. Dần dần, họa sĩ Hồng Quân tạo được phong cách màu nước riêng biệt. Tranh màu nước của họa sĩ Hồng Quân có bố cục chặt chẽ, chi tiết sinh động thực sự đem lại nhiều cảm xúc cho công chúng.
Đặc biệt, họa sĩ Hồng Quân luôn gửi tình quê hương và tranh màu nước. Những sinh hoạt nông thôn, những số phận lầm lũi, những cuộc đời lênh đênh, những góc vắng dân sinh… luôn trở thành đề tài được họa sĩ Hồng Quân chăm chút tỉ mỉ. Ông vẽ làng xóm bình yên và nhịp điệu sông nước, như vẽ chính tâm hồn mình, mênh mang và ấm áp.
Họa sĩ Hồng Quân trăn trở: “Chất liệu màu nước rất độc đáo, tại sao chưa có đơn vị giáo dục mỹ thuật nào đưa vào chương trình giảng dạy chính thức. Đã đến lúc phải xóa bỏ quan niệm, màu nước chỉ giống như một kiểu ký họa tư liệu”.
Chất liệu màu nước phải xử lý nhanh, tinh tế, điêu luyện. Hoạ phẩm tiện dụng, nhỏ gọn không cồng kềnh khi đi thực tế sáng tác. Màu nước khi đã “khô” rất khó sửa, nhưng hoạ sĩ Hồng Quân lại vẽ theo lối gần như “ngược lại”. Tranh của họa sĩ Hồng Quân trung thành với lối vẽ tả thực.
Thế mạnh của tranh màu nước là sự biến chuyển của màu và nước trên bề mặt giấy, thay đổi biến hoá, chuyển đổi sắc độ một cách ngẫu nhiên với các nét vẽ tài hoa, bút pháp linh hoạt và vững vàng, xử lí tốt chỗ buông chỗ đặt của các nhát bút. Tuy nhiên tranh màu nước của Hồng Quân lại có kỹ thuật riêng, dù có nhưng ít các nhát bút buông bỏ, ít những mảng màu loang lơ lửng và những khoảng trống của giấy tạo sự mềm mại và trong, sâu của tranh, nhưng bút pháp của anh đầy đặn, lớp lang đi sâu vào sự tả. Nhiều tranh của Hồng Quân có độ diễn tả sâu, chi li các sự vật chỉn chu và hoàn thiện.
Với tư cách đồng nghiệp, họa sĩ Nguyễn Trung Tín đánh giá cuộc triển lãm màu nước của họa sĩ Hồng Quân cuối tháng 10/2024 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM: “Những người theo đuổi dòng tranh màu nước đều vẽ nhanh, sử dụng chất liệu liên tục nhưng họa sĩ Hồng Quân lại chọn sử dụng chất liệu chậm rãi, nắn nót nhiều lớp lang như cách vẽ của sơn dầu.
Giữa một không khí sáng tác sôi động của các trào lưu nghệ thuật mới, nhiều cách biểu đạt mang tính cách tân và ngôn ngữ hậu hiện đại, tranh của Hồng Quân lại đưa người xem trở về những giá trị xưa kia, với cái nhìn chân thành về vẻ đẹp bình dị.
Lối vẽ đi ngược trào lưu tạo ra điểm khác biệt cho tác phẩm, tạo sự chú ý cho công chúng. Tranh của họa sĩ Hồng Quân thu hút người xem bằng sự trải lòng, giãi bày tình cảm, với lối vẽ giản dị nhưng chuyên sâu và mạch lạc, phải xem lâu mới mến, nhìn kĩ mới thương”.