Học giả Nguyễn Đổng Chi và kho tàng truyện cổ tích Việt Nam

Phạm Tuấn - Thứ Hai, 21/08/2023 , 15:24 (GMT+7)

Học giả Nguyễn Đổng Chi để lại nhiều di sản cho đời sống văn hóa, mà tiêu biểu nhất là tác phẩm 'Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam' được công chúng say mê.

Học giả Nguyễn Đổng Chi.

Học giả Nguyễn Đổng Chi (1915-1984) là một trong những nhà văn hóa dân gian hàng đầu nước ta thế kỷ 20. Một đóng góp cực kỳ quan trọng của học giả Nguyễn Đổng Chi là xâu chuỗi các motif truyện cổ tích Việt Nam với cổ tích của nhiều nước, để đối chiếu và so sánh liên văn bản.

Học giả Nguyễn Đổng Chi quê ở Hà Tĩnh, sinh tại Bình Thuận. Ông là con nhà giáo có đức độ và uy vọng Nguyễn Hiệt Chi, từng là đồng sáng lập trường Trường Dục Thanh.

Với cuộc đời từng trải và hơn 50 năm cầm bút, học giả Nguyễn Đổng Chi có sự nghiệp trải rộng từ sáng tác văn học, nghiên cứu văn học, nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu Hán - Nôm, khảo cổ…Hầu như, ở lĩnh vực nào, ông cũng có những thành tựu nhất định. Ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996. Tại nhiều tỉnh, thành như Hà Tĩnh, Hải Dương, Đà Nẵng, Hà Nội, TP.HCM, Kiên Giang có đường phố mang tên Nguyễn Đổng Chi.

Tác phẩm “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của học giả Nguyễn Đổng Chi được đánh giá là công trình nghiên cứu folklore “có tầm kinh điển”, rất quen thuộc với giới nghiên cứu chuyên sâu lẫn bạn đọc phổ thông.

Bộ sách “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” được biên soạn và in xong trong thời gian 25 năm, tính từ năm 1957 in tập 1 đến năm 1982 công bố trọn vẹn 5 tập. Mới đây, bộ sách “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” được Đông A Books tái bản đầy đủ với 201 truyện chính, kèm phần nghiên cứu và khảo dị, bổ sung minh họa.

201 truyện cổ tích chia đều 5 tập, được tuyển chọn theo hệ thống nhất định: Nguồn gốc sự vật; Sự tích đất nước Việt; Sự tích các câu ví; Thông minh tài trí và sức khỏe; Sự tích anh hùng nông dân; Truyện phân xử; Truyện thần tiên, ma quỷ và phù phép; Truyện đền ơn trả oán; Tình bạn, tình yêu và nghĩa vụ; Truyện vui tươi dí dỏm. Tất cả đều là những truyện tiêu biểu, đặc sắc trong kho tàng cổ tích Việt Nam rộng lớn.

Những truyện cổ tích Việt Nam qua lời kể của học giả Nguyễn Đổng Chi đã trở nên quen thuộc, gần gũi với nhiều thế hệ bạn đọc, nhiều truyện đã trở thành những kiệt tác ngắn gọn và tinh khiết. Ông kết hợp được niềm hứng khởi, ngây thơ của người kể chuyện dân gian và sự biến hóa, linh hoạt của một nhà văn.

Giáo sư Vũ Ngọc Khánh cho rằng: “Cách kể của Nguyễn Đổng Chi hồn nhiên mà sinh động, có ít nhiều vẻ dân dã và phong cách cổ. Ở những trang mở đầu và kết luận bộ sách, ông đã lưu ý đến những đặc trưng của cổ tích: Tính chất cổ của sự việc, của hình tượng, bản sắc dân tộc của câu chuyện, và trình độ tư tưởng và nghệ thuật cao trong đối sánh với các loại hình tự sự dân gian khác. Khi kể chuyện, anh đã tỏ ra tôn trọng những đặc điểm mà anh nêu ra. Đồng thời, anh vẫn có tư cách của một nhà văn. Cách kể của anh mộc mạc, có vẻ biến hóa, và điều đáng quý hơn cả: rất đáng tin”.

Bộ sách "Kho tàng cổ tích Việt Nam" vừa được in lại với phong cách mỹ thuật hiện đại.

Sau mỗi truyện chính, học giả Nguyễn Đổng Chi đều bổ sung các dị bản trong phần khảo dị, nhằm trình bày điểm dị biệt giữa các truyện chính với hàng trăm truyện cổ dân gian Đông Tây khác. Điều này mang đến một góc nhìn tổng quan về hệ thống truyện cổ dân gian vô cùng phong phú của nhân loại. Phần khảo dị đã góp phần tạo nên giá trị đặc biệt cho bộ sách “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam”.

Ngoài các truyện cổ tích kèm dị bản, phần nghiên cứu của bộ sách được in ở đầu tập 1 và cuối tập 5 cũng giúp độc giả hiểu thêm về bản chất, lai lịch, lịch sử phát triển, đặc điểm tư tưởng, nghệ thuật của truyện cổ nói chung và cổ tích nói riêng… Ở cuối mỗi tập, còn có các bài đánh giá, phân tích giá trị “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” của các chuyên gia trong và ngoài nước.

So với những lần in trước đây, trong bản in lần thứ 10, nội dung “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” được chỉnh lý kỹ lưỡng hơn. Đặc biệt, bản in lần này đã chuyển phần tên riêng nước ngoài bằng tên nguyên gốc, với các ngôn ngữ không dùng chữ Latin thì thay bằng chuyển tự Latin.

Ngoài ra, bản in lần thứ 10 được bổ sung minh họa của hai họa sĩ Phạm Ngọc Tuấn và Phạm Ngọc Tân. Các minh họa sinh động, đậm chất dân gian, hòa quyện vào từng trang sách đã mở ra thế giới cổ tích nhiệm màu.

Sau gần 40 năm kể từ ngày học giả Nguyễn Đổng Chi rời xa nhân gian, “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” vẫn tiếp tục chinh phục công chúng. Tiến sĩ Lê Văn Hảo bày tỏ: “Nguyễn Đổng Chi có cái tư chất của một nhà văn biết ghi lại trung thành niềm hứng khởi, nét ngây thơ và sự cảm động của người kể chuyện và nhà thơ dân gian. Một số truyện dưới ngòi bút của ông, đã trở thành những kiệt tác ngắn gọn và tinh khiết, ở đó sự hiện diện của chất thơ và chất hiện thực được hòa tan vào nhau trong một thể thống nhất”.

Phạm Tuấn
Tin khác
Nhà văn Anh Đức trong ký ức đồng nghiệp thế hệ sau
Nhà văn Anh Đức trong ký ức đồng nghiệp thế hệ sau

Nhà văn Anh Đức được hậu sinh nhắc đến một cách trân trọng tại hội thảo kỷ niệm 10 năm ông qua đời, vừa tổ chức sáng 18/12 ở TP.HCM.

Tác giả trẻ My Tiên và vùng da thiêng nhiều cảm xúc
Tác giả trẻ My Tiên và vùng da thiêng nhiều cảm xúc

Tác giả trẻ My Tiên ở đất võ Bình Định vừa ra mắt tập thơ ‘Vùng da thiêng’ với nhiều cảm xúc nồng nàn về quê hương và con người Nam Trung bộ.

Mạch nha Thi Phổ
Mạch nha Thi Phổ

Làng Thi Phổ thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là nơi sản xuất loại mạch nha thơm ngon nổi tiếng trong cả nước, gọi là 'mạch nha Thi Phổ'.

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận
Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh không chỉ được chuyển thể thành phim truyền hình và phim điện ảnh, mà còn liên tục tái bản với số lượng lớn để phục vụ độc giả.

Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư
Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư

Trong 'Quốc văn trích diễm', giáo sư Dương Quảng Hàm trích bài thơ 'Bán than' và cho là của Trần Khánh Dư. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tác giả là người khác.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả được giải thưởng Hồ Chí Minh, được hậu sinh kỷ niệm 10 năm ông đi xa, bằng một hội thảo tổ chức tại TP.HCM sáng 6/12.

Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm
Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm

Trên bia đá đền thờ tổ nghề chạm bạc Đồng Xâm có tuổi đời gần 600 năm ghi dấu ấn tinh hoa làng nghề và những điều răn dạy con cháu giữ nghiêm phép nghề.

'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc
'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc

Nội dung của 'Hưng Hóa kí lược' có 12 đề mục, bao gồm đầy đủ nội dung truyền thống của một cuốn địa chí.

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’
Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn với chùm thơ về vẻ đẹp đô thị năng động và bao dung, đã được trao giải nhất cuộc thi thơ ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’ năm 2024.

Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh
Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh

Nhà thơ xứ Nghệ Trần Quang Khánh chắt chiu cảm xúc những ngày quân ngũ và những năm dạy học để gửi gắm vào vần điệu chân thành và sâu lắng.

Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái
Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái

Vẻ đẹp núi rừng ở miền tây xứ Nghệ được tác giả Hữu Vi phác họa sinh động và quyến rũ qua tập truyện ngắn ‘Cái chết của bầy ong’.

Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm
Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm

Nhà văn Sơn Nam đã được nhiều tác giả tập trung nghiên cứu, và chuyên luận ‘Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam’ chứng minh rằng ông có thêm một khách tri âm nữa.