| Hotline: 0983.970.780

Khám phá di sản báo chí của học giả Nguyễn Hiến Lê

Thứ Bảy 19/06/2021 , 09:55 (GMT+7)

Di sản ‘Nguyễn Hiến Lê - tác phẩm đăng báo’ gồm 2 tập, vừa được Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ấn hành, nhân kỷ niệm Ngày Báo chí Việt Nam 21/6.

Học giả Nguyễn Hiến Lê qua nét vẽ Trần Thế Vĩnh.

Học giả Nguyễn Hiến Lê qua nét vẽ Trần Thế Vĩnh.

Từ trước đến nay, chúng ta đều biết Nguyễn Hiến Lê là một học giả viết không ngừng nghỉ, đâu đâu cũng có thể bắt gặp tác phẩm của ông trên kệ sách – nhưng có lẽ ít ai tỏ tường những bài báo ông thực hiện: chúng tản mát và chưa bao giờ được tập hợp, công bố một cách có hệ thống. Như chia sẻ của học giả Trần Văn Chánh: “Dường như người ta chỉ chú ý đến Nguyễn Hiến Lê như một học giả, một nhân vật có nhiều thành tích xuất sắc về phương diện học thuật, một con người của sách vở, mà ít ai nhấn mạnh đầy đủ đến khía cạnh ông là một trí thức đầy trách nhiệm thể hiện ở thái độ yêu nước thương dân chân thành, lúc nào cung bận bịu việc đời, trăn trở với những nỗi thăng trầm của dân tộc cũng như về những vấn nạn của thế giới mà số phận của dân tộc không thể tách rời ”.

Chúng ta đã quen với hình ảnh người đàn ông trung niên, tóc bạc, dáng mảnh khảnh; rỗi cầm sách, ngồi là cầm bút, viết liên tục: cho ra đời hơn trăm tác phẩm hướng đạo thanh niên, đa dạng về đề tài: ngữ học, lịch sử, văn học và đặc biệt đào sâu cổ học Trung Hoa. Thế nhưng ít ai biết, Nguyễn Hiến Lê còn để lại non hai nghìn trang báo: bài nào cũng sục sôi, nhiệt huyết: “đóng góp ý kiến cho nhiều vấn đề cụ thể quan trọng khác, mà vấn đề nào ông cũng đề cập một cách thấu đáo tinh tường, đặc biệt liên quan đến lãnh vực văn hóa giáo dục”. Chính lẽ đó, độc giả rất thú vị khi cầm bộ sách “Nguyễn Hiến Lê - Tác phẩm đăng báo”, đúc rút từ khoảng hơn 320 bài báo của Nguyễn Hiến Lê.

Các bài báo được đưa vào bộ sách là loạt bài viết có tính chất độc lập bàn về các vấn đề thời sự hoặc những tiểu phẩm, tùy bút, hồi ký thể hiện tâm tư, tình cảm và quan điểm của ông về mọi mặt đời sống. Sách bao gồm các mục: Dẫn nhập, giới thiệu sơ lược về con người và sự nghiệp Nguyễn Hiến Lê qua tư liệu báo chí đồng thời lướt qua toàn cảnh báo chí miền Nam trước 1975 và điểm một số tạp chí ông góp bài; Khảo luận về nội dung các tác phẩm đăng báo của ông; cuối cùng là giới thiệu các tác phẩm từng đăng báo.

Điểm nổi bật trên các trang báo của Nguyễn Hiến Lê là ông luôn suy tư về thời cuộc. Các vấn đề cuộc sống ông đặt ra luôn kịp thời, sát với tình hình thực tế. Ta cảm giác như đang hít thở bầu không khí thời đại ấy, cảm nhận được những vấn đề nóng hổi trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục và thời đại. Đề tài nào ông cũng phân tích có chứng lý, nêu bật nguyên nhân và luôn đề xuất giải pháp cụ thể. Qua đó, ta có thêm góc nhìn về đời sống miền Nam trước 1975 và hiểu thêm tâm tư người cầm bút về thực trạng đất nước.

Bộ sách 'Nguyễn Hiến Lê - tác phẩm đăng báo'.

Bộ sách "Nguyễn Hiến Lê - tác phẩm đăng báo".

Nhận xét về những trang viết về văn hóa của ông, Châu Hải Kỳ nhận xét: “Ông đã nhận định một cách sáng suốt thực trạng suy sụp của nền văn hóa miền Nam, can đảm vạch lên những điều gai mắt chướng tai, nhận lãnh trách nhiệm nói lên điều mà người “thấy nhiệm vụ của mình là nặng” phải nói ra, phải góp ý kiến một cách công nhiên, rành rẽ. Và ông đã làm việc ấy với tất cả thiện chí và nhiệt tình mà không e ngại uy quyền, không sợ công kích bắt bẻ của số người không ưa lời lẽ bộc trực, ngay thẳng và mặc dầu biết rằng những lời giãi bày của mình rồi cũng chẳng đi tới đâu trước thái độ thờ ơ lãnh đạm của những người có quyền hành”.

Học giả Nguyễn Hiến Lê thổ lộ chỉ bỏ ra một phần mười thì giờ để viết báo, nhưng đã để hết tâm tư vào công việc, coi trọng như việc biên khảo, dịch thuật nên dành được nhiều cảm tình của độc giả và bạn văn: “Danh của tôi nhờ đó tăng lên (..) và một số nhà văn tư tưởng và chủ trương hoàn toàn khác tôi, cả một vài nhạc sĩ, họa sĩ nữa cũng làm quen với tôi, tặng tôi tác phẩm, không kể nhiều nhà giáo quý tôi, nhiều sinh viên trọng tôi như thầy học.”  

Trong bài “Bọn cầm bút chúng ta làm được những gì lúc này?” đăng trên Bách khoa số 262 ra ngày 1/12/1967, Nguyễn Hiến Lê viết:“Tôi nghĩ rằng cái thú nhất của người cầm bút là được độc lập, và cái vinh dự lớn nhất của họ là giúp chút gì cho quốc dân. Muốn giữ được độc lập và giúp được quốc dân thì nên ở ngoài chính quyền, đúng ở địa vị đối lập với chính quyền. Đối lập không nhất định là chỉ trích lại càng không có nghĩa là đả đảo. Đối lập là một cách hợp tác hữu hiệu nhất và nghiêm chỉnh nhất. Ta không lệ thuộc chính quyền thì mới dám nói thẳng với chính quyền, và chính quyền mới chú ý tới lời nói của ta. Alain và André Maurois đều từ chối những chức trọng quyền cao để được là người tự do, được là một công dân giám thị các Ông lớn.

Chúng ta còn phải tiếp tục đấu tranh cho sự tự do ngôn luận. Không phải dễ đâu. Mươi mười lăm năm nữa chưa chắc đã thành công. Muốn thành công thì một mặt chúng ta phải coi chừng bọn người muốn bịt miệng chúng ta, mặt khác phải có thái độ đứng đắn. Chính quyền có điều đáng khen thì ta khen – chứ không nịnh; chính quyền lầm lẫn thì ta thẳng thắn đưa nhận định với những lí lẽ vô tư và vững vàng, những lời nhã nhặn và minh bạch, chúng ta vì quốc gia mà xây dựng. Tất nhiên có những lúc ta phải tỏ nỗi bất bình - chẳng phải của ta, mà của quốc dân – chẳng hạn với kẻ bán nước; lúc đó giọng của ta có thể gay gắt nhưng lòng tha không hề có chút căm thù cá nhân. Chúng ta đả một thái độ, một chính sách chứ không đả một con người”.

(Kiến thức gia đình số 24)

Xem thêm
Công tử Bạc Liêu trên màn ảnh mờ nhạt cá tính

Công tử Bạc Liêu là nhân vật để lại nhiều giai thoại trong đời sống cộng đồng, nhưng khi được tái hiện thành một tác phẩm điện ảnh lại không mấy ấn tượng.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.