Kể chuyện món quê: Canh mít cá chuồn

Lê Hồng Khánh - Thứ Hai, 12/12/2022 , 09:48 (GMT+7)

Canh mít non cá chuồn là món ăn bình dân của người Nam Trung bộ, dù sống tận nguồn rừng phía tây hay dọc theo đồng bằng, ven biển.

Cá chuồn.

Mùa mít non là vào khoảng tháng 3, tháng 4 âm lịch. Mít nài hoang sườn đồi, mít rẫy của người H’re, người Cor, người Cà Tu, mít mật vườn nhà người Kinh, như có lời hẹn ước với thiên nhiên, với gió nồm, chíu chít những quả non mơn mởn.

Không như các loại cá khác hầu như có bán quanh năm ở chợ, cá chuồn chỉ đánh bắt được vào độ chớm hè đến giữa năm (rộ nhất là từ tháng 3, tháng 4 âm lịch), gọi là “mùa cá chuồn đầy bến” như lời hát trong một ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Trương Quang Lục.

Mít non.

Cá chuồn được gọi là con cá của người bình dân vì có thể chế biến thành nhiều món ăn phù hợp với nguyên liệu phụ và điều kiện của từng vùng, từng gia đình: Nấu canh chua lá giang, nấu canh với mít non, chiên với củ nén bằm, kho mặn để ăn thường ngày, hấp chín để mang đi xa, muối hoặc làm mắm thính để ăn vào mùa mưa bão… Với người vùng duyên hải Nam Trung bộ, canh cá chuồn nấu mít non là món thú vị hơn cả.

Nguyên liệu chuẩn bị nồi canh.

Bài liên quan

Cá chuồn tươi được làm sạch, để ráo nước rồi cắt thành từng khúc. Mỗi con cá cắt thành đôi hoặc ba khúc, ướp gia vị, nước mắm cho thấm đều. Luộc cá chuồn tươi, thêm vài quả ớt xanh với mấy hạt tiêu, nước cá nổi mở đốm sao. Cá chín vớt ra, cho vào đĩa mắm làm miếng ngon cho người già, con trẻ. Mít non gọt vỏ, thái thành từng mẫu như con cờ đưa vào nồi nước cá đang sôi, giữ lửa đều, sau năm, bảy phút là có nồi canh. Nhớ đừng để sôi lâu, mít sẽ bị nhũn, mất đi vị ngon riêng. Nhưng nồi canh mít cá chuồn vừa thơm ngon vừa đúng kiểu phải có lá lốt làm gia vị và nêm cho vừa miệng bằng mắm cái. Mắm cái chế biến từ muối với cá cơm ủ lên men. Ngày trước, nhà nào cũng có sẵn một lu mắm sẵn trong góc bếp. Lá lốt mọc thành vạt ở cuối vườn hoặc bên bờ suối.

Những người thợ sơn tràng, đi điệu (tìm trầm), sau này là những người đi đãi vàng, khi vào rừng mang theo cá chuồn hấp hoặc chuồn thính để nấu canh với mít non hái từ những cây mít mọc hoang trong rừng. Canh mít nấu với cá chuồn thính, chuồn hấp, và cả cá chuồn muối, dĩ nhiên là không ngon như cá chuồn tươi, nhưng vẫn có được phần nào hương vị, làm cho miếng ăn vốn kham khổ của người đi rừng trở nên “dễ nuốt”. Ngư dân đi biển trong mùa đánh cá chuồn, trên khoang thuyền luôn có sẵn những quả mít non để thổi nồi canh nóng, ấm lòng bạn chài những ngày lênh đênh sóng nước...

canh mít cá chuồn.

Tiện đây cũng xin nhắc lại một điều, những chiếc ghe câu của người đi đánh cá chuồn (tiểu điếu thuyền, điếu thuyền, ghe câu, ghe cá chuồn) của ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên chính là những phương tiện di chuyển trên biển của các đội Hoàng Sa lừng danh trong lịch sử.

Ngày trước, những người đi buôn nguồn (nậu nguồn) theo các dòng sông (sông Thu Bồn, sông Trà Khúc, sông Côn…) thường mang cá chuồn lên bán ở miền núi, mua (hoặc đổi) mít non đem về miền xuôi. Vì thế, canh mít non cá chuồn là món ăn bình dị nhưng đậm đà hương vị quê hương, quyến luyến nghĩa tình miền xuôi, miền ngược. Người Nam Trung bộ, ai mà chẳng nhớ câu ca dao truyền lại tự bao đời:

Ai về nhắn với nậu nguồn

Mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên...

Lê Hồng Khánh
Tin khác
Thành hoàng Đông La qua diễn ca bái tụng của hậu sinh
Thành hoàng Đông La qua diễn ca bái tụng của hậu sinh

Thành hoàng làng Đông La ở Thanh Miện, Hải Dương trở thành biểu tượng văn hóa và lịch sử trong diễn ca ‘Ngọc phả thành hoàng’ của nhà thơ Nguyễn Ngọc Thu.

Lê Ký Thương khép lại cuộc đời tài hoa
Lê Ký Thương khép lại cuộc đời tài hoa

Lê Ký Thương, họa sĩ kiêm thi sĩ nổi tiếng, sau một thời gian đau ốm đã trút hơi thở cuối cùng lúc 9h50’ ngày 14/2 tại TP.HCM, hưởng thọ 80 tuổi.

Phan Thị Vàng Anh kể chuyện cuộc đời lắm nỗi trớ trêu
Phan Thị Vàng Anh kể chuyện cuộc đời lắm nỗi trớ trêu

Phan Thị Vàng Anh sau nhiều năm vắng bóng trên văn đàn, đã tái ngộ công chúng bằng tập truyện ngắn có cái tên lắt léo ‘Chuyện nhà Tí (và chuyện nhiều nhà khác)’.

Nhà thơ Phạm Trung Tín góp bao trải nghiệm thành câu vô thường
Nhà thơ Phạm Trung Tín góp bao trải nghiệm thành câu vô thường

Nhà thơ Phạm Trung Tín đánh dấu hành trình bước vào tuổi thất thập cổ lai hy bằng cuốn sách 'Con chữ tấm lòng' ghi lại những kỷ niệm đường văn và bạn văn.

Ký ức biệt động Sài Gòn trong câu chuyện kết nối thế hệ
Ký ức biệt động Sài Gòn trong câu chuyện kết nối thế hệ

Ký ức biệt động Sài Gòn từng được đưa lên màn ảnh, bây giờ lại tái hiện trong truyện dài ‘Nụ hôn dưới vòm cây’ của tác giả Nguyễn Khắc Cường.

Châu Thành không chỉ một địa danh phổ biến miền Tây Nam bộ
Châu Thành không chỉ một địa danh phổ biến miền Tây Nam bộ

Châu Thành được đặt tên cho vùng đất nằm cạnh tỉnh lỵ, áp dụng hầu hết miền Tây Nam bộ, như một thói quen ngày xưa, như một kỷ niệm hôm nay.

Hồ Chí Minh và vẻ đẹp vĩ nhân luôn tin ở con người
Hồ Chí Minh và vẻ đẹp vĩ nhân luôn tin ở con người

‘Hồ Chí Minh - Người tin ở con người’ là tuyển thơ của tác giả Hải Như, được ấn hành nhân kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tương truyền dấu chữ người thơ xưa & bước chân Đầu Đà người tu nay
Tương truyền dấu chữ người thơ xưa & bước chân Đầu Đà người tu nay

Thơ Hồ Xuân Hương có sức ảnh hưởng to lớn đến mức ngoài phần thơ 'chính hiệu', còn trên trăm bài phổ biến trong dân gian cũng được 'tương truyền' là do bà sáng tác.

‘Đóa hoa sương núi’ ẩn hiện ước mơ những đứa trẻ Raglai
‘Đóa hoa sương núi’ ẩn hiện ước mơ những đứa trẻ Raglai

‘Đóa hoa sương núi’ của tác giả Tâm An được ra mắt sáng mồng ba Tết Ất Tỵ tại lễ hội Đường sách TP.HCM, chia sẻ cuộc sống những đứa trẻ dân tộc Raglai.

'Tắt lửa lòng' của Nguyễn Công Hoan được thắp lại trên sân khấu
'Tắt lửa lòng' của Nguyễn Công Hoan được thắp lại trên sân khấu

‘Tắt lửa lòng’ của nhà văn Nguyễn Công Hoan sau 90 năm xuất hiện trên sân khấu cải lương lại được đưa lên sân khấu kịch nói vào dịp Tết Ất Tỵ.

Đánh đáo - trò chơi dân gian của trẻ con dịp Tết
Đánh đáo - trò chơi dân gian của trẻ con dịp Tết

Khắp các khoảnh đất, dưới các bụi tre, bên đình đều có xới đáo của bọn trẻ con. Quần áo mới, túi rủng rẻng, mồ hôi, mồ kê bết tóc, hăng say và cay cú.

Bầy rắn của nhà thơ Hữu Loan
Bầy rắn của nhà thơ Hữu Loan

Nhớ năm 1988, Hữu Loan trở lại Hà Nội sau bao năm biền biệt. Đưa cụ Hữu Loan cùng đám bạn bám theo về khu tập thể, chợt tôi lóe ra một quyết định.