Kể một câu chuyện để nông sản lưu luyến người xa

Bảo Thắng - Thứ Ba, 05/03/2024 , 06:00 (GMT+7)

Bắc Giang Từ sáng sớm, cán bộ kỹ thuật của HTX Rau sạch Yên Dũng đã đến nông trại để chuẩn bị cho buổi ghi hình bán hàng livestream.

Chị Trần Thị Thu Trang tâm niệm, mỗi nông sản đều cần một câu chuyện tự kể về mình. Ảnh: Bảo Thắng.

Lấy người nông dân làm tuyên truyền viên

Đôi bàn tay, với nhiều ngón  thon, dài nhưng chằng chịt vết xước vì cầm cuốc, cầm xẻng lâu ngày, nay bỗng trở nên ngượng nghịu khi cầm miếng mút mềm, gọn lỏn trong lòng bàn tay.

"Bọn em ít khi trang điểm lắm", Phúc bẽn lẽn. Từ thuở còn là sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cô gái đến từ đồng bằng Bắc bộ đã ít son phấn. Sau ra trường, về với miền đất Bắc Giang lập nghiệp, thói quen trước khi ra khỏi nhà của những cô gái phố thị càng trở nên xa lạ với Phúc. Thường thì những cán bộ trẻ như chị chọn cách "trang điểm" đơn giản nhất, là đeo một tấm chống nắng dày, to bản, chỉ để hở mỗi đôi mắt và cố gắng mặc áo dài tay kể cả lúc nắng nóng.

Cả ngày quanh quẩn với rau cỏ, ruộng vườn, có trang điểm cũng chẳng để ai ngắm, Phúc và mấy đồng nghiệp hay tếu táo vậy. Nhưng hôm nay là một ngày đặc biệt với chị. Sau nhiều lần được Phó Giám đốc HTX Trần Thị Thu Trang nài nỉ, chèo kéo, cô gái 9x cũng gật đầu lên sóng livestream, giới thiệu về quy trình chăm sóc giống súp lơ san hô - loại rau đang được đông đảo người tiêu dùng quan tâm, tìm hiểu.

Bên cạnh "chuyên gia" nội dung, phụ trách hoạt động trải nghiệm tại HTX Rau sạch Yên Dũng (xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng, Bắc Giang) - chị Linh Nguyễn, Phúc rành rọt giới thiệu: "Tính cả 20 ngày ươm, người nông dân phải chờ thêm khoảng 65 ngày cho rau sinh trưởng ngoài đồng rồi mới đạt đến độ thu hoạch. Khi trồng, bà con cần đặc biệt quan tâm lúc đóng bắp...". Tới lúc chiếc smartphone ngừng ghi, Phúc mới thở phào một cái to. Hình như là việc đóng diễn trên mạng xã hội còn áp lực hơn cả khi bảo vệ luận án tốt nghiệp?

Tôi không kịp gửi câu hỏi ấy đến Phúc, vì chị đang bận đi mượn nước tẩy trang, làm sạch lớp phấn mỏng mới giặm ban nãy. Nhưng nhìn ánh mắt khích lệ của Phó Giám đốc Trang ngồi kế bên, có lẽ việc hỏi trở nên thừa thãi.

Cổng vào HTX Rau sạch Yên Dũng tại thôn Huyện, xã Tiến Dũng. Ảnh: Bảo Thắng.

Hoàng Thị Phúc, cũng giống như hơn 100 lao động tại HTX Rau sạch Yên Dũng vốn chỉ quen với mưa, nắng. Họ sản xuất giỏi, lại chịu thương chịu khó, nhưng trước khi dừng chân nơi thôn Huyện, nỗi lo "được mùa mất giá" cứ chực chờ.

Để giải quyết vấn đề, chị Trang bàn với bà con 2 giải pháp. Một là, trồng những loài rau vừa chất lượng, vừa độc, lạ, có phân phối hẹp trên thị trường. Hai là, tích cực quảng bá hình ảnh về HTX trên các phương tiện mạng xã hội, lấy chính những người nông dân một nắng hai sương làm tuyên truyền viên. Việc đầu không quá khó, HTX ưu tiên sản xuất các loại rau phù hợp với yêu cầu, thị trường. Nhưng nhiệm vụ thứ hai là cả vấn đề. Người nông dân vốn không quen nói về mình, nhất là khi họ hầu hết đều ở tuổi lên chức bà.

Không nản chí, nữ lãnh đạo sinh năm 1983 kiên trì giải thích, vận động người dân, rằng để bán được rau thì phải tăng cường thông tin đến mọi người. Nhưng đầu tư hàng chục, hàng trăm triệu đồng quảng bá qua các hình thức truyền thống là điều không thể. Do vậy, cần chủ động tận dụng nguồn lực hiện có, ở đây chính là những người đang một nắng hai sương, để họ tự kể chuyện về mình, về những nông sản họ đang làm ra.

"Hãy đặt vào vị trí của khách hàng và nghĩ xem điều gì sẽ đưa các cô đến quyết định mua hàng", chị Trang nhiều lần nói như vậy với mọi người. Câu trả lời nhận được rất nhiều, nào là biết chắc chất lượng sản phẩm, cơ sở uy tín, vận chuyển nhanh chóng để đảm bảo rau còn tươi... "Nhưng nguyên nhân số một là gì", chị lại hỏi tiếp. Lúc này, hầu như đều đồng tình, sự uy tín của cơ sở sản xuất. Mà muốn như vậy, thì HTX phải sản xuất thật, có công nhân thật, và sản phẩm thật.

Bà Trần Thị Tặng thu hoạch dưa chuột baby trong khu nhà lưới. Ảnh: Bảo Thắng.

Thuyết phục từng chút một, chị Trang đã "lôi kéo" được bà con cùng chung tay lan tỏa thương hiệu rau sạch Yên Dũng. Bắt đầu từ hình thức truyền miệng, sau đó là việc người lao động hào hứng tham gia vào những video tự sản xuất của HTX, về hoạt động thu hoạch rau, hoặc các giờ sinh hoạt tập thể. Thậm chí, buổi tập thể dục giữa giờ của các bà, các chị cũng thu hút sự thích thú của đông đảo người dùng mạng xã hội.

Ban đầu vẫn có những rụt rè nhất định, như trường hợp của chị Phúc ban sáng. Vượt qua phút bỡ ngỡ ấy, tất cả thấy vui vì được đón nhận, ủng hộ và đơn hàng cứ thế tăng dần theo năm tháng.

Bà Trần Thị Tặng, trú tại thôn Huyện, mới vào làm HTX hơn 1 năm hiểu rõ điều ấy. Khi dẫn tôi đi tham quan khu trồng dưa chuột baby trong nhà lưới, bà nhiệt tình giới thiệu về từng cây trong vườn. Bà cũng không ngại "đóng diễn" nhiều lần, đến khi đạt khung hình ưng ý mới dừng. 

"So với việc đồng áng thì vào HTX làm nhẹ nhàng hơn. Thu nhập cũng được hơn 100.000 đồng/ngày. Tôi còn thời gian nuôi con lợn, con gà ở nhà nữa", bà kể.

HTX đầu tư khoảng 15ha nhà màng, nhà lưới, với ưu tiên hàng đầu là sản xuất ra nông sản sạch. Ảnh: NVCC.

Sáng tạo hơn nữa, tận dụng triệt để nguồn lực địa phương

Từ năm 2019, Tỉnh ủy Bắc Giang đã ban hành Nghị quyết số 401 về chiến lược phát triển nông nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035. Trong đó, nhấn mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh địa phương, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thích ứng với cơ chế thị trường. Đồng thời, phát triển đồng bộ nông nghiệp với công nghiệp, thương mại, dịch vụ nhằm hỗ trợ tạo ra nhiều sản phẩm, nhiều giá trị chất lượng cao.

Cùng với cây ăn quả, Bắc Giang ưu tiên nguồn lực phát triển rau màu. Trên cơ sở hình thành các vùng sản xuất rau chế biến, rau an toàn, bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng đưa vào tiêu thụ tại siêu thị, khu công nghiệp và cung cấp cho nhà máy chế biến xuất khẩu, với quy mô diện tích khoảng 50% tổng diện tích toàn tỉnh (từ 14.000 - 15.000ha).

Chưa dừng lại ở đó, năm 2023, HĐND tỉnh Bắc Giang ban hành một loạt nghị quyết phát triển nông nghiệp, trong đó có Nghị quyết số 26 về hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2023 - 2030; Nghị quyết số 25 về chi hỗ trợ sản xuất giống phục vụ phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2023 - 2030; Nghị quyết số 27 về hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025. 

HTX Rau sạch Yên Dũng nằm trong hơn 7.000ha diện tích được quy hoạch sản xuất sau tập trung của tỉnh Bắc Giang. Nhờ sự hỗ trợ, quan tâm của chính quyền các cấp, HTX đã vượt qua được nhiều thời khắc khó khăn, chẳng hạn dịch Covid-19 khiến nhiều chuỗi cung ứng nông sản sạch bị đứt gãy tại các thành phố, khu công nghiệp.

Khu đóng gói của HTX được bày biện gọn gàng, đóng gói cẩn thận, đảm bảo nông sản sạch tới tay người tiêu dùng. Ảnh: Bảo Thắng.

Nhớ lại giai đoạn khó khăn ấy, chị Trần Thị Thu Trang thật thà: "Đúng là trong nguy có cơ. Trước thời điểm ấy, HTX gặp khó khăn khi thuyết phục bà con tham gia. Nhưng khi dịch bệnh, chúng tôi có luồng xanh đưa nông sản sạch đến các kênh phân phối. Người nông dân thấy hiệu quả nên tin theo".

Tính đến thời điểm hiện tại, khoảng 40% sản phẩm của HTX Rau sạch Yên Dũng được tiêu thụ qua hệ thống siêu thị và hơn 20% qua mạng xã hội, Internet. Trong những năm tới, chị Trang đặt mục tiêu lấy nền tảng công nghệ làm kênh tiêu thụ chính, có thể lên tới 60%.

Muốn làm được, không gì khác ngoài việc HTX tiếp tục làm mới bản thân. Trong những ngày đầu năm mới Giáp Thìn, vị phó giám đốc hào hứng kể về 2 kỷ niệm dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Đầu tiên, là giỏ quà gồm nhiều loại rau củ, với trọng lượng khoảng 10kg.

Chị bảo, lâu nay người dân có thói quen tặng bánh kẹo, bia rượu, nhưng thực tế dịp Tết chúng ta lại rất "thèm rau". Vì thế, giỏ rau củ đúng là một món quà đáp ứng đủ tiêu chí ngon - sạch - rẻ. Dù bán giá cao hơn bình thường, HTX vẫn tiêu thụ hết hơn 300 giỏ vào dịp này.

Giỏ quà Tết, đựng các loại rau củ quả của HTX Rau sạch Yên Dũng. Ảnh: NVCC.

Thứ nữa, là các hộp nho. Thông thường, thị trường chỉ đóng gói quả trong bao bì, nhưng làm vậy, khách hàng khó đoán định được độ tươi của sản phẩm. Sau mấy ngày bàn tính, chị quyết định cài thêm mấy lá nho tươi vào hộp, tạo sự khác biệt với những sản phẩm khác.

Không ngừng đổi mới sáng tạo, không sợ sai, đó là điểm mạnh mà vị phó giám đốc trẻ tự nhận về bản thân. Nhưng có lẽ, ẩn sau đó là quan điểm đúng đắn về cách sản xuất, quảng bá nông sản sạch ra thị trường của chị.

Hãy để mỗi nông sản có một câu chuyện tự kể về mình.

Bảo Thắng
Tin khác
Trai '9x' làm giàu nhờ suy nghĩ táo bạo
Trai '9x' làm giàu nhờ suy nghĩ táo bạo

Mỗi năm trang trại tuần hoàn của Ngô Đình Tuấn cho thu nhập hơn 300 triệu đồng. Thanh niên này còn sử dụng hiểu quả mạng xã hội để bán hàng.

Doanh nhân Nguyễn Ngọc Luận với cuốn sách đầu tay 'Tôi & Meet More… more'
Doanh nhân Nguyễn Ngọc Luận với cuốn sách đầu tay 'Tôi & Meet More… more'

TP.HCM Cuốn sách kể về quá trình khởi nghiệp của doanh nhân Nguyễn Ngọc Luận - CEO cà phê nông sản Meet More xuất khẩu sang 12 quốc gia.

Xâm nhập thị trường Halal bằng tiêu chí dinh dưỡng
Xâm nhập thị trường Halal bằng tiêu chí dinh dưỡng

Việc phát triển các sản phẩm dinh dưỡng từ nông sản Việt Nam không chỉ là chiến lược kinh doanh mà còn là mong muốn khẳng định giá trị của nông sản Việt.

Xuất khẩu sầu riêng đông lạnh Việt Nam năm 2024 có thể đạt 300 triệu USD
Xuất khẩu sầu riêng đông lạnh Việt Nam năm 2024 có thể đạt 300 triệu USD

Trung Quốc là một trong những thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới, với số lượng dân số đông đảo, nhu cầu tiêu dùng sầu riêng đông lạnh cao.

4 lưu ý đối với doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc
4 lưu ý đối với doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc

Việc thực hiện điểm kiểm soát tới hạn do doanh nghiệp quyết định để đảm bảo sản phẩm sầu riêng đông lạnh đáp ứng yêu cầu.

Xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc: Cần sự minh bạch, hợp tác
Xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc: Cần sự minh bạch, hợp tác

Doanh nghiệp Việt Nam cho rằng cần có sự hợp tác chặt chẽ với nông dân, hợp tác xã, để hướng tới môi trường xuất khẩu lành mạnh.

Nâng cao năng lực cạnh tranh từ thích ứng sớm với cơ chế CBAM
Nâng cao năng lực cạnh tranh từ thích ứng sớm với cơ chế CBAM

Dù nông sản chưa trong danh sách điều chỉnh của CBAM từ 1/1/2026, chuyên gia cho rằng, việc đón đầu xu thế sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường lớn, trọng điểm.

Đắk Lắk bán thành công gần 17 tấn carbon trên cây lúa
Đắk Lắk bán thành công gần 17 tấn carbon trên cây lúa

Doanh nghiệp đã thu mua gần 17 tấn carbon trên cây lúa với giá 20 USD/tấn, trở thành địa phương đầu tiên tại Việt Nam bán được tín chỉ carbon.

Cà phê dừa độc đáo ở vùng quê xứ Hậu
Cà phê dừa độc đáo ở vùng quê xứ Hậu

Hậu Giang Cà phê dừa với hương vị dịu nhẹ, thơm béo, nhận được sự yêu thích của nhiều thực khách, sản phẩm tạo nên làn gió mới trong phong trào khởi nghiệp ở nông thôn.

Vinaseed và IRRI hợp tác phát triển giống lúa chất lượng cao
Vinaseed và IRRI hợp tác phát triển giống lúa chất lượng cao

Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế - IRRI và Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam hợp tác phát triển và thương mại các công nghệ và giống lúa năng suất cao, chất lượng tốt. IRRI có ngân hàng gen khổng lồ trên 127.000 nguồn gen lúa khác nhau.

Unifarm tiên phong phát triển du lịch nông nghiệp công nghệ cao
Unifarm tiên phong phát triển du lịch nông nghiệp công nghệ cao

Unifarm là doanh nghiệp tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ cao và tham gia thí điểm mô hình trường học nông nghiệp gắn với du lịch.

Nối dài hành trình 'Môi trường sạch - Cuộc sống xanh'
Nối dài hành trình 'Môi trường sạch - Cuộc sống xanh'

ĐBSCL Sau 10 năm tổ chức, chương trình đã tổ chức thu gom và tiêu hủy trên 130 tấn vỏ bao gói thuốc BVTV, trồng hơn 3.550 cây xanh, tập huấn sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả cho hơn 30.000 nông dân tại 15 tỉnh thành trên cả nước.