Tính đến nay, toàn tỉnh Trà Vinh có trên 24.300ha sản xuất nông nghiệp an toàn, ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Trong đó, việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang chuyên rau màu đã đem lại nguồn thu nhập cao gấp 2-3 lần cho nông dân.
Đặc biệt, các mô hình trồng chuyên rau màu thực phẩm mang lại cho nông dân thu nhập 120-130 triệu đồng/ha/năm. Bởi nhiều nông hộ đã áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, làm tốt công tác phòng trừ sâu bệnh nên sản lượng và chất lượng rau màu có giá trị kinh tế tăng.
Thu nhập 45 triệu đồng mỗi tháng
Thời điểm này, vườn rau thủy canh của Công ty TNHH Green Farm Trà Vinh tại huyện Châu Thành đang tất bật vào vụ cao điểm phục vụ thị trường tết. Đây là mô hình trồng rau công nghệ được xây dựng từ tháng 11/2019, đến nay đã và đang mang lại hiệu quả đáng ghi nhận.
Rau màu Green Farm được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao và mỗi ngày xuất ra thị trường từ 200 – 230kg, để cung cấp cho hai chuỗi siêu thị lớn Co.op Mart và Go tại các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh, TP Cần Thơ.
Hàng tháng lợi nhuận rau thủy canh mang về là khoảng 45 triệu đồng. Tuy chỉ mới thành công bước đầu, nhưng phần nào mở ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp ở địa phương, đó là đầu tư công nghệ hiệu quả mang lại lợi ích kinh tế cao và khẳng định được giá trị sản phẩm trên thị trường.
Theo ông Trần Thái Bảo, Giám đốc Green Farm Trà Vinh, ưu điểm của việc trồng rau trong trong nhà màng đó là hạn chế tới mức thấp nhất về sự tấn công của sâu hại. Qua đó nông dân sẽ hạn chế được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hầu như là cần thiết thì công ty chỉ sử dụng thuốc sinh học chứ không sử dụng thuốc hóa học để phòng, trừ bệnh.
Còn tại xã Đôn Châu, huyện Duyên Hải, nông dân được dự án Sinh kế hỗ trợ triển khai 5 mô hình trồng rau màu nhà lưới, với tổng diện tích 2.500m2. Từ hiệu quả bước đầu cho thấy, mô hình đã giúp nông dân, đặc biệt là nông dân Khmer kịp thời nắm bắt khoa học - kỹ thuật, tận dụng nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh của gia đình.
Điều mà nông hộ hài lòng nhất là mô hình trồng rau nhà lưới khá nhẹ công chăm sóc, ít sâu bệnh, có thể canh tác vào mùa mưa mà không lo rau bị dập úng, thối cây. Năng suất cao, có thể sản xuất quanh năm, chi phí nhân công, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giảm, nên lợi nhuận của nông dân cao hơn nhiều so với cách sản xuất theo tập quán cũ.
Tuy nhiên, chi phí đầu tư nhà lưới ban đầu khá cao, dao động từ 70-120 triệu đồng/nhà lưới, cho nên khi được dự án hỗ trợ, nông hộ cố gắng sản xuất theo tiêu chuẩn đề ra.
Ông Thạch Chanh, ấp Sa Giăng, xã Đôn Châu, huyện Duyên Hải cho biết: "Tôi được hỗ trợ làm 500m2 nhà lưới, trồng thấy có hiệu quả lắm, vừa hạn chế sâu bệnh lại thấy cây tốt từ đó ít sử dụng thuốc trừ sâu, bán được giá cao. Thu nhập mỗi ngày cũng được vài trăm nghìn đồng nên dư dả hơn trước đây nhiều".
Dịch chuyển từ số lượng sang chất lượng
Bên cạnh việc mở rộng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, ứng dụng các kết quả nghiên cứu mới vào sản xuất, triển khai mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị cũng được nông dân chú trọng thực hiện.
Đối với các loại rau màu, ngoại trừ các chính sách hỗ trợ, tỉnh Trà Vinh khuyến nghị các địa phương cần xác định đối tượng cây trồng, vùng canh tác phù hợp để phát huy tiềm năng, lợi thế về tài nguyên, khí hậu của các vùng sinh thái bảo đảm hiệu quả sản xuất. Những vùng có lợi thế về sản xuất hữu cơ cần được phát triển, bảo vệ và xây dựng kết cấu hạ tầng phù hợp nhằm giảm thiểu ô nhiễm từ các vùng xung quanh.
Đồng thời đẩy mạnh kêu gọi doanh nghiệp tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ, xây dựng các dự án, chương trình, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, chế biến, kinh doanh các sản phẩm hữu cơ tại các vùng sản xuất tập trung. Thực hiện các mô hình nông nghiệp hữu cơ gắn với chuỗi giá trị cho một số sản phẩm chủ lực, đặc thù có lợi thế của các địa phương.
Điển hình tại xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải, việc trồng rau màu trong nhà lưới theo hướng hữu cơ hiện nay đã và đang phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa, tạo hướng đi mới, phương thức mới, góp phần đưa sản phẩm nông nghiệp của xã Ngũ Lạc từng bước chuyển dịch từ số lượng sang chất lượng, nâng cao giá trị sản xuất từ 120 - 150 triệu đồng/năm/ha. Đồng thời giảm chi phí và những tác động xấu của biến đổi khí hậu.
Ông Lâm Thành Cảnh, Giám đốc HTX NN Hữu cơ Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải cho biết: Từ khi chuyển đổi sang sản xuất theo hướng hữu cơ thì số lượng thành viên cũng tăng lên và điều kiện kinh tế của xã viên cũng được nâng lên theo...
Cũng theo ông Cảnh sản xuất hữu cơ thứ nhất là giảm được sâu bệnh. Thứ hai là cây khỏe phát triển nhanh hơn, giảm được công phun thuốc hơn.
Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết, năm 2023, đề ra kế hoạch phát triển sản xuất toàn ngành nông nghiệp đạt giá trị 30.000 tỷ đồng, tăng 500 tỷ đồng so với năm 2022. Mục tiêu quan trọng ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh tập trung thực hiện là phát triển các lĩnh vực sản xuất theo hướng tiên tiến, hướng hữu cơ.
Dựa trên những kết quả đạt được, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất vườn tạp, đất trồng lúa kém hiệu quả. Khuyến khích nông dân chuyển đổi sang trồng cây màu, nhất là chọn mô hình trồng rau màu thực phẩm trong nhà lưới. Đồng thời sản xuất theo hướng an toàn sinh học, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và tăng thu nhập cho nông dân. Giúp Trà Vinh hoàn thành mục tiêu nâng giá trị sản xuất đất trồng trọt của tỉnh thêm 15 triệu đồng/hecta, đạt mức bình quân 145 triệu đồng/hecta/năm cho đến năm 2025.