| Hotline: 0983.970.780

Tìm về loài rau đẹp nhất thế giới

Thứ Sáu 01/03/2024 , 11:00 (GMT+7)

Bắc Giang Xoay tròn chiếc súp lơ san hô giữa lòng bàn tay, những phần hoa màu xanh li ti tung ra xung quanh, tựa như hàng nghìn giọt nước tưới đẫm chân ruộng.

Bà Đàm Thị Xuân ở xã Cảnh Thụy, huyện Yên Dũng phấn khởi khoe cây súp lơ vừa hái. Ảnh: Bảo Thắng.

Bà Đàm Thị Xuân ở xã Cảnh Thụy, huyện Yên Dũng phấn khởi khoe cây súp lơ vừa hái. Ảnh: Bảo Thắng.

Loài rau đẹp nhất thế giới

“Loại súp lơ này là gì nhỉ?”, đó là câu mà chị Trần Thị Thu Trang, Phó Giám đốc HTX Rau sạch Yên Dũng (xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng, Bắc Giang) nghe nhiều đến mức không còn thấy ngỡ ngàng mỗi khi gặp khách phương xa. Nở một nụ cười tươi, như để chờ phía đối diện chiêm ngưỡng hết vẻ đẹp từ cây súp lơ san hô, vị nữ lãnh đạo sinh năm 1983 mới thủng thẳng: “Bạn có thấy không, đây là một loại rau độc đáo, được mệnh danh là loài rau đẹp nhất thế giới đấy”.

Như nhiều giống súp lơ khác, sản phẩm chủ lực của HTX Rau sạch Yên Dũng khoác trên mình chiếc áo màu xanh thẫm từ gốc đến ngọn. Cây không mọc cao lớn, sum sê như những loại cây khác mà "khép mình" sát đất. Thân cây tròn, bằng ống tay của em bé.

Đặc biệt, phần hoa của súp lơ san hô chụm khít lại với nhau thành nhiều tầng lớp, vừa mềm vừa xốp. Cầm một chiếc kính lúp thông thường, loại phóng to 5x, rồi đưa sát vào phần đẹp nhất của cây, thấy hiện lên sau gương cầu những tòa lâu đài nhấp nhô, ẩn sâu trong khu rừng cổ tích.

Tất nhiên, súp lơ san hô không chỉ để ngắm. Khi đem xào tái với mỡ lợn, mùi thơm lừng dậy lên. Gắp một miếng, thấy ngọt, giòn hơn hẳn súp lơ thông thường. Đã thế, loại rau này khi chế biến còn rất “dôi” vì đặc ruột, không bị rỗng phía trong.

Từ lần nếm thử thứ đặc sản ở xã Tiến Dũng, tôi cũng lân la một vài siêu thị lớn tại Hà Nội nhưng đều không thấy bán. Nhưng đó chỉ là khâu hậu kiểm sau này, còn như lời Phó Giám đốc Trang khẳng định chắc nịch, thì thứ rau này không thể tìm ở nơi nào khác ngoài HTX Rau sạch Yên Dũng.

Cận cảnh súp lơ san hô - sản phẩm 'độc quyền' của HTX Rau sạch Yên Dũng. Ảnh: Bảo Thắng.

Cận cảnh súp lơ san hô - sản phẩm 'độc quyền' của HTX Rau sạch Yên Dũng. Ảnh: Bảo Thắng.

Lân la hỏi thêm, mới biết để có một cây súp lơ san hô chắc khỏe, đẹp mắt như vậy là điều không dễ. Sau quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng thị trường và cân đối các đối tác nhập khẩu, HTX mới quyết định nhập giống rau “đẹp nhất thế giới” từ Hà Lan về. Tính cả 20 ngày ươm, người nông dân phải chờ thêm khoảng 65 ngày cho rau sinh trưởng ngoài đồng rồi mới đạt đến độ thu hoạch.

Xoay tròn chiếc súp lơ san hô nặng độ 1kg giữa lòng bàn tay, Phúc, cán bộ kỹ thuật của HTX, bảo loại rau này khá kén công chăm, nhất là khi đóng bắp. Nếu không tích cực thăm đồng, sâu bệnh có thể len vào phía trong làm súp lơ bị rỗng, hoặc màu bị ngả sang sắc khác.

Chưa kể, súp lơ vốn dĩ chịu hạn, chịu nước kém và chỉ có thể trồng ở đất có độ ẩm cao, nhiều mùn và đòi hỏi nhiều chất dinh dưỡng. Khi cây phát triển, phải chuyển dần sang tưới thấm để hạn chế bệnh thối nhũn, đồng thời tuyệt đối không tưới lúc trời đang nắng gắt và tránh để ruộng ngập úng hoặc quá khô hạn.

Dù vẫn trong giai đoạn mới đưa vào sản xuất và thử nghiệm tín hiệu thị trường, súp lơ san hô của HTX Rau sạch Yên Dũng đã được đón nhận rộng rãi. Từ một vài luống ban đầu, súp lơ san hô giờ vươn ra mấy hecta tại thôn Huyện (xã Tiến Dũng). “Do súp lơ được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, không sử dụng hóa chất bảo quản, đảm bảo an toàn và chất lượng, ai thử một lần rồi đều tìm hỏi mua lại”, cô cán bộ kỹ thuật cười tươi bày tỏ.

Nông dân canh tác trong nhà lưới tại HTX Rau sạch Yên Dũng. Ảnh: NVCC.

Nông dân canh tác trong nhà lưới tại HTX Rau sạch Yên Dũng. Ảnh: NVCC.

Kiên trì với nông nghiệp sạch

Cùng với dưa chuột baby, ngô tím..., súp lơ san hô nằm trong nhóm các sản phẩm mới được HTX Rau sạch Yên Dũng tập trung tìm tòi, đầu tư. Với tinh thần tránh để bà con nông dân rơi vào cảnh "được mùa mất giá", từ nhiều năm nay, Phó Giám đốc Trang cùng thành viên HTX dồn nhiều tâm huyết vào các sản phẩm thế mạnh, có giá trị kinh tế.

Chị tâm niệm, mỗi mắt xích trong chuỗi giá trị chỉ có thể làm tốt một nhiệm vụ cụ thể. Việc người nông dân làm tốt nhất đương nhiên là sản xuất. Không thể bắt bà con "vừa trồng dưa, vừa bán hàng" được. Từ suy nghĩ ấy, cựu sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam tuyển lựa những đối tượng trẻ, thường là sinh viên vừa tốt nghiệp các trường về nông nghiệp, về làm việc tại HTX dưới vai trò marketing, nghiên cứu, phát triển thị trường. 

Nhờ sự kết hợp vừa truyền thống, vừa hiện đại như vậy nên HTX trở thành đơn vị đầu tiên trong tỉnh Bắc Giang ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Thực hiện sản xuất rau sạch theo đúng quy trình, trên mỗi thửa ruộng, cán bộ, người nông dân đều gắn bảng, biển hiệu để nhận biết. Với những lô, thửa khi sử dụng thuốc BVTV cũng được treo chỉ dẫn cảnh báo, đảm bảo đủ thời gian cách ly trước khi thu hoạch sản phẩm.

Bà Đàm Thị Xuân ở xã Cảnh Thụy, địa phương lân cận với xã Tiến Dũng cho biết, để xây dựng được nề nếp lao động như vậy không phải điều ngày một ngày hai. Từng gắn bó với HTX từ những ngày đầu, bà từng biết một số trường hợp do vô tình, cả lô rau củ phải đưa đi tiêu hủy vì chưa đủ thời gian cách ly. 

"Chúng tôi bảo nhau, là tiếc lắm chứ. Của một đống tiền. Nhưng khi được cán bộ kỹ thuật giải thích, thì đã hiểu ra. Làm như vậy là giúp ích cho xã hội", bà Xuân nói.

Chị Trần Thị Thu Trang kiểm tra sản phẩm trước khi xuất bán ra thị trường. Ảnh: Bảo Thắng.

Chị Trần Thị Thu Trang kiểm tra sản phẩm trước khi xuất bán ra thị trường. Ảnh: Bảo Thắng.

Trước khi bắt đầu công việc tại HTX, bà Xuân cho biết, người lao động sẽ được hướng dẫn kỹ từ khâu làm đất, lên luống, gieo hạt, tưới phun... Đồng thời, biết cách chăm bón cho từng loại rau củ quả, kể cả những sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới, nhà màng. Tất cả phân vi sinh, thuốc BVTV sử dụng đều phải trong danh mục cho phép, nguồn nước tưới cũng đảm bảo không bị ô nhiễm.

Ngoài thời gian làm việc tại HTX, bà Xuân vẫn kịp bố trí gieo cấy mấy thửa ruộng ở nhà. Bà bảo, thu nhập khoảng 5 - 7 triệu đồng/tháng, tùy thời vụ, chưa thật cao so với việc thanh niên đi làm trong khu công nghiệp, nhưng giúp bà thảnh thơi vun vén công việc gia đình. 

Nhờ sự tận tâm của những người sản xuất trực tiếp như bà Xuân, HTX Rau sạch Yên Dũng từng bước duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm đầu ra. Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua, HTX còn thử nghiệm sản phẩm giỏ rau củ, được đóng gói đẹp mắt, phục vụ cho người tiêu dùng tặng quà dịp Tết đến xuân về.

Nhìn hàng trăm món quà đậm chất thuần Việt được người dân đón nhận, chị Trần Thị Thu Trang càng thêm vững tin vào lựa chọn của mình. Chị tâm sự, lâu nay chúng ta luôn nghĩ rằng thị trường trong nước là dễ tính, nhưng thực tế là yêu cầu và đòi hỏi của người dân, nhất là với các loại rau, ngày càng tăng thêm. "Con người giờ không chỉ ăn bằng miệng, mà còn ăn cả bằng mắt, bằng thông tin và chất lượng", chị trải lòng.

HTX Rau sạch Yên Dũng được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 9/2016, với quy mô ban đầu là 13ha. Đến nay, sau 7 năm hoạt động, HTX mở rộng quy mô lên 60ha, với hơn 100 lao động, trong đó 15ha được sản xuất theo mô hình nhà lưới theo công nghệ tưới và bón phân tự động của Israel.

Hiện nay HTX sản xuất khoảng 60 sản phẩm rau củ quả, với chủ lực là các sản phẩm dưa lê, dưa chuột, cà chua... Nhiều hệ thống siêu thị và chuỗi bán lẻ lớn trên cả nước đã tìm đến và lựa chọn phân phối các sản phẩm, góp phần đưa doanh thu hàng năm của HTX lên trên 60 tỉ đồng.

Xem thêm
Xuất khẩu rau quả Việt Nam năm 2024 sẽ đạt 7,2 tỷ USD

Tổng Thư ký Vinafruit cho biết, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam tăng từ 3,3 tỷ USD năm 2022 lên 5,6 tỷ USD năm 2023 và sẽ đạt 7,2 tỷ USD năm nay.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Hộp quà bất ngờ từ Vinamilk mang niềm vui ấm áp đến trẻ em vùng cao

'Hộp quà bất ngờ' của Vinamilk đã xuất hiện tại Trường Mầm non Sinh Long huyện miền núi Na Hang, tỉnh Tuyên Quang vào một ngày trời trở rét đậm.