Cách nay từ 2000 đến 2500 năm, cư dân văn hóa Sa Huỳnh đã sản xuất ra nhiều loại đồ gốm phong phú về loại hình, hoa văn sắc sảo, họa tiết trang trí đa dạng, đạt trình độ cao cả về kỹ thuật và thẩm mỹ.
Đồ gốm sản xuất vào thời kỳ này bao gồm các loại: nồi, bát bồng, bình cổ cao, chum gốm táng người chết, đồ minh khí, con lăn...Do những biến động của lịch sử, bẵng đi một thời gian dài nghề gốm mới xuất hiện trở lại trên đất Quảng Ngãi song song với quá trình định cư của người Việt từ phía Bắc vào.
Các văn tế, sắc phong hiện còn lưu giữ được cho biết, các làng gốm Việt xuất hiện ở Quảng Ngãi vào khoảng cuối thế kỷ XVII và không bao lâu sau đó có mặt hầu khắp các vùng đồng bằng trong tỉnh.
Vào khoảng thập niên 30 của thế kỷ trước, các làng gốm nổi tiếng trong tỉnh là Mỹ Thiện (Bình Sơn), Đông Thành, Đại Lộc (Sơn Tịnh), Thạch Hiếu, Chỉ Trung (Đức Phổ), Bồ Đè (Mộ Đức).
Đến nay, cá lò gốm chỉ còn tồn tại ở Mỹ Thiện và Chỉ Trung. Riêng ở Đức Phổ, làng gốm Thạch Hiếu (một thời nổi tiếng với các sản phẩm bộng giếng, gạch lát sàn nhà) đã chấm dứt hoạt động. Chỉ Trung trở thành làng gốm duy nhất còn lại trên địa bàn một huyện vốn là nơi các nhà khảo cổ đã phát hiện ra những sản phẩm gốm (chum, vò, bát bồng...) nổi tiếng của cư dân văn hoá Sa Huỳnh.
Gốm Chỉ Trung là cách gọi quen thuộc chỉ những sản phẩm gốm được tạo tác theo truyền thống gốm Việt ở 2 làng Chỉ Trung và Vĩnh An thuộc xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.
Cũng như hầu hết các làng gốm ở Quảng Ngãi, làng gốm Chỉ Trung chủ yếu sản xuất những sản phẩm gia dụng, nung đỏ hoặc nung sành, hoa văn đơn giản, không tráng men như vò, thạp, nồi, trả, ấm, chậu kiểng ... Ưu thế của gốm Chỉ Trung là các sản phẩm dùng làm vật đun nấu (nồi, trả, niêu, ấm) giữ nhiệt và giữ hương vị thực phẩm khá tốt, nên được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Điểm nổi bật khác là các nghệ nhân làng nghề khá nhạy bén với nhu cầu của người tiêu dùng, thường xuyên cải tiến mẫu mã, đưa ra thị trường nhiều sản phẩm đẹp, giá cả hợp lý.
Nếu như trước đây các kiểu lò đun tận dụng và tiết kiệm nhiên liệu (lò đun trấu, lò đun than) chiếm tỉ trọng vượt trội trong các sản phẩm xuất xưởng, thì hiện nay các loại niêu đất, tô đất dáng thanh mảnh, bắt mắt, dùng trong các nhà hàng (cơm niêu, cá kho tộ ...), chậu kiểng, chậu phong lan, ấm sắc thuốc... lại được sản xuất với số lượng lớn và bán khá chạy trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Không có tham vọng vươn lên sản xuất gốm mỹ nghệ, gốm tráng men, các lò gốm Chỉ Trung chủ yếu tập trung vào các sản phẩm thường dùng, giá rẻ, đáp ứng nhu cầu đời sống của người dân.
Đây chính là một hướng đi phù hợp với điều kiện về vốn, kinh nghiệm, tay nghề nghệ nhân của các lò gốm nhỏ. Trong khi các làng gốm truyền thống nổi tiếng ở 2 đầu đất nước là Hải Dương (phía Bắc), Đồng Nai, Bình Dương (phía Nam) đang được đầu tư mạnh về vốn, kỹ thuật, kể cả tiếp thị sản phẩm, đang làm chủ thị trường gốm mỹ nghệ, gốm cao cấp, thì việc các địa phương vốn quen sản xuất những mặt hàng gia dụng, sử dụng nguyên liệu tại chỗ, lại bỏ vốn, bỏ công đầu tư với ảo tưởng “vươn lên chiếm lĩnh thị trường” chẳng qua cũng chỉ là một cách làm bộp chộp, ngớ ngẩn “rỗi chạy, nồi rang cũng chạy”,như chính người thợ gốm đã từng chế giễu!
Trở lại với làng gốm Chỉ Trung, như đã nói, đây là làng nghề theo truyền thống gốm Việt, với những khâu cơ bản từ chọn đất, sơ chế nguyên liệu (làm đất), tạo hình, tạo dáng sản phẩm (nặn gốm) đến hoàn chỉnh sản phẩm (nung gốm), không khác mấy so với các lò gốm cổ truyền, mà gần nhất là làng gốm Mỹ Thiện (thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn).
Tuy nhiên ở khâu chọn và sơ chế nguyên liệu, các nghệ nhân Chỉ Trung tỏ ra tỉ mỉ và bỏ nhiều công hơn. Có từ 5 đến 7 loại đất sét khác nhau được chọn lựa để nhồi trộn vào nhau trước khi phơi khô. Tiếp theo là đem từng khối đất đã khô đập ra thành cục nhỏ, cho vào cối xay thành bột.
Bột này lại phải qua 1 lần giần sàng để phân ra thành bột mịn và cội. Bột mịn là phần đất chui qua lỗ giần rơi xuống phía dưới. Cội là những viên đất sét nhỏ còn lại bên trên. Cội được cho vào nước lã, khuấy đều rồi lọc qua một lần vải để lắng. Sau đó lấy chất lắng này nhồi với bột mịn, đồ lại thành từng khối như quả bóng.
Khối bột này lại được nhồi nhuyễn nhiều lần trên một mảnh ván (để không lẫn tạp chất) trước khi đem ra nặn gốm (tạo hình sản phẩm). Khối đất, bàn xoay, con dao nhỏ, mảnh tre cật, và đôi bàn tay khéo léo, tài hoa là tất cả những gì cần có cho việc tạo hình những sản phẩm đa dạng.
Khi khối đất đã được đưa vào mâm bàn xoay, một tay người thợ giữ nhịp quay đều, tay kia vuốt cho đất nổi dần lên thành xương gốm. Ép tay vào để tạo phần thắt lại; giản tay ra là để có phần loe. Tiếp theo là các khâu bẻ miệng, khoét lỗ, chạy hoa văn (thường là hình sóng, đường tròn), nặn vòi, gắn quai, ...Sản phẩm đã tạo dáng xong, người ta dùng con dao và mảnh lạt cật tre chuốt gọt sửa sang cho hình dáng sản phẩm đều đặn, cân đối, da gốm nhẵn, mịn; sau đó đem phơi héo trong bóng râm rồi phủ rơm rạ để ủ cho có màu vàng mơ.
Công đoạn cuối cùng là nung gốm, tức là đưa sản phẩm mộc vào lò để nung. Lò nung Chỉ Trung thuộc kiểu lò nung ngửa, xây cách mặt đất 0,5 mét, đặt trên đế (để tránh thoát nhiệt), hình vòm, cao khoảng từ 2 mét đến 2,5 mét, trông tựa như ụ rơm rạ, phần trên phình ra, có lỗ thông hơi. Lòng lò hình trụ tròn cao 1,8 mét, rộng 2,2 mét. Cách đáy lò chừng 1 mét người ta mở 3 hoặc 4 cửa lò. Cửa lò là nơi đưa sản phẩm vào nung và lấy sản phẩm ra khi đã nung chín. Các cửa lò được bố trí đều đặn để khi rung khí nóng mang nhiệt tạo ra những vòng quay liên tục, xoáy dần lên phía lỗ thông hơi.
Khi nung, người thợ khơi lửa ở các cửa lò, tăng dần từ lửa nhẹ đến lửa nặng và sau cùng là lửa cháy bùng để đưa nhiệt độ lên mức “tới hạn”. Thời gian nung một mẻ gốm khoảng 6 giờ. Lửa nung sẽ dứt khi sản phẩm vừa chín như ý muốn.
Sau 1 đêm, lò nguội, thành phẩm được lấy ra và chọn lựa kỹ để phân loại, bỏ đi những sản phẩm không đạt yêu cầu, trước khi đem bán ra thị trường.
Giữ được nghề gốm trên quê hương Sa Huỳnh là góp phần bảo tồn một nghề thủ công đã từng một thơi làm ra những sản phẩm ghi dấu ấn sâu đậm trong lịch sử văn minh nhân loại. Dù chỉ là những vật dụng thường ngày như ấm đất, trả kho, thạp đựng đồ khô, chậu kiểng... nhưng sản phẩm của những người làm gốm ở Chỉ Trung đã đi vào ca dao, dân ca, gắn bó với tâm tư, tình cảm người lao động: Bao giờ lò gốm hết nồi/ Em đây hết đứng hết ngồi với anh!