Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Ngọc Dũng cho rằng, sở dĩ gọi văn hóa Sa Huỳnh vì nền văn hóa này được các nhà khảo cổ phát hiện vào năm 1909 tại làng Sa Huỳnh (Quảng Ngãi). Quần thể ba địa điểm di tích khảo cổ Long Thạnh, Phú Khương và Thạnh Đức, với nhiều hiện vật được tìm thấy có giá trị văn hóa lịch sử đặc biệt.
Du khách trong nước và quốc tế tham quan hiện vật mộ chum Sa Huỳnh
Văn hóa Sa Huỳnh thuộc giai đoạn sớm sơ kỳ đồng thau, phát sinh trực tiếp lên Sa Huỳnh sơ kỳ sắt. Nguồn gốc văn hóa này mang tính bản địa, hình thành, phát triển ngay trên dải đất miền Trung, Việt Nam, không phải du nhập từ ngoại lai.
Hồ sơ thuyết minh các di tích Sa Huỳnh (Long Thạnh, Phú Khương, Thạnh Đức) làm rõ mối quan hệ giao lưu Văn hóa Sa Huỳnh với trung tâm văn hóa khác ở khu vực Đông Nam Á như Đông Sơn, Bản Chiềng và hải đảo Đông Nam Á chứng minh di tích Văn hóa Sa Huỳnh có những giá trị đặc biệt, đáp ứng tiêu chí để xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.
Theo Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi, cùng với văn hóa Đông Sơn (miền Bắc), văn hóa Óc Eo (miền Nam), văn hóa Sa Huỳnh (miền Trung) là "ba cái nôi văn minh" xưa tạo thành tam giác văn hóa trên lãnh thổ Việt Nam.
Rìu đồng trong di chỉ Gò Quê (xã Bình Đông, Bình Sơn, Quảng Ngãi) khai quật năm 2005