Làng quê thời hoang vắng: [Bài 1] Đêm không tiếng người và chuyện trai làng ế

Dương Đình Tường - Thứ Ba, 06/08/2024 , 06:00 (GMT+7)

Đêm đó tôi ngủ lại nhà cựu trưởng thôn Nguyễn Văn Tùng ở làng Đồng Rồi, xã La Sơn (Bình Lục, Hà Nam), một nhân vật trong bài viết cũ rồi trở thành thân thiết.

Chỉ một con ngõ như thế này ở Văn Phú, thị trấn Bình Mỹ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam đã có 18 ngôi nhà để không. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một tối ở làng

Mới hơn 8 giờ đêm mà chỉ nghe thấy tiếng côn trùng cọ cánh kêu kèn kẹt, tiếng ễnh ương kêu uôm uôm, tiếng chó sủa oăng oẳng từ xa vọng lại mà tịnh không thấy tiếng người. Làng tối đen như mực. Tôi như bị nhấn chìm trong cái lọ mực khổng lồ ấy, ngủ một giấc dài không mộng mị mãi tới khi bị những tia nắng xiên khoai qua khe cửa đánh thức. Rửa mặt xong thì bà Nguyễn Thị Tâm - vợ ông cựu trưởng thôn Nguyễn Văn Tùng đã bưng cho bát mì tôm trứng thơm nức tới tận bàn. Lạ thế, không chỉ vợ chồng ông họ Nguyễn mà cả làng đều họ Nguyễn, nhưng gồm 3 nhánh riêng là hậu thế của 3 cụ tổ phiêu dạt về đây sau một trận dịch tả kinh hoàng.

Lần trở lại này tôi bị lạc bởi con đường nhựa mới làm trải tới tận đầu làng thay cho con đường gập ghềnh thủa nào nhưng bóng dáng về một vùng quê chiêm trũng đói nghèo vẫn còn thấp thoáng. Bà Tâm kể, cách đây 42 năm mình lập gia đình, làng lúc đó đã có hơn 100 hộ, giờ không nảy nở thêm ra mấy bởi cánh thanh niên hầu hết thoát ly đi làm nghề tự do ở khắp các tỉnh, thành. Nhiều “vợ dòng dòng” cũng đi làm hết, để lại anh chồng ở nhà se sẩy tí ruộng đồng, còn các “mẹ dòng dòng” tầm 40 - 50 tuổi thì làm công nhân trong 2 công ty sản xuất gấu bông và da giày đặt ngay ở làng, sáng đi, tối về, lương tháng 6 - 7 triệu đồng.

Ông bà mới xây thêm cái nhà thứ ba nâng tổng số chỗ nằm lên 8 để cho 4 đứa con và 9 đứa cháu nội, ngoại đang ở Hà Nội, Quảng Ninh dịp Tết giỗ quay về, còn bình thường thì cửa đóng im ỉm bởi chỉ có vợ chồng già cùng bà mẹ ở. Xưa nhà làm tới 5 mẫu ruộng nên các con của họ còn vọc vạch biết cấy, giờ lớp trẻ cỡ 20 tuổi trong làng không đứa nào biết cấy, làm ruộng toàn người già. Làng cũng chẳng còn con trâu nào nữa vì đã có máy cày thay thế.

Trộm cắp vặt do người làng gây ra giờ không có nhưng trộm cắp vãng lai đến thì nhiều. Như ông Bí thư chi bộ năm ngoái mất cái xe Honda Dream khi đang đi thăm ruộng, để ngay trên bờ mà nó lấy, đường vắng quá chẳng biết kêu ai. Bà Bé vừa rồi để ba bao phân ở ba chỗ trên bờ ruộng, đang rắc bao thứ nhất thì có thằng dừng lại giả vờ nghe điện thoại, thấy các lối đi đều không có người nó liền vác luôn một bao lên xe. Khi bà phát hiện kêu ối ối thì nó còn giơ tay lên vẫy vẫy tạm biệt…

Cổng làng Đồng Rồi. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Trước làng tôi đông vui lắm vì ở nhà tất, ăn xong rồi chơi vì có cơ chế gì ra ngoài kiếm việc đâu? Thanh niên buổi trưa thì cứ đi lấy quả gáo, quả bưởi, quả ổi rồi ra đình, ra chùa ngồi ăn, hóng mát, chẳng chịu ngủ. Mươi năm trở lại đây, thanh niên chưa vợ chẳng có đứa nào chịu ở làng. Giờ nhà nào biết nhà nấy, chỉ ôm tivi với ôm điện thoại. Con cháu về cũng mỗi đứa một cái điện thoại ngồi một góc, đến bữa ông bà phải lôi ra mới chịu ăn.

Buổi tối giờ làng buồn lắm, chỉ có vài ông già thỉnh thoảng tụ tập ở chỗ trạm bơm vừa câu vừa tán chuyện. Làng vẫn còn ba cái quán đấy nhưng chỉ có quán của anh Phóng là to nhất, còn lác đác khách chứ hai quán khác vắng lắm. Đám ma giờ đào huyệt toàn phải thuê với giá tương đương 50kg thóc chứ thanh niên đâu mà đào, hoặc có chúng nó cũng chỉ chịu đẩy xe tang thôi.

Một ông lão ở làng Đồng Rồi đi mua rau. Ảnh: Dương Đình Tường.

Rảnh rỗi mấy ông ngồi đếm từng nhà, đếm nửa làng đi rồi vòng về đếm nửa làng lại, có khoảng 40 đứa ế vợ, tuổi 25 - 40. Như cái nhà ông Nờ (đã đổi tên - PV) có hai thằng con trai ế. Nhiều người bảo rằng ông dại, con đưa bạn gái về lại bảo Thanh Hóa xa, Nghệ An xa, tao không đi được. Thế là thôi, giờ thằng con trai một hơn 30 tuổi, một ngót 30 tuổi vẫn chưa lấy vợ. Làng có mấy nhà có hai đứa con trai ế vợ như thế. Bố mẹ ai cũng sốt ruột cả nhưng biết làm sao được?

Thanh niên làng tôi chịu khó lắm. Mà không chịu khó cũng không được, bạn bè ra ngoài đi làm hết còn trơ mình anh ở làng thì chơi với ai? Trong 40 đứa ế vợ ấy không đứa nào chịu ở làng cả và đều có nghề hết. Ở làng giờ có mỗi anh Tờ (đã đổi tên - PV), suốt ngày uống rượu, nghiện đến mức mua được túi ni lông rượu từ quán đã vội chọc thủng, vừa đạp xe về vừa mút. Mới ngoài 40 nhưng mắt nó đã kém, chẳng nghề ngỗng gì, chỉ ở nhà thổi cơm cho vợ. Trước nó còn làm ở một tổ chức của thôn nhưng sau bố đến khẩn khoản xin: “Các anh cho con tôi ra bởi nó chẳng làm được tích sự gì mà còn uống rượu vụng của bố”. Ông ấy làm ruộng và nấu rượu, thường nấu xong cho con một can rồi nhưng nó lại còn lấy vụng thêm một can nữa để uống. Giờ sau khi mổ mắt Tờ cũng đã bớt uống rượu rồi…”.

Làng quê giờ chủ yếu là người già. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nỗi lòng của những ông bố có con chậm lấy vợ

Trong một buổi sáng trời mưa rả rích, tôi đến nhà ông Nờ (đã đổi tên - PV) ở làng Đồng Rồi. Vợ ông mấy bữa nay nghỉ đi đồng nát trên Hà Nội ngồi ầu ơ ru 2 đứa cháu ngoại, còn ông thì ngó ra cái khung cửa nhỏ, dường như ngóng người đi tới để bắt chuyện. Hỏi về chủ đề ế vợ của thanh niên làng, ông thở dài sườn sượt, mắt u buồn:

“Thằng lớn nhà tôi sinh năm 1992, thằng út sinh năm 1999 đều làm nghề tự do trên Hà Nội, chưa vợ. Từ năm ngoái tôi đã bắt thằng lớn phải làm ở Hà Nam, sáng đi, tối về vì mong nó hỏi được vợ chứ không ế đến nơi rồi. Lúc trước, được tuổi lấy vợ thì chúng lại không chịu, đến khi muốn lấy vợ thì những đứa con gái bằng trang lứa đứa đã thoát ly rồi, còn lớp trẻ bây giờ hỏi thì chúng không bắt nhời, toàn gọi là chú hết. Từ năm 2000 trở lại đây, tỷ lệ sinh nam nữ đã chênh lệch quá nhiều, con gái rất có giá. Quan trọng nhất bây giờ là con trai phải có giấy thông hành, tức có tiền thì chúng mới chịu lấy…”.

Tôi đến quán nhà anh Phóng đúng lúc đang có mấy ông ngồi tính nhẩm xem con trai của nhà nào trong làng thuộc vào hàng ế, đứa nào nhiều tuổi hơn. Có ông hăng hái bình luận rằng nhiều “trai tân” trước đây nhất định không chịu lấy “nạ dòng” (phụ nữ đã có con - PV) nhưng giờ đây lấy được “nạ dòng” đã là may vì khỏi ế.

Một lối ngõ vắng lặng ở thôn mới Đồng An. Ảnh: Dương Đình Tường. 

“Hai thằng nhà tôi ấy à? Đẹp trai như sĩ điều. Nhà nào chứ mấy đứa nhà tôi mà dẫn nạ dòng, góa phụ về thì chỉ có đường cút. Đời làm gì mà phải nhục thế?”, anh Dờ (đã đổi tên - PV) có 2 con trai, một sinh năm 1994, một sinh năm 1998 đều chưa vợ, khẳng định chắc như đinh đóng cột. Nói rồi anh mở điện thoại ra cho tôi xem ảnh của hai thằng con làm nghề tự do, lúc hàn xì, lúc nấu ăn, lúc sửa xe máy, lúc lắp cầu thang máy nhưng hiện đang chững việc, phải ở nhà ít hôm.

“Chúng đi bộ đội về, tôi giục cưới thì chúng trả lời: Sang năm nữa. Rồi cứ sang năm nữa, sang năm nữa đều mà chẳng thấy lấy vợ gì cả. Người yêu thì dẫn về nhiều, ở luôn tại nhà, thích ăn thứ gì tôi mua cho thứ đấy, thỉnh thoảng có nấu giúp bữa cơm, vậy mà ở cả tuần, cả tháng rồi lại bỏ nhau. Tôi đã mua hai cái giường, hai bộ chăn màn mới, giờ giường đã mục, màn đã rách rồi mà chúng vẫn không chịu cưới. Có khi tại do tiêm nhiều vacxin Covid mà làm cho người ta mất trí rồi chú ạ”. Nói xong, anh Dờ bắn một điếu thuốc lào cháy đỏ nõ rồi dẫn tôi về nhà.

Hơn 9 giờ sáng, trong nhà vẫn vắng lặng như tờ. Anh gọi ồi ồi như cháy đồi một hồi thì hai thằng con trai mới từ trong buồng lững thững bước ra, mặt vẫn còn ngái ngủ. Vì khuyên bảo hai đứa con chuyện lấy vợ không được mà vợ anh tức quá, không ở nhà chính nữa, xuống ở nhà ngang cho đỡ phải khắc khẩu.

Tôi hỏi thằng thứ hai nhà anh Dờ chuyện tại sao chưa lập gia đình thì nó trả lời công việc chưa ổn định, thêm nữa làm quen bạn gái khó bởi cùng tầm tuổi đã lấy chồng hết rồi, còn ít hơn thì có khoảng cách về tuổi nên ngại. “Cháu đã từng có mấy cô, cô thì gia đình bảo ở rể, cô thì lại không chờ được vì cháu đi làm ăn xa nên cũng chẳng thành, tình duyên long đong lận đậy vậy đấy chú”.

Dương Đình Tường
Tin khác
Thiên nhiên vẫy gọi phía sau lưng người thăm thẳm
Thiên nhiên vẫy gọi phía sau lưng người thăm thẳm

Thiên nhiên vẫy gọi mỗi cá nhân phải có hành động tích cực để bảo vệ môi trường sống, đó là thông điệp chủ yếu trong tập truyện ‘Lưng người thăm thẳm’.

Bác sĩ Hoàng Thạch hoài niệm chiều một lời ru rất xa
Bác sĩ Hoàng Thạch hoài niệm chiều một lời ru rất xa

Bác sĩ Hoàng Thạch gửi gắm nhiều tâm sự với cố hương trong tập thơ ‘Hoài niệm chiều’ giăng mắc buồn thương xa vắng của một thân phận tha phương.

Thư viện của 230 đứa trẻ tự giác và ông giáo già Phạm Hữu Lợi
Thư viện của 230 đứa trẻ tự giác và ông giáo già Phạm Hữu Lợi1

Đó là một khuôn viên 2 tầng khung cột sắt, tường kính trong suốt có ba cửa ra vào. Dòng chữ in ngoài không quá to nhưng ai cũng nhìn rõ: 'Thư viện tự giác'.

Đại sứ văn hóa đọc và những bất ngờ sau trang sách
Đại sứ văn hóa đọc và những bất ngờ sau trang sách

Đại sứ văn hóa đọc có nhiều con đường khác nhau để bước vào thế giới sách, và cách họ ứng xử với sách cũng góp phần hình thành thói quen đọc sách.

Thư viện Dương Liễu: Một thập kỷ gieo mầm tri thức
Thư viện Dương Liễu: Một thập kỷ gieo mầm tri thức

Nhiều bạn đọc 'nhí' trưởng thành từ thư viện đã trở về Dương Liễu làm tình nguyện viên, tiếp tục nuôi dưỡng thói quen đọc sách cho nhiều trẻ em.

Thư viện 10.000 đầu sách trên đất lành làng Cò
Thư viện 10.000 đầu sách trên đất lành làng Cò

Hàng ngàn cò, vạc chọn ao đình làm nơi trú ở khiến làng cũng được gọi thành làng Cò. Trên mảnh đất ấy, một thư viện làng cũng có tên gọi: Thư viện làng Cò.

Những đứa trẻ vùng cao 'khát' sách
Những đứa trẻ vùng cao 'khát' sách

Đầu năm học mới, nhiều đứa trẻ vùng cao vẫn chưa có sách vở đến trường. Chúng mặc cảm, tự ti với phận mình nên chẳng dám đòi hỏi gì.

Vua tiêu Việt trên hành trình nông sản và hành trình trang sách
Vua tiêu Việt trên hành trình nông sản và hành trình trang sách

Vua tiêu Việt là sự xưng tụng xứng đáng dành cho doanh nhân Phan Minh Thông trên con đường lập nghiệp gắn bó giữa thương hiệu nông sản và giá trị trang sách.

Ước mơ 5.000 đầu sách để 'khuyến đọc' của thầy giáo Tuấn
Ước mơ 5.000 đầu sách để 'khuyến đọc' của thầy giáo Tuấn

Không chỉ mê sách, tràn đầy nhiệt huyết trong việc lan tỏa đam mê đọc cho các em học sinh, thầy giáo này còn có gia tài 'khủng' là tủ sách quý gần 2.000 cuốn.

Đất Việt trời Nam qua sự dung hòa lịch sử và văn chương
Đất Việt trời Nam qua sự dung hòa lịch sử và văn chương

Đất Việt trời Nam với nhiều câu chuyện hấp dẫn, được tác giả Trần Bảo Định kể lại bằng hình thức ‘liệt truyện’ theo chiều dài lịch sử dân tộc.

Chiến tranh đã lùi xa để tạ lỗi với mây xanh
Chiến tranh đã lùi xa để tạ lỗi với mây xanh

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng với nhà thơ Mai Thìn, quá khứ chưa bao giờ ngủ yên khiến anh thổ lộ những tâm tư day dứt qua tập thơ ‘Tạ lỗi với mây xanh’.

Chào cờ Tổ quốc ở Lũng Cú
Chào cờ Tổ quốc ở Lũng Cú

Đứng dưới lá cờ Tổ quốc ở Cột cờ Quốc gia Lũng Cú có lẽ không ai không dâng lên cảm xúc tự hào về đất nước, thầm cảm ơn các thế hệ không tiếc máu xương giữ gìn biên cương của Tổ quốc.

Sự kiện