Làng quê thời hoang vắng: [Bài 2] Đội thanh niên xung kích trên 45 tuổi

Dương Đình Tường - Thứ Tư, 07/08/2024 , 06:00 (GMT+7)

Tôi đến UBND xã La Sơn, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam trong cơn mưa tầm tã. Trụ sở vắng vẻ vì hầu hết cán bộ đều đã đi lo chuyện chống lụt.

114 nam/100 nữ

Anh Nguyễn Hữu Tuấn - Phó Chủ tịch UBND La Sơn than thở với tôi rằng thanh niên rời làng đi làm ăn xa hết nên đội thanh niên xung kích phòng chống lụt bão bây giờ toàn là những người trên 45 tuổi. Từ hồi có chính sách mỗi cặp vợ chồng chỉ đẻ 2 con, nhiều nhà đi soi (siêu âm - PV) chỉ để đẻ con trai, giờ có nhà 3 con trai mà vẫn chưa ai lấy được vợ. Nói rồi anh gọi sang Trạm Y tế để hỏi tỷ lệ sinh nam nữ cụ thể thế nào và được thông báo 114 nam/100 nữ. Dù xã đã khuyến cáo không được sàng lọc trứng, dù hội phụ nữ, đoàn thanh niên tổ chức các CLB tiền hôn nhân tư vấn cho bà con không nên lựa chọn giới tính khi sinh nhưng định kiện đó vẫn rất khó thay đổi. 

“Tôi ở thôn An Ninh (nay đã sáp nhập vào thôn Đồng Rồi thành thôn Đồng An - PV) mỗi lần có đám cưới hay công việc gì các ông lại ngồi đếm những thằng con trai chưa vợ rồi lại kêu vì sốt ruột. Xu thế bây giờ xã hội phát triển, phải lao đầu ra ngoài làm ăn, thanh niên không còn tập trung ở làng như trước nữa, đến khi quay lại, bước sang tuổi 30, 40 thì ngại đi tìm hiểu bởi có khi còn nhiều tuổi hơn cả mẹ của đối tượng.

Thanh niên đi ra ngoài làm ăn xa hết, khám tuyển nghĩa vụ quân sự cũng rất vất vả vì khó liên lạc, khó gọi về. Chỉ có thấy những ngày như Tết Trung thu, lễ hội chúng mới về làng vài ngày rồi lại đi. Đoàn chỉ còn bộ khung. Bí thư chi đoàn các thôn thậm chí lấy cả học sinh lớp 11, 12 vì không còn thanh niên ở làng nữa, còn trên đoàn xã thì không thể tìm được người làm Phó Bí thư.

Vắng thanh niên cũng rất bất cập cho nguồn lao động. La Sơn là xã thuần nông, cơ bản máy móc vào rồi nhưng vẫn có nhiều thửa ruộng bỏ không cấy, phải đến 16 - 17 mẫu. Giờ ở La Sơn thanh niên nhiều người lấy vợ ở Nghệ An, Thanh Hóa hay các tỉnh miền núi. Ba năm nay còn xuất hiện xu hướng làm mẹ đơn thân, không muốn xây dựng gia đình, hiện đã có hai trường hợp như thế. Ở nông thôn vùng xa như La Sơn mà xu thế đó đã len lỏi đến rồi nên tôi nghĩ rằng ở nơi khác còn nhiều hơn”...

Anh Nguyễn Hữu Tuấn - Phó Chủ tịch UBND La Sơn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Nguyễn Văn Thiều - cán bộ xã La Sơn lúc còn làm ở xã Tiêu Động cùng huyện Bình Lục, theo đề nghị của bên công an có thống kê được hơn 200 nam thanh niên trong độ tuổi từ 25 - 40 chưa lập gia đình trên tổng dân số khoảng 9.500. Ở xã La Sơn anh ước tính có khoảng 180 - 190 đối tượng như vậy bởi dân số ít hơn, chỉ khoảng 7.500.

Anh Nguyễn Hữu Tuấn khuyên tôi nên gặp anh trai mình là Nguyễn Hữu Đán - Bí thư kiêm trưởng thôn Đồng An, cái tên mới của 2 thôn cũ gộp lại gồm An Ninh và Đồng Rồi thì sẽ rõ hơn về tình trạng này. Ông Đán nhiệt tình dẫn tôi đi trên những con ngõ đầy rêu, vắng bóng người, sực mùi nước tiểu chó và phân chó, vừa đi vừa giới thiệu.

Thôn An Ninh cũ có 80 hộ thì có khoảng 25 thanh niên thuộc vào dạng ế, tuổi từ 27 - 38, tất cả đều là nam, trong khi đó gái làng đủ tuổi kết hôn đã lấy chồng hết, chỉ còn 5 - 6 cháu gái đang học THPT. “Nhà ông Hạnh có bốn con trai, con cả cưới đã lâu rồi, chỉ còn ba thằng sau trong đó hai thằng đã lớn. Trước ra đồng thì không sao nhưng về nhà ông chỉ thở ngắn than dài bởi con chưa chịu lấy vợ. Mấy đứa con ông làm trên Hà Nội không dám nghe điện thoại của bố vì sợ bị giục lấy vợ, chỉ dám nghe điện thoại của mẹ rồi cười trừ. Ông bà ấy lo giờ mình còn khỏe, con lấy vợ, sinh cháu thì còn giúp đỡ được.

Đến khi thằng thứ hai lấy vợ thì ông mời cả làng, từ đầu đến cuối. Phong tục ở đây khi ăn hỏi con trai thì cả làng biết ngày cưới, sẽ tự động đến góp vui chứ không mời, chỉ mời cưới con gái. Riêng ông Hạnh mời cả làng mà đi cứ nhảy chân sáo, nói chuyện cứ oang oang, mặt mũi rất vui vẻ. Kể từ đó cứ ngồi uống rượu là ông “chém gió” một cách sung sướng về chuyện nhà mình đã có hai cô con dâu”.

Nông thôn giờ chủ yếu là người có tuổi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chúng tôi dừng chân trước một ngôi nhà mái bằng sạch sẽ và khang trang của bà Mờ (đã đổi tên - PV). Dáng bà bé nhỏ, ngồi lọt thỏm trên cái ghế, khuôn mặt lúc nào cũng đượm buồn bởi không giấu nổi nỗi lòng: “Tôi có hai đứa con gái, chỉ có mình nó là con trai, sinh năm 1986. Chồng mất sớm, tôi tần tảo nuôi bọn chúng lớn khôn, nay có tuổi rồi, yếu, lắm lúc thấy chưa có vợ con gì nên giục: “Mẹ tuổi già, sức yếu rồi không lo được cho con, hay con đi tu mà nương tựa nơi cửa chùa đi”. Nó trả lời: “Con chẳng tội tình gì mà đi tu cả. Con cũng lo chuyện lấy vợ lắm nhưng mà duyên chưa tới mẹ ạ”.

Nó cũng ngoan hiền và chăm chỉ lắm. Xưa giục cưới vợ, nó trả lời phải kiếm tiền đã. Sau giục cưới vợ, nó trả lời nhà mình nhỏ quá, không có chỗ ở. Khi làm nhà, có chỗ ở cho mẹ khỏi nắng mưa, đỡ khổ rồi, giục cưới vợ nó trả lời phải trả nợ tiền xây nhà, mà cái nhà đã xây cách đây gần 10 năm. Đã đôi lần nó dẫn bạn gái về rồi chẳng hiểu sao mà duyên không thành”. Bà nói rồi mặt ngó đăm đăm ra cửa. Bên ngoài, trời xám xịt một màu chì. Dự báo thời tiết cả chục ngày nữa vẫn là những cơn mưa rào nặng hạt, không ngừng nghỉ.

Một ngôi nhà ở thôn Đồng An. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Dâu Tây” về làng

Lúc chúng tôi đến anh Ngờ (đã đổi tên - PV) đang hì hụi lau nhà. Nhà chưa có con dâu mà sàn lúc nào cũng bóng lộn, đồ đạc gọn gàng, trên trần vẽ mấy bức tranh phong cảnh nom rất trang nhã. Anh có 2 con trai, đầu sinh năm 1995, út sinh năm 1999 mà cứ như lời trưởng thôn nhận xét thì chúng đẹp trai, trắng trẻo như Hàn Quốc, làm nghề tự do trên Hà Nội, từ nhỏ đến lớn rất ngoan ngoãn, chí thú làm ăn. Biết tôi hỏi về chủ đề thanh niên ế vợ, anh thở hắt ra: “Thằng đầu nhà tôi mải mê công việc, chưa thấy có bạn gái bao giờ. Bố hỏi thì chỉ ậm ừ: “Con sợ lấy vợ về không có kinh tế nó lại bỏ”. Đứa sau có lần dẫn bạn gái về ra mắt, hai gia đình đã nói chuyện người lớn rồi nhưng không thành, sau đó chẳng thấy yêu đương gì nữa. “Nhà nông phải có gia đình, có vợ chồng, con cái”. Tôi vẫn thường khuyên như thế nhưng cả hai thằng con đều lảng đi. Dự đám cưới của nhà khác mà tôi ăn không ngon, về lại động viên chúng phải lấy vợ”…

Một con đường nông thôn ở Hà Nam. Ảnh: Dương Đình Tường.

Con gái trong cái thôn Đồng An mới sáp nhập này hễ đứa nào đến độ tuổi kết hôn là người thiên hạ đón lấy mất. Còn con gái thiên hạ về làng, đa số sống thử một thời gian, thấy hợp nhau rồi mới cưới. Người làng gọi chúng là thế hệ “dâu Tây” bởi nhiều trường hợp chỉ biết ăn, chơi với lại đẻ. Có đứa cũng sinh ra ở nông thôn thôi nhưng cưới về ở quê chồng một tuần chỉ biết ăn, ngủ và xem điện thoại, đến bữa bố mẹ chồng nấu cơm, gọi dậy mới chịu ra ăn. Sau này cùng chồng lên thành phố, chồng đã đi làm về lại tranh thủ nấu cơm cho ăn mà bị nó chê là gạo nhà quê, không thèm ăn, rồi đặt món, ship về. Đã thế, một tuần nó mua đến hai ba bộ váy áo. Sống chung được vài tháng thì anh chồng sợ quá phải tự giải tán, bỏ vợ.

Có đứa dù chồng vẫn đi làm Hà Nội đều nhưng tiền không có nên chán, để 2 con lại cho bà nội nuôi cũng lên Hà Nội làm. Thỉnh thoảng về lại: “Bà ơi, con xin đón cháu đi chơi vài ngày nhé!”. Mẹ chồng nhiều lần bảo: “Mày về mà bế con chứ tao nhọc lắm, còn em chồng mày chưa lấy vợ, còn nợ nần làm nhà. Vợ chồng mày hai thằng con trai thì phải nuôi chứ”. Cô con dâu chẳng nói câu gì nhưng cũng không ra tòa cắt đứt. Người làng thấy vợ chồng đó chẳng cãi nhau, đánh nhau bao giờ nên đồn cô vợ theo tà đạo khiến cho ở nhà bà mẹ chồng hì hụi lễ bái, đốt mấy cái quần áo của con dâu còn sót lại, những mong thay mình, đổi số nhưng mãi mà nó vẫn không chịu về.

Chi bộ thôn Đồng An có 17 đảng viên, hầu hết là những người già trong đó 4 cụ được miễn sinh hoạt vì tuổi cao sức yếu và 6 cụ trên dưới 80 tuổi cũng ngấp nghé mức đó. Thanh niên có sức khỏe, trình độ thì đều ly hương, lên làm ăn trên thành phố, vừa qua Chi bộ vận động mãi mới có 2 người trẻ đang đi học cảm tình Đảng.

Dương Đình Tường
Tin khác
Thiên nhiên vẫy gọi phía sau lưng người thăm thẳm
Thiên nhiên vẫy gọi phía sau lưng người thăm thẳm

Thiên nhiên vẫy gọi mỗi cá nhân phải có hành động tích cực để bảo vệ môi trường sống, đó là thông điệp chủ yếu trong tập truyện ‘Lưng người thăm thẳm’.

Bác sĩ Hoàng Thạch hoài niệm chiều một lời ru rất xa
Bác sĩ Hoàng Thạch hoài niệm chiều một lời ru rất xa

Bác sĩ Hoàng Thạch gửi gắm nhiều tâm sự với cố hương trong tập thơ ‘Hoài niệm chiều’ giăng mắc buồn thương xa vắng của một thân phận tha phương.

Thư viện của 230 đứa trẻ tự giác và ông giáo già Phạm Hữu Lợi
Thư viện của 230 đứa trẻ tự giác và ông giáo già Phạm Hữu Lợi1

Đó là một khuôn viên 2 tầng khung cột sắt, tường kính trong suốt có ba cửa ra vào. Dòng chữ in ngoài không quá to nhưng ai cũng nhìn rõ: 'Thư viện tự giác'.

Đại sứ văn hóa đọc và những bất ngờ sau trang sách
Đại sứ văn hóa đọc và những bất ngờ sau trang sách

Đại sứ văn hóa đọc có nhiều con đường khác nhau để bước vào thế giới sách, và cách họ ứng xử với sách cũng góp phần hình thành thói quen đọc sách.

Thư viện Dương Liễu: Một thập kỷ gieo mầm tri thức
Thư viện Dương Liễu: Một thập kỷ gieo mầm tri thức

Nhiều bạn đọc 'nhí' trưởng thành từ thư viện đã trở về Dương Liễu làm tình nguyện viên, tiếp tục nuôi dưỡng thói quen đọc sách cho nhiều trẻ em.

Thư viện 10.000 đầu sách trên đất lành làng Cò
Thư viện 10.000 đầu sách trên đất lành làng Cò

Hàng ngàn cò, vạc chọn ao đình làm nơi trú ở khiến làng cũng được gọi thành làng Cò. Trên mảnh đất ấy, một thư viện làng cũng có tên gọi: Thư viện làng Cò.

Những đứa trẻ vùng cao 'khát' sách
Những đứa trẻ vùng cao 'khát' sách

Đầu năm học mới, nhiều đứa trẻ vùng cao vẫn chưa có sách vở đến trường. Chúng mặc cảm, tự ti với phận mình nên chẳng dám đòi hỏi gì.

Vua tiêu Việt trên hành trình nông sản và hành trình trang sách
Vua tiêu Việt trên hành trình nông sản và hành trình trang sách

Vua tiêu Việt là sự xưng tụng xứng đáng dành cho doanh nhân Phan Minh Thông trên con đường lập nghiệp gắn bó giữa thương hiệu nông sản và giá trị trang sách.

Ước mơ 5.000 đầu sách để 'khuyến đọc' của thầy giáo Tuấn
Ước mơ 5.000 đầu sách để 'khuyến đọc' của thầy giáo Tuấn

Không chỉ mê sách, tràn đầy nhiệt huyết trong việc lan tỏa đam mê đọc cho các em học sinh, thầy giáo này còn có gia tài 'khủng' là tủ sách quý gần 2.000 cuốn.

Đất Việt trời Nam qua sự dung hòa lịch sử và văn chương
Đất Việt trời Nam qua sự dung hòa lịch sử và văn chương

Đất Việt trời Nam với nhiều câu chuyện hấp dẫn, được tác giả Trần Bảo Định kể lại bằng hình thức ‘liệt truyện’ theo chiều dài lịch sử dân tộc.

Chiến tranh đã lùi xa để tạ lỗi với mây xanh
Chiến tranh đã lùi xa để tạ lỗi với mây xanh

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng với nhà thơ Mai Thìn, quá khứ chưa bao giờ ngủ yên khiến anh thổ lộ những tâm tư day dứt qua tập thơ ‘Tạ lỗi với mây xanh’.

Chào cờ Tổ quốc ở Lũng Cú
Chào cờ Tổ quốc ở Lũng Cú

Đứng dưới lá cờ Tổ quốc ở Cột cờ Quốc gia Lũng Cú có lẽ không ai không dâng lên cảm xúc tự hào về đất nước, thầm cảm ơn các thế hệ không tiếc máu xương giữ gìn biên cương của Tổ quốc.

Sự kiện