Làng Quỳnh trong tâm tưởng

Hồ Anh Thái - Thứ Sáu, 14/10/2022 , 12:11 (GMT+7)

Trong hồ sơ học sinh, từ rất bé tôi đã khai quê quán là ở Nghệ An, nhưng mãi đến năm ba mươi sáu tuổi tôi mới về quê lần đầu.

Cổng vào làng Quỳnh Đôi. Ảnh: ST.

Cổng vào làng Quỳnh Đôi. Ảnh: ST.

Thời còn học phổ thông, tôi hay nghe bạn bè khoe về quê quán của họ. - Hè này tớ về quê - Ở quê tớ rất nhiều sen - Bố tớ vừa mang ở quê ra mấy con gà con... Toàn là về quê với lại ở quê tớ. Riêng tôi không có quê để mà khoe.

Trong hồ sơ học sinh, từ rất bé tôi đã khai quê quán là ở Nghệ An, có lúc sáp nhập thành tỉnh Nghệ Tĩnh. Nhưng mãi đến năm ba mươi sáu tuổi tôi mới về quê lần đầu. Có lý do. Chiến tranh, đường sá nguy hiểm, xa xôi. Hết chiến tranh, tàu xe vẫn khó khăn, lại thêm cô dì chú bác ruột đều ở gần.

Nhưng người Việt ai cũng cần phải có quê. Không có thì cũng phải có một khung cảnh đồng quê nào đó giữ trong ký ức, rồi coi đó là quê. Tôi không có kỷ niệm với quê hương mình. Nhưng tuổi thơ tôi vẫn có hình ảnh đồng quê và có kỷ niệm với nơi đồng quê ấy. Đấy là nơi tôi sơ tán về trong hai chuyến đi xa ra khỏi thành phố. Những làng quê làm nông. Có cả một làng dệt vải. Những khung cửi lách cách suốt ngày đêm. Con cái trong làng nhiều người đặt tên theo các loại vải. Mấy chị con bác chủ nhà tên là The, Lụa, Tơ...

Ở những nơi ấy, tôi có kỷ niệm. Tắm ao tắm sông. Đi mót lúa tẻ lúa nếp ngày mùa. Tiếng bụi tre kẽo kẹt và những bóng cây trong đêm đen như những hồn ma đu đưa...

Quê hương với tôi là nơi có những kỷ niệm như vậy.

...

Nhưng dù sao thì quê hương vẫn là nơi mà ta gọi là nguyên quán. Tức là dù có không sinh ra ở đó, dù có đi xa khỏi nơi đó vài ba đời, thì đó vẫn là quê nội, là gốc gác.

Trong tâm trí tôi có một quê hương, qua lời kể của mẹ tôi, và qua kho thơ ca của mẹ.

Hồ sen làng Quỳnh. Ảnh: ST.

Hồ sen làng Quỳnh. Ảnh: ST.

Mẹ tôi là cán bộ lão thành cách mạng, bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng vào năm 1936. Cùng một năm với cha tôi. Năm ấy Mặt trận Bình dân bên Pháp thắng thế, xứ thuộc địa cũng được nới lỏng phần nào. Hoạt động của những người cách mạng Việt Nam cũng có vẻ rộn ràng và phong phú. Đi vận động quần chúng tham gia cách mạng, lại vốn là người yêu thơ ca, mẹ tôi có một kho thơ ca thời mới. Từ bé tôi đã được biết nhiều đến thứ thơ ca ấy là nhờ mẹ.

Từ khi bắt đầu biết nói và biết nghe, tôi đã hằng đêm được nghe mẹ đọc thơ trước khi đi ngủ, như trẻ con bây giờ được mẹ đọc truyện đêm khuya. Mẹ tôi đọc Kiều: Vân rằng chị cũng nực cười / Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa… Mẹ ru tôi bằng những câu thơ thật là cổ kính của Chinh phụ ngâm: Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt / Xếp bút nghiên theo việc đao cung / Thành liền mong tiến bệ rồng / Thước gươm đã quyết chẳng dung giặc trời / Chí làm trai dặm nghìn da ngựa / Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao / Giã nhà đeo bức chiến bào / Thét roi cầu Vị ào ào gió thu… Áo chàng đỏ tựa ráng pha / Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in… Bảo làm sao mà cho đến giờ tôi vẫn thích Chinh phụ ngâm hơn cả, còn hơn bất cứ một áng thơ cổ nào khác.

Mẹ dạy tôi những bài thơ của Hồ Xuân Hương, bà cô trong dòng họ nhà tôi. Rồi thơ của bác tôi, nhà thơ Hoàng Trung Thông: Các anh đi ngày ấy đã lâu rồi / Xóm làng tôi còn nhớ mãi (Bao giờ trở lại), hay Bàn tay ta làm nên tất cả / Có sức người sỏi đá cũng thành cơm (Bài ca vỡ đất). Rồi bài Thăm lúa của Trần Hữu Thung thì được hát theo điệu phường vải của Nghệ Tĩnh: Mặt trời càng lên tỏ / Bông lúa chín thêm vàng / Sương treo đầu ngọ cỏ / Sương lại càng long lanh / Bay vút tận trời xanh / Chiền chiện cao tiếng hót… Có mấy chữ mà suốt thời tuổi thơ tôi cứ hiểu theo cách của mình: Nhớ lấy để mùa sau / Nhà cố làm cho tốt. Tôi không hiểu chữ nhà ở đây có nghĩa là người vợ, mà chỉ hiểu đó là cái nhà, ở nhà. Còn chữ cố thì lại hiểu rằng một ông cố ông cụ nào đó.

Mẹ dạy tôi từ những bài thơ nổi tiếng cho đến cả những bài không nổi tiếng lắm. Ví dụ bài thơ về anh Cù Chính Lan của chú Hoàng Trung Nho, vốn là người làm thơ nhưng về sau chú có viết văn xuôi: Bà cụ già móm mém gửi lời sang / Nhà có vạt khoai lang chăm cho rành tốt / Đợi anh Lan về nghỉ phép / Mời sang nói chuyện giết Tây chơi… Bài thơ hình như thời chống Pháp rất phổ biến ở vùng khu Bốn và trong lớp người kháng chiến, nhưng sau hòa bình đã bị lãng quên. Chỉ còn trong trí nhớ những người lưu giữ kiên trì như mẹ tôi.

***

Giữa những bài thơ mẹ đọc cho nghe, giữa những cổ tích mẹ kể, có một câu chuyện về người mà mẹ gọi là ông tổ. Đó là ông Hồ Sỹ Dương, sau này tôi tìm trong sách thì biết năm sinh năm mất của ông: 1621-1681. Ông đỗ tiến sĩ, ba lần đỗ thủ khoa, hai lần đỗ đông các của Việt Nam và Trung Quốc, làm bộ trưởng bốn bộ, làm thủ tướng.

Mẹ kể: nhà ông rất nghèo, cha mất sớm, mẹ phải bán hàng nước nuôi con ăn học. Chàng thư sinh một hôm gặp cô con gái nhà quan, chàng mới xin một khẩu trầu. Tưởng là đùa xin hú họa vậy thôi, ai ngờ cô gái không chỉ cho một khẩu trầu mà cho luôn cả hộp trầu cô mang theo người. Ngày xưa nam nữ cho nhau miếng trầu cũng giống như bày tỏ cảm tình. Anh chàng thư sinh bèn về xin mẹ đi hỏi cô gái làm vợ. Người mẹ sợ quá không dám đi. Chàng phải nằng nặc thúc giục mẹ, lại còn quả quyết rằng cô gái đã thuận tình. Người mẹ đành chiều ý con, và đúng như bà lo ngại, ông quan kia nổi giận vì một thư sinh nhà nghèo không môn đăng hộ đối lại dám bén gót con quan. Ông cho gọi con gái ra hỏi han sự tình. Cô gái trả lời nếu cha mẹ thuận thì cô cũng thuận. Ông ngã ngửa người rồi giận dữ đùng đùng đuổi con gái ra khỏi nhà, đuổi đi theo chàng nhà nghèo. Bao giờ đỗ đạt vinh quy, trải chiếu hoa từ làng của chàng đến làng ông thì ông mới nhận rể. Bằng không thì coi như ông đã mất con gái.

Bà mẹ cô gái thương con, bà chạy theo cho con gái một giỏ muối để mang về nhà chồng. Trong giỏ muối giấu mấy lạng vàng. Từ đấy, người vợ cùng mẹ chàng tần tảo nuôi chàng ăn học. Rồi quả đúng là võng ngựa vinh quy, chiếu hoa đã trải từ làng trên xuống làng dưới để về thăm ông quan bố vợ.

Ngày bé nghe chuyện tôi cứ băn khoăn, sao bà quan không cho gì mà lại cho một giỏ muối, làng ấy có phải làng miền núi đâu mà cần muối đến thế, bà cho giỏ muối mà không bị ông quan nghi ngờ chạy theo mở ra xem hay sao.

Ba mươi sáu tuổi, tôi mới lần đầu biết quê mình, lần đầu về quê. Năm 1996 chị Bích Thủy và anh Nguyễn Khắc Phục đi làm phim tài liệu Làng Quỳnhcho truyền hình Việt Nam. Làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Tôi theo chị đi, tranh thủ được biết về quê hương, ngờ đâu ngẫu hứng nổi lên, chị Thủy nảy ra ý biến tôi thành nhân vật làm đường dây kết nối cho các chi tiết trong phim. Một đứa con xa quê, rong ruổi khắp những bến bờ xa, nay trở về làng. Tôi đi trên đường làng, qua những cánh đồng lúa xanh bát ngát, qua ao đầm nước trong, vào thăm nhà thờ họ Hồ, viếng nhà thờ ông Hồ Sỹ Dương, viếng lăng mộ nữ sĩ Hồ Xuân Hương… Tôi thắp hương thành kính trước các bậc tiên tổ. Tôi ngồi bên con ngựa đá trước nhà thờ giữa cánh đồng. Nhớ lời cha tôi bảo cả nước chỉ có một họ Hồ, phát tích từ làng này. Dù có ra đến Thanh Hóa như Hồ Quý Ly, dù có vào đến Bình Định như Hồ Thơm (Quang Trung), dù có ở Cổ Nguyệt Đường ven hồ Tây, Hà Nội, như Hồ Xuân Hương thì cũng chỉ có một gốc là cái làng Quỳnh này. Còn lúc ấy tôi chỉ nghĩ, lâu nay tưởng miền Trung khô cằn sỏi đá, thế mà về đến đây, thấy quê mình lúa xanh mướt, ao hồ nước trong, làng xóm không giàu nhưng sạch sẽ ngăn nắp.

Không biết nhiều về quê hương, nhưng trong tâm tưởng, tôi vẫn có một vùng quê để nhớ.

Hồ Anh Thái
Đôi điều suy nghĩ của một Phật tử về câu chuyện xung quanh ông Minh Tuệ
Đôi điều suy nghĩ của một Phật tử về câu chuyện xung quanh ông Minh Tuệ11

Là một Phật tử, theo dõi hành trình và xem gần hết các video trên mạng về ông Minh Tuệ, chúng tôi nhận thấy văn bản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có thể gây hiểu lầm.

Tác giả trẻ phủ sóng một cuộc thi Thơ Hay
Tác giả trẻ phủ sóng một cuộc thi Thơ Hay

Tác giả trẻ thuộc thế hệ 8X, 9X đã chiếm ưu thế tuyệt đối tại cuộc thi Thơ Hay vừa tổ chức trao giải thưởng vào sáng 16/5 tại TP.HCM.

Nhân hiện tượng Minh Tuệ: Đi tu để được gì?
Nhân hiện tượng Minh Tuệ: Đi tu để được gì?11

Hiện tượng ông Minh Tuệ một lần nữa nhắc cho ta biết rằng cũng như trong căn nhà đóng kín, chúng ta sẽ không thấy được gì, nhưng chỉ cần một tia sáng lọt vào, lập tức thấy bụi bặm nhảy múa đảo điên.

Thổn thức cùng sông Nghèn
Thổn thức cùng sông Nghèn

Quy luật muôn đời là các dòng sông đều chảy, nhưng khi thực hiện dự án 'ngọt hóa', thau chua rửa mặn thì sông Nghèn thành dòng sông duy nhất ở Việt Nam... không chảy.

Từ trường hợp Minh Tuệ: Y pháp bất y nhân
Từ trường hợp Minh Tuệ: Y pháp bất y nhân1

Câu ấy có nghĩa là [người tu phải] căn cứ vào giáo pháp (chân lý) chứ không được căn cứ vào cá nhân.

Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay như thế nào?
Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay như thế nào?

‘Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay’ là cuộc tọa đàm văn chương giữa các tác giả thuộc Hội Nhà văn TP.HCM và Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên.

Bên dòng Kiến Giang huyền thoại
Bên dòng Kiến Giang huyền thoại6

Sự hiểu biết cùng cảm xúc rất đặc biệt của cô bé Hà Nội 12 tuổi về đất và người Lệ Thủy, Quảng Bình.

'Dân Ông Tạ' cất giữ một phần ký ức đô thị phương Nam
'Dân Ông Tạ' cất giữ một phần ký ức đô thị phương Nam

'Dân Ông Tạ' là cộng đồng người gốc Bắc di cư vào nam, được tác giả Cù Mai Công phản ánh trong bộ sách 'Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó'.

Viết ngược từ theo sở thích làm méo mó ngôn ngữ Việt
Viết ngược từ theo sở thích làm méo mó ngôn ngữ Việt

Gần đây, trường hợp viết đảo ngược từ xuất hiện tràn lan và ngày một phát triển. Có cơ hội, có dịp là đảo ngược. Đảo lấy được. Nhà văn, nhà báo cũng đua nhau viết ngược từ.

Chùa Một Cột trên thành phố bị lãng quên Bandipur, Nepal
Chùa Một Cột trên thành phố bị lãng quên Bandipur, Nepal

Đi hành hương lần này, đoàn chúng tôi có 8 người. Đi một chuyến đi 'lịch sử đời người', vì sẽ đến những nơi chưa từng đến, những nơi mà để đến được, thì vô cùng khó khăn mới đến được, nhưng đã đến được thì quá xứng đáng để đi. Đến dãy Núi Tuyết Hy Mã Lạp Sơn, và thành phố cổ Bandipur...

Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt trong tâm hồn người Việt, một lần nữa được nhắc nhớ qua chương trình đặc biệt kỷ niệm Giỗ tổ Hùng Vương trên Nông nghiệp Radio tối nay (18/4).

Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc
Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Nhà báo, nhà văn Dương Bá Trạc (1884-1944), hiệu Tuyết Huy, là anh trai của nhà giáo Dương Quảng Hàm. Cụ cùng các chiến sĩ đã sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục.