Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt

Một cánh rừng Hua Tát mới…

Một cánh rừng Hua Tát mới…

Cánh rừng Hua Tát mới rồi sẽ hiện lên trên đất xưa, ánh lên vẻ đẹp ấy. Bản Hua Tát vùng Tây Bắc là nơi nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng sống, rồi tái hiện trong những trang văn…

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Tôi muốn nói đến sứ mệnh của nhà văn trong sáng tạo và nhà giáo trong truyền đạt. Và nữa, cố gắng tạo dựng lại phần nào vẻ đẹp đã mất đi, cũng là như vậy. Cánh rừng Hua Tát mới rồi sẽ hiện lên trên đất xưa, ánh lên vẻ đẹp ấy. Bản Hua Tát vùng Tây Bắc là nơi nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng sống, từng ghi dấu ấn tượng rồi sáng tạo và tái hiện trong những trang văn…

Những năm đầu thời tuổi trẻ, tôi thường xuôi ngược trên con đường Tây Bắc. Khi ấy, cả nhà tôi sống ở Sơn La, tôi thi đỗ vào đại học ở Hà Nội. Mỗi năm có hai lần, kỳ nghỉ hè và dịp tết, tôi được về thăm nhà và lấy đồ tiếp tế. Phương tiện là ô tô xóc nảy liên tục trên con đường 6 ngoằn ngoèo, dốc lên, đèo xuống, từ Sơn La qua Hát Lót, Yên Châu, Mộc Châu, Mai Sơn, Hòa Bình, về Hà Nội.

Ngày ấy, đi bình thường mất hai hoặc ba ngày, đêm phải ngủ lại ở Mộc Châu, có khi ở Yên Châu hay trạm nghỉ nơi cây số 22 trên đường qua Suối Rút. Cây số 22 và Suối Rút giờ đã ngập sâu dưới lòng hồ thủy điện sông Đà. Chưa hết, còn nhiều lần, thường là vào mùa hè, đường bỗng nhiên bị tắc do những tảng đá to đùng từ trên cao lăn xuống chặn ngang hay bị sạt lở mất tiêu dưới vực sâu. Thế là lại mất thêm một đôi ngày chờ người ta đưa máy ủi, máy xúc ở dưới thị trấn lừ đừ chậm rì rì leo lên ủi đá, phải nổ mìn cho đá vỡ bớt ra mới ủi được, hoặc gạt vào vách núi mở ra đường mới cho cái đoạn vừa sạt lở ấy.

Trong ký ức, tôi vẫn không quên được những lần tắc đường này. Cái lần trở lại Sơn La, còn cách thị trấn Yên Châu chừng 20 cây số, thì đường vừa sạt mất. Trời đã lưng lửng chiều, một số người quyết định đi bộ, mất khoảng bốn đến năm tiếng là về được Yên Châu, ngủ lại, sáng ra có thể kiếm xe đi Sơn La. Tôi và một thằng bạn học cùng đại học nằm trong “một số” ấy. Đi được một đoạn, thấy bên đường có con suối to, nước ngầu đỏ chảy xiết, hỏi nó chảy về đâu, người ta bảo là Yên Châu. Thế là hai thằng trai trẻ bọc quần áo và đồ đạc, ít thôi, sinh viên về nhà mà, vào tấm ni lông, dùng làm phao bám, bơi trôi theo dòng nước xiết. Giữa chặng, nghỉ giải lao, vào bản xin bắp ngô và khúc sắn nướng lót dạ, rồi lại xuống suối trôi bơi tiếp, để về đích đúng như dự định. Chao ôi, cái thời tuổi trẻ ngông nghếch ấy, nay đã qua quá xa rồi… Lại một lần khác, xuống trường sau kỳ nghỉ, xe ô tô leo lên đỉnh đèo Chiềng Đông thì dừng. Chiếc xe hỏng phanh, lên đèo từ phía Sơn La tương đối ít dốc thì được, nhưng xuống đèo phía Mộc Châu, đường gấp khúc, toàn cua hẹp hơn tay áo, không thể liều mạng, phải dừng lại rồi nhắn xe khác đi qua để nhờ chở thợ và đồ lên thay, mới đi tiếp được.

 

 *

Cái lần phải dừng chờ sửa xe ở đỉnh đèo Chiềng Đông ấy, xung quanh vẫn còn xanh ngắt rừng, mây và sương mù hòa vào nhau, bay bảng lảng. Tôi lang thang ngắm nhìn trong thời gian chờ. Nghe chim rừng, nhiều nhất là tiếng chim bìm bịp và tiếng bắt cô trói cột, khắc khoải nôn nao. Có một con đường nhỏ rẽ ra thành ngã ba dẫn lên một dốc cao hơn. Đấy là đường đi đến bến phà Tạ Khoa qua ngang sông Đà, rồi vượt núi lên Bắc Yên, nối sang Phù Yên. Đến đầu dốc thì gặp người dân đi rừng, hỏi ở đây có bản làng nào không. Họ bảo có mấy bản của người Thái ở xa xa kia. Đi đến đó cũng khá lâu, trở về có khi xe đã chạy mất rồi, thế là tôi chỉ đứng đấy, mắt nhìn vào mông lung, nơi có những bản nhỏ hẻo lánh ẩn hiện trong sương mờ.

Ngày đó, tôi chưa biết là trong mấy cái bản ấy có một bản tên gọi là Hua Tát, sau này sẽ nổi danh trong văn Nguyễn Huy Thiệp. Cái tên Hua Tát khá lạ lẫm giữa những tên bản làng người Thái, người Mông ở Tây Bắc. Tất nhiên, tôi cũng chưa biết ở đó có một ông giáo, còn tương đối trẻ mà tạng người đã đầy vẻ khắc khổ, tên là Nguyễn Huy Thiệp, đã ở lại mấy năm, rồi còn tiếp tục ở thêm đến gần mười năm, mới về xuôi. Tôi đang là sinh viên Đại học Bách khoa năm đầu tiên, không nghĩ rồi đời mình sẽ gắn với nghiệp văn, được gọi là nhà văn, nhà thơ. Khi là sinh viên năm thứ ba, tôi mới rụt rè có những bài thơ gửi và được đăng trên báo. Và khoảng mười năm sau cái thời điểm tôi chờ sửa xe ở đỉnh đèo Chiềng Đông ấy, thì nhà văn Nguyễn Huy Thiệp mới xuất hiện trên văn đàn. Sự xuất hiện của ông ngay lập tức đã gây ấn tượng đặc biệt với xã hội. Những trang văn hiện thực ngột ngạt và quặn thắt. Một loạt các truyện ngắn đầy sức ám ảnh về những biến đổi xã hội thời hậu chiến, le lói cảnh báo những sa đọa của nhân tính dưới sức lôi kéo của đồng tiền đang lên ngôi. Và lạ lùng, còn một mảng sáng tác khác của Nguyễn Huy Thiệp, lãng mạn huyền ảo, cũng hết sức ám ảnh bạn đọc. Đó là những truyện ngắn mang tên "Những ngọn gió Hua Tát", "Muối của rừng", “Những người thợ xẻ”, “Chảy đi sông ơi”, “Con gái thủy thần”, “Vàng lửa”...

Nguyễn Huy Thiệp sinh năm 1950, xuất hiện trên văn đàn muộn khi đã gần bốn mươi tuổi, nhưng ông nhanh chóng để lại một sự nghiệp sáng tạo đầy cá tính với các thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản và cả phê bình văn học. Tiếng tăm lớn mà lại không đi cùng với tiền bạc và vinh danh. Ông là một nhà văn nghèo, đường đời không hanh thuận. Ông mất vào năm 2021 trong tâm trạng không nhiều vui vẻ, khi mới vừa vượt qua cái ngưỡng của tuổi 70, như thế là khá sớm so với tuổi thọ người Việt hiện nay. Nhưng rồi, trong năm nay, đã có những vinh danh Nguyễn Huy Thiệp: Ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, được Hội Nhà văn Hà Nội trao tặng Giải thưởng Cống hiến trọn đời. Dù muộn màng, nhưng vinh danh cũng vẫn đúng là vinh danh.

 

 *

Trong hơn bốn mươi năm qua, làm báo, tôi đã nhiều lần đi đi lại lại cung đường Tây Bắc, đi cả từ ngã ba Chiềng Đông ngày nào sang Tạ Khoa, Bắc Yên, Phù Yên rồi tới Nghĩa Lộ và xuôi về. Ngã ba trên đỉnh đèo Chiềng Đông bây giờ đã mở ra như một quảng trường. Ở đó, có một tượng đài lớn được xây lên để tưởng nhớ những đoàn dân công, đội ngũ thanh niên xung phong và bộ đội cùng hội về trong kháng chiến chống Pháp. Đây là vùng đất lịch sử, ghi dấu ấn của hai con đường hòa lại, một từ Nghĩa Lộ lên, một từ dưới Mộc Châu dẫn tới, để dồn sức người sức của cho Điện Biên Phủ chiến thắng. Con đường 6 khúc khuỷu và nhỏ hẹp ngày nào, nay đã thành thênh thang sau mấy lần nâng cấp, kể từ năm 1984, nhân Kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, rồi lần xây dựng Thủy điện Tạ Bú, rồi đón nhận sự kiện nâng cấp thị xã Sơn La lên thành phố. Và cùng với phát triển, rừng cũng đã mất đi quá nhiều. Cái khoảng rừng tôi nhìn hồi xưa ở đỉnh đèo Chiềng Đông cũng biến mất, thay vào đó là những đồi ngô, nương sắn nối tiếp nhau. Chả còn nơi đâu thấy được bóng dáng rừng già, rừng nguyên sinh nữa.

Tôi biết, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cũng đã có đôi lần trở lại Sơn La, trở lại nơi xưa ông đã sống gần mười năm, vẫn còn rất nhiều lưu luyến. Nguyễn Huy Thiệp có hai người con trai. Trong đó, một chàng lấy vợ người trên này, tít trong huyện Sông Mã giáp biên giới với Lào. Không biết Nguyễn Huy Thiệp có đi hỏi vợ cho con trai hay lên huyện Sông Mã để đón dâu không. Nếu có, thì ông cũng phải qua nơi đây rồi mới đi lên nữa, tới ngã ba Mai Sơn thì rẽ vào, đi tiếp tám, chín chục cây số mới đến được nơi gia đình con dâu ông định cư.

Tôi đã được xem một cái clip khá dài do các thầy cô giáo khoa văn Đại học Tây Bắc đón và quay những hình ảnh Nguyễn Huy Thiệp trở lại vùng Hua Tát. Ông tìm gặp những người bạn, những người sống cùng ông thời đó, bồi hồi ôm lấy nhau và ông đứng bần thần ngắm mây bay trên những ngọn núi đá cao vút. Nguyễn Huy Thiệp nói, nếu không có thời gian sống ở đây thì cũng chưa hẳn đã có con đường văn chương mà ông đi sau này. Ông cũng nói, những truyện ngắn như "Những ngọn gió Hua Tát", "Muối của rừng"… là để lưu giữ trong tưởng tượng một Hua Tát xưa, chứ ngay từ hồi ông ở, rừng như thế đã không còn nhiều lắm. Đến bây giờ thì khung cảnh huyền ảo trong những truyện ngắn trứ danh ấy càng tuyệt nhiên không còn thấy một chút nào nữa.

Thật may mắn, năm nay có một sự kiện nữa gắn với Nguyễn Huy Thiệp. Có một cánh rừng mới, do tổ chức VARS kết hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, các thầy cô giáo dạy văn, dạy sử ở Trường Đại học Tây Bắc và những người yêu quý nhà văn cùng chính quyền địa phương, bắt đầu được trồng và hy vọng sẽ mọc lên tươi tốt ở bản Hua Tát, để tưởng niệm nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Cánh rừng tưởng niệm Nguyễn Huy Thiệp mở ra hy vọng là sẽ phần nào dựng lại được khung cảnh xưa trong tương lai. Cánh rừng ấy nằm trên đoạn đầu con dốc lên rẽ sang Bắc Yên từ ngã ba trên đỉnh đèo Chiềng Đông mà tôi đã kể. Lại có một cơ duyên nữa, đi qua cánh rừng tương lai, lên tiếp núi rồi đi dần xuống sông Đà, vượt sông ở Tạ Khoa, lại lên núi tiếp tới Bắc Yên, hai bên đường ở hai sườn núi cao đối diện nhau qua sông Đà, có những bản Mèo xưa. Đấy chính là nơi đi thực tế và là khung cảnh của truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài và ca khúc “Bài ca trên đỉnh núi” của nhạc sỹ Nguyễn Văn Thương. Thêm cánh rừng Hua Tát gắn với tên tuổi Nguyễn Huy Thiệp nữa, thì nơi đây sẽ là vùng đất ký ức của văn chương và âm nhạc rất lý thú.

Tối hôm gặp gỡ giữa đoàn trồng rừng ở Hà Nội lên với các thầy cô giáo ở Đại học Tây Bắc tại thành phố Sơn La, tôi có nói, văn chương đã từng làm nên sự hấp dẫn cho một địa danh, đưa nó thành một địa điểm du lịch, như nhà thơ Trương Kế với bài thơ “Phong Kiều dạ bạc” cùng giai thoại ra đời của bài thơ này gắn với chùa Hàn San ở Tô Châu (Trung Quốc) vậy. Và như thế thì Cò Nòi, bản Hua Tát, dốc núi Bắc Yên, một vùng đất lịch sử và giàu tiềm năng kinh tế nông nghiệp và thương mại, cũng có hy vọng trở thành một địa điểm du lịch, giống như câu chuyện ấy, trong tương lai.

Tương lai có trở thành hiện thực hay không, còn phải gặp thêm những cơ duyên nữa và sự gắng gỏi bền bỉ của con người. Hôm trồng rừng, những cây tếch, cây trám, cây mắc ca… được đặt xuống các hố trồng, đất tơi nhuần trong mưa, tiết trời ấm áp. Trồng xong thì gặp lúc nắng lên. Chắc chắn như thế là cây sẽ nhanh lên xanh. Lại thêm vui sau đó là đi gieo chữ. Đoàn của Hội Nhà văn Việt Nam và mọi người, sau khi trồng cây, đã đến trao tặng cho các em nhỏ học sinh mấy cụm trường ở đây, mỗi em nhận một bộ sách mới in của Dự án “Sách văn học dành cho các em học sinh vùng sâu, vùng xa”, trong đó có những tác phẩm văn học thiếu nhi đã từng truyền tay qua nhiều thế hệ như “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi và “Dế mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài…

Trồng cây rồi gieo chữ chính là chặng đầu tiên của hành trình hy vọng mới ở vùng rừng Hua Tát xưa…

Nhà thơ Nguyễn Thành Phong

Tin khác

Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt trong tâm hồn người Việt, một lần nữa được nhắc nhớ qua chương trình đặc biệt kỷ niệm Giỗ tổ Hùng Vương trên Nông nghiệp Radio tối nay (18/4).

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 18/04/2024
Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Nhà báo, nhà văn Dương Bá Trạc (1884-1944), hiệu Tuyết Huy, là anh trai của nhà giáo Dương Quảng Hàm. Cụ cùng các chiến sĩ đã sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 18/04/2024
Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết

Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết

Đại tá Nguyễn Văn Hồng sau 30 năm cầm súng lại có tiếp 30 năm cầm bút, đó là nội dung tọa đàm văn chương diễn ra sáng 12/4 tại TP.HCM.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 12/04/2024
Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác

Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác

Hát trống quân Đức Bác là sự kết hợp giữa lời hát và nhịp điệu, cùng với những khúc hát sôi động xoay quanh các chàng trai Đức Bác và cô đào Phù Ninh.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 11/04/2024
Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ3

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng thường được nhiều người biết đến với tư cách một nhà khoa học nông nghiệp, nhưng ít ai biết ông từng có thơ được in từ thời sinh viên.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 08/04/2024
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã rời khỏi dương gian 23 năm, nhưng di sản nghệ thuật của ông vẫn không ngừng lôi cuốn công chúng, trong đó có những đoản văn tự tình.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 31/03/2024
Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’

Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’

Việc ứng xử như sách đã chép ít nhiều thể hiện sự tôn trọng đáng kể, dù 'Thư thất điều' đã khiến vua Khải Định bẽ mặt với quốc dân đồng bào ở trong và ngoài nước lúc đó.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 25/03/2024
Hà Giang hút khách

Hà Giang hút khách

Thị trấn Đồng Văn giờ khác lắm. Cầu trời, năm mười năm nữa, Đồng Văn sẽ không theo bước Tam Đảo, Sa Pa, nhà tầng chất ngất cướp mất dáng núi, thung mây...

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 25/03/2024
Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh

Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh

Trong bài văn tế Phan Châu Trinh, Sào Nam Phan Bội Châu đánh giá 'Thư thất điều đón giá như Tây, uy sấm chớp chẳng kinh cùng chẳng hãi'.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 24/03/2024
Cửa Đạt và Cửa Đặt: Chuyện nhỏ hay không nhỏ?

Cửa Đạt và Cửa Đặt: Chuyện nhỏ hay không nhỏ?

Hãy phóng to bức hình này lên, sẽ thấy hai cái tên khác nhau: Bên này là đền “Cửa Đặt”, bên kia là chùa “Cửa Đạt”. Đặt và Đạt, có liên hệ/liên quan gì không?

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 18/03/2024
Giáo sư Andrea Hoa Pham: 'Ngôn ngữ luôn biến đổi'

Giáo sư Andrea Hoa Pham: 'Ngôn ngữ luôn biến đổi'1

Một người dạy tiếng Việt ở Mỹ, giáo sư Andrea Hoa Pham cho rằng, ngôn ngữ luôn luôn biến đổi, dù muốn hay không cũng không ngăn được thực tế ấy.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 15/03/2024
Cảm nhận một người trẻ tuổi về kháng chiến qua phim Đào, phở và piano

Cảm nhận một người trẻ tuổi về kháng chiến qua phim Đào, phở và piano

Bộ phim đã khiến tôi tò mò và tôi đã tìm hiểu rộng hơn lịch sử đất nước và tinh thần chiến đấu của chiến sĩ, nhân dân ta trong kháng chiến.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 13/03/2024