LTS: Nhà xuất bản Khoa học Xã hội vừa ấn hành cuốn “Diễn thuyết Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX - Những thanh âm văn hóa của Hội Trí tri”, tuyển chọn 38 bài diễn thuyết của Hội Trí tri trong thời gian từ 1921 đến 1945 về các chủ đề văn hóa, lịch sử, danh nhân, văn chương, mĩ thuật, di tích thắng cảnh và y khoa. Sách sưu tầm bài diễn duyết của các học giả quen thuộc như Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Hoàng Ngọc Phách, Nguyễn Hữu Tiến, Trần Văn Giáp, Nguyễn Trọng Thuật, Nguyễn Tường Phượng..., trong đó một số bài diễn thuyết lần đầu tiên được in lại sau hơn 70 năm vắng bóng. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trích lược đăng một số bài diễn thuyết giới thiệu với bạn đọc.
Một nước đã có văn học riêng thì có văn tự riêng, nước ta từ xưa đã có văn tự gì riêng không? Các nhà học giả phần nhiều đã có nghị luận đến, hoặc có kẻ cho thứ chữ Thổ bây giờ, tức là văn tự của ta đời xưa, sự đó không lấy gì làm chứng cớ. Chúng ta hãy cho rằng, từ xưa nước ta chưa chắc đã có văn tự gì, dù có nữa cũng chưa phổ thông đến cả xã hội, vì những việc đời xưa mà nay còn truyền lại đều là truyền miệng, chớ không phải có viết ra bằng văn tự gì, đến sau ta giao thông với nước Tàu, người Tàu sang ta, Hán học mới truyền đến, ta mới lấy chữ Hán mà viết. Sau lại có Phật giáo truyền đến mà văn học của ta ngày một tiến bộ, ta lại mượn cái hình chữ Hán để viết ra tiếng ta, tức là thứ chữ Nôm, đời xưa cũng thường gọi chữ Nôm là chữ quốc ngữ. Về sau lại có Tây học truyền đến, lấy thứ chữ La Mã đặt ra Quốc ngữ, vừa có Tây học, vừa có Quốc ngữ nên con đường văn học của ta được tấn tới thêm. Đấy là cái nguồn gốc văn học nước nhà, nay xin phân biệt kể ra như sau này: 1. Hán học; 2. Phật học; 3. Tây học; 4. Chữ Nôm và chữ Quốc ngữ.
Nói về Hán học: Hán học truyền đến từ thời đại nào, nên nghiên cứu về sự giao thông đã. Trước lịch Tây 2.513 năm, vào đời vua Xuyên Húc bên Tàu, người Giao Chỉ ta bắt đầu giao thông với Tàu. Năm 214 có người Giao Chỉ là Lí Ông Trọng sang Tàu học tập kinh sử, đời vua Tần Thủy Hoàng. Đến đời ông Triệu Đà làm vua Nam Việt, kiêm lĩnh nước ta, người Tàu tràn sang rất nhiều, khi ấy Triệu Đà lấy Thi, Lễ dạy dân ta, ấy là cái thời kì người ta bắt đầu học tập chữ Hán. Vua Vũ Đế nhà Hán mở ra 9 quận, đặt quan Thứ sử để cai trị, di dân Tàu sang, người ta theo học hành mới biết lễ giáo; vua Quang Vũ đời Đông Hán (sau lịch Tây), sai ông Tích Quang làm Thứ sử Giao Chỉ, Nhâm Diêu làm Thái thú Cửu Chân, hai ông ấy có lập ra học hiệu, dạy bảo dân ta, từ đó về sau chữ Hán đã thịnh hành.
Thời Lý Thánh Tông bắt đầu sùng thượng Nho giáo, lập ra Văn Miếu, các đời vua sau lại lập ra các khoa thi để khuyến khích Nho học, nhà Trần nổi lên thì có bốn trường lớn để dạy chữ Nho: 1. Trường của Trần Ích Tắc; 2. Trường của phủ Thiên Trường; 3. Trường Lan kha thư viện; 4. Trường Cung hoàng học hiệu của Chu Văn An. Nhà Trần cũng đặt ra khoa cử, nào là thi Thái học sinh, nào là thi Tiến sĩ, sĩ phu đua nhau học để đi thi cử, thành ra một cái phong khí mà cái sự học từ chương cũng mới thịnh hành từ đó. Lê, Mạc, hậu Lê cho đến bản triều ngót 500 năm, chỉ ham mê về sự học khoa cử đó, mãi đến đầu thế kỉ XX này ông Thân Trọng Huề mới xướng ra cái nghị bỏ khoa cử đến năm 1916 trở đi mới bỏ được hẳn.
Nói về Phật học: khoảng lịch Tây năm 61, có một người sư ở nước Thiên Trúc tên là Kì Vực sang Giao Chỉ (hay Bắc kỳ) ta để truyền đạo Phật, rồi sau mới sang Tàu, sau bốn năm nữa, vua Minh đế nhà Hán mới sai sứ sang nước Thiên Trúc cầu Phật giáo. Xem thế đủ biết Phật giáo đến ta cũng ngang với Tàu một lúc. Đến thế kỉ thứ VII, Đường Tăng sang ta rất nhiều, Vô Ngôn Thông thiền sư cũng là người phái Thiền tông, mang nhiều sách Phật giáo bằng chữ Hán sang ta truyền giáo. Từ đó về sau hai, ba thế kỉ, Phật đạo hình thành, sau đến Đinh, Lê độc lập, sự giao thiệp cũng nhờ các sư. Thời đại Lý, Trần cũng sùng thượng đạo Phật lắm, cả nước cơ hồ đều là tăng chúng cả. Nhưng vì từ Lý, Trần về sau đối với Hán học, có lập Văn Miếu, có đặt ra các khoa thi, Hán học ngày càng thịnh lên, và lại có ông Chu Văn An xướng ra cái thuyết sùng chính tịch tà, là sùng đạo Nho mà bài đạo Phật, đạo Phật bị cái ảnh hưởng đó, ngày càng sa sút, sau các đời lại hạ lệnh sa thải tăng ni nên đạo Phật suy luôn đến bây giờ.
Nói về Tây học: Tây học truyền đến nước ta là do có các tuyên giáo sư của đạo Thiên chúa.
Vào năm 1533 có một tuyên giáo sư người Hà Lan tên là Y Khu Nê lẻn vào các miền huyện Nam Chân, huyện Giao Thủy (thuộc địa phận tỉnh Nam Định bây giờ) truyền đạo Thiên chúa, sau bị cấm bắt phải về nước, kế lại có các tuyên giáo sư Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp, Nhật Bản kéo nhau đến truyền giáo; và người Anh, người Hà Lan đến buôn bán, Tây học cũng lần lần truyền đến.
Hồi bảy mươi năm về trước đây, chính là thời kì các nước Thái Tây sang mở mang ở phương Đông, người mình cần phải nghiên cứu Tây học lắm, mà cái tình hình Tây học ở nước ta khi bấy giờ như vậy, thật đáng tiếc quá, làm cho cuộc tiến hóa của nước nhà đến nỗi sụt lùi ở sau mà không bằng người được.
Nói về chữ Nôm và chữ Quốc ngữ: Chữ Nôm ta bắt đầu thấy trong sử là chỗ xưng Phùng Hưng là “Bố cái đại vương” và chữ “Đại Cồ Việt”. Hồ Quý Ly có làm thủ chiếu bằng Quốc ngữ (trong sử ta vẫn gọi chữ Nôm là Quốc ngữ) dịch thiên “Vô dật” ra bằng chữ Quốc ngữ để dạy vua, dịch “Thi” ra bằng Quốc ngữ, và làm bài tựa trong sách “Kinh thi” dịch ra đó.
Đời Lê nổi lên, cũng rất cổ lệ về sự dùng chữ Nôm, vua Lê Thái Tông muốn tìm xem thủ chiếu và thơ văn của họ Hồ, ông Nguyễn Trãi có tìm được vài mươi bài văn bằng quốc âm của họ Hồ dâng cho vua xem; ông lại làm gia huấn bằng lối thơ lục bát, đến nay hãy còn. Đời Hồng Đức thơ văn Nôm rất nhiều, xem như “Thập giới cô hồn” của vua Thánh Tông, chép trong “Thiên Nam dư hạ tập” và như mấy bài “Bát giáp thưởng đào văn” của ông Lê Đức Mao cũng người thời ấy, thì biết lúc ấy bấy giờ văn Nôm phát đạt lắm. Từ đời Mạc với đời hậu Lê, văn Nôm cũng thịnh, xem “Ngũ kinh”, “Tứ thư) và sử đã có dịch ra Nôm cả, đủ biết lối văn Nôm phổ cập biết chừng nào. Đời hậu Lê là đời vua Lê chúa Trịnh, danh phận không được rõ ràng, những người học chữ Hán đi thi không biết xu hướng về bên nào, nên những thơ văn chữ Hán lúc bấy giờ rất là nhu nhược, đồi bại.
Từ đầu đời vua Minh Mệnh bắt đầu bỏ chữ Nôm, học trò đi thi và các quan tâu thưa việc gì bắt toàn dụng chữ Hán mà viết cho đúng với “Tự điển Khang Hi”, từ ấy về sau người học chữ Nôm dần ít, cho đến ngày nay.
Quốc văn ta ngày nay không viết bằng chữ Quốc ngữ theo lối chữ Nôm mà viết bằng chữ Quốc ngữ theo lối chữ La Mã, thứ chữ theo lối chữ La Mã đó so với chữ theo lối chữ Nôm cách viết giản tiện hơn, cách học cũng dễ hơn, thật là một cái lợi khí cho nền văn học ta, mà đáng dạy bảo cho được phổ cập vậy. Chữ La Mã truyền đến nước ta bắt đầu từ các nhà tôn giáo, khi tôn giáo truyền đến các tuyên giáo sư theo học tiếng ta, để cho tiện sự truyền giáo, họ nhân lấy thứ chữ La Mã đó đặt ra riêng một lối chữ, để viết tiếng nước ta, gọi là chữ Quốc ngữ, từ đấy gọi là chữ Quốc ngữ mới chuyên chỉ về lối chữ đó. Thứ chữ Quốc ngữ ở nước ta ngày nay xem đã phổ thông lắm, và tiện lợi cho sự học vấn của ta không biết chừng nào, nếu sau này dịch hết sách khoa học để dạy cho người mình thì sự tiến bộ mau chóng vô cùng.
Nền văn học mới: Nước ta thu nạp ba nguồn văn học ở nước ngoài đến là Hán học, Phật học và Tây học, làm cho dân trí của ta ngày được mở mang. Nhưng vì ba cái học đó đều là ta học mượn của người cho nên gây ra một cái học phong sai lầm, chúng ta là người Việt Nam mà đi học những chuyện đâu đâu thì như ở trong vòng sương mù đến mấy dặm. Học mà không biết đến nước là một cái học không có căn bản, thua kém các nước, lại tại chỗ đó. Vậy nên tuy cũng có tiến hóa mà vẫn không phải có cái nguồn gốc thật.
Nay cần phải dựng lên một nền văn học mới, nghĩa là phải dựng lên một cái học phong có căn bản, phải xét rõ nguồn gốc nước ta là thế nào, cái đường tiến thủ cách sinh tồn của ta nên thế nào, lại thu thái những khoa học tư tưởng mới của các nước văn minh trong thế giới, để vun bồi cho nền văn học ấy, tạo ra một cái hồn riêng của dân tộc ta, như Thái Hòa hồn của nước Nhật. Có gây nên được như vậy mới mong tiền đồ nước nhà có một cái hy vọng mới.
Gọi là nền văn học phải có nguồn, có gốc, có chi, có phái, có quan hệ đến chính trị, có mật thiết đến thế đạo nhân tâm, chứ có phải viết một vài câu văn mới, làm một vài bài thơ mới mà gọi là nền văn học được đâu. Thơ văn chẳng qua là một chút nho nhỏ ở trong văn học đó thôi. Còn đến sự lấy thứ chữ Quốc ngữ là một thứ chữ gốc cho nền văn học, nghĩa là dạy bảo các khoa học gì, đều toan dùng chữ Quốc ngữ, điều đó mọi người đều công nhận như vậy, nhưng dùng thứ chữ đó, còn phải theo trình độ mà thay đổi một đôi chút, để cho sự học được có ích lợi.
Về cách dùng chữ Quốc ngữ, ông Nguyễn Văn Vĩnh muốn lấy năm chữ để thay vào năm cái dấu, như trong báo Trung Bắc của ông đã thường đăng. Nhưng theo ý của tôi thì tôi muốn tùy theo cái trình độ học vấn mà bỏ năm cái dấu đó đi.
Về sự dùng chữ Quốc ngữ bỏ dấu, tôi nghĩ lại còn có một điều tiện nữa, vì là tiếng nước ta mỗi xứ có hơi khác một ít, hình như Hà Tĩnh, có nơi dùng dấu là Hà Tịnh, có nơi dùng dấu là Hà Tĩnh, nay bỏ dấu đi, ai cũng đọc là Ha Tinh thì là như một cả, dùng theo cách chữ Quốc ngữ bỏ dấu, có lẽ lâu ngày thì tiếng ta được hợp nhất cả. Sự gì bắt đầu mới nói ra, thế nào cũng có nhiều ngươi không tán thành và cũng có nhiều chỗ khuyết điểm. Nhưng tôi dám chắc tập luyện lâu ngày, tất có ngày có kết quả được mĩ mãn.
Tôi xem lối thơ mới bây giờ, cứ viết bừa ra, không cần phải có mĩ thuật, người vô học cũng làm thơ, như vậy có khác gì lối hát trống quân của ta. Đó cũng là một lối học của ông thầy Hồ Thích đó. Người mình tựa hồ có cái tính nô lệ về sự bắt chước, thấy người ta làm gì thì bắt chước nấy, không còn nghĩ sự đó hay hay là dở, không những một sự làm thơ như vậy, cái gì cũng như vậy cả.
Cái nền văn học mới, tôi chủ trương cần phải gây nên một cái học phong có căn bản và thu thái các khoa học tư tưởng mới của các nước, như lời tôi đã kể ở trên thì mới là cái có giá trị, còn về văn chương là một bộ phận trong văn học, thì ai muốn viết ra cho giản dị, hay là viết ra theo lối thâm thúy cũng được, cốt phải thơ cho ra thơ, văn cho ra văn, thì mới bồi thực cho nền văn học ta được, đấy là chỗ chủ trương của tôi.