Nhà báo Lý Sinh Sự gắn bó chuyên mục “Nói hay đừng” trên báo Lao Động gần hai thập niên. Bút danh Lý Sinh Sự nổi tiếng hơn cả tên thật Trần Đức Chính hay các bút danh khác như Trần Chinh Đức hoặc Hà Văn. Vì vậy, nhắc đến nhà báo Lý Sinh Sự là nhắc đến một dấu ấn đậm nét trong lịch sử báo chí Việt Nam hiện đại.
Nhà báo Lý Sinh Sự sinh năm 1944. Sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông làm phóng viên chiến trường tại mặt trận Vĩnh Linh từ năm 1968 đến năm 1972. Ông từng giữ cương vị Phó Tổng Biên tập báo Lao Động và Tổng biên tập Nhà báo & Công luận. Thế nhưng, độc giả nhớ đến ông chủ yếu qua chuyên mục “Nói hay đừng” giai đoạn báo giấy thịnh vượng tại Việt Nam.
Nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925- 21/6/2024), Nhà xuất bản Văn Học và công ty sách Liên Việt tuyển chọn những tác phẩm tiêu biểu của nhà báo Lý Sinh Sự để ấn hành cuốn sách “Nói hay đừng” dày 472 trang. Đây cũng là món quà mừng tuổi 80 của nhà báo Lý Sinh Sự, mà những đồng nghiệp hậu sinh chung tay thực hiện.
Do sức khỏe không khả quan, nhà báo Lý Sinh Sự không thể tham dự buổi ra mắt cuốn sách “Nói hay đừng” tổ chức sáng 18/6. Vợ ông, nhà báo Nguyễn Thiếu Mai, đã thay mặt chồng để chia sẻ niềm đam mê nghề báo chưa bao giờ vơi cạn của nhà báo Lý Sinh Sự.
Cuốn sách “Nói hay đừng” tập hợp ba thể loại mà nhà báo Lý Sinh Sự từng nhúng bút. Nếu so với phóng sự hay tản mạn, thì tiểu phẩm vẫn là ưu điểm vượt trội của nhà báo Lý Sinh Sự. Bằng chính kinh nghiệm giữ chuyên mục “Nói hay đừng”, nhà báo Lý Sinh Sự rút ra kết luận: “Thể loại tiểu phẩm rất cần cho các tờ báo muốn khẳng định “đẳng cấp” của mình và đáp ứng nhu cầu độc giả”.
“Nói hay đừng” là một chuyên mục nghe đầy vẻ đắn đo và đáo để. Nhà báo Lý Sinh Sự không phải người nghĩ ra chuyên mục “Nói hay đừng”. Người đầu tiên dùng khái niệm “Nói hay đừng” là nhà văn Ngô Tất Tố (1893-1954). Khi làm tuần báo Công Dân giữa thập niên 30 của thế kỷ 20 tại Hà Nội (cùng với Phùng Bảo Thạch, Nguyễn Triệu Luật và Vũ Bằng) nhà văn Ngô Tất Tố đã sử dụng “Nói hay đừng” để bày tỏ những suy tư trước các vấn đề bức xúc của thời cuộc.
Chuyên mục “Nói hay đừng” khi mới xuất hiện trên báo Lao Động, do nhà báo Ba Thợ Tiện phụ trách. Nhà báo Ba Thợ Tiện (còn có bút danh Hoàng Thoại Châu, sinh năm 1942) nắm giữ “Nói hay đừng” gần 3 năm, và chuyển giao cho nhà báo Lý Sinh Sự từ năm 1994.
Không thể phủ nhận, “Nói hay đừng” với những tiểu phẩm của nhà báo Lý Sinh Sự, đã định vị một đặc sản báo chí. Bằng sự quan sát sâu sắc và sự diễn đạt lắt léo, nhà báo Lý Sinh Sự có được văn phong riêng biệt cho thể loại tiểu phẩm. Dí dỏm mà không bông phèng, chua cay mà không mạt sát, sòng phẳng mà không thô bạo. Trên chuyên mục “Nói hay đừng”, nhà báo Lý Sinh Sự có nhiều tiểu phẩm được công chúng tâm đắc, mà ngay cái tựa đề đã khó quên. Ví dụ, “Cave hóa nghệ thuật” có thể xem như một tác phẩm mẫu mực cho thể loại này.
Nhà báo Lý Sinh Sự viết khỏe, viết nhiều. Sau khi nghỉ hưu, ông vẫn viết mỗi ngày. Nếu làm một thống kê đầy đủ, tài sản của nhà báo Lý Sinh Sự có thể lên đến hàng vạn bài báo.
Tuy nhiên, tiểu phẩm nói riêng và các thể loại báo chí nói chung, luôn phải đối mặt với thử thách nghiệt ngã của tính thời điểm. Dù băn khoăn “nói hay đừng” cũng phải thừa nhận với nhau một sự thật, có những tiểu phẩm rất thú vị lúc báo phát hành, nhưng tháng sau hoặc năm sau đã giảm bớt giá trị, vì không còn tương thích với môi trường xung quanh. Để có tiểu phẩm vượt lên rào cản bôi xóa của mỗi sự kiện nóng bỏng rồi nguội lạnh, thì đòi hỏi thêm yếu tố văn chương. Nhà báo Lý Sinh Sự thừa hiểu điều ấy, và chắc chắn ông cũng không tham vọng bảo tồn toàn bộ những gì bản thân đã viết.
Bây giờ, cuốn sách “Nói hay đừng” được tuyển chọn kỹ lưỡng, có lẽ ít nhiều cũng giúp bạn đọc mường tượng một bức tranh xã hội mà nhà báo Lý Sinh Sự từng dự phần, từng thao thức, từng tin yêu.