| Hotline: 0983.970.780

Chuyện tình khó quên của cặp đôi nổi tiếng làng văn, làng báo

Thứ Bảy 15/06/2024 , 08:02 (GMT+7)

Chuyện tình khó quên của vợ chồng lừng lẫy giới cầm bút, nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn và nhà thơ Hà Phương, được hé lộ trên Nông nghiệp Radio lúc 20h tối nay 15/6.

Nhà thơ Hà Phương qua nét vẽ Nguyễn Thị Hiền.

Nhà thơ Hà Phương qua nét vẽ Nguyễn Thị Hiền.

Chuyện tình khó quên giữa nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn và nhà thơ Hà Phương, không chỉ xuất phát từ chí hướng cầm bút, mà còn được bồi đắp bởi sự thấu hiểu lẫn nhau. Không thể nói khác hơn, đó là hai cá tính độc lập cùng viết nên một chuyện tình khó quên.

Trong giới cầm bút Việt Nam, có nhiều đôi vợ chồng sát vai tung hoành làng văn, làng báo. Tuy nhiên, nổi bật về sự thành đạt và êm ấm, có lẽ không thể không nhắc đến nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn và nhà thơ Hà Phương. Gần nửa thế kỷ gắn bó, họ có được sự nghiệp riêng của mỗi người và cùng nhau xây dựng được cơ ngơi chung thật sung túc tại TP.HCM.

Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn xuất thân là công nhân của Tổng cục Lâm nghiệp, rồi nổi tiếng với những tiểu thuyết xôn xao dư luận một thời, như “Những khoảng cách còn lại”, “Đứng trước biển” hoặc “Cù lao Chàm”. Còn nhà thơ Hà Phương trưởng thành từ vai trò phóng viên chiến trường của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, và từng giữ cương vị Phó Tổng Biên tập báo Phụ Nữ TP.HCM, Tổng Biên tập tạp chí Nghề Báo.

Trước khi hạnh ngộ và đồng hành trên đường đời, nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn và nhà thơ Hà Phương có sự khởi đầu khá khác biệt. Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn sau khi tham gia thanh niên xung phong, được tuyển dụng làm công nhân tại xưởng cơ khí lâm nghiệp Đông Triều, Quảng Ninh. Nhờ truyện ngắn “Đêm sương muối” đoạt giải thưởng cuộc thi văn học do Hội Nhà văn Việt Nam và Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức năm 1969, nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn được chuyển về Công ty ô tô lâm sản Hà Nội. Thế nhưng, ở Thủ đô chỉ ít lâu, ông đăng ký vào Hương Sơn- Hà Tĩnh để làm công tác vận chuyển phục vụ chiến trường đang giai đoạn ác liệt nhất.

Nhà thơ Hà Phương vào đời nhẹ nhàng hơn. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, nhà thơ Hà Phương trở thành sinh viên khoa Văn của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1971, nhà thơ Hà Phương cùng 36 bạn học được chọn vào khóa huấn luyện cấp tốc chi viện chiến trường miền Nam, như câu thơ chị viết: “Đường Trường Sơn những ngày đánh Mỹ/ Bữa cơm nào cũng vui lạ lùng/ Ở nhà thịt cá cũng chê/ Cơm rừng vừa sống vừa khê cũng mừng”.

21 tuổi, nhà thơ Hà Phương bắt đầu lặn lội giữa bom đạn để làm phóng viên của báo Văn Nghệ Giải Phóng. Địa bàn tác nghiệp của nhà thơ Hà Phương là vùng đất thép Củ Chi nhiều cam go. Vì vậy, phía sau mỗi ký sự nóng bỏng, nhà thơ Hà Phương bày tỏ sự biết ơn những cô du kích bảo vệ mình: “Vũ khí của tôi chỉ là cây viết/ Nên em luôn giành lên phía trước/ Để cho tôi an toàn”.

Non sông thống nhất, nhà thơ Hà Phương tiếp tục làm báo ở Sài Gòn và gặp gỡ nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn với tư cách cán bộ Nhà xuất bản Lao Động bổ sung lực lượng trí thức cho đô thị phương Nam vừa giải phóng. Những lần sơ giao, nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn và nhà thơ Hà Phương đều không nhiều thiện cảm về nhau, bởi mỗi người đều có sự kiêu hãnh riêng. Thế nhưng, dần dần họ nhận ra ưu điểm của đối phương. Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn phát hiện sự đằm thắm và sự tháo vát ẩn giấu bên trong thái độ khinh khỉnh của nhà thơ Hà Phương. Còn nhà thơ Hà Phương cũng phát hiện sự chân thành và sự ấm áp được che đậy bằng bề ngoài lạnh lùng của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn.

Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn qua nét vẽ Nguyễn Thị Hiền.

Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn qua nét vẽ Nguyễn Thị Hiền.

Chuyện tình khó quên của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn và nhà thơ Hà Phương được đánh dấu bằng lễ cưới vào ngày 4/3/1978, chú rể 33 tuổi còn cô dâu 28 tuổi. Cuộc sống vợ chồng những ngày khó khăn sau chiến tranh, khiến nhà thơ Hà Phương chấp nhận lùi lại làm hậu phương cho chồng thỏa sức sáng tác. Tháng 2/1979, khi mang thai con gái đầu lòng Thuận Ánh ở tháng thứ 7, nhà thơ Hà Phương vẫn ôm bụng bầu ra ga Bình Triệu để tiễn chồng đi viết ở mặt trận biên giới phía Bắc đang bị quân xâm lược Trung Quốc tràn qua dày xéo.

Được sự hỗ trợ của người vợ nhẫn nại bao dung, nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn liên tục tung ra những tác phẩm rúng động văn đàn cả nước. Tiểu thuyết Nguyễn Mạnh Tuấn được xem một hiện tượng xã hội thời đổi mới. Nhà thơ Hà Phương lặng lẽ chăm chút những trang viết của chồng. Thậm chí, có lúc chị còn đảm đương cả việc in ấn và phát hành, để hàng vạn cuốn sách Nguyễn Mạnh Tuấn đến tay bạn đọc khắp nơi.

Sau thời gian làm quản lý một số đơn vị xuất bản và báo chí, nhà thơ Hà Phương vui vẻ nghỉ hưu với tâm sự: “Hơn bốn chục năm đi làm/ Thay đổi lắm cơ quan/ Làm như chơi/ Vẫn mang nhiều danh tiếng/ Nhà này, nhà kia, nhà nọ/ Đến tuổi vẫn phải về hưu/ Hóa ra chỉ một Nhà Mình/ Nặng nợ, cật lực, buồn vui gắn kết trọn đời/ Với danh xưng Nhà Bếp Hạng Ba/ lại được làm đến hơi thở cuối cùng/ Xin tự chúc mừng tôi”.

Thế nhưng, từ ngày nghỉ hưu, nhà thơ Hà Phương càng chứng minh được giá trị “của chồng công vợ”. Với nhuận bút tích lũy của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn, họ mua được một miếng đất rộng rãi ở phường 11, quận Gò Vấp, TP.HCM để cất lên Trường mầm non Hoa Mai, thu hút rất đông phụ huynh mang trẻ nhỏ đến gửi gắm nuôi dạy.

Cũng từ ngày nghỉ hưu, nhà thơ Hà Phương mới quay lại chuyên tâm sáng tác cùng chồng. Khi nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn được một nhà làm phim Hollywood đặt hàng viết kịch bản phim “Nước mắt phương xa”, nhà thơ Hà Phương đã sang Mỹ nhiều tháng để lo lắng cơm nước cho chồng và phụ giúp chồng hoàn chỉnh bản thảo. Khi nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn viết hai kịch bản “Huyền sử thiên đô” và “Thái sư Trần Thủ Độ”, thì nhà thơ Hà Phương cũng viết hai bài thơ để nhạc sĩ An Thuyên và nhạc sĩ Quốc Trung phổ nhạc thành hai ca khúc chủ đề cho hai bộ phim này. 

Vợ chồng Nguyễn Mạnh Tuấn - Hà Phương qua nét vẽ Huỳnh Dũng Nhân.

Vợ chồng Nguyễn Mạnh Tuấn - Hà Phương qua nét vẽ Huỳnh Dũng Nhân.

Không thể nói khác hơn, tình yêu bền bỉ đã tô đậm thêm ân nghĩa phu thê của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn và nhà thơ Hà Phương. Bây giờ, dù chồng đã 79 tuổi và vợ đã 74 tuổi, họ vẫn như hình với bóng, đối đãi nhau tương kính như tân. Nhân sinh nhật chồng, nhà thơ Hà Phương viết bài thơ “Cảm ơn cuộc đời” với lời hứa sẽ lại kết đôi, nếu có kiếp sau: “Cảm ơn duyên số đã đưa em gặp anh/ Rồi anh cũng chọn em làm bạn đồng hành/ Trên đường đời xa ngái/ Cảm ơn chính em/ Biết tin vào tâm linh/ Nhân duyên tiền định tại thiên thư/ Không chỉ kiếp này/ Kiếp sau em cầu mong chúng mình lại cùng nhau sánh bước/ Thuận lợi, gian nan dẫu không lường trước/ Cứ bên nhau, tất cả sẽ dung hòa”.

Chuyên mục “Chuyện tình khó quên” giới thiệu câu chuyện “Duyên nợ vợ chồng cầm bút đứng trước biển” vào lúc 20h ngày 15/6 trên Nông nghiệp Radio.

Xem thêm
MC Quyền Linh xúc động trong ngày con gái dự lễ tốt nghiệp

MC Quyền Linh rơm rớm nước mắt trong khoảnh khắc chứng kiến con gái Lọ Lem dự lễ tốt nghiệp lớp 12, chuẩn bị vào đại học.

Ronaldo lập kỳ tích dự đủ 6 giải EURO xuyên 20 năm

Chân sút người Bồ Đào Nha đã lập kỷ lục lịch sử cho bản thân và giải bóng đá EURO khi là người dự nhiều kỳ nhất từ trước tới nay.

Việt Nam cử hơn 300 VĐV dự Đại hội trong nhà và võ thuật châu Á

Chúng ta đã đăng kí sơ bộ lực lượng dự Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á lần thứ 6 (AIMAG 6).

Chiêm ngưỡng hàng ngàn thú cưng quý hiếm

TP.HCM Ngày 1/6, Lễ hội Cá cảnh - Thú cưng TP.HCM năm 2024 chính thức khai mạc, thu hút đông đảo người dân, du khách trong và ngoài nước đến tham quan.