Nhà thơ Hà Phương biết 'rừng vẫn mãi bao la tình rừng'

Ý Nhi - Thứ Sáu, 24/05/2024 , 09:29 (GMT+7)

Nhà thơ Hà Phương sau mấy chục năm lặng lẽ đứng sau người chồng nổi tiếng nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn, vừa tái ngộ công chúng bằng tập thơ ‘Tình yêu mạnh như nước’.

Nhà thơ Hà Phương qua nét vẽ của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền.

Nhà thơ Hà Phương tên thật Đỗ Thị Thanh, sinh năm 1950 tại Nam Định. Sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội khóa 1967-1971, nhà thơ Hà Phương vượt Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam, và công tác ở Hội Văn nghệ Giải phóng. Sau năm 1975, nhà thơ Hà Phương hoạt động báo chí và văn chương tại TP.HCM.

Có thể coi bài thơ “Tôi không đồng ca” của Hà Phương, là một tuyên ngôn thơ. Hơn thế, một tuyên ngôn sống, một lựa chọn quả quyết: “Thơ không thể đứng trong dàn đồng ca/ Cao hứng buồn vui theo nhịp tay nhạc trưởng/ Một chỗ riêng/ Mỉm cười khi vui sướng/ Nếu khổ đau cũng chẳng thở than/ Nếu không sống thật đúng mình/ Dù cười hay khóc cũng thành đồng ca/ Tôi không thể giống nhiều người/ Suốt đời chỉ biết những lời đồng ca”.

Bằng vào nhận xét trên, “Tình yêu mạnh như nước” của Hà Phương giống cuốn nhật ký bằng thơ, ghi nhận một chặng đường dài của cuộc đời chị.

Bắt đầu là những năm của tuổi đôi mươi, khi chị rời mái trường đại học để bước vào cuộc sống gian khổ, đầy thử thách của một người lính trong cuộc chiến tranh. Theo nhà thơ Hoài Vũ từng lãnh đạo Hội Văn nghệ Giải phóng: Hà Phương thời gian đó là cây bút chủ lực, luôn cùng đồng nghiệp có mặt ở những điểm nóng nhất của cuộc chiến tại các tỉnh Đông và Tây Nam bộ. Thơ và bài viết của Hà Phương nhiều nhất là chiến trường Củ Chi, nên cô được sự ái mộ của bà con và du kích đất thép.

Lúc này, thơ Hà Phương là “những trận sốt dài/ người lạnh, đầu nóng, mắt hoa/ nằm mê mệt/ quên ngày đêm giữa rừng binh trạm”, là vùng đất: “không thể nhớ bao trận càn xe địch ủi/ mồ mả cha ông pháo bom cày xới/ bầy chim ri không chỗ nương mình/ không tiếng gà nên chẳng có bình minh”, là “những chuyện giản đơn đều là xương máu”.

Lúc này, thơ Hà Phương dành cho những cánh rừng săng lẻ tả tơi vì bom đạn, những đường hầm Củ Chi nằm sâu trong lòng đất, những em bé Bình Long can đảm, những cô du kích trẻ ngoan cường, những bà mẹ sống trong chờ đợi…

Nhà thơ Hà Phương đã dành một phần ba tập thơ của mình cho những năm tháng chiến tranh, nơi chị đã để lại tuổi trẻ của mình. Phần thơ còn lại được dành trọn vẹn cho một chặng đường khác, dài hơn, nhiều cung bậc hơn và không dễ dàng của cuộc sống trong thời bình.

Bài thơ “Với rừng” tựa như một dấu nối giữa hai quãng sống của tác giả. Cô gái trẻ năm xưa đã rời khỏi cánh rừng “Tóc đen vẫn rụng âm thầm/ Gai người những lúc mưa dầm, sốt lên/ Rừng hành ta nước da vàng/ Màu môi tái nhợt, đôi quầng mắt thâm”, mà “Về Sài Gòn trận cuối cùng/ Nghẹn ngào ngoảnh lại vùng rừng nuôi ta/ Sài Gòn rồi sẽ phồn hoa/ Nhưng rừng vẫn mãi bao la tình rừng”.

Tập thơ "Tình yêu mạnh như nước" ra mắt khi tác giả ở tuổi 75.

Và “Tình yêu mạnh như nước”, bài thơ viết cho bộ phim truyền hình “Thái sư Trần Thủ Độ” đã “gói ghém” trong nó tất cả những tình cảm, những suy nghĩ của nhà thơ Hà Phương về tình yêu, về lẽ sống, về nỗi đau, về hy vọng, sau bao nhiêu từng trải, sau bao nhiêu chiêm nghiệm: “Tình yêu/ Mạnh như nước/ Mềm như nước/ Chặt không đứt/ Chém không rời…/ Cái giá phải trả cho cuộc biến thiên/ Bao giờ cũng vô cùng đắt…/ Bao đế chế vinh quang rồi cũng lụi tàn/ Bao vương triều hưng thịnh vẫn suy vong…/ Người thì tôn vinh ta đại công thần/ Kẻ khác nguyền rủa ta siêu gian tặc/ Miệng lưỡi nhân gian trái ngược là chuyện muôn đời…/ Ta chỉ cần tình yêu đôi ta/ Như sông Hồng/ Và biển Đông dù lũ cuồng, bão dữ/ Vẫn trước sau như một".

Bài thơ đã góp một phần không nhỏ cho sự thành công của bộ phim truyền hình dài 35 tập về một nhân vật lịch sử đặc biệt Trần Thủ Độ, không ngừng gây tranh cãi về công, tội, được, mất, thiện, ác.

Với tập thơ mới “Tình yêu mạnh như nước”, đã đến lúc Hà Phương tìm ra được một lời giải thích khả dĩ cho thơ: “Như tình yêu/ Không thể nào định nghĩa/ Thơ chợt đến, chợt đi/ Và một hôm nào/ Lại chợt tắt/ Vụt xa niềm vui/ Vụt xa nỗi buồn/ Vụt xa tuổi trẻ/ Vụt xa hy vọng/ Thơ đột nhiên bừng tỉnh/ Vụt nhớ/ Vụt say”.

Ý Nhi
Tin khác
Nhà thơ Mai Thìn lắng nghe ‘tiếng của thiên lương’
Nhà thơ Mai Thìn lắng nghe ‘tiếng của thiên lương’

Nhà thơ Mai Thìn gây ấn tượng cho người đọc, bởi một lối viết coi ý tứ là trọng, coi tổng thể nặng hơn chi tiết và rất nặng lòng trước thế thái nhân tình.

Hoa hậu H’Hen Niê đưa thư viện thân thiện về nông thôn
Hoa hậu H’Hen Niê đưa thư viện thân thiện về nông thôn

Từ khi đăng quang đến nay, Hoa hậu H’Hen Niê đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng, trong đó có chương trình đưa ‘Thư viện thân thiện’ về nông thôn.

Người quê lúa lặng lẽ viết lại những trang đời
Người quê lúa lặng lẽ viết lại những trang đời

Người quê lúa Đặng Đình Liêm sau chuỗi ngày tham gia quân đội và công tác xa nhà, đã trở về Thái Bình thanh thản viết lại những câu chuyện đời mình.

Thức dậy một dòng sông để thương nhớ làng quê
Thức dậy một dòng sông để thương nhớ làng quê

‘Thức dậy một dòng sông’ của tác giả Trần Nam Phong hình thành một bút pháp với những câu thơ ngân như ngọn gió không lời vừa quen vừa lạ.

Nghe tin bão lụt quê mệ Quảng Bình
Nghe tin bão lụt quê mệ Quảng Bình

Tôi nhớ tới thuật ngữ “nước khách” của vùng rốn lũ Lệ Thủy và chỉ mong nước như một vị khách quý đến rồi lại đi nhẹ nhàng, đừng để lại những đau thương, tổn thất gì cho quê hương.

Nứt ra từ đá những chân tình vùi dưới cơn mưa
Nứt ra từ đá những chân tình vùi dưới cơn mưa

‘Nứt ra từ đá’ là tập thơ thứ 7 của nhà thơ Phạm Phương Lan, một gương mặt nữ khá ấn tượng trong đời sống thi ca đô thị phương Nam.

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng miệt mài dõi theo chuyển động văn hóa
Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng miệt mài dõi theo chuyển động văn hóa

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng từ Hà Nội vào TP.HCM để giới thiệu hai cuốn sách mới viết về đời sống văn hóa, với công chúng đô thị phương Nam sáng 26/10.

Tiếc thương vĩnh biệt người Thầy, người Anh cả của ngành BVTV Việt Nam
Tiếc thương vĩnh biệt người Thầy, người Anh cả của ngành BVTV Việt Nam

Ngày 23/10/2024, GS.TS Đường Hồng Dật đã qua đời ở tuổi 96, để lại tiếc nuối cho những người làm nông nghiệp và bảo vệ thực vật trên cả nước cũng như bạn bè, đồng nghiệp.

Nhà văn Yên Ba cùng những tâm sự về 'Viết & Đọc'
Nhà văn Yên Ba cùng những tâm sự về 'Viết & Đọc'

Trải qua 6 năm, chuyên đề 'Viết & Đọc' đã đạt con số 26 ấn phẩm và nhận được nhiều yêu mến của độc giả.

Vẻ đẹp phụ nữ Việt như điểm tựa cảm xúc thi ca
Vẻ đẹp phụ nữ Việt như điểm tựa cảm xúc thi ca

Vẻ đẹp phụ nữ Việt không chỉ được nhắc đến trong những dịp nhộn nhịp như Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, mà luôn giống như điểm tựa cảm xúc thi ca bất tận.

Lão thi sĩ trầm tư kỷ niệm ‘ai cũng có ngày xưa’
Lão thi sĩ trầm tư kỷ niệm ‘ai cũng có ngày xưa’

Lão thi sĩ Trần Duy Hiển ngoài tuổi tám mươi vẫn chứng minh sức nghĩ và sức viết chưa mệt mỏi, với tập thơ ‘Ai cũng có ngày xưa’ vừa ra mắt công chúng.

Chân dung anh hùng Lý Tự Trọng qua những tư liệu lịch sử
Chân dung anh hùng Lý Tự Trọng qua những tư liệu lịch sử

Chân dung anh hùng Lý Tự Trọng được tác giả đang công tác tại Trường Đoàn Lý Tự Trọng phục dựng bằng các tư liệu lịch sử ít được phổ biến.