Nhà thơ xứ Nghệ Trần Quang Khánh năm nay 65 tuổi. Ông có 10 năm làm bộ đội đặc công ở chiến trường biên giới phía Bắc, rồi đi học khoa văn Đại học Sư phạm Hà Nội và giảng dạy trong môi trường quân đội. Về hưu với cấp bậc đại tá, nhà thơ xứ Nghệ ra mắt hai tập thơ có tên gọi “Ký ức xanh” và “Nốt nhạc mùa”.
Thơ Trần Quang Khánh được viết ra bởi những cảm xúc chân thành của một trái tim nhạy cảm, với nhiều suy tư. Những thăng trầm của cuộc sống đã cho ông một cái nhìn thấu đáo và nhân văn: “Núi cứ chồng lên như ngói lợp/ Tuyết rơi phủ trắng cả lưng trời/ Cây im chết cóng trong đêm lạnh/ Chỉ thấy màu xanh áo của anh/ Chiến sĩ biên phòng mang ngọn lửa/ Tình yêu sưởi ấm đất biên cương”.
Đọc thơ Trần Quang Khánh, độc giả ít nhiều hiểu được con người đời thường và con người thi ca của nhà thơ xứ Nghệ. Với ông, thơ không chỉ là nơi ký thác tâm hồn mà còn chất chứa tình yêu dành cho đồng đội, cho xứ sở. Ông viết bằng chính sự thôi thúc một món nợ ân nghĩa. Niềm đau đớn khôn nguôi của những người còn sống hôm nay đó là nhiều liệt sĩ vẫn chưa tìm được hài cốt: “Bốn mươi năm trôi đi xương cốt bạn nơi nào/ Nơi khe suối, hốc cây, mõm núi/ Bạn đã hóa vào sông vào suối/ Chảy hiền hòa cho đất mẹ bình yên”.
Viết về quê hương, Trần Quang Khánh cũng dành những vần thơ đậm chất trữ tình. Là một đứa con xa quê đã ngót nghét nửa thế kỉ nhưng tận sâu trong tâm khảm ông vẫn dõi theo tất cả những đổi thay của đất mẹ bằng nhịp đập trái tim sâu nặng và thiêng liêng: “Khuôn hồng soi bóng mặt ao/ Dòng Lam cuộn sóng gió Lào thổi ngang”.
Không khó nhận ra trong thơ Trần Quang Khánh, bên cạnh cái tôi trữ tình còn có những âu lo thế sự: “Người nông dân đếm tiền chưa hết bàn tay/ Thi sỹ đếm tiền như đếm sao buổi sáng/ Kis Test đếm tiền bằng vi tính màu sáng láng/ Trăm triệu Mỹ kim máu nhuộm đỏ sơn hà”.
Nhà thơ xứ Nghệ Trần Quang Khánh có hơn 30 năm đứng trên bục giảng. Chừng ấy thời gian là có biết bao kỷ niệm gắn liền với nghề dạy học, ông viết: “Ta có thể ảo với ta suốt cả cuộc đời/ Ảo để sống với nỗi niềm khát vọng / Nuôi ngọn lửa đời trong tim không tắt ngấm/ Vật vã ngày đông truyền lửa yêu thương/ Nhưng không thể ảo trước con người lương thiện/ Những khuôn mặt ngây thơ khao khát đến trường”.
Từng trải và tinh tế, ông gạn đục khơi trong để trân trọng mỗi phút giây của cõi người bận bịu: “Ta giật mình mùa thu lại đến/ Chiếc lá vàng tiễn một mảnh thu rơi/ Dòng nước biếc lọc bầu trời xanh biếc/ Có lọc được hồn ta trở lại thuở yêu đời/ Ôi cái thuở ngập tràn tình thương mến/ Mất mát đau thương không xóa nổi ánh mắt cười/ Ta nắm tay nhau giữa dòng xoáy lũ/ Bom đạn thét gào/ Sông vẫn hát thương yêu/ Tiếng hát thành sợi chỉ nối đường đi”.
Không khoa trương, không ồn ào, thơ Trần Quang Khánh sẻ chia cùng tri âm những vết thương đã nguôi ngoai, những chơi vơi đã xoa dịu, những mất mát đã bình yên. Ông lặng lẽ chiêm nghiệm, lặng lẽ sáng tác như sự cần cù, sự giản dị và sự bao dung của mỗi cảnh sắc mà ông từng được nuôi dưỡng nơi quê nhà thơ ấu Hưng Nguyên, Nghệ An. Ông dành dụm mỗi “nốt nhạc mùa” để vun đắp “ký ức xanh” cho mình và cho người.