Nhà văn Nguyễn Khắc Trường sinh ngày 6/7/1946 tại xã Bình Sơn, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Như bao trai làng thuở ấy, ông nhập ngũ theo tiếng gọi non sông, lúc 19 tuổi. Sau nhiều năm phục vụ trong lực lượng Phòng không - Không quân, ông theo học Trường viết văn Nguyễn Du và về công tác ở Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. Năm 1993, ông chuyển ngành sang Báo Văn Nghệ, rồi làm Tổng biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn cho đến khi nghỉ hưu.
Vào nghề với bút danh Thao Trường, ban đầu ông chủ yếu viết về người lính. Những tập truyện “Cửa khẩu” in năm 1972, “Thác rừng” in năm 1976 và “Đất mặt trời” in năm 1982 đều không tạo được ấn tượng mạnh mẽ cho công chúng.
Sau khi đoạt giải nhất cuộc thi bút ký do Đài Tiếng nói Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức năm 1986, thì nhà văn Nguyễn Khắc Trường tìm thấy phong cách viết của riêng ông. Nhà văn Nguyễn Khắc Trường quan niệm: “Tôi luôn đi tìm vấn đề chứ không tìm mẫu nhân vật. Tôi hầu như không có một mẫu nhân vật nào trong thực tế. Khi đã tìm ra vấn đề rồi, tôi ném nhân vật vào bối cảnh ấy, bắt nó phải sáng tạo ra cuộc đời của nó. Chính vì nó sống thật nên lúc thế này, lúc thế khác. Khi mình muốn nó chết, nó lại sống hoặc định đặt ở tình huống này, nó lại dịch dời đi nơi khác”.
Năm 1991, tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường gây tiếng vang lớn trong dư luận. Tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma” cùng tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh và tiểu thuyết “Bến không chồng” của nhà văn Dương Hướng được trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam cùng năm, và trở thành cột mốc đổi mới văn xuôi nước nhà.
Tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma” là một bức tranh nông thôn nhiều day dứt. Bi kịch tình yêu và tình người tiếp diễn từ đời nọ sang đời kia. Những hận thù không thể xóa bỏ, những mưu toan hiểm độc, thói xấu ghen ghét, đố kị, tị hiềm được chắt lọc, dồn đẩy như những con sóng trào dâng trong hành vi ứng xử cùng tình tiết câu chuyện xung quanh các nhân vật Trịnh Bá Hàm, Trịnh Bá Thủ, Vũ Đình Phúc…
Từ trang sách, “Mảnh đất lắm người nhiều ma” được đạo diễn Nguyễn Hữu Phần dựng thành phim truyền hình “Đất và người” rồi được Nhà hát kịch Hà Nội đưa lên sân khấu thành vở kịch cùng tên. Có nhân vật không phải nhân vật chính trong “Mảnh đất lắm người nhiều ma” nhưng lại đặc biệt hấp dẫn là Quềnh, một người có trí óc khờ dại, thật thà, tốt bụng nhưng nghiện rượu. Quềnh được gán cho huyền thoại về ma nhập, ma trêu và mất trí vì ma. Quềnh chết vì vỡ dạ dày do làm việc quá sức sau khi được ăn no. Đám tang của Quềnh là một sự bi thương khi người em ruột là Quàng dù giàu có nhưng chỉ đem chiếc chiếu bó thi thể anh mình chôn vội vàng, sau đó phải moi lên chôn lại do kiện cáo…
Sự dữ dội của “Mảnh đất lắm người nhiều ma” buộc nhiều người phải suy tư cho sự tồn tại và phát triển của nông thôn Việt. Nhà văn Nguyễn Khắc Trường tâm sự về chất liệu đời sống làm nền tảng cho sáng tạo: “Đã viết thì phải đặt một vấn đề gì đó càng được xã hội quan tâm càng tốt. Song, văn học Việt thường đặt những vấn đề hời hợt, xa đời sống, tác giả thường không dám nói hết mình.
Nhiều người không viết được hoặc không dám viết sự thật. Chính vì thế, họ bị trượt ra khỏi đời sống, không đi thẳng vào những vấn đề gay cấn của xã hội. Các lớp nhà văn đàn anh còn có nhiều thành tựu, chứ các lớp đàn em càng lúc càng kém hơn. Thế giới đã bỏ lối viết hậu hiện đại từ lâu nhưng lứa nhà văn trẻ của Việt Nam thì vẫn rất thích. Năm nào cũng có sách in theo phong cách này nhưng không thành công và người đọc cũng thờ ơ. Càng xa lạ với đời sống, văn chương càng trở nên èo uột, ốm yếu”.
Nhà văn Nguyễn Khắc Trường được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007. Khoảng 20 năm cuối đời, ông viết ít và cũng ngại công bố. Tuy nhiên, ông luôn đau đáu với số phận nông dân và sức sống nông thôn.
Khi nằm trên giường bệnh, nhà văn Nguyễn Khắc Trường vẫn ấp ủ một cuốn sách về tam nông, mà ông cho rằng: “Xây dựng nông thôn mới, cần thiết lắm, đẹp lắm, hay lắm. Nông thôn mới là mang ánh sáng văn hoá, văn minh đến vùng nông thôn. Mang những kỹ thuật mới, khoa học công nghệ để phát triển nông thôn, giúp bà con sống đẹp, sống tốt trên chính đất của họ. Bên cạnh đó, giảm các tệ nạn xã hội cho bà con sống yên. Các thế hệ con em nông thôn được lớn lên trong một môi trường văn hoá, có tình có nghĩa nhưng luôn đi về phía trước. Chứ không phải bắt bà con đóng góp hết cái này cái nọ, hiến hết cái này cái nọ để cho anh cán bộ làm bậy, trong khi các công trình thì nhanh xuống cấp, ẩu tả”.
Theo nhà văn Nguyễn Khắc Trường, nông thôn mới cần phải hình dung, ở đó vẫn là những cánh đồng bội thu, nhưng môi trường không bị đe doạ. Dân phủ xanh nơi mình sống và môi trường sống trong lành thực sự để con cháu có nơi để mơ về, để thèm khát. Dân sống ở đó cũng không bị bệnh tật quái ác gì cả. Ở đó, không còn cảnh những "cường hào" lợi dụng chính sách của Đảng và Nhà nước để nghĩ ra trò nọ trò kia vơ vét. Rồi dân phản ánh thì vùi dập, làm cho dân sống dở chết dở. Và ở đó, không còn cảnh những dòng người tha hương vì không sống được trên chính mảnh đất của mình.
Bây giờ, nhà văn Nguyễn Khắc Trường không còn nữa, giấc mơ viết một cuốn sách khác có giá trị như “Mảnh đất lắm người nhiều ma” cũng không thể thực hiện nữa. Thế nhưng, ông trân trọng giấc mơ ấy vì “đó cũng là giấc mơ của những người Việt Nam chân chính. Và xin hãy vì một đất nước Việt Nam chân chính”.