Nhà văn Tô Hoài (1920-2014) là một nhân vật hàng đầu của nền văn chương Việt Nam hiện đại. Ngòi bút của nhà văn Tô Hoài đã đắc dụng trong nhiều đề tài, nhiều thể loại. Bên cạnh những tác phẩm xuất sắc viết cho người lớn như “Truyện Tây Bắc”, “Quê nhà”, “Miền Tây”, “Ba người khác”... nhà văn Tô Hoài còn có sở trường viết cho thiếu nhi.
Ngoài tác phẩm “Dế mèn phiêu lưu ký” nổi tiếng hơn 80 năm qua, nhà văn Tô Hoài cũng có rất nhiều truyện ngắn viết cho thiếu nhi. Nhân kỷ niệm 10 năm nhà văn Tô Hoài đi xa, Nhà xuất bản Kim Đồng vừa ấn hành cuốn sách “Mực tàu giấy bản” gồm 10 truyện ngắn được ông viết trước Cách mạng Tháng Tám.
Như chính nhà văn Tô Hoài thổ lộ, ông từng làm một số nghề như bán hàng, phụ kế toán nhà buôn ở Hà Nội từ năm 1936 đến năm 1940. Sau khi viết truyện “Con dế mèn” in báo rồi chỉnh sửa và bổ sung thành truyện “Dế mèn phiêu lưu ký” để in sách, thì ông bước hẳn sang nghề văn mà theo ông “dễ sống hơn các nghề trước tôi đã làm”. Nghĩa là, có thể xác định 10 truyện ngắn trong “Mực tàu giấy bản” được sáng tác từ đầu năm 1941 đến giữa năm 1945.
“Mực tàu giấy bản” là tập truyện sinh hoạt với nhân vật chính là trẻ em, phản ánh thói quen thường ngày và thế giới tinh thần của tuổi thơ. Sau gần một thế kỷ, đọc lại “Mực tàu giấy bản”, những trang miêu tả chân thực và những chi tiết giàu hình ảnh của nhà văn Tô Hoài là những tài liệu đáng tin cậy cho công chúng hình dung rõ nét về về diện mạo trẻ em trong mô hình giáo dục truyền thống Việt Nam một giai đoạn chưa xa.
Được xem là nhà văn tả chân độc đáo, Tô Hoài cần mẫn với hiện thực sinh động để truyền tải tình cảm trìu mến của ông dành cho thiếu nhi, qua các truyện ngắn “Ghẻ đặc biệt”, “Nói về cái đầu tôi”, “U Tám”, “Thằng Nhó”…
Thế giới học đường trước năm 1945 đã được nhà văn Tô Hoài thể hiện như thế nào, qua cuốn sách “Mực tàu giấy bản”? Độc giả của thế kỉ 21 thật khó mường tượng lớp học của những thầy đồ, chữ Hán, bút nghiên, cũng như những hình phạt học sinh hư, hoặc lớp học của trường Tây, lớp học của Hội Truyền bá chữ Quốc ngữ.
Truyện ngắn “Mực tàu giấy bản” kể về Cang, một cậu bé thôn quê nhút nhát, suốt ngày quanh quẩn “chơi nhễu” với đám ngan, gà, chó, vịt chính thức đóng sách, sắm sửa bút nghiên sang thầy đồ “ăn mày lấy đôi ba chữ thánh hiền”. Tuy nhiên, mọi chuyện không suôn sẻ như gia đình cậu mong đợi. Biết bao chuyện dở khóc dở cười đã xảy ra ở lớp học của thầy đồ Biền. Nhà văn Tô Hoài ghi lại khéo léo, để vui buồn của cậu học trò Cang hiện lên sống động như trong một bộ phim tài liệu về phong tục tập quán. Từ cách ăn mặc, cách nói năng, các lễ nghi cho thấy cách vận hành một lớp học của thầy đồ làng, tiêu biểu cho hàng nghìn lớp học kiểu như vậy ở mỗi làng quê Việt.
Nhà văn Tô Hoài lúc sinh thời đã bộc bạch: “Tôi vốn tự học, cho nên tôi nghĩ chịu thương chịu khó là một đức tính hàng đầu. Chịu khó sống và tìm hiểu xung quanh, chịu khó học và đọc, nhất là chịu khó viết. Khi viết nên liệu sức mình, nên tập trung, không nên đá gà đủ các thể loại. Trong những yếu tố tạo nên nghề viết văn của tôi, có hai điều kiện quan trọng và quyết định là đời sống của mình và sự hiểu biết đời sống quanh mình”.
Đọc lại 10 truyện ngắn trong cuốn sách “Mựa tàu giấy bản”, người khó tính nhất cũng phải thừa nhận khả năng quan sát tinh tế và lý giải thấu đáo của nhà văn Tô Hoài. Và từ cuốn sách “Mực tàu giấy bản” cũng có thể thấy rằng, nhà văn Tô Hoài trước năm 1945 cũng không nằm ngoài đời sống văn chương đầu thế kỉ 20. Mỗi khi rời khỏi sở trường tả chân, với những truyện ngắn có nhân vật chính là cô gái, thì nhà văn Tô Hoài bỗng trở nên thi vị lạ thường, rất gần với phong cách Tự lực văn đoàn. Đó là những cô học trò trong truyện ngắn “Nguyệt kể chuyện” hay truyện ngắn “Lá thư rơi”.
Nhà văn Tô Hoài có một sự nghiệp đồ sộ, mà “Mựa tàu giấy bản” chỉ giống như một lát cắt rất nhỏ. 94 năm sống trên trần gian, nhà văn Tô Hoài có 70 năm cầm bút liên tục, với sứ mệnh mà ông tự nguyện gánh vác: “Tôi thường cho rằng thế hệ viết văn thế kỷ 20 không thể có tác phẩm lớn (như định nghĩa của văn học thế giới) vì nhiều lẽ khách quan và chủ quan, mà nhiệm vụ của những người đương cầm bút nên chịu khó và cố gắng viết hay, viết nhiều. Như vậy sẽ góp sức làm cơ sở cho các thế hệ sau có nhiều Nguyễn Du. Ý nghĩ trên của tôi méo mó đến độ tôi thường tránh chữ “Nhà văn” mà thích dùng chữ “Người viết văn” hơn”.