Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt

Nhà văn Xuân Ba: Tất tả âm phần

Nhà văn Xuân Ba: Tất tả âm phần

Chính sử cùng lịch sử với chức năng khoa học công bằng có lẽ sẽ minh định, sẽ trả lại giá trị thực của tầm trí, tâm, tài của những bậc lương đống như thái sư Trịnh Kiểm!

Tôi lại có dịp về quê dự giỗ chúa vào 18/2 Âm lịch.

Vậy là đã 453 năm (1570 - 2023) giỗ chúa Minh khang Thái vương Trịnh Kiểm, vị chúa khởi đầu cho chế độ Lê Trung Hưng - lưỡng đầu chế độc đáo nhất trong lịch sử phong kiến giăng suốt 249 năm của Đại Việt - vừa có vua vừa có chúa.

Biện Thượng! Quê nhà, quê chúa gợi biết bao nỗi niềm…

 
Phủ Trịnh trước khi phá làm dự án.

Phủ Trịnh trước khi phá làm dự án.

Chính sử còn rành rẽ những dòng này.

Sau khi đánh đuổi nhà Mạc, giải phóng Thăng Long năm 1592, nhà Trịnh cho tái thiết cung điện của vua Lê và kiến thiết vương phủ Trịnh để cùng điều hành chính sự.

Vương phủ Trịnh còn gọi là soái phủ, nội phủ, chính phủ, trải dài từ khu vực phố Cửa Nam, Hàng Bông ngày nay qua phố Phủ Doãn, Quang Trung, ra tận hồ Hale (hồ Thiền Quang) và xuyên xuống phố Bà Triệu.

Năm 1787, khi họ Trịnh thất bại trong việc khôi phục lại địa vị, chúa Trịnh Bồng chạy khỏi kinh thành, Lê Chiêu Thống ngầm cho người đốt phủ chúa. Đám cháy lan khắp hai phần ba kinh thành và cháy trong mười ngày liền, hủy hoại một quần thể kiến trúc đẹp của Thăng Long.

Ngoài vương phủ Thăng Long, nhà Trịnh còn cho xây dựng một vương phủ ở quê hương làng Biện Thượng (nay là xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) với quy mô nhỏ hơn. Đây là nơi thờ cúng tổ tiên, cũng là hành dinh của nhà Trịnh trên đất Thanh Hóa trong công cuộc “phò Lê, diệt Mạc”.

Phủ Trịnh Biện Thượng được xây dựng trên vùng đất rộng hàng chục mẫu, với nhiều dinh thự uy nghi. Phủ Trịnh Biện Thượng ngày càng được tu bổ xây cất nguy nga. Song song với việc điều hành chính sự ở Thăng Long, các chúa Trịnh mỗi khi về quê nhà Biện Thượng dài ngày, những mệnh lệnh quản trị đất nước đều phát đi từ hành cung Biện Thượng.

Trải qua nhiều biến cố, phủ Trịnh chỉ còn lại một ngôi nhà ngói cổ 7 gian nằm lẻ loi trong khu dân cư đông đúc, gọi là phủ Từ hoặc phủ Trịnh. Năm 1995, phủ Trịnh được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

 

Du khách đến phủ Trịnh Biện Thượng hẳn có dịp quan chiêm 12 bức tượng từ chúa tiên khởi Trịnh Kiểm đến vị chúa cuối cùng Trịnh Bồng.

Tác giả chính của nhóm tượng là cụ Trịnh Doanh ở làng Yên Lộ Hà Đông. Cụ Trịnh Doanh là trưởng tộc họ Trịnh thuộc dòng chúa Trịnh Căn.

Cụ Trịnh Bổng thân sinh cụ Trịnh Doanh, sinh năm 1901, đảng viên từ năm 1933. Nhà cụ là nơi ăn ở đi về bí mật của ông Hoàng Văn Thụ những năm 1938 đến năm 1940. Sau đó là các vị Trường Chinh, Trần Đăng Ninh, Trần Quốc Hoàn trong những năm 1940 - 1942. Tổng Bí thư Trường Chinh ở nhà cụ Trịnh Bổng lâu nhất...

Cụ Doanh đã nhiều lần cất công về bái yết nơi thờ cúng Minh khang Thái vương Trịnh Kiểm ở quê tổ là phủ Trịnh Thanh Hóa. Cụ Trịnh Doanh rất xót xa nơi thờ chúa trở thành phế tích đổ nát tiêu điều. Không có tượng thờ.

Việc độc đáo hiếm hoi là cụ Doanh khi ấy đã tìm đến mấy nhà sử học và các họa sĩ, nhà điêu khắc có tiếng cậy cục nhờ họ để làm kỳ được bức tượng Minh khang Thái vương Trịnh Kiểm! Chính là bức tượng uy nghi rất hồn cốt ngự trên linh sàng gian chính của phủ hiện giờ.

Vị tộc trưởng Trịnh Doanh vẫn chưa yên lòng mà đau đáu về một nỗi khác!

Mười một vị chúa, sau Minh khang Thái vương ngoài bài vị phải có tượng thờ cúng chứ? Thế là ông Doanh và một số vị chức việc trong tộc họ bao năm nay đã lẳng lặng đi vận động công đức, đi quyên góp cộng với tiền nhà bỏ ra.

Cũng như lần tạc tượng Minh khang Thái vương, ngoài những bàn soạn cụ thể với các nhà sử học,  ông Doanh cho vời 5 họa sĩ (có sự tham gia nhiệt tình của nhà sử học kiêm họa sĩ Trịnh Quang Vũ là người có nhiều công trình nghiên cứu về họ Trịnh) để có cái nhìn tổng quát và tương đối chuẩn mực khoa học về đường nét khuôn mặt cũng như y phục thời Lê - Trịnh của mười một vị chúa.

Sau gần nửa năm lùng tìm mua thứ gỗ mít loại tốt chuyên dùng cho việc tạc tượng, ông Doanh cùng nhóm họa sĩ, nhà sử học có lòng sốt mến đã phó thác công việc cho kíp thợ mộc ở làng nghề Vũ Lăng  thuộc huyện Thanh Oai (Hà Nội) chuyên chế tác các loại tượng, nhất là tượng Phật, tượng danh nhân.

...Tôi đã may mắn mấy lần được theo chân ông Doanh vào làng mộc Vũ Lăng. Được chứng kiến các công đoạn vạc, đẽo thô. Một nhóm khác chuyên trách về y, diện, nghĩa là đường nét trên khuôn mặt và nếp áo. Công đoạn này khá lỉnh kỉnh và nhiêu khê. Lại chứng kiến không ít lần họ phải hương khói mỗi khi lựa chỉnh đường nét trên khuôn mặt các ngài!

Xong phần mộc là phần tắm sơn ta màu đen để làm nền cho sơn thếp. Mỗi một pho như thế tính từ gót chân lên đỉnh đầu trong tư thế ngồi chằn chặn mỗi vị đều cao 1,57m.

Tại sao có tỷ lệ thước tấc ấy? Được giảng giải vắn tắt rằng, đó là tỷ lệ chuẩn của người Việt ở tư thế ngồi cho dù là bậc quân vương.

Công đoạn sơn thếp khá nhiêu khê. Thứ sơn sống cất từ Phú Thọ về được nấu kỹ với dầu và vài thứ hóa chất chi đó, người cơ địa không lành khi tiếp xúc thường bị sưng mặt lên gọi là dị ứng. Sau công đoạn sơn thếp là dùng sơn màu trang trí.

Bên cạnh phủ Trịnh có nghè Vẹt thờ các chúa Trịnh.

Bên cạnh phủ Trịnh có nghè Vẹt thờ các chúa Trịnh.

Hòa thượng Thích Đạo Hòa, trụ trì chùa Phúc Lâm (mang họ Trịnh) gần chùa Thày được chọn việc chủ trì lễ yểm tượng (hô thần nhập tượng).

Kế hoạch đón tượng mười một vị chúa vào phủ Trịnh ở quê Biện Thượng đúng dịp giỗ Minh khang Thái vương mười tám tháng Hai Âm lịch năm 2005 được bàn soạn kỹ càng. Bí thư Huyện ủy Vĩnh Lộc Nguyễn Xuân Dũng, Chủ tịch xã Vĩnh Hùng (quê chúa) Hoàng Đình Nghị đã cất công ra tận làng mộc Vũ Lăng chứng kiến và phát biểu sự cảm mến trước sự hằng tâm hằng sản của ông Doanh của bà con họ Trịnh ngoài này đã và đang làm phong phú thêm nơi thờ phụng của một Di tích lịch sử quốc gia!

Chắc vị Bí thư và cán bộ huyện nghèo Vĩnh Lộc khấp khởi rằng huyện mình sẽ đi lên sẽ chuyển mình bằng du lịch. Con số hơn 100 danh lam thắng tích trong đó hơn mười hạng mục được xếp hạng là Di tích quốc gia, phủ Trịnh đang là điểm nhấn điểm nối trong một chuỗi di tích mà mỗi danh lam thắng tích chỉ cách nhau vài cây số như di chỉ khảo cổ và vườn tượng Đa Bút, động Tiên Sơn, thành nhà Hồ, đền Hoàng Đình Ái, nghè Vẹt, đền nàng Bình Khương, động Hồ Công, đàn tế Nam Giao, đền Trần Khát Chân, đền Tống Duy Tân, Hoa Long tự...

Đoàn xe chở mười một vị tượng chúa từ Vũ Lăng vào do ông Doanh phụ trách cùng các vị hòa thượng tháp tùng đã về đến phủ Trịnh Vĩnh Hùng lúc chập tối. Thời điểm ấy sẽ thuận, kịp cho thủ tục cuối cùng là Lễ định vị tượng.

...Nhưng hỡi ôi, chả ai trong ban tổ chức học được chữ ngờ!

Một chiếc xe con xuất hiện án ngữ đoàn xe chở tượng vừa vào vị trí tập kết.

Như từ dưới đất chui lên, một vị chức việc của ngành văn hóa tỉnh từ chiếc xe con bệ vệ bước xuống!

Ngay lập tức vị này dõng dạc, đình ngay việc đưa tượng vào phủ!

Cái lẽ vị này đang dõng dạc khiến mọi người choáng váng!

Bởi nó rất chi là… có lý!

Cái lý ấy là mười một bức tượng chúa kia phải bắt buộc qua giai đoạn thẩm định nghiệm thu đúng chuẩn(?) mới được đưa vào thờ, bởi phủ Trịnh là Di tích Lịch sử quốc gia, không thể tùy tiện đưa cái gì vào cũng được!

Thế nào là đúng chuẩn? Các nhà chức việc xứ Thanh viện ra bao nhiêu là lý do mà cái lý nào nghe ra cũng… chuẩn cả! Nào là căn cứ vô mô (nào) để chế tác? Hội đồng nào? Công văn nào của Bộ Văn hóa? Căn cứ vô mô để khẳng định tượng đây là các ông Trịnh Tùng, Trịnh Sâm, Trịnh này, Trịnh khác?

Hỡi ôi! Quá đúng và quá… chuẩn!

Tội nghiệp ông trưởngTrịnh Doanh và nhiều cụ khác tháp tùng đoàn rước tượng phải xoa tay khét lẹt năn nỉ cách chi cũng không chuyển!

Đoàn rước tượng đành “hạ mã” trước cửa phủ để chờ. Mà chờ đến bao giờ trong khi ngày giờ (tốt) đã định cho việc định vị tượng!

Cụ Trịnh Doanh hớt hải chạy quanh. Ngó bộ dạng tất tả của cụ, tôi như bừng khỏi cơn mê…

Làm thế nào đây nhà báo?

Tự dưng bao ánh mắt chú mục vào mình? Thoáng nhanh những cấn cá cùng là nan giải? Tôi ngước cái nhìn cầu cứu sang ông Bí thư Huyện ủy Nguyễn Xuân Dũng. Nhưng ông lắc đầu rằng đã nói khó với họ rồi nhưng chả được!

Này thử gọi cho ông Tiến Thọ…

Nghe cụ Doanh sẽ sàng, mọi người như bừng tỉnh. Đoàn rước chợt nhớ ra, NSND Lê Tiến Thọ, Thứ trưởng Bộ VH-TT quê cũng chính ở Vĩnh Hùng đây! Ông Tiến Thọ lại là cấp trên của họ!

Tôi tức tốc gọi cho ông Thứ trưởng là chỗ cũng quen biết. May ông bắt máy. Nhưng sau một hồi thưa bẩm, thấy binh tình có vẻ không ổn. Hình như dẫu là Thứ trưởng Bộ Văn hóa, ông Tiến Thọ cũng không dễ gì để ép địa phương được.

Nhưng ông nói nhỏ, đúng hơn là bày cho tôi một cách…

Đó là việc kêu cứu ông Phạm Quang Nghị, Bộ trưởng Bộ văn hóa!

Trời, lại ông Nghị…

Như hiển hiện chuyện cũ. Cũng chuyện phủ Trịnh này. Thời điểm phủ Trịnh - Di tích lịch sử quốc gia chỉ còn sót lại mấy gian nhà xập xệ, đổ nát. Các cụ cùng nhà chức việc của xã bàn định sao đó bèn làm cái việc nhất loạt hạ giải. Nghĩa là tháo tanh bành ra. Dột nát xiêu vẹo mối mọt… Thì cũng còn là phủ, dẫu là phế tích nhưng cũng còn di tích. Nhưng như các cụ mình vẫn nói “để là cái áo tháo là cái tấm”. Phủ Trịnh gần như biến mất.

Rồi các cụ cử người khăn gói ra kêu với Bộ Văn hóa chuyện xin kinh phí mãi không được để tu sửa. Giờ phủ đổ mất rồi!

Tiếng là kêu Bộ nhưng cụ thể là các cụ đến nhà riêng ông Thứ trưởng Tiến Thọ, người làng.

Thứ trưởng Tiến Thọ ới tôi đến. Ới, vì Tiến Thọ biết, do công việc nên tôi cũng có chút chút hơi quen với ông Phạm Quang Nghị. Vị Bộ trưởng này làng quê lại bên sông Mã, đối diện với Vĩnh Hùng.

Hai anh em bàn định rồi muối mặt đến chỗ ông Nghị.

Ông Bộ trưởng hết cau có lại nhăn nhó. Nhưng rốt cục Bộ cũng chi ra 3 trăm triệu. Số tiền ấy thời điểm đó đương có giá.

Phủ Trịnh mới được dựng lên tàm tạm như thế!

… Giờ chắc Thứ trưởng Tiến Thọ ngại ông Nghị cú xin kinh phí lần trước nên đùn cho tôi?

Mà đương giữa đêm thế này? Mà lại đương ở Vĩnh Hùng. Nhảy xe ra Hà Nội chăng?!

Thôi nước này đành liều.

May quá ông bắt máy. Nói là đang ngủ…

Lúc nói to, khi nhỏ… Thôi thì đủ mọi cung bậc của việc xin xỏ!

Phải gần ba mươi phút điện thoại.

Chừng như cũng tạm lọt tai trước những khẩn khoản cùng cam đoan rằng, tượng các chúa được chế tác là hằng tâm hằng sản của các nghệ nhân với tiền nhân với lịch sử. Chuyện đã nhỡ nếu sau này các cơ quan chức năng thẩm định có vấn đề gì thì xử lý sau. Với lại họ có đưa thứ gì khác vào phủ đâu mà ngại!

Tôi lại thực tình trình với nhà chức việc nội dung điện thoại vừa rồi.

May mắn, họ chấp thuận cái việc hẵng cứ tạm đưa tượng vô đã. Mọi việc tính sau…

Cho đến thời điểm này, chẳng rõ các chúa linh thiêng ngầm giúp hay cái vía ông Bộ trưởng Văn hóa cứng mà nhẩm tính đã hơn 20 năm chưa thấy ai, hay nhà chức việc nào ỏ ê chi việc thẩm định thẩm tra nào cả!

Và ơn giời lẫn ơn các chúa, đến thời điểm lần giỗ trọng 453 năm này, tượng các ngài vẫn định vị sừng sững uy nghiêm trong Phủ Chúa tại Vĩnh Hùng.

 

Chính sử cùng lịch sử với chức năng khoa học công bằng có lẽ sẽ minh định, sẽ trả lại giá trị thực của tầm trí, tâm, tài của những bậc lương đống như thái sư Trịnh Kiểm! Chế độ lưỡng đầu chế độc đáo (vua Lê chúa Trịnh) sớm nhất ở Đông Nam châu Á khi ấy đã mở đường cho sự phân chia quyền lực để cân bằng như một xu thế tất yếu của các chính thể (toát yếu công trình nghiên cứu của nhiều học giả).

Một sản phẩm tuyên truyền của kẻ thù Lê - Trịnh từng dai dẳng đến tận giờ là quân Mạc đã rêu rao, đại loại Trịnh Kiểm phải đi ăn trộm gà để nuôi mẹ nên chuốc lấy lòng thù tức của hàng xóm. Người ta đã bắt thân mẫu vị thủ lĩnh Trịnh Kiểm bỏ rọ trôi sông!

Sở dĩ sản phẩm tuyên truyền tâm lý ấy dai dẳng vì được cộng hưởng bởi kẻ thù của tập đoàn Lê - Trịnh cùng với những biến thái của tâm lý ngu trung rằng chúa Trịnh hà hiếp vua Lê.

Chính trong những ngày gian khó đầu tiên, Trịnh Kiểm theo Nguyễn Kim chống Mạc, khó lòng ám hại được Trịnh Kiểm nhưng quân Mạc lại dùng được kế bí mật đánh thuốc độc giết hại thủ lĩnh Nguyễn Kim.

Những tưởng mất Nguyễn Kim, quân Trịnh như rắn mất đầu nhưng Trịnh Kiểm lại nổi lên với vai trò xuất sắc của một thủ lĩnh kháng chiến. Biệt kích quân Mạc lại bí mật thủ tiêu thân mẫu Trịnh Kiểm bỏ rọ trôi sông Mã.

Ngoài cuốn "Trịnh gia chính phả" của Nhật Nam Trịnh Như Tấu, còn có công trình của học giả Hoàng Xuân Hãn "Trịnh gia thế phả" chép rõ: Thi hài thân mẫu Trịnh Kiểm trôi đến đâu thì hàng đàn vẹt bay theo đến đó như đưa tiễn. Đến làng Báo thuộc Biện Thượng (quê Trịnh Kiểm) thì dừng lại. Dân làng đã bí mật chôn cất thân mẫu vị thủ lĩnh kiên cường kháng Mạc. Sau này chúa tiên khởi Trịnh Kiểm đã nhớ ơn dân làng Báo, cho dựng chùa thờ Phật đặt tên là chùa Báo Ân.

Bên cạnh phủ Trịnh có nghè Vẹt thờ các chúa Trịnh.

Bên cạnh phủ Trịnh có nghè Vẹt thờ các chúa Trịnh.

Chùa Báo Ân được xây dựng khang trang như bây giờ. Vẹt cũng trở thành vật linh của nhà Trịnh, nhiều nơi thờ các chúa Trịnh thường có đôi vẹt chầu là vì thế.

May mắn thay! Nhận thấy việc bảo tồn, tôn tạo và phục hồi di tích phủ Trịnh là việc làm cần thiết, góp phần tôn vinh công lao của các chúa Trịnh đối với đất nước trong suốt 249 năm tại vị, năm 2015, tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình bảo tồn, tu bổ, tôn tạo khu Phủ Từ. Toàn bộ Khu di tích Lịch sử Văn hóa có 29 hạng mục công trình, được xây dựng tuân thủ nguyên tắc truyền thống, giá trị lịch sử và đúng mô hình cung điện vua chúa.

Nhưng ngẫm thêm chợt thấy âm phần dòng họ Trịnh dường như chưa yên và con cháu còn lắm việc phải tất tả?

Dự án đầu tư xây dựng phủ Trịnh mới được triển khai từ năm 2016 cho đến nay vẫn giậm chân tại chỗ? Do nhiều nguyên nhân. Vẫn nan giải là chuyện dự án vẽ ra hoành tráng nhưng cụt vốn? Ngay cái việc đơn giản 18 tỷ để chi dùng cho việc giải phóng mặt bằng đến giờ vẫn chưa được giải ngân? Đã đành nạn Covid-19 hoành hành mấy năm có gây khó khăn trở ngại. Rồi nghe đâu cả chuyện đại gia Trịnh Văn Quyết có hứa góp vốn nhưng lại quên?…

Cũng phải tính thêm đến vai trò của Hội đồng họ Trịnh Việt Nam đã sao nhãng nhiều việc.

Ấy là việc ngay từ cái làng Việt Yên chỉ cách phủ Trịnh hơn 1km.

Đó là ngôi mộ thân mẫu Minh khang Thái vương Trịnh Kiểm. Sử liệu của học giả Hoàng Xuân Hãn trong "Trịnh gia thế phả (Tập san Văn Sử Địa số 4 năm 1966 - Saigon xuất bản, trang 8 đến trang 17) có chép rõ: “Bấy giờ có thày địa lý giỏi nước ta. Ông (Trịnh Kiểm) nhờ thày đặt sửa lại các phần mộ từ 5 đời ở chỗ Mả cũ. Lại nhờ xét mộ Mẹ già (mẹ Trịnh Kiểm) ở xứ Đồng Ráng (Mả Sáng) tại thôn Việt Yên thì thấy quả là đã được huyết mạch của một cuộc đất lớn, bèn tu chỉnh để y nhiên".

Mộ Thành Tổ Triết vương Trịnh Tùng khi mới phát lộ.

Mộ Thành Tổ Triết vương Trịnh Tùng khi mới phát lộ.

Giữa cánh đồng trước làng Việt Yên, mấy chục năm trước hãy còn một dãy gò đống thâm thấp có tên là Mả Sáng - Mả Rạng. Nhưng đến nay các gò đống đã bằng địa phẳng lỳ.

Nhưng dấu tích Đồng Ráng - Mả Sáng đang còn kia.

Địa phương thôn Việt Yên và xã Vĩnh Hùng nào có tiếc chi (địa phương đã từng cắt hàng ngàn mét vuông đất để xây dựng phần mộ khang trang cho Thành Tổ Triết vương Trịnh Tùng, con trai Trịnh Kiểm) và sẵn lòng cúng ít thước vuông đất ruộng. Trên đó hẵng dựng tạm tấm bia ghi đại loại "Nơi đây yên nghỉ cụ bà Hoàng Thị Dốc phu nhân Minh khang Thái vương Trịnh Kiểm".

Nhưng tiếc thay họ đã không làm.

Mà kỳ dị lẫn quái đản là có cái bọn vớ vỉn nào đó đã rủ rê xui khiến hội đồng làm cái việc cho vời một số nhà sử học, nhà chiêm tinh phong thủy, tổ chức một hội thảo khoa học. Hội thảo nhằm cái đích công nhận một ngôi mộ vô danh nào đó ở một xã cách khu Mả Sáng gần… 10 cây số là mộ thân mẫu Trịnh Kiểm.

May thay việc ấy đã được ngăn chặn kịp thời.

Cái mục đích gắn, gán mộ Mẹ một danh nhân cho khu du lịch sinh thái thêm phần… hút khách đã bị lật tẩy!

Mười hai đời chúa với 249 năm, độ dài của một phần tư thiên niên kỷ, không biết có phải là may mắn không nhưng một phần tư thế kỷ ấy quốc gia Đại Việt không bị một lần kẻ thù xâm lược, không mất một tấc đất cho ngoại bang! Cái kỳ tích ấy, cũng nên hậu xét cho công bằng!

"Dưỡng nhân loại chi công kế tổ tông chi nghiệp".

Mỗi năm cứ đến ngày giỗ của Minh khang Thái vương 18/2 âm lịch, những chi họ Trịnh đông đúc bao đời nay định cư ở khu vực châu thổ sông Hồng và quanh đô Thăng Long; hậu duệ chúa Trịnh Tùng ở Định Công, Thịnh Liệt ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội); chúa Trịnh Căn có hậu duệ xum xuê ở Mỹ Văn (Hưng Yên), ở Hoài Đức (Hà Nội); chúa Trịnh Cương có hậu duệ đông đúc ở Chương Mỹ, Thanh Oai (Hà Nội); chúa Trịnh Bồng có con cháu nhiều nhánh ở Bắc Ninh, Bắc Giang... lại dắt nhau về phủ Trịnh, nơi phát tích của các đời chúa ở Biện Thượng, Thanh Hóa.

Tôi nhớ đến đôi câu đối ở góc phủ Trịnh (nhà 7 gian nay đã phá để làm dự án phủ mới): Tổ thị hoàng, huân nghiệp do nhiên thùy Việt sử/ Tộc Trịnh đại chi điều, trường thử chuyết Nam thiên (Tổ lớn thay huân nghiệp mãi còn lưu Việt sử/ Họ Trịnh đông đúc bao cành vươn tỏa khắp trời Nam).

Trăm họ, trong đó có họ Trịnh đã và đang họp đang bầu nên những làng, nên nuớc Việt thân thương!

Xuân Ba

Tin khác

Đôi điều suy nghĩ của một Phật tử về câu chuyện xung quanh ông Minh Tuệ

Đôi điều suy nghĩ của một Phật tử về câu chuyện xung quanh ông Minh Tuệ11

Là một Phật tử, theo dõi hành trình và xem gần hết các video trên mạng về ông Minh Tuệ, chúng tôi nhận thấy văn bản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có thể gây hiểu lầm.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 16/05/2024
Tác giả trẻ phủ sóng một cuộc thi Thơ Hay

Tác giả trẻ phủ sóng một cuộc thi Thơ Hay

Tác giả trẻ thuộc thế hệ 8X, 9X đã chiếm ưu thế tuyệt đối tại cuộc thi Thơ Hay vừa tổ chức trao giải thưởng vào sáng 16/5 tại TP.HCM.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 16/05/2024
Nhân hiện tượng Minh Tuệ: Đi tu để được gì?

Nhân hiện tượng Minh Tuệ: Đi tu để được gì?11

Hiện tượng ông Minh Tuệ một lần nữa nhắc cho ta biết rằng cũng như trong căn nhà đóng kín, chúng ta sẽ không thấy được gì, nhưng chỉ cần một tia sáng lọt vào, lập tức thấy bụi bặm nhảy múa đảo điên.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 15/05/2024
Thổn thức cùng sông Nghèn

Thổn thức cùng sông Nghèn

Quy luật muôn đời là các dòng sông đều chảy, nhưng khi thực hiện dự án 'ngọt hóa', thau chua rửa mặn thì sông Nghèn thành dòng sông duy nhất ở Việt Nam... không chảy.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 15/05/2024
Từ trường hợp Minh Tuệ: Y pháp bất y nhân

Từ trường hợp Minh Tuệ: Y pháp bất y nhân1

Câu ấy có nghĩa là [người tu phải] căn cứ vào giáo pháp (chân lý) chứ không được căn cứ vào cá nhân.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 15/05/2024
Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay như thế nào?

Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay như thế nào?

‘Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay’ là cuộc tọa đàm văn chương giữa các tác giả thuộc Hội Nhà văn TP.HCM và Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 11/05/2024
Bên dòng Kiến Giang huyền thoại

Bên dòng Kiến Giang huyền thoại6

Sự hiểu biết cùng cảm xúc rất đặc biệt của cô bé Hà Nội 12 tuổi về đất và người Lệ Thủy, Quảng Bình.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 05/05/2024
'Dân Ông Tạ' cất giữ một phần ký ức đô thị phương Nam

'Dân Ông Tạ' cất giữ một phần ký ức đô thị phương Nam

'Dân Ông Tạ' là cộng đồng người gốc Bắc di cư vào nam, được tác giả Cù Mai Công phản ánh trong bộ sách 'Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó'.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 04/05/2024
Viết ngược từ theo sở thích làm méo mó ngôn ngữ Việt

Viết ngược từ theo sở thích làm méo mó ngôn ngữ Việt

Gần đây, trường hợp viết đảo ngược từ xuất hiện tràn lan và ngày một phát triển. Có cơ hội, có dịp là đảo ngược. Đảo lấy được. Nhà văn, nhà báo cũng đua nhau viết ngược từ.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 02/05/2024
Chùa Một Cột trên thành phố bị lãng quên Bandipur, Nepal

Chùa Một Cột trên thành phố bị lãng quên Bandipur, Nepal

Đi hành hương lần này, đoàn chúng tôi có 8 người. Đi một chuyến đi 'lịch sử đời người', vì sẽ đến những nơi chưa từng đến, những nơi mà để đến được, thì vô cùng khó khăn mới đến được, nhưng đã đến được thì quá xứng đáng để đi. Đến dãy Núi Tuyết Hy Mã Lạp Sơn, và thành phố cổ Bandipur...

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 21/04/2024
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt trong tâm hồn người Việt, một lần nữa được nhắc nhớ qua chương trình đặc biệt kỷ niệm Giỗ tổ Hùng Vương trên Nông nghiệp Radio tối nay (18/4).

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 18/04/2024
Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Nhà báo, nhà văn Dương Bá Trạc (1884-1944), hiệu Tuyết Huy, là anh trai của nhà giáo Dương Quảng Hàm. Cụ cùng các chiến sĩ đã sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 18/04/2024