Nhân văn & Đất mới

Nhà văn Thái Vũ - Thứ Tư, 28/06/2023 , 09:14 (GMT+7)

Hai chữ 'nhân văn' mà triết gia Trần Đức Thảo thanh minh với ông Hà Xuân Trường không nằm trong phạm vi đòi 'tự do dân chủ' của nhóm Nhân văn - Giai phẩm mà rộng hơn...

GS Trần Đức Thảo khi thi đỗ thạc sĩ triết học (1944). Ảnh: Tư liệu KMS.

GS Trần Đức Thảo khi thi đỗ thạc sĩ triết học (1944). Ảnh: Tư liệu KMS.

Kỳ trước là các nhà xuất bản trong biên chế. Sau đây là các nhà xuất bản tư nhân: nhà xuất bản Lúa mới ở góc ngã tư Bà Triệu - Lý Thường Kiệt, có nhà in riêng là cơ sở cũ tờ báo Thời mới, chủ đã vô Nam. Số phóng viên còn lại, tháng 5/1955 hết hạn cho phép di cư tự do vào Nam, cũng vào Nam luôn. Một Việt kiều ở Pháp về thủ đô Hà Nội năm đó (1956) mở nhà xuất bản Thép trên con đường ngắn Hàm Long đi lên đường Bà Triệu. Song nhà xuất bản này qua năm 1956 cũng đóng cửa vì không có khách hàng và sợ liên luỵ với tư sản…

Nhà xuất bản Minh Đức, tức nhà xuất bản Xây dựng cũ từ Thanh Hoá về (logo con ngựa bay trắng – Pégase -  thi hứng) do anh chị Trần Thiếu Bảo làm chủ. Trong kháng chiến chống Pháp ở thị xã Thanh Hoá lúc ấy có hai khu vực Rừng Thông và Cầu Bố nổi tiếng sầm uất, vì đây là nơi tập trung dân tản cư chống Pháp từ Vinh ra, nhất là dân buôn bán từ Liên khu 3, cả Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định vào. Thị xã Thanh Hoá lúc đó được coi như thủ đô kháng chiến của toàn miền Bắc, cuốn hút nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng và các tầng lớp trí thức, nhất là từ năm tướng Nguyễn Sơn về Liên khu 4 làm Tư lệnh. Các cơ quan văn hoá và bên quân sự đều tập trung ở đây.

Thời gian này lớp Dự bị Đại học đầu tiên của nước Việt Nam DCCH cũng được sơ tán về Thanh Hoá, đóng ở Cầu Kè, trên Hậu Hiền. Hiệu trưởng là giáo sư Đặng Thai Mai, Bí thư Đảng uỷ là giáo sư Trần Văn Giàu cùng các giáo sư Nguyễn Mạnh Tường, Trương Tửu và các thầy Cao Xuân Huy, Tôn Thất Chiêm Tế… Thị xã Thanh Hoá tấp nập như thế, đã trở thành mảnh đất văn hoá, cho nên anh chị Trần Thiếu Bảo mới lập nhà xuất bản Xây dựng, giáo sư Trần Văn Giàu và giáo sư Đào Duy Anh đầu tiên được in sách tại nhà xuất bản này.

Về Hà Nội, nhà xuất bản Xây dựng đổi tên là Minh Đức, trụ sở khá rộng ở góc đường Phan Bội Châu, đầu ngã tư Lý Thường Kiệt đi lên. Trong năm 1955-1956 nhà xuất bản Minh Đức đã cho in nhiều tư liệu uy tín, đặc biệt sách của nhà văn Vũ Trọng Phụng với cuốn Số đỏ rồi cuốn Vỡ đê, đáp ứng được nhu cầu về sách không những cho sinh viên các khoá trường Đại học Sư phạm Văn học, mà cả các trường cấp 3 toàn miền Bắc đang tìm hiểu về văn học hiện thực phê phán. Sau đó, Trần Thiếu Bảo được giáo sư Trương Tửu đỡ đầu nên đã cho xây mộ nhà văn Vũ Trọng Phụng ở làng Mọc, mời giáo sư chủ lễ khánh thành, có một số anh em sinh viên đại học cùng dự…

Tất cả những sự kiện trên về giáo dục, báo chí, xuất bản tạo nên một hướng “tự do dân chủ” không có tổ chức, đúng hơn là tự phát, vào thời điểm bài “Trăm hoa đua nở” của Chu Dương xuất hiện, lại được tờ Nhân văn đổ thêm dầu, với NXB Minh Đức tạo thành một xu thế đòi “tự do dân chủ” với sự hưởng ứng của các văn nghệ sĩ đàn anh cũng như một số trí thức cao cấp mấy năm đó.

Hẳn đây là “điểm xoáy”, với nhóm Nhân văn-Giai phẩm trương ngọn cờ đầu đòi “tự do dân chủ” mà xông xáo nhất là một số nhà thơ nhà văn đối lập với Hội Nhà văn, dù chỉ là với mấy vị cầm trịch. Như vậy, hai chữ “nhân văn” mà triết gia Trần Đức Thảo thanh minh với ông Hà Xuân Trường không nằm trong phạm vi đòi “tự do dân chủ” của nhóm Nhân văn - Giai phẩm mà bao quát rộng hơn, như mệnh đề “cái gì có lý, cái ấy tồn tại, cái gì tồn tại, cái ấy có lý” đâu phải theo “hạt nhân duy lý” từ Hégel…

Vì thế, Ban chỉ đạo học tập Trung ương đã có biện pháp cho riêng nhóm Văn khoá đại học 1956 đang là cán bộ giảng dạy, học về “tự do dân chủ”, cho anh em phát biểu… thoải mái! Để tránh lầm lẫn như hiện nay, “năm 2006”, dựa trên cơ sở hạ tầng của nội dung xã hội, chúng tôi xin nói rõ: nhóm Đại học Sư phạm Văn học và nhóm Văn nghệ sĩ Hội Nhà văn Việt Nam là hai nhóm cách biệt, tuyệt đối không hề có chút quan hệ nào.

Ví dụ, năm 1957, Trung ương cho học tập cải tạo và đi lao động thực tế thì chỉ riêng các nhà văn nhà thơ bên Hội Nhà văn bị cấm viết lách từ đó mãi đến năm 1990; còn bên nhóm đại học được “vô can”, kỷ luật không được dạy đại học và trường tư vì tránh tuyên truyền cho “bọn” Nhân văn-Giai phẩm, khi ký quyết định lại được Bộ trưởng Bộ Giáo dục “cải thiện”, cho về các thành phố dạy các trường cấp 3 đầu tỉnh: Hà Thúc Chỉ (Thúc Hà) về Hải Phòng dạy trường cấp 3 Ngô Quyền, nổi tiếng về dạy giỏi, Văn Tâm bị “biếm” lên tỉnh Phú Thọ, lại được về Hà Nội dạy trường cấp 3 Nguyễn Trãi, Phan Kế Hoành dạy trường cấp 3 Hà Đông, lại được chuyển về Ban Tu thư Bộ Giáo dục, tham dự làm sách giáo khoa, nhưng anh lại rất mê viết về sân khấu…

Bùi Quang Đoài (Thái Vũ) được cho về Vinh dạy Đại học Sư phạmh hay Hiệu trưởng một trường Trung học phổ thông ở ngay thủ đô Hà Nội, nhưng xin không nhận. Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên lại cho về Phòng Tuyên truyền báo chí (nhà văn Trần Thanh Mại làm Trưởng phòng) của Bộ lúc đó (năm 1958), đảm nhận chức tuỳ viên văn hoá, quan hệ với tuỳ viên văn hoá các nước Hungary, Indonesia, Tiệp Khắc, đã đi Nam Định, Hải Phòng có đoàn quay phim và nhiếp ảnh đi theo.

Trường hợp “cải thiện” còn được Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Võ Thúc Đồng thân ái xử trí, như với Ninh Viết Giao (tham gia viết Đất mới) khi anh được phân công về Vinh dạy trường cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng. Gặp Ninh Viết Giao trong một cuộc họp, vì đã được chi uỷ nhà trường và thị ủy Vinh báo cáo về việc Ninh Viết Giao “có ảnh hưởng Nhân văn - Giai phẩm”, Bí thư đã thân mật nói: “Mình thì nghĩ, chẳng qua là các thầy mới ra trường, có kiến thức đấy, song còn non người trẻ dạ, thấy cái mới thì vơ, chưa từng trải cuộc sống, chưa biết sàng lọc đó thôi. Mình tin rằng các thầy sẽ vững vàng đi lên trong cuộc sống, nên đã nói với nhà trường và thị uỷ rằng đừng có chấp những điều đó ở các thầy” (Ninh Viết Giao - Hồi ký: Xứ Nghệ và tôi - NXB Nghệ An 2005).

Sách 'Trần Đức Thảo tác phẩm được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh'.

Sách “Trần Đức Thảo tác phẩm được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh”.

Chính nhờ đó, Ninh Viết Giao đã “đi tìm quặng Xứ Nghệ” (như lời nhà sử học Chương Thâu) với một “kho tàng sách biên khảo” về mặt xã hội văn hoá của xứ Nghệ mà chính ngay dân xứ Nghệ “gốc” cũng chào thua và anh đã trở thành giáo sư, người cầm trịch trong thể loại “Văn học dân gian” toàn quốc.

Đặc biệt trường hợp Lê Bá Hán, khoá II Đại học Sư phạm năm 1957, tham gia Đất mới khá tích cực, nhưng vẫn được giữ lại trường, sau đó về Vinh làm cán bộ giảng dạy rồi Khoa trưởng khoa Văn Đại học Sư phạm Vinh, chưa nói đến một số các bạn khác cũng tham gia tờ Đất mới sau này đều trở thành nhà văn nhà thơ nổi tiếng của Hội Nhà văn Việt Nam, như Văn Tâm, Nguyễn Bùi Vợi.

Riêng chuyện buồn là trường hợp Hà Thúc Chỉ, thủ khoa lớp 1956, lại là nhà thơ trẻ được Huy chương Vàng ở Đại hội Thanh niên Thế giới Warszawa, Ba Lan (1955) với bài thơ “Chờ con Má nhé”, khi anh được phân công về Hải Phòng dạy trường cấp 3 Ngô Quyền. Là thầy dạy giỏi nổi tiếng luôn mấy chục năm ở đất Cảng, học trò anh sau này nhiều người trở thành nhà văn nhà thơ, còn anh lại “bị bỏ quên hẳn”. Năm 2000, thành phố cho in toàn tập Nhà văn Hải Phòng dày trên 1.400 trang mà “cho qua” tên Thúc Hà, dù rằng trước đó, anh đã có tập thơ Mưa biển và chính nhạc sĩ Hồng Đăng lúc ấy có lấy một bài phổ nhạc…

Viết đến đây cũng buồn khi nghĩ đến nhà văn Nguyễn Bính, ông cũng mê tự do dân chủ không kém chi ai, hẳn là đã chịu ảnh hưởng “Trăm hoa đua nở” nên dù nghèo cũng bỏ tiền túi ra in một tờ Trăm hoa (trụ sở ở đường Lê Văn Hưu). Đến khi Nhân văn - Giai phẩm bị kết án, nhà thơ cũng chịu nạn chung, phải về thành Nam lánh nạn.

Lúc ấy Giám đốc Sở Văn hoá Nam Định là nhà văn Chu Văn săn sóc quả là tận tình… đến “cái chết khó hiểu” của Nguyễn Bính. Sau đó, thời Đổi mới, Chu Văn lại ca ngợi Nguyễn Bính để lập công, khi đất nước đã mở rộng kinh tế thị trường. Cũng xin ghi thêm trường hợp hai nhà thơ trẻ hồi đó là Phùng Cung và Nguyễn Hà (tên nữa là Huyền), khi các anh vì mê văn thơ đúng lúc tờ Nhân văn nổi đình nổi đám, lại hợp tác không lương trong nhóm biên tập Nhân văn, dưới bàn tay của hoạ sĩ Trần Duy, thư ký biên tập tờ Nhân văn.

Tôi biết Phùng Cung qua bài “Con ngựa già của Chúa Trịnh” đăng trên tờ Nhân văn, khi đến “Quán cơm sinh viên” cũng là câu lạc bộ sinh viên bên số lẻ (gần một cái chùa nhỏ) khoảng đầu ngã tư Bà Triệu và đường Hai Bà Trưng. Gặp Nguyễn Hà cũng ở đó, quán cơm sinh viên rẻ tiền, ban quản lý là mấy bà mẹ, mấy chị lớn tuổi buôn bán ở Hà Nội, sau vụ Nhân văn - Giai phẩm cũng bị nạn là tan rã. Ôi Hà Nội hai năm đầu giải phóng!

Tháng 8/1956 tôi nghỉ hè nên về Vinh, nơi song thân tôi tản cư từ Thái Yên, Đức Thọ ra, vì trước 1945 gia đình tôi có ở Vinh. Giữa thị xã của nắng và gió Lào, đi ăn sáng về với ông anh rể thì gặp anh Phan Ngọc, chuyên viên về học thuật của trường đại học mới vào Vinh. Qua anh tôi mới biết có tập Giai phẩm mùa Thu, lại có cả tờ báo Nhân văn đang gây dư luận ở Hà Nội. Là thằng mê văn chương, làm thơ rất sớm, nên mấy ngày sau tôi đi tàu ra ngay Hà Nội.

Hà Nội mùa thu thật đẹp vào đầu tháng 9. Tờ Nhân văn đã ra đến số 2 và có lẽ sắp ra số 3, đúng lúc dư luận trong đám văn chương đang xôn xao về bài viết của ông Hoàng Xuân Nhị: “Tổ chức của Đảng và văn học có tính Đảng” đăng trên tờ Nhân dân. Đây là một chuyên đề hấp dẫn thời đó ở Hà Nội. Qua tài liệu sách báo, những năm đầu chính quyền Xô Viết, Lênin có nói chuyện về tính Đảng trong văn học với nhà báo cách mạng Đảng Cộng sản Đức Clara Zetkin. Tôi nói là “chuyên đề” vì chính tôi và một số bạn cùng lớp cũng đang tìm hiểu nghiên cứu đề tài hấp dẫn đó. Nghĩa là đề tài “trúng tủ” của chúng tôi, cũng có nghĩa là đề tài mà ông Nhị đã chạm vào như giẫm phải ổ kiến lửa.

Tôi đang loay hoay tìm tờ Nhân dân để đọc thì thật tình cờ nhà thơ Vũ Đình Liên đến. Tôi đang ở 27 phố Lữ Gia (nay là phố Bùi Thị Xuân). Anh Vũ Đình Liên đến gặp tôi vì có tin là trường Đại học Sư phạm mời anh về dạy năm tới, mà tôi là thư ký học thuật trong bộ môn Văn, tất biết. Đúng vậy, thầy Hiệu trưởng Đặng Thai Mai rất tin tôi, mọi công việc giấy tờ thuộc “văn phòng” bộ môn Văn đều trong tay tôi, kể cả lý lịch cán bộ giảng dạy. Ví dụ: sách báo thư từ từ Pháp gửi về thầy đều ghi Monsieur le Doyen Đang Thai Mai, chứ không ghi là “Professeur” để tỏ lòng tôn kính thầy là bậc trưởng lão cao niên trên hàng professeur.

Về lý lịch, Hoàng Xuân Nhị có một lý lịch đặc biệt buộc tôi phải chú ý: ông ta học ở Pháp; 1939 Đức Quốc xã chiếm Paris, lập chính phủ bù nhìn bán nước Vichy với thống chế Pétain, Hoàng Xuân Nhị đã theo quân Đức Quốc xã qua Berlin và được nuôi dưỡng; năm 1945 Đức bại trận, Hoàng Xuân Nhị trở về Paris và… sau đó gia nhập Đảng Cộng sản Pháp…

Đến năm 1955 đã thấy ông ở Hà Nội dạy năm đầu Đại học Sư phạm Văn học, khi tôi học năm thứ 3. Về trình độ học vấn của ông thì sau này, khoảng sau năm 1970 còn có hai bài bàn tới, đăng trên hai số báo Văn nghệ, của Hoàng Minh và Tạ Ngọc Liễn.

Chuyện viết bài “kê” ông Hoàng Xuân Nhị trên tờ Nhân văn đúng là chuyện “không mời mà đến”, nhưng khoảng một tuần sau, hoạ sĩ Trần Duy đến đưa thư cảm ơn và “xin miễn nhuận bút vì tờ báo đang nghèo”. Song cùng lúc Trần Duy lại đưa ra một tập bản thảo viết tay, giấy đủ loại và đủ cỡ, rồi nói tiếp: “Sau tập Giai phẩm mùa Thu này là tập Giai phẩm Sinh viên”.

Tôi thích thú vì đang định tập viết về chuyện sinh viên sau khi đọc cuốn Les Etudiants của Liên Xô, vì lúc đó có nhiều chuyện vui giữa sinh viên từ kháng chiến về Hà Nội và sinh viên Hà Nội cũ. Trần Duy cho biết sau tập Giai phẩm Sinh viên sẽ là tập Giai phẩm Công nhân, Giai phẩm Nông dân, gãi đúng mơ ước của tôi và các bạn ở đại học lúc đó.

Hơn nữa người đứng đầu trong tập Giai phẩm Sinh viên này lại là Văn Tâm, bạn tốt nghiệp đại học cùng khoá, cũng là chỗ quen biết cũ ở thị xã Thanh Hoá, tôi quen cô Mai em gái Văn Tâm. Hơn nữa Trần Duy mở tập bản thảo có chữ ký của Văn Tâm là đã tuyển chọn kỹ, nay do tôi quyết định cuối cùng. Tâm lý tuổi trẻ là háo danh, “ngựa non háu đá”, được tâng bốc tôi nhận ngay. Tôi rủ Thúc Hà tuyển thơ, mới biết anh chị em sinh viên ai cũng mê văn chương.

Khi biết tôi là người quyết định cuối cùng tập Giai phẩm Sinh viên, các tác giả có bài nhiều lần đến gặp tôi: ai cũng cho bài của mình là hay. Vì vậy chọn bài rất khó. Tôi thấy Cao Huy Đỉnh có bài; vì là bạn khá thân, Đỉnh là đảng viên, tôi bảo Đỉnh nên rút bài về. Đa số bài là chống tiêu cực, chống bè phái theo kiểu như báo Nhân văn.

Duy bài đầu chống tiêu cực ở đại học, nhất là ở mấy năm dự bị đại học thì do Văn Tâm viết, liên quan đến khoá II Dự bị Đại học và khoá đầu đại học, tốt nghiệp 1956. Tôi phải viết lại, bổ sung việc của khoá Dự bị Đại học đầu tiên, chẳng hạn anh em rất bất mãn về việc xử lý của thầy T.V.G trong Đảng uỷ với nhóm Thành, Khái, Nhâm, sau này là Ng. Duy Bình (như cắt học bổng của anh em Liên khu 4 và Bình Trị Thiên để bồi dưỡng cho Hiệu đoàn trường là cánh Liên khu 3 giàu có). Cho nên sau này phản ứng chính là từ tổ chức, lãnh đạo đại học chứ không phải từ các thầy dạy, các giáo sư.

Riêng về truyện ngắn ít đạt, tôi loại khá nhiều, tuy nội dung tốt về chống tiêu cực tham ô, nói chung đó là tiêu điểm chính của nội dung tập Giai phẩm Sinh viên. Do vậy chỉ trong thời gian rất ngắn tôi viết “Một câu chuyện tình” trong sinh viên mà các nhân vật đều có thật trong khoá học của chúng tôi (cả bên Văn và Sử).

Nhưng gay cấn nhất là tên Đất mới mà Văn Tâm và Trần Duy bảo lưu cho kỳ được, khi tôi phản ứng rằng cái tên đó là một địa điểm xưa ở Huế, ngay sau sân vận động Huế (nơi đó hiện giờ có “Quán cơm Âm Phủ”), trên làng Vân Dương, là nơi tụ tập đĩ điếm và dân nghiện hút. Khu vực này dân Huế đều biết. Vì chủ sòng Trần Duy và Văn Tâm trong nhóm nhà xuất bản Minh Đức quen thân với anh Trần Thiếu Bảo, họ bỏ tiền in thì họ… có quyền giữ tên Đất mới.

Chuyện đời là thế, tôi cũng buồn khi “gặp tai nạn”, chịu đựng, vì dù sao tôi cũng là người lính trong kháng chiến chống Pháp, có công, cũng nhẹ tội hơn anh em mà đa số là sinh viên mới toanh, từ trường trung học phổ thông lên đại học. Hơn nữa gia đình, dòng họ tôi chống Pháp từ thời Cần Vương, cụ Lê Thước và thầy Đặng Thai Mai biết rất rõ.

Khi cụ thân sinh thầy Đặng Thai Mai là Phó bảng Đặng Nguyên Cẩn làm Đốc học tỉnh Hà Tĩnh những năm 1906-1908 chống sưu thuế, cụ và tiến sĩ Ngô Đức Kế bị bắt và đày đi Côn Đảo, còn cố nội tôi là cụ Bùi Quang Thích trước đó là Tuần vũ Hà Tĩnh thì bị thực dân cho “hưu dưỡng” vì tuổi già, kể từ những năm chống Pháp ngoài Bắc thời vua Tự Đức, đến thời vua Thành Thái 1907.

Ông nội tôi, thời Đồng Khánh bị biếm ra Giáo thụ tỉnh Phú Thọ từ thời tỉnh đó còn gọi là phủ Hưng Hoá. Cụ đã theo nghĩa quân của Tuần vũ Hoàng giáp Tến sĩ Nguyễn Quang Bích chống Pháp nên bị chúng đày qua Nam Mỹ, xứ Guyanna, 19 năm. Năm 1919 cụ được tha về, mất năm 1921 ngoài Phú Thọ, vì vậy thời Pháp thuộc, gia đình tôi bị liệt vào hàng “cừu gia tử đệ”.

Hôm nay viết những dòng này không phải để “khoe công” mà vì tôi đã giữ im lặng tuyệt đối bao năm, nay tuổi đã cao, có chăng vài dòng “sám hối” khi tôi lấy nhân vật Kỳ nữ Thái qua bản nhạc của Massenet, cho nhân vật Long kéo violông trong “Một câu chuyện tình”, tập Đất mới

Nhà văn Thái Vũ
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt trong tâm hồn người Việt, một lần nữa được nhắc nhớ qua chương trình đặc biệt kỷ niệm Giỗ tổ Hùng Vương trên Nông nghiệp Radio tối nay (18/4).

Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc
Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Nhà báo, nhà văn Dương Bá Trạc (1884-1944), hiệu Tuyết Huy, là anh trai của nhà giáo Dương Quảng Hàm. Cụ cùng các chiến sĩ đã sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục.

Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết
Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết

Đại tá Nguyễn Văn Hồng sau 30 năm cầm súng lại có tiếp 30 năm cầm bút, đó là nội dung tọa đàm văn chương diễn ra sáng 12/4 tại TP.HCM.

Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác
Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác

Hát trống quân Đức Bác là sự kết hợp giữa lời hát và nhịp điệu, cùng với những khúc hát sôi động xoay quanh các chàng trai Đức Bác và cô đào Phù Ninh.

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ
Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ3

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng thường được nhiều người biết đến với tư cách một nhà khoa học nông nghiệp, nhưng ít ai biết ông từng có thơ được in từ thời sinh viên.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã rời khỏi dương gian 23 năm, nhưng di sản nghệ thuật của ông vẫn không ngừng lôi cuốn công chúng, trong đó có những đoản văn tự tình.

Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’
Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’

Việc ứng xử như sách đã chép ít nhiều thể hiện sự tôn trọng đáng kể, dù 'Thư thất điều' đã khiến vua Khải Định bẽ mặt với quốc dân đồng bào ở trong và ngoài nước lúc đó.

Hà Giang hút khách
Hà Giang hút khách

Thị trấn Đồng Văn giờ khác lắm. Cầu trời, năm mười năm nữa, Đồng Văn sẽ không theo bước Tam Đảo, Sa Pa, nhà tầng chất ngất cướp mất dáng núi, thung mây...

Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh
Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh

Trong bài văn tế Phan Châu Trinh, Sào Nam Phan Bội Châu đánh giá 'Thư thất điều đón giá như Tây, uy sấm chớp chẳng kinh cùng chẳng hãi'.

Cửa Đạt và Cửa Đặt: Chuyện nhỏ hay không nhỏ?
Cửa Đạt và Cửa Đặt: Chuyện nhỏ hay không nhỏ?

Hãy phóng to bức hình này lên, sẽ thấy hai cái tên khác nhau: Bên này là đền “Cửa Đặt”, bên kia là chùa “Cửa Đạt”. Đặt và Đạt, có liên hệ/liên quan gì không?

Giáo sư Andrea Hoa Pham: 'Ngôn ngữ luôn biến đổi'
Giáo sư Andrea Hoa Pham: 'Ngôn ngữ luôn biến đổi'1

Một người dạy tiếng Việt ở Mỹ, giáo sư Andrea Hoa Pham cho rằng, ngôn ngữ luôn luôn biến đổi, dù muốn hay không cũng không ngăn được thực tế ấy.

Cảm nhận một người trẻ tuổi về kháng chiến qua phim Đào, phở và piano
Cảm nhận một người trẻ tuổi về kháng chiến qua phim Đào, phở và piano

Bộ phim đã khiến tôi tò mò và tôi đã tìm hiểu rộng hơn lịch sử đất nước và tinh thần chiến đấu của chiến sĩ, nhân dân ta trong kháng chiến.