Mấy lần cùng anh Quang Dũng

Nhà văn Thái Vũ - Thứ Tư, 14/06/2023 , 16:21 (GMT+7)

Tôi biết anh Quang Dũng thuở đó, dần rồi thân nhau, nhất là khi anh nhìn tôi rồi nói: 'Này, hóa ra mình với cậu là cùng họ, có thể cùng một tổ tiên đó'...

Nhà thơ Quang Dũng (1921 – 1988).

Nhà thơ Quang Dũng (1921 – 1988).

Một lần có người quen thân ra đi, lòng vẫn mang một nỗi buồn… Anh Thanh Tịnh, anh Văn Cao, anh Đặng Thanh… và mới đây, anh Trần Kư, nhà báo lão thành từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp.

Là anh Bộ đội Cụ Hồ, tôi cũng đã một thời là… nhà giáo dạy trường Trung học Bình dân Quân sự thuộc Bộ Tư lệnh Liên khu V, lại làm thơ thuở trai trẻ, có chân trong Chi hội Văn nghệ Liên khu V. Khi ra Liên khu IV, tôi lại có chân trong Chi hội văn nghệ Liên khu IV, với các anh Lưu Trọng Lư, Bùi Hiển, Thanh Tịnh, Bửu Tiến… Nói chung các anh đều là những bậc đàn anh khi Hội Nhà văn chưa thành một tổ chức rộng rãi toàn quốc. Ôi, bao kỷ niệm, nếu nói là… những giai thoại mà tôi không thích ghi lại…

Báo Tiền phong, thứ ba, số 155, ngày 28-12-1999, những ngày cuối năm của thế kỷ XX, có đăng bài của Vũ Bão về việc dựng tượng anh Quang Dũng ở trường THCS Đan Phượng – nơi Quang Dũng học trước khi ra Hà Nội. Đúng là một tượng đài đầu tiên trong giới những nhà văn, nhà thơ, “người lính cầm súng bảo vệ Tổ quốc”. Anh Quang Dũng! Tôi nhớ anh những lần gặp gỡ, vâng từ năm 1952-1953 tại thị xã Thanh Hóa tiêu thổ kháng chiến, khi tôi đang theo học ở trường Dự bị Đại học đầu tiên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trường sở sơ tán ở Cầu Kè, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Có những chủ nhật, một vài anh em đi bộ đội về thị xã Thanh Hóa “giải lao” đến nhà người quen ngay thị xã. Tôi cũng vậy, lại mò về thị xã để xem cung cách xây thành của cái xứ nổi tiếng là “Thanh cậy thế, Nghệ cậy thần” này. Thành Thanh Hóa xây theo kiểu gọi là Quy thành, hình con rùa, như thành Phiên An trong Gia Định (Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay), là thời Gia Long, khác hẳn với thành ở kinh đô Huế nhà Nguyễn (cũng giống như thành Đồng Hới và thành Vinh – Nghệ An mà tôi được biết lúc đó).

Vậy là tôi đang lang thang trong nội thành Thanh Hóa đã bị “phá hoại” kể từ ngày Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946. Nhiều gia đình ở thị xã Thanh Hóa lúc ấy đã hồi cư, xây tạm nhà làm ăn buôn bán, nổi tiếng một thời với núi Nhồi, cầu Bố, rừng Thông. Cánh trí thức và văn nghệ sĩ Liên khu I Thủ đô, Liên khu III, cả Liên khu IV tập trung về vùng đất thiêng thời vua Lê Lợi rất nhiều. Cánh bộ đội đi công tác ghé qua không ít. Đất Thanh Hóa nổi tiếng với tướng Nguyễn Sơn bàn về Truyện Kiều khá gay gắt với Giáo sư Trương Tửu. Vậy là tôi đang lang thang trong nội thành Thanh Hóa, có lẽ là nơi Hành cung nhìn ra hướng nam, phía cửa Tiền, thì một anh chàng cao to, hơi mập, đến bên tôi, cười hiền hòa rồi hỏi: “Làm thơ à?”. Thì tôi vốn cũng có làm thơ và đã có chân trong Chi hội Văn nghệ Liên khu IV, tự hỏi sao “anh chàng” lớn tuổi hơn mình lại hỏi “dốc” như vậy? Tôi chào anh, nhưng lại nhìn mấy tờ giấy có vài nét vẽ phác anh cầm ở tay, hỏi lại: “Anh là họa sĩ?”. Anh vỗ lên vai tôi rồi bảo: “Nắng, ta về đi… nói chuyện cho vui. Mình biết cậu”.

Bút tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng.

Bút tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng.

Chao ôi, lại biết tôi, lúc nào? Xin nói chi tiết, phụ: Hồi đó được học lớp Dự bị Đại học đầu tiên là… đáng nể lắm vậy. Ở cái thị xã hồi cư này, lắm cô đang chờ “hoàng tử” (tức anh em bộ đội công tác qua) đến đón, mà đám trí thức trẻ chúng tôi cũng loại… đắt giá. Tôi cũng là bộ đội mới xuất ngũ… Hồi đó, mỗi lần từ Cầu Kè, qua Hậu Hiền về thị xã xứ Thanh tôi hay đến ở nhà chị Ngọc, bạn sinh viên cùng lớp, con cụ giáo Ngọc, vợ Đại tá Hoàng Điền và nhà anh bạn Vũ Công Ích, con dược sĩ cao cấp thời Pháp thuộc Vũ Công Minh, em dược sĩ Vũ Công Giáp. Anh Ích có hiệu thuốc tây ở thị xã, nhà lại sản xuất tân dược, giới thiệu cho tôi cô con gái duy nhất của hiệu thuốc Tây, thường lấy thuốc ở nhà anh Ích. Vậy là có câu chuyện sau đây với anh Quang Dũng. Lúc ấy anh Quang Dũng cũng “vô danh” như một số người lính cầm súng làm thơ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, tuy một số anh em có thơ phổ biến, song đáng được chú ý nhiều nhất là một số nhà thơ đã có tên tuổi…

Anh Quang Dũng đã khen cô gái “xứ Thanh” của tôi, bố mẹ có hiệu thuốc Tây, ngoan và đẹp (cô Nga) lại là… con một, không biết rằng lúc ấy tôi lại đang “xớ rớ” với cô em vợ của một dược sĩ khác, thân với gia đình anh Ích. Anh Quang Dũng: “Cô Nga đẹp chứ, lại khỏe mạnh…”. Hóa ra anh quen bố mẹ Nga. Thấy tôi im lặng, anh đọc luôn mấy câu thơ, tôi không nhớ, nhưng có lẽ là mấy câu trong bài “Đôi mắt người Sơn Tây” anh làm năm 1948. Tôi nhớ “có lẽ” vì thật tình lúc ấy đang vui, nhưng khi đọc đến hai chữ “xứ Đoài” là anh chỉ vào ngực tôi vì đó là tên tôi, nếu bỏ chữ “xứ”.

Vậy là từ chuyện tình chuyển qua chuyện thơ, lúc ấy tôi mới chú ý thật sự đến cái tên Quang Dũng khi anh ngồi trầm ngâm rồi đọc bài thơ Tây Tiến. Bài này lúc ấy tôi cũng đã biết như bài thơ Màu tím hoa sim của anh Hữu Loan và bài Bên kia sông Đuống của anh Hoàng Cầm. Theo tôi, đó là những bài thơ buồn, rất buồn, xoáy đúng tâm tư tình cảm của một lớp trẻ thanh niên học sinh tiểu tư sản cầm súng theo tiếng gọi của Đảng, của Bác Hồ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ những ngày đầu thành quả Cách mạng tháng Tám 1945. Tôi tiếc rằng, lớp trẻ chống Mỹ cứu nước sau này không thể hiểu được tâm tư tình cảm của lớp trai trong những năm đầu chống Pháp đó, thảng hoặc cả những người ngồi ghế nhà trường sau này lên đại học, nay khi nhận định lại càng… đáng buồn.

Tôi biết anh Quang Dũng thuở đó như thế, dần rồi thân nhau, nhất là khi anh nhìn tôi rồi nói: “Này, hóa ra mình với cậu là cùng họ, có thể cùng một tổ tiên đó”. Tôi cũng nói nghịch: “Thì rõ ràng anh với tôi là cùng họ từ ông bà tổ tiên rồi. Nhưng anh có biết là cánh họ hàng nhà mình chuyên mộng mơ và lấy vợ tiên như tích kể về Bùi Hàng [1] bên… Tàu không?”.

Chuyện xa xưa thời đó gặp anh Quang Dũng là như vậy. Sau này, cùng ở Hà Nội, rồi “lâm nạn” năm 1958, tôi không thích giao du với ai, nhưng anh Quang Dũng thì thỉnh thoảng vẫn đến tôi chơi nói chuyện… buồn. Anh sống giản dị và thân tình, chuyện khó khăn gia đình anh, anh cũng kể với tôi, coi như chú em “cùng họ”. Tôi nhớ, khoảng năm 1969, đang chống Mỹ ác liệt, có lần anh đến nhà tôi (30 Yên Thái, gần chợ Hàng Da), ngồi mãi không nói gì. Anh kể chuyện đứa con trai chưa có việc làm, rồi bỗng hỏi tôi tin tức về anh Hữu Loan. Tôi bảo đừng nhắc “có mà…”. Anh đưa tay ra hiệu lấy tờ giấy. Tiện có cuốn sổ tay năm 1968 của nhà xuất bản Quân đội trên bàn, anh xem mấy chữ đề tặng: “Thân tặng đồng chí Thái Vũ” rồi xem khá lâu tấm ảnh có hình Bác Hồ và đồng chí Tôn Đức Thắng, anh nói: “Quân đội ta… hay nhỉ, vẫn giữ tình đồng chí” và giở trang gần cuối viết bài thơ, anh nói là của Hữu Loan:

1/ Nếu anh ra đi

  Mẹ già anh khóc

  Con thời loạn ly

  Thương con khó nhọc

2/ Nếu anh ra đi

   Người vị hôn thê

   Những giọt nước mắt

   Đọng trên hàng mi

3/ Nếu anh không đi

    Mẹ già anh khóc

    Trai thời loạn ly

    Mà con không đi!

4/ Mẹ nhà thương anh trắng tóc

    Ngày mai cờ về chiến thắng

    Mà con không về

    Mẹ già như lá rụng chiều quê

Tôi chụp lại (photocopy) để giữ nguyên bút tích của anh Quang Dũng, lại viết một bài thơ của anh Hữu Loan. Năm 1988, anh Hữu Loan vào thành phố Hồ Chí Minh, đến ở với tôi mấy ngày, nhân anh viết lại cho tôi bài thơ Màu tím hoa sim, có sửa chữa, tôi hỏi có phải là bài thơ kia của anh không, anh Quang Dũng lại thuộc? Anh Hữu Loan suy nghĩ một lúc rồi chỉ… cười. Tóc anh bạc trắng sau vai khiến tôi nghĩ đến “ông tú Loan” đi chở đá kiếm sống những ngày ở quê Nga Sơn có hang Từ Thức với chuyện tình kẻ sĩ qua giấc… mơ tiên. 

Bài thơ anh Quang Dũng viết không có đầu đề, là thơ anh Hữu Loan, phải chăng cũng là nỗi lòng anh Quang Dũng, ông anh cùng họ của tôi?

Tích Bùi Hàng, kẻ sĩ đời nhà Đường, thi hỏng, qua đất Lam Điền, gặp nàng Vân Anh. Bà mẹ bảo Vân Anh đưa nước mời Bùi Hàng. Kẻ sĩ bang khuâng trước người đẹp, ngỏ ý muốn cưới làm vợ. Bà mẹ bảo: “Thần tiên có cho ta linh dược, nhưng không có chày cối ngọc để giã. Bao giờ có đủ, ta sẽ gả cho”. Bùi Hàng cầu tiên được chày cối ngọc, giã 100 ngày xong linh dược và lấy Vân Anh làm vợ. Về sau hai vợ chồng thành tiên về với cõi tiên… Có bài thơ, xin dịch hai câu cuối:

        Động tiên nọ chốn Lam Kiều/ Kinh kỳ há quản gieo neo dặm trường.

Nhà văn Thái Vũ
Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay như thế nào?
Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay như thế nào?

‘Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay’ là cuộc tọa đàm văn chương giữa các tác giả thuộc Hội Nhà văn TP.HCM và Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên.

Bên dòng Kiến Giang huyền thoại
Bên dòng Kiến Giang huyền thoại5

Sự hiểu biết cùng cảm xúc rất đặc biệt của cô bé Hà Nội 12 tuổi về đất và người Lệ Thủy, Quảng Bình.

'Dân Ông Tạ' cất giữ một phần ký ức đô thị phương Nam
'Dân Ông Tạ' cất giữ một phần ký ức đô thị phương Nam

'Dân Ông Tạ' là cộng đồng người gốc Bắc di cư vào nam, được tác giả Cù Mai Công phản ánh trong bộ sách 'Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó'.

Viết ngược từ theo sở thích làm méo mó ngôn ngữ Việt
Viết ngược từ theo sở thích làm méo mó ngôn ngữ Việt

Gần đây, trường hợp viết đảo ngược từ xuất hiện tràn lan và ngày một phát triển. Có cơ hội, có dịp là đảo ngược. Đảo lấy được. Nhà văn, nhà báo cũng đua nhau viết ngược từ.

Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt trong tâm hồn người Việt, một lần nữa được nhắc nhớ qua chương trình đặc biệt kỷ niệm Giỗ tổ Hùng Vương trên Nông nghiệp Radio tối nay (18/4).

Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc
Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Nhà báo, nhà văn Dương Bá Trạc (1884-1944), hiệu Tuyết Huy, là anh trai của nhà giáo Dương Quảng Hàm. Cụ cùng các chiến sĩ đã sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục.

Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết
Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết

Đại tá Nguyễn Văn Hồng sau 30 năm cầm súng lại có tiếp 30 năm cầm bút, đó là nội dung tọa đàm văn chương diễn ra sáng 12/4 tại TP.HCM.

Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác
Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác

Hát trống quân Đức Bác là sự kết hợp giữa lời hát và nhịp điệu, cùng với những khúc hát sôi động xoay quanh các chàng trai Đức Bác và cô đào Phù Ninh.

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ
Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ3

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng thường được nhiều người biết đến với tư cách một nhà khoa học nông nghiệp, nhưng ít ai biết ông từng có thơ được in từ thời sinh viên.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã rời khỏi dương gian 23 năm, nhưng di sản nghệ thuật của ông vẫn không ngừng lôi cuốn công chúng, trong đó có những đoản văn tự tình.

Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’
Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’

Việc ứng xử như sách đã chép ít nhiều thể hiện sự tôn trọng đáng kể, dù 'Thư thất điều' đã khiến vua Khải Định bẽ mặt với quốc dân đồng bào ở trong và ngoài nước lúc đó.

Hà Giang hút khách
Hà Giang hút khách

Thị trấn Đồng Văn giờ khác lắm. Cầu trời, năm mười năm nữa, Đồng Văn sẽ không theo bước Tam Đảo, Sa Pa, nhà tầng chất ngất cướp mất dáng núi, thung mây...