Triết gia Trần Đức Thảo - nước đại dương kết giọt chốn không bờ

Nhà văn Thái Vũ - Thứ Ba, 27/06/2023 , 10:41 (GMT+7)

Thầy đi vào triết học như đi tìm cái Đẹp trong mơ, như nước đại dương kết giọt chốn không bờ, như giữa mênh mông sa mạc mà mây trời không chiếu ánh...

GS Trần Đức Thảo (hàng sau, thứ 2 từ phải qua) cùng các đồng nghiệp giảng dạy Đại học tại Hà Nội năm 1955. Ảnh: Tư liệu KMS.

GS Trần Đức Thảo (hàng sau, thứ 2 từ phải qua) cùng các đồng nghiệp giảng dạy Đại học tại Hà Nội năm 1955. Ảnh: Tư liệu KMS.

Những ngày cuối năm 2006, nhà văn Thái Vũ (1928 - 2013) bắt tay vào viết hồi ký. Ông khởi bút về người thầy dạy ở đại học: GS Trần Đức Thảo (1917 - 1993). Năm 2009, hồi ức “Giọt nước thời gian” của nhà văn Thái Vũ hoàn thành. Ông đã gửi bản thảo đến một số bạn bè ở Hà Nội, Huế và TP.HCM.

Nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của nhà văn Thái Vũ và 30 năm ngày triết gia Trần Đức Thảo qua đời, Báo Nông nghiệp Việt Nam giới thiệu đến bạn đọc những trang hồi ức về thầy, về bạn của cây bút viết tiểu thuyết với những trang sử đẹp.

I. Triết gia Trần Đức Thảo với Hà Nội 

Đọc báo Tiền phong Chủ nhật số 46, ngày 12/11/2006, tôi rất mừng khi thấy báo có đăng bài “Số phận di cảo triết học của triết gia lữ hành Trần Đức Thảo”. Mừng nhưng không vui vì chính “di cảo” của Thầy cũng lại là một cuộc “lữ hành” chưa định nơi trú ngụ.

Tất nhiên, thầy giáo nào lại không có học trò, như chính cụ Khổng Tử có đến 3.000 người, nhưng người được theo cụ nhiều nhất có lẽ là thầy Tử Lộ. Với cá nhân tôi (Thái Vũ), tôi được gần Thầy từ năm 1955, năm thứ 3 Đại học Sư phạm Văn học đến năm 1989 khi Thầy được Chính phủ Việt Nam cho phép và trợ cấp qua Pháp ba tháng để hoàn tất 4 chương cuối cùng của một soạn thảo công trình triết học.

Vô Sài Gòn, lúc đầu Thầy ở tầng 2 của khách sạn Bến Nghé đường Nguyễn Trung Trực, quận I, được sự quan tâm giúp đỡ của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, theo tôi được biết trực tiếp là ông Trần Bạch Đằng. Năm 1986, nước Việt Nam đang “đổi mới”, bước đầu đi vào “kinh tế thị trường” nên báo giới - nhất là tờ Văn nghệ của Hội Nhà văn - cũng thoải mái hơn. Trên bàn Thầy luôn có Tạp chí Cộng sản số mới nhất, còn các số báo Văn nghệ của Hội Nhà văn thì tôi cho Thầy mượn đọc vì có mấy truyện ngắn “đổi mới” đang gây xôn xao dư luận…

Cho nên xin cứ nói rõ: Tôi là người học trò duy nhất từ năm 1955 được thầy tặng cuốn Phénomélogie et le Marxisme dialectique, NXB Minh Tân in tại Pháp, bìa mỏng màu xám nhạt và năm 1988 Thầy tặng tôi cuốn Vấn đề con người và Chủ nghĩa “Lý luận không có con người”. Tôi đã luôn may mắn được gần Thầy, nhất là khi Thầy ở trong ngôi biệt thự số 21 phố Hàng Chuối, không xa nơi tôi ở 26 phố Lò Đúc, có một ngách nhỏ thông qua Hàng Chuối.

Ngôi biệt thự này có một tầng trên, tất cả đều được Bộ Giáo dục cấp cho các giáo sư dạy đại học, như các thầy Đào Duy Anh, thầy Cao Xuân Huy thân sinh bạn Cao Xuân Hạo. Thầy Trần Đức Thảo ở tầng trên, phía sau là dãy nhà bếp, cầu thang xây phía ngoài. Cô Nguyễn Thị Nhất, vợ thầy, cũng từ Pháp về, biên soạn sách giáo khoa vỡ lòng, có lần xuống bếp, trượt cầu thang ngã, bị sẩy thai… Chuyện buồn đó ai cũng biết.

Như vậy, tính từ năm 1955 thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đến cuối năm 1989, thời nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, khi Thầy vô Sài Gòn, tuy cách quãng, tôi đã có quan hệ bên Thầy gần 40 năm. Tôi có thể chia ra làm 3 giai đoạn như sau:

Thạc sĩ triết học Trần Đức Thảo tại Phố Giá (Thái Nguyên) năm 1951-1952. Ảnh: Tư liệu GS.NGND Nguyễn Đình Chú.

Thạc sĩ triết học Trần Đức Thảo tại Phố Giá (Thái Nguyên) năm 1951-1952. Ảnh: Tư liệu GS.NGND Nguyễn Đình Chú.

Những năm đầu trong kháng chiến chống Pháp ở chiến trường Liên khu 5 (cũ), vốn là học sinh nhớ nhà, tôi và một số bạn thường hát bài “Ngày về” của nhạc sĩ Hoàng Giác (người Hà Nội) với câu đầu “Tung cánh chim tìm về tổ ấm”. Ở Pháp hơn 20 năm, học và thành tài - từng tranh luận với nhà văn và triết gia J. P. Sartre về “chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa hiện sinh” - hẳn triết gia Trần Đức Thảo cũng đã bao lần mong ước được trở về tổ ấm quê hương Việt Nam.

Điểm nổi bật nữa là giữa thủ đô Paris hoa lệ, không phải là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, ông lại là người bảo vệ chủ nghĩa Mác một cách trung thực và thành tâm, không a-dua trong nhận thức độc lập của mình. Từ năm 1955 ông về Hà Nội và dạy triết học cao cấp ở trường Đại học Sư phạm Văn học (cho hai lớp Văn và Sử). Thầy đi vào triết học như đi tìm cái Đẹp trong mơ, như nước đại dương kết giọt chốn không bờ, như giữa mênh mông sa mạc mà mây trời không chiếu ánh. Người có lòng nhân mà tìm không ra cõi thiện.

Thầy đang suy tư giữa Hà Nội mới giải phóng, lớp cử nhân trường Đại học Sư phạm Văn vừa tốt nghiệp khoá đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vào tháng 6/1956, thì bài báo “Trăm hoa đua nở” của Chu Dương từ bên Trung Quốc tràn qua. Tiếp đến vào tháng 8/1956 xuất hiện tập Giai phẩm mùa Thu của nhóm Nguyễn Hữu Đang, rồi qua tháng 9, số 1 và số 2 tờ Nhân văn

Và tháng 10 năm 1956, trên số 3 tờ Nhân văn xuất hiện bài báo “Nỗ lực phát triển tự do dân chủ” của giáo sư Trần Đức Thảo. Thầy ơi, Thầy đã suy tư từ hạt nhân duy lý của Hégel đến “vấn đề con người” và “sự hình thành con người”, nhưng từ năm 1956, phải chăng thầy như Prométhée thần thoại mang ngọn lửa về cho nhân loại đã bị nạn?

Ông Hà Xuân Trường, người lãnh đạo ngành văn hoá tư tưởng, phụ trách Tạp chí Cộng sản nhận được thư trình bày của giáo sư Trần Đức Thảo, về “nguyên nhân tham gia Nhân văn”: “Anh hiểu Nhân văn không giống như nhiều người hiểu, hơn nữa chung quanh “vấn đề Nhân văn” anh thấy có nhiều điều xuyên tạc, còn anh - như anh tâm sự - lại muốn bảo vệ uy tín của Đảng và Chính phủ”. Chính Hà Xuân Trường đã nhìn nhận: “Trần Đức Thảo là nhà mác-xít kiên định, một người cộng sản ngoài Đảng Cộng sản, anh phê phán tư duy siêu hình của Stalin, của Mao Trạch Đông, nhưng anh cũng có chịu ảnh hưởng Stalinít - Maoít…”

Trường hợp GS Trần Đức Thảo tham gia viết bài cho tờ báo Nhân văn và tập san Giai phẩm là như vậy. Nhưng đâu chỉ riêng ông, ở nhóm đại học còn có giáo sư Đào Duy Anh, giáo sư Nguyễn Mạnh Tường, giáo sư Trương Tửu, chưa nói đến các học trò khoa Văn vừa tốt nghiệp khoá đầu. Nói lan ra thì cả các bậc đàn anh, các nhà văn kỳ cựu từ trước Cách mạng tháng Tám 1945 như Nguyễn Tuân, Văn Cao và Nguyễn Huy Tưởng… mấy ai có hơi hướng yêu cầu tự do dân chủ mà không bị ghép vào Nhân văn -Giai phẩm trong cái thời Bắc - Nam hai ngả với hai chế độ xã hội khác nhau, đối kháng nhau đó?

Để bạn trẻ sau này hiểu rõ hơn “vấn đề tự do dân chủ” được đòi hỏi tức thời những năm đó, cho dù khi tờ Nhân văn chưa ra đời vào hè 1956, nhất là khi bài báo “Trăm hoa đua nở” lại là “liều khởi động kích thích”… với lớp trí thức trẻ từ kháng chiến chống Pháp về công tác và học tại Thủ đô Hà Nội kể cả các địa phương khác và cả bên quân đội đều hưởng ứng...

Tôi cũng xin trích một đoạn sau đây của tác giả Phạm Thành Hưng trong bài báo “Triết gia lữ hành Trần Đức Thảo” đăng trên báo Văn nghệ của Hội Nhà văn số 17-18 (ra ngày 29/4/ và 6/5/2006): “Nội dung xã hội và những hình thức của tự do” cùng một số bài khác (của TĐT), công bố trong hai năm 1955 - 1956, thực chất chỉ là những suy nghĩ tìm tòi rất tự nhiên, chân thành của một học giả quen viết bằng tiếng Pháp và quen khái quát, trừu tượng hoá những vấn đề vốn rất rối rắm trong thực tế…”.

Như thế để thấy rõ rằng những năm đầu tiên sau kháng chiến chống Pháp và tiếp quản thủ đô Hà Nội, cảng Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định vùng đất cũ thuộc Pháp quả thật là “hạ tầng cơ sở” đã chi phối “thượng tầng kiến trúc”.

Quả là một nhận thức của một người có công tâm, cám ơn tác giả Phạm Thành Hưng. Vậy cái nội dung xã hội “rất rối rắm trong thực tế” hai năm 1955 - 1956, khi Trường Đại học Sư phạm Văn học nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà khai trương trong lòng một thủ đô bị địch chiếm mới được giải phóng là như thế nào? Đây là một xã hội được tiếp quản đang mang nhiều “sắc thái tự do” theo hướng tư bản chủ nghĩa - có thể nói là không thuần nhất: tự do trong sinh hoạt kinh tế, tự do trong sinh hoạt báo chí và xuất bản, tự do trong cả ngành giáo dục, cả tín ngưỡng lẫn pháp luật…; khi Chính phủ ta chưa áp đặt một cơ chế chính trị ổn định cũng là lúc Đảng và nhà nước ta đang sửa sai về Cải cách Ruộng đất.

Triết gia Trần Đức Thảo vốn đã sống, học tập và sinh hoạt, tham gia các cuộc hội thảo và tranh luận về triết học “thoải mái” ngay giữa lòng thủ đô Paris mang nhiều sắc thái văn hoá châu Âu và thế giới. Ông “thanh minh” với ông Hà Xuân Trường vì sao ông viết bài về “Tự do dân chủ” đăng trên tờ Nhân văn số 3 vào tháng 10/1956, và cũng như tác giả Phạm Thành Hưng giải thích: “Bối cảnh chính trị phức tạp thời kỳ chiến tranh lạnh, sự ấu trĩ và lối nghĩ cơ hội của một số kẻ xấu bụng đã vô tình đẩy ông (TĐT) ra khỏi giảng đường”. Mà chỉ riêng đâu một mình GS Trần Đức Thảo trong cảnh bàng hoàng, ngơ ngác của những con người có “chủ nghĩa” mà các cụ ta xưa, thời Nho học tự hào là nguyên khí quốc gia! Ôi, nguyên khí quốc gia mới hiếm làm sao!

Vậy nội dung xã hội về mặt sinh hoạt ở hạ tầng cơ sở thời gian đó là những gì qua mấy năm tiếp quản thủ đô? Kể gọn nhưng hơi dài dòng về tư liệu, từ năm 1955 - 1956 như sau:

Về kinh tế: Mọi quan hệ về thương mại, trao đổi hàng hoá, chi phí lương bổng, v.v… đều sử dụng loại tiền gọi là tiền tài chính ở Liên khu 4, đi chợ phải mang bị cói để đựng tiền…

Về giáo dục: tháng 10/1954 tiếp quản thủ đô Hà Nội nhưng từ Nam Định (được giải phóng trước) lên đến Hà Nội xuống Hải Dương, Hải Phòng, các trường tư thục cũ vẫn tồn tại, không kể các trường đã tự giải tán khi các thầy cô giáo đã xuống Hải Phòng vô Nam vì tới tháng 5/1955 mới chấm dứt “tự do vô Nam”. Ở Hà Nội, lớp trẻ chúng tôi không có học bổng (mặc dù học Đai học Sư phạm) nên đều phải đi dạy tư, như Cao Xuân Hạo, Phan Kế Hoành dạy trường Khai Thành là trường cấp 3, một trường tư thục nổi tiếng ở Hà Nội cũ, trụ sở ở phố Hàng Chuối. Tôi dạy một lúc hai trường: Trường Dân Chủ ở khuôn viên dọc theo đường Lý Thường Kiệt lên phía ga từ chùa Quán Sứ, có nhiều sư ni học vì trường cấp 3 này do nhà chùa quản lý, trường Điện Biên Phủ, cũng trường cấp 3 do anh Vương Tử Ba trước 1945 dạy ở Quốc Học Huế, tản cư ra Liên khu 4, nay về Hà Nội mở trường. Ngoài ra, tôi cùng người bạn thân Nguyễn Xuân Trường, học Đại học Y khoa, mở một lớp dạy tối (ban ngày là lớp tiểu học) ở phố Lò Sũ. Lớp tối dạy cấp 3 này rất tuyệt, toàn là các nữ sinh đẹp và duyên dáng con nhà giàu ở phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường, học khoảng 8 cô thôi, khá giỏi tiếng Pháp. Phổ thông trung học thì như thế, còn tiểu học thì… loạn.

Về báo chínhà xuất bản: sinh hoạt này là “cơ chủ” đại diện cho cơ chế tự do dân chủ! Ngoài mấy tờ báo từ kháng chiến chống Pháp “kéo về”, có chấn chỉnh đôi chút cho phù hợp với thủ đô, như báo Nhân dân ở phố Hàng Trống, báo Quân đội Nhân dân ở đường Lý Nam Đế gần ngã ba Phan Đình Phùng, vườn hoa Hàng Đậu; báo Văn nghệ có 2-3 cơ sở. Đảng Xã hội của Luật sư Nguyễn Xiển có tờ Tổ quốc, trụ sở ở đường Nguyễn Du, phía trên ngã năm đường Bà Triệu (sau này nhà thơ Nguyễn Bao, Đại học Sư phạm Văn khoa khoá II, 1957, về đây công tác). Nhưng thoải mái nhất là tờ Độc lập (có Câu lạc bộ Dân chủ ở đường Tràng Tiền, gần Nhà hát Lớn) của Đảng Dân chủ, do Thứ trưởng Bộ Văn hoá Đỗ Đức Dục và luật sư Dương Đức Hiền đặc trách, có nhà thơ Ngô Quân Miện trong ban biên tập. Tờ báo này “chiêu hiền đãi sĩ” rộng rãi, có nhạc sĩ Văn Cao minh hoạ. Mấy truyện ngắn lịch sử của tôi trong những năm 1965-1975 ở báo này đều do Văn Cao minh hoạ. Song hồi 1955 - 1956 tôi đã giới thiệu Thúc Hà đăng thơ ở báo này.

Về báo chí, mấy năm đó có tờ Thời mới, tờ Tia sáng (của chủ cũ Hà Nội đã vô Nam, nhưng chỉ sống một thời gian ngắn), tờ Hoà bình của nhóm ông Nguyễn Đức Thuyết, trụ sở bên số chẵn Hàng Trống, chếch với trụ sở báo Nhân dân. Tờ báo này cũng chết yểu vì nội dung nghèo nàn như tờ Thống nhất của Ban Liên lạc miền Nam, thuộc Hội Văn nghệ Việt Nam, đăng các bài văn thơ hướng về Nam. Trong một cuộc thi truyện ngắn của báo này, tôi có gửi 3 bài, được nằm trong giải thưởng, nhưng khi nhà văn Nguyễn Văn Bổng đến báo tin mừng biết tên Nhiên Vũ chính là Bùi Quang Đoài, thì nhà văn này “bay bổng” như chim bị tên…

Chính vì thế tôi đã có lời nguyền là sẽ không bao giờ viết truyện ngắn đời thường nữa! Như trên là khá đầy đủ về mặt “anh hào báo chí”, sau đấy là các nhà xuất bản, đất “hào hoa” cho các nhà văn nhà thơ có thể dụng võ. Thượng đỉnh là Nhà xuất bản Văn nghệ của Hội Văn nghệ Trung ương lúc đó mới từ Việt Bắc về (Hội Nhà văn Việt Nam thành lập giữa năm 1957). Nhà thơ Hoàng Cầm làm Phó giám đốc, còn Giám đốc là ông Hoài Chân, đồng tác giả cuốn Thi nhân Việt Nam với Hoài Thanh.

Nhà xuất bản Văn nghệ này đã in Tuyển tập thơ Việt Nam 1950-1954 lúc mới về Hà Nội, trong đó có bài thơ “Các anh” của Bùi Quang Đoài. Bài này đã được in trên báo Văn nghệ ở Việt Bắc năm 1953. Cũng bài này năm đó, nhà xuất bản Giáo dục của Bộ Giáo dục in trong sách giáo khoa lớp 6, đến năm 1963 thời bao cấp thì bỏ. Chính nhà xuất bản Văn nghệ này cũng in tuyển tập thơ Dọc Trường Sơn của các văn nghệ sĩ Liên khu 5 trong đó có các nhà thơ Tế Hanh, Khương Hữu Dụng, Trần Mai Ninh, Lương An, Nguyễn Đình…, có cả bài thơ “Qua Bồ Bồ” của Bùi Quang Đoài. Tập thơ này do nhà sưu tầm Trinh Đường chủ biên năm 1956 - 1957...

Nhà xuất bản Quân đội cũng như báo Quân đội Nhân dân đều có mặt từ năm 1955, khi nhà xuất bản Quân đội mở rộng đề tài về truyền thống đấu tranh bảo vệ đất nước, Thái Vũ đưa bản thảo lần đầu cuốn tiểu thuyết lịch sử Cờ nghĩa Ba Đình do nhà thơ Minh Giang giới thiệu, dù biết rằng tác giả có cảm tình với nhóm Nhân văn - Giai phẩm. Vậy là cả nhà thơ Minh Giang cũng không thoát “tai nạn nghề nghiệp”…

Nhà văn Thái Vũ
Bên dòng Kiến Giang huyền thoại
Bên dòng Kiến Giang huyền thoại3

Sự hiểu biết cùng cảm xúc rất đặc biệt của cô bé Hà Nội 12 tuổi về đất và người Lệ Thủy, Quảng Bình.

'Dân Ông Tạ' cất giữ một phần ký ức đô thị phương Nam
'Dân Ông Tạ' cất giữ một phần ký ức đô thị phương Nam

'Dân Ông Tạ' là cộng đồng người gốc Bắc di cư vào nam, được tác giả Cù Mai Công phản ánh trong bộ sách 'Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó'.

Viết ngược từ theo sở thích làm méo mó ngôn ngữ Việt
Viết ngược từ theo sở thích làm méo mó ngôn ngữ Việt

Gần đây, trường hợp viết đảo ngược từ xuất hiện tràn lan và ngày một phát triển. Có cơ hội, có dịp là đảo ngược. Đảo lấy được. Nhà văn, nhà báo cũng đua nhau viết ngược từ.

Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt trong tâm hồn người Việt, một lần nữa được nhắc nhớ qua chương trình đặc biệt kỷ niệm Giỗ tổ Hùng Vương trên Nông nghiệp Radio tối nay (18/4).

Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc
Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Nhà báo, nhà văn Dương Bá Trạc (1884-1944), hiệu Tuyết Huy, là anh trai của nhà giáo Dương Quảng Hàm. Cụ cùng các chiến sĩ đã sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục.

Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết
Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết

Đại tá Nguyễn Văn Hồng sau 30 năm cầm súng lại có tiếp 30 năm cầm bút, đó là nội dung tọa đàm văn chương diễn ra sáng 12/4 tại TP.HCM.

Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác
Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác

Hát trống quân Đức Bác là sự kết hợp giữa lời hát và nhịp điệu, cùng với những khúc hát sôi động xoay quanh các chàng trai Đức Bác và cô đào Phù Ninh.

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ
Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ3

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng thường được nhiều người biết đến với tư cách một nhà khoa học nông nghiệp, nhưng ít ai biết ông từng có thơ được in từ thời sinh viên.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã rời khỏi dương gian 23 năm, nhưng di sản nghệ thuật của ông vẫn không ngừng lôi cuốn công chúng, trong đó có những đoản văn tự tình.

Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’
Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’

Việc ứng xử như sách đã chép ít nhiều thể hiện sự tôn trọng đáng kể, dù 'Thư thất điều' đã khiến vua Khải Định bẽ mặt với quốc dân đồng bào ở trong và ngoài nước lúc đó.

Hà Giang hút khách
Hà Giang hút khách

Thị trấn Đồng Văn giờ khác lắm. Cầu trời, năm mười năm nữa, Đồng Văn sẽ không theo bước Tam Đảo, Sa Pa, nhà tầng chất ngất cướp mất dáng núi, thung mây...

Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh
Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh

Trong bài văn tế Phan Châu Trinh, Sào Nam Phan Bội Châu đánh giá 'Thư thất điều đón giá như Tây, uy sấm chớp chẳng kinh cùng chẳng hãi'.