| Hotline: 0983.970.780

Nỗi nhớ xa xăm, tùy bút nhà văn Trần Huy Quang: [Kỳ 2] Bảng lảng chuông chùa

Thứ Ba 26/07/2022 , 07:55 (GMT+7)

Năm tôi đi bộ đội, đóng quân ở Can Lộc, một lần tôi đã leo núi Hồng Lĩnh, vịn cây trong mây, tìm đến chùa Hương Tích xem còn dấu vết gì của sư nữ.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Cây gạo cổ quái, không có lá, mọc giữa bờ rào hai nhà, cạnh con ngõ ra đường cái. Nhà bên kia đang lên đồng, múa hát trống phách ầm ĩ từ khi nào. Sau mùa lễ hội Đền Qui Lĩnh, hoa gạo đỏ rực rỡ lên tận trời. Hoa rụng xoay tròn như múa, rải đầy cả vườn.

Bài liên quan

Tôi nhặt những bông hoa gạo đầu mùa, mơn man những cánh hoa mềm và đỏ thắm trên tay, mặc kệ ông nội và o Sáu đang ăn cháo buổi sáng. Khi tôi vào ông tôi ăn đã xong, o bê bát cháo ra cho tôi và húp thử một miếng xem nguội chưa, tôi dỗi khóc và không chịu ăn. O tôi bực quá phát cho một cái vào đít lại đúng vào lúc dượng Trình đến chơi. Ông nội tôi đã gả o Sáu cho dượng Trình năm ngoái, rằm tháng bảy hay tết nhất đều đưa lễ đầy đủ nhưng o Sáu tôi ngủng ngẳng lại rất sợ ông nội tôi biết. Tôi níu lấy tay dượng Trình, lúc ấy đang chào ông nội tôi, nói o Sáu tôi ghét dượng, không lấy dượng mô.

Chưa nghe xong o Sáu đã giằng lấy tay tôi kéo lại phát tiếp cho tôi liền hai phát rồi bỏ chạy trước khi thấy ông tôi trợn mắt lên và dượng Trình thì như người chết đứng, không động đậy. Vì câu nói cho bõ tức ấy mà tôi bị mệ tôi phạt một roi chứ o Sáu cũng không bỏ được dượng Trình. Mấy năm sau làm đám cưới, o ở với dượng được hơn năm rồi lại bỏ nhau. O Sáu tôi xinh đẹp nhất nhà, mắt lúng liếng lại đen như hạt nhãn, miệng cứ như cười, mệ tôi bảo o đã có hứa hẹn tình ý gì đó với thày giáo làng, người vùng khác. Dượng Trình đi bộ đội lên tướng, đi xe con về thăm quê, còn o Sáu tôi cũng hát xướng, cũng công tác nhưng vì lúng liếng, chòng chành mà lận đận mãi mới yên bề.

Chắc đó là thời gian thày mệ tôi mới ra ở riêng, làm nhà trên đất ông ngoại tôi cho. Làng tôi là vậy, con cái đứa nào có gia đình trước cho ra ở riêng mà tự lập, lo làm ăn xây dựng nhà cửa, sau đó con trưởng có người về từ đường, có người không. Nhà tôi ở riêng không biết bao lâu, tôi chỉ nhớ, một buổi chiều đã mờ đất mà ba chị em còn mải chơi ngoài bờ ruộng. Xung quanh còn hoang vắng, phía sau là vườn cây dại um tùm, phía dưới nữa mới là nhà ông ngoại tôi. Cũng ở đó, một lần mẹ tôi nấu cơm, gạt đám than hồng ra để vần nồi cơm thì một hòn than văng lên chân cậu em kế tôi gây bỏng, vết sẹo ấy khi lớn lên vẫn còn. Tần tảo của cha mẹ, hiu hắt của bầy con giống như vết sẹo ấy trong kí ức.

Dù xa thẳm trong nỗi nhớ tuổi thơ, tôi vẫn còn thuộc mọi thứ ở nhà ông ngoại, chắc hồi bé tôi chơi ở đó rất nhiều. Cụ ngoại tôi khi ấy còn sống, đã già lắm, râu dài xuống đến ngực, trắng như tơ, quắc thước. Cụ ngoại và ông ngoại tôi đều là phó mộc, các cụ để lại căn nhà cổ còn lại đến ngày nay. Đằng trước nhà ngoại có con ngõ nhỏ chạy qua, có một cái giếng riêng, chạy dọc ngõ là hàng cau rễ mọc tua tủa trên gốc, trắng nõn. Khi tôi nghe mự Thìn Cảo kể chuyện đời xưa thì cứ hình dung cái giếng của cô Tấm giống như cái giếng của ông ngoại tôi vì bốn thành giếng cũng có rêu xanh và cũng có một con cá đen đen ở dưới đó. Sau này đọc truyện cổ tích mới biết, hóa ra những chuyện như Sọ Dừa, Cây tre trăm đốt, Tấm Cám… đều là chuyện đời xưa tôi đã từng nghe đi nghe lại mự Thìn Cảo kể cho bọn con nít nghe trên những cối giã gạo vào các buổi tối khi công việc đồng áng ban ngày đã vãn.

Hồi ấy, tức là cả thời xa xưa, mỗi thôn hay giáp chỉ có một cái giếng. Giếng xây bằng sò đào ở mỏ sò sâu đến ba bốn mét ngoài bãi biển lên, giống như đá ong ngoài Sơn Tây. Mỏ sò rộng độ vài cây số vuông, sát bờ biển, vết tích còn lại là vùng đất trũng chỉ giồng được một vụ khoai, nếu năm nào lụt sớm thì mất trắng. Gạt một lớp cát mỏng độ dăm gang tay là gặp lớp sò sảnh kết tinh rắn chắc dày dưới lòng đất, chỉ cần dùng thuổng chắn thành từng viên vuông vức đưa về xây nhà. Mỏ sò ở đây không lớn như ở Phủ Diễn nhưng cũng đủ cho dân Kẻ Mơ xây nhà, xây giếng, xây các công trình tôn giáo, tín ngưỡng vững bền hàng mấy trăm năm.   

Ít nhà có giếng xây riêng như nhà ông ngoại tôi. Dân cả thôn Văn Thơ ăn chung nước giếng Thơ, xây sò đào, hình tròn, nước bốn mùa trong veo. Giếng Thơ là nơi tụ hội gặp gỡ của những nam thanh nữ tú tuổi cập kê mà không phải đợi đến ngày lễ hội. Là nơi chiều chiều các cô yếm thắm răng đen nhức tóc đuôi gà vắt vẻo sau cái khăn mỏ quạ, duyên dáng quảy đôi nồi đình ra giếng gánh nước về ăn, nơi các chàng lực điền quần còn xắn móng lợn, hạ cái cày xuống vệ đường đến xin các o mo nước uống hay rửa chân tay sau buổi cày. Là nơi các bà các chị đi bán nái bán vải về hỏi thăm nhau chợ nào bán được giá. Nhưng đặc biệt nhất là nơi các nàng yếm thắm lưng ong suốt ngày gò lưng trên khung cửi và các chàng trai vỡ giọng cày cuốc ngoài đồng, giờ được dịp ‘lúng liếng là lúng liếng ơi’, để nảy nở những mối tình muối mặn gừng cay mang nặng chua ngọt của xứ sở. Ai mà biết trước được, ngọt bùi không vương chút đắng cay, nước mắt và để lại những tiếc nuối Non xanh nước biếc xin đừng quên nhau mới tạo nên cái chất mặn mà, đằm thắm, muối mặn gừng cay gọi là đặc sản của gái xứ Nghệ.

Giếng tên Thơ mà có lúc cũng thật là thơ. Cạnh giếng có một cây vông, cành lá xum xuê, rợp bóng cả một vùng. Có người nói là cây ngô đồng, chắc trong làng đã có chàng trai Chiều chiều ra đứng tây lầu tây, thương cô gánh nước tưới cây ngô đồng?

Sau cây vông là nhà ông Gia Huệ, một cái nhà bốn gian, tường xây lợp ngói âm dương nhưng đã rêu phong, dột nát tàn tạ. Thày tôi nói, ông là nhà cách mạng, năm Xô Viết Nghệ An ông bị đi tù xa lắm, rồi được thả, ông về lại tiếp tục hoạt động cách mạng, sau Cách mạng tháng Tám ông là chủ tịch đầu tiên của xã này.

Sau nhà ông Gia Huệ là nhà ông Xin Được, mẹ tôi gọi ông bằng dượng, nhà ông nghèo lợp rạ nhưng có cây táo quả vàng rực chúng tôi phát thèm. Mùa táo chín ông bà xâu lại thành từng xâu đem chợ bán. Tuy nhiên, mùa táo không làm cho bọn con nít ngất ngây bằng mùa ổi. Nhà ông Xin có hẳn một vườn ổi sau nhà, đủ loại, vàng ruột, đỏ ruột hay trắng ruột đều có và rất ngọt. Bọn tôi đi học thích đi qua con đường ngang vườn ổi để xuýt xoa, để hít hà mùi ổi chín thơm lừng. Trong sương gió dịu nhẹ ban mai, mùi hương ổi càng đậm đà, càng làm xao xuyến cái bụng vốn chỉ có củ khoai lang luộc của bọn háu ăn. Rất nhiều những quả ổi chín vàng bị cắn một nửa rơi vãi dọc đường. Người lớn bảo đó là những quả bị dơi ăn rụng xuống nhưng chẳng đứa nào tin. Ma ăn thì có. Người lớn hay nói khác đi để cho bọn con nít khỏi sợ ma. Chẳng thấy dơi đâu, chỉ thấy chim đỗ trĩu cả cành cây. Nhiều đứa còn cãi mẹ nó đẻ em bé ở nách vì mệ tau nói thế…

Gần giếng Thơ, phía nam, cách độ vài trăm thước là chùa Giáp, ngôi chùa cổ kính, tường xây ban bệ trước sân đều đã đen xỉn, cây đại cũng đã già lão lắm, không còn sức để ra lá ra hoa. Chùa này là chùa của thôn, của giáp. Chùa của làng Phú Minh là chùa Gáo. Chùa có ba tòa nối nhau, có tháp chuông, có con voi cao như cái nhà, trát vôi, đứng dưới bóng cây xoài đồ sộ xanh tươi. Sau chùa còn có mấy cái tháp là mộ của các đời sư trụ trì chùa Gáo. Chùa có ruộng chùa, mấy sào đằng trước cho sư cày cấy nuôi sư. Khi tôi học lớp nhì lớp nhất, chùa đã vắng hoe. Tượng ông Thiện ông Ác, ông béo ông gầy bị đem ra ruộng làm bù nhìn đuổi chim, chim không dám bén mảng mà con nít cũng hết hồn. Khi tan học mấy đứa bao giờ cũng rẽ vào chùa ném rụng những quả xoài còn sót lại hoặc hai đứa rủ nhau vòng tay ôm xem cột chùa to đến mức nào.   

Chùa Giáp tuy nhỏ nhưng lại có tiếng là linh thiêng, nó vừa u tịch trong sự cổ kính, vừa bảng lảng như trong mây rồi hiện dần trong ánh tà dương làm hút hồn du khách thập phương một thời. Bắt đầu cũng do một giai thoại.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Năm ấy, chùa Giáp chưa có sư trụ trì, thỉnh thoảng sư trên chùa Gáo xuống tụng kinh, giảng pháp khi các bà phật tử yêu cầu. Rồi một hôm sư trụ trì chùa Gáo đưa một nhà sư trẻ, lại là sư gái về chăm lo hương đèn tại chùa Giáp. Thế là từ đó chùa Giáp, trong sự thanh vắng chiều tà, trong vần vũ làn sương tháng giêng lại khắc khoải tiếng gõ mõ tụng kinh và thướt tha như có như không bóng áo nâu sồng. Không ngờ sư nữ chùa Giáp là một cô gái mới mười tám tuổi lại rất xinh đẹp. Bắt đầu không có du khách nào để ý nếu như không có sự xì xào tiếc nuối của các bà phật tử những ngày sóc vọng ra hương khói nơi cửa Phật. Tấm thân con gái dù được ẩn kín trong vẻ nâu sồng, vẫn toát ra vẻ thướt tha kiều diễm của một dáng vẻ tiểu thư con nhà giàu có đôi mắt nữ sư luôn nhìn xuống buồn thăm thẳm nhưng vẫn lộ ra hàng mi rợp, đen láy của một đôi mắt mơ màng như sương khói. Nhà sư người xứ đâu không ai biết, nhưng chắc xa, giọng nói không phải người trong vùng, và vì sao một cô gái trẻ đẹp như vậy phải xuống tóc đi tu, quyết rũ bỏ niềm vui trần tục… cũng không ai biết.

Cho đến khi Cách mạng tháng Tám nổi lên, đền Nghè, nhà Thánh, miếu Võ, chùa Gáo, chùa Giáp là di sản của chế độ phong kiến đế quốc nên là đối tượng của cách mạng. Không ai đến chùa hay đền thắp hương cầu Phật nữa. Tất cả hương tàn khói lạnh. Các nhà sư bỏ chùa, không biết đi đâu. Chỉ riêng sư nữ chùa Giáp vì trẻ và xinh đẹp nên còn để lại chút ít đồn đoán. Người thì bảo nhà sư hoàn tục, sau đi hoạt động cách mạng. Lại có người nói nàng rời chùa Giáp trong một ngày sương mù giăng đầy đất trời, theo hướng Nam đi mãi, rồi lên đến tận đỉnh Hồng Lĩnh, tụng kinh mấy đêm liền trong chùa Hương Tích, nàng tìm một cái hang ngồi thiền hai mươi ngày rồi hóa. Có người nói, sau khi nàng đi độ non tuần trăng, có một chàng thanh niên tuấn tú, ăn vận sang trọng, tìm đến chùa Giáp hỏi tin nàng sư nữ… Người làng kể lại với chàng trai nhà sư đã biến thành sương bay đi chứ không còn là người trần. Chàng trai có lẽ không tin nhưng trước mắt chàng, trong ánh bạch lạp leo lét của một niềm tin sắp tàn, chàng trai chỉ thấy am thanh cảnh vắng, hương nhạt khói tàn tưởng người vừa ra đi tuần trăng mà như đã trăm năm.

Di tích nơi nhà sư nữ chùa Giáp hóa vẫn còn, từ chùa Hương Tích Hồng Lĩnh leo lên đó mất khoảng tiếng đồng hồ là gặp, ngày nay du khách thỉnh thoảng có người nhớ. Năm tôi đi bộ đội, đóng quân ở Can Lộc, có một lần tôi đã leo núi Hồng Lĩnh, vịn cây trong mây, cố tìm đến chùa Hương Tích xem còn dấu vết gì của sư nữ chùa Giáp, tôi đã thấy một nhà sư còn trẻ đang tụng kinh. Qua làn hương khói u tịch, tôi thấy nhà sư sao giống chàng trai năm xưa về chùa Giáp. Trên đời không thiếu gì điều phi lí và kì lạ, tôi vẫn cứ tin nhà sư này chính là chàng trai đã về tận chùa Giáp, làng Mơ để tìm nàng.

Bài viết cho chuyên mục xin được gửi về Báo Nông nghiệp Việt Nam, 14 Ngô Quyền, Hà Nội. Email: baonnvnts@gmail.com.

Hoặc liên hệ người phụ trách chuyên mục: Ông Tô Đức Huy, Trưởng ban Thư ký Tòa soạn; Điện thoại: 0913.378.918; Email: toduchuy75@gmail.com.

 

Trích trong “Nỗi nhớ xa xăm”, chưa xuất bản.

Xem thêm
Câu chuyện thứ mười hai: Câu chuyện cây cam hạnh phúc

'Cây cam của tôi', 'Cây xoài nhà tôi', 'Cây dừa vườn tôi', 'Gạo ruộng nhà mình', v.v là những câu chuyện sáng tạo mang nhiều ý nghĩa.

Triển khai toàn diện quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM

Ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật: Ngành Nông nghiệp, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, sẽ tiếp tục phối hợp tốt trong triển khai quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM.

Ra mắt câu lạc bộ 'Doanh nông xanh ba miền'

Câu lạc bộ 'Doanh nông xanh ba miền' chính thức ra mắt, đánh dấu bước ngoặt phát triển nông nghiệp bền vững. 18 thành viên Ban chủ nhiệm là những doanh nông tiêu biểu.

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến ngành đánh bắt cá của Na Uy

Đánh bắt cá là một trong những ngành kinh tế quan trọng của Na Uy. Ngành này đang bị ảnh hưởng không nhỏ bởi biến đổi khí hậu.