Phan Kế Bính - người có công với học giới nước nhà

Lí Học - Thứ Năm, 30/05/2024 , 11:10 (GMT+7)

Ngày 31/5/1921 là ngày cụ cử Phan Kế Bính tạ thế cõi trần. Cũng trong hôm đó, báo Thực nghiệp số 177 đăng bài 'Một cái tang chung cho báo giới nước nhà'.

Việt Nam phong tục – bản in của NXB Kim Đồng năm 2020 được đánh giá là theo đúng nguyên bản và ghi chính xác thời điểm tác phẩm được công bố năm 1915.

Ngày 31/5/1921 là ngày cụ cử Phan Kế Bính tạ thế cõi trần. Cũng trong hôm đó, báo Thực nghiệp số 177 đăng bài của Tống Thần Trần Văn Quang, là chủ bút của tờ báo với tiêu đề “Một cái tang chung cho báo giới nước nhà” đã thể hiện những suy nghĩ và đánh giá của một chủ bút tờ báo trước sự ra đi bất ngờ của nhà văn, nhà báo, dịch giả Phan Kế Bính.

1. Người có công với học giới nước nhà

Theo đó, chủ bút Trần Văn Quang cho biết rằng, cụ cử Phan Kế Bính bị “thụ bệnh từ năm ngoái”, tức là từ 1920, nên “Ông phải buông ngòi bút sắt mà về tĩnh dưỡng ở làng Thụy Khuê quê nhà, kí giả thường đi thăm ông, cùng ông thuật lại những điều kết quả về con đường dĩ vãng mà lo tính điều tạo nhân của bước đường tương lai…”

Và “những lời cùng nhau đàm luận còn văng vẳng bên tai, mà đã có cái thảm trạng kẻ dương gian người địa phủ này”, đó là những lời cụ cử Phan “than thở về phần đức dục nước nhà gặp cơn tai biến, hầu như trong thời đại bái kim này, cái chữ nghĩa vật chất thịnh hành đến nỗi đã phá hoại một phần công quả khá lớn cái chủ nghĩa tinh thần khiến cho trong khắp các giới, tuy bề biểu diện còn rất lớn là tươi mầu đẹp vẻ, mà trong lí diện thì suy đồi bạc nhược”.

Cụ cử Phan “định soạn một pho sách luân lí, đem cựu học mà dung hòa với tân học để cho bọn tân học sau này dù xung đột ở chốn vật chất chiến trường mà cũng duy trì được đôi chút quốc túy, họa chăng ở con đường tương lai mới lưu lại được những vết thơm của thầy hiền cha thánh nghìn xưa”.

Tất nhiên, chủ bút Trần Văn Quang nhận xét, cụ cử Phan Kế Bính “không phải là người thủ cựu quá đáng”, “không phải là người nhất đán phá hoại cái nền cổ cho tiệu diệt hẳn” nên “thuở sinh thời ông vốn nhiệt thành về việc cải lương hương lệ, chẳng những ông cổ động ở báo chương mà thôi, ông thực hành ngay việc cải lương ở làng ông. Làng Thụy Khuê nhờ về ông mà sự kết quả trong cuộc cải lương ngày nay rất là tươi tốt, nổi tiếng trong các dân xã về hạ Hà Đông, là hạt rất nhiều làng cải lương hơn các hạt khác”.

 Câu chuyện cảm động nhất mà chủ bút tờ Thực nghiệp kể lại là “chưa được mười lăm hôm, ở ngay trên giường”, cụ cử Phan Kế Bính cầm tay Trần Văn Quang “rớm nước mắt mà than rằng: Đệ này ở trên cõi trần chẳng còn bao năm ngày nữa, trông về con đường dĩ vãng của học giới nước nhà thì rất ngắn ngủi, mà cái tiền đồ thì còn xa lăng lắc. Cái trách nhiệm của quý hữu là một tay nhiệt thành trong làng văn ta thực là nặng nề lắm thay.

Làng văn ta từ khi nền quốc văn gây dựng lên đến giờ, hình như vẫn chưa thành lập được cái chế độ thống nhất như trong thời đại các bậc tiền bối. Bởi vậy các nhà văn sĩ vẫn không có cái cảm tình âu yếm, không đem cái dây thân ái mà liên lạc cùng nhau, hiện nay chia làm ba phái: Phái cựu học, phái tân học cùng phái quốc văn. Cựu học hình như quá thiên về tinh thần mà ghẻ lạnh tân học. Phái tân học thì xu hường về đường vật chất thường không chịu cùng với cựu học mà tác thành ra một nền văn học hoàn toàn”.

Qua đó, chủ bút Trần Văn Quang viết: “xem đó đủ biết ông Phan Kế Bính không bao giờ quên tấm lòng ưu thời mẫn thế. Những lời ông nói đó thành ra ông vĩnh quyết với kí giả đây, khiến cho kí giả không bao giờ quên được.{…}Than ôi! Non Nùng còn đó, công Nhị còn đây, nước chẩy mây bay tình dài giấy ngắn. Kí giả viết bài này để cùng quốc dân kỉ niệm một bậc tiền bối đã có công với học giới nước nhà”.

Công với học giới nước nhà đó, thể hiện tới ngày nay, khi tập “Việt Nam phong tục” của cụ cử Phan Kế Bính được bạn đọc đón nhận và tái bản nhiều lần.

Thực nghiệp dân báo, số ra ngày 1/6/1921 đã đăng bài về tang lễ cụ cử Phan Kế Bính.

2. Nói lại cho rõ: “Việt Nam phong tục” được xuất bản lần đầu năm 1915, không phải 1913-1914

“Việt Nam phong tục” vốn là những bài viết có hệ thống về phong tục Việt Nam của Phan Kế Bính đăng trên Đông Dương tạp chí năm 1915. Tới khi Phan Kế Bính từ trần (năm 1921) tới 1945 thì “Việt Nam phong tục” chưa lần nào in thành sách.

Ngày nay, nhiều cuốn sách tái bản “Việt Nam phong tục” cho rằng, cuốn sách đăng trên Đông Dương tạp chí từ số 24 đến số 49 năm 1913-1914 là một sự sai lầm đáng tiếc và những người biên tập sách đã không có một cơ sở dữ liệu nào để khẳng định điều này. “Đông Dương tạp chí” năm 1913-1914 lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Việt Nam không có trang nào đăng nội dung của Việt Nam phong tục. Sự thật là Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính đã được đăng tải trên Đông Dương tạp chí vào các số báo từ số 24 đến số 59 năm 1915 chứ không phải năm 1913-1914 như một số thông tin từ trước đến nay vẫn khẳng định.

Tài liệu này không thấy trong Thư viện Quốc gia Việt Nam mà chúng tôi tìm thấy do một nhà sưu tầm sách ở Thành phố Hồ Chí Minh cung cấp. Và, những nội dung theo bản gốc đó đã được Nhà xuất bản Kim Đồng tái bản năm 2020 với những hình ảnh vẽ minh họa rất đẹp của họa sĩ Bùi Thủy. Đó là trên góc độ văn bản.

Ở góc độ khác, bài điếu của ông Nguyễn Văn Vĩnh đọc tại đám tang cụ cử Phan ngày 1/6/1921 có câu “Bộ Việt Nam phong tục đăng trong năm 1915 thật là một cái tài liệu để kê cứu rất quý báu” đã cho thấy năm Việt Nam phong tục đăng trên báo là 1915. Hơn nữa, năm 1945, học giả Phạm Quỳnh với bài viết “Viếng ông Phan Kế Bính” in trong cuốn Thượng Chi văn tập, tập V. Đắc Lộ thư xã xuất bản đã nói rất rõ rằng: “còn tập Việt Nam phong tục và tập Việt Hán văn khảo đã đăng trong Đông Dương tạp chí năm xưa mà chưa từng in riêng ra sách. Nên ước ao rằng báo quán Trung Bắc tân văn sẽ đem in xuất bản hai quyển ấy, thời chắc quốc dân sẵn lòng hoan nghênh, vì là những sách đứng đắn, có giá trị, không giống những tập thơ văn mới xuất bản gần đây” thì cho thông tin rất rõ rằng Việt Nam phong tục mới chỉ đăng trên Đông Dương tạp chí chứ chưa từng in thành sách.

Ở đây, ý Phạm Quỳnh ước ao là báo Trung Bắc tân văn in 2 cuốn trên, còn thực tế cuốn Việt Hán văn khảo đã được Nhà in năm 1938 tại Sài Gòn do Phó bảng Hoàng Tăng Bí viết đề tựa.

Và tới nay, chưa thấy thư viện nào, nhà sưu tập nào có được cuốn sách “Việt Nam phong tục” in năm 1915 do một nhà in, nhà xuất bản nào đó in, ngoài bản đăng báo trên Đông Dương tạp chí.

Các bản in tái bản “Việt Nam phong tục” do Phong trào văn hóa in năm 1971 tại Sài Gòn và Nhà sách Khai trí in năm 1973 đều ghi chung một thông tin: “Trích trong Đông Dương tạp chí, từ số 24 đến số 49 (1913-1914)”. Sau này một số nhà xuất bản ở Miền Bắc tái bản cũng ghi thông tin như vậy và không kiểm chứng. Đó là một sự nhầm lẫn đáng tiếc bởi không căn cứ vào tư liệu gốc. Sự thật là Việt Nam phong tục in trên Đông Dương tạp chí vào năm 1915 và chưa từng in thành cuốn sách riêng biệt do một nhà xuất bản nào ấn hành khi tác giả còn sống và tới nhiều năm sau.

Lí Học
Tin khác
Từ đề thi tuyển sinh lớp 10 của Thanh Hóa: Bất ổn và âu lo
Từ đề thi tuyển sinh lớp 10 của Thanh Hóa: Bất ổn và âu lo5

Về một số điểm không ổn của đề thi Ngữ văn, tuyển sinh vào lớp 10 THPT tỉnh Thanh Hóa năm 2024.

Nhà báo Lưu Đình Triều giải mã băn khoăn ‘đời có yêu tôi’?
Nhà báo Lưu Đình Triều giải mã băn khoăn ‘đời có yêu tôi’?

Nhà báo Lưu Đình Triều công bố cuốn tự truyện ‘Đời có yêu tôi?”, chia sẻ những năm tháng vượt qua số phận trắc trở để gắn bó với nghề báo.

Nhà báo Lý Sinh Sự và dấu ấn thể loại tiểu phẩm
Nhà báo Lý Sinh Sự và dấu ấn thể loại tiểu phẩm

Nhà báo Lý Sinh Sự được đồng nghiệp thế hệ sau tôn vinh xứng đáng trong buổi ra mắt cuốn sách ‘Nói hay đừng’ vừa tổ chức tại Hà Nội sáng 18/6.

‘Tình ca tiếng nước ta’ ngân nga những cung bậc tiếng Việt
‘Tình ca tiếng nước ta’ ngân nga những cung bậc tiếng Việt

‘Tình ca tiếng nước ta’ của tác giả Dương Thành Truyền góp thêm một góc nhìn về tiếng Việt đa dạng và phong phú trong tâm hồn và trong đời sống người Việt.

Phan Thị Hà Dương: Tri kỷ
Phan Thị Hà Dương: Tri kỷ

Đã có nhiều ngày dài tôi băn khoăn tự hỏi khi nào và vì sao người ta là tri kỷ của nhau.

Trái tim trìu mến tương phùng ánh mắt hồn nhiên
Trái tim trìu mến tương phùng ánh mắt hồn nhiên

Trái tim trìu mến của một cô giáo nghỉ hưu, đã giúp nhà thơ Trần Hà Yên tìm được ánh mắt hồn nhiên trong thế giới trẻ em nhiều sắc màu ngộ nghĩnh.

Giáo dục, quan trọng nhất là sự trung thực và lòng nhân ái
Giáo dục, quan trọng nhất là sự trung thực và lòng nhân ái

Phỏng vấn phụ huynh có con học lớp 1 không có suất ăn trong buổi liên hoan của lớp. Trong môi trường giáo dục quan trọng nhất là sự trung thực và lòng nhân ái, thiếu hai điều này sẽ không thể hoàn thành sứ mạng giáo dục thế hệ trẻ được.

Người mở cõi và kẻ bám đất hội tụ ở ‘rừng mắm’
Người mở cõi và kẻ bám đất hội tụ ở ‘rừng mắm’

Người mở cõi và kẻ bám đất là hai đối tượng làm nên sức sống ‘rừng mắm”, được nhà văn Bình Nguyên Lộc phác thảo bằng vẻ đẹp độc đáo phương Nam.

Tang lễ cụ cử Phan Kế Bính diễn ra như thế nào?
Tang lễ cụ cử Phan Kế Bính diễn ra như thế nào?

Nhà văn, nhà báo, dịch giả Phan Kế Bính sinh năm 1875, mất ngày 31 tháng 5 năm 1921, hưởng thọ 46 tuổi.

Nhà thơ Hà Phương biết 'rừng vẫn mãi bao la tình rừng'
Nhà thơ Hà Phương biết 'rừng vẫn mãi bao la tình rừng'

Nhà thơ Hà Phương sau mấy chục năm lặng lẽ đứng sau người chồng nổi tiếng nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn, vừa tái ngộ công chúng bằng tập thơ ‘Tình yêu mạnh như nước’.

Diễn giải đôi câu đối được cho là của chúa Trịnh Sâm ở Đền Hùng
Diễn giải đôi câu đối được cho là của chúa Trịnh Sâm ở Đền Hùng

Xâu chuỗi những nhận định từ đầu thế kỷ XX đến nay, có thể nói, đôi câu đối hẳn là của bậc vua, chúa chứ không phải của cấp quan lại, dân thường.