Chiều 12/4, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng một số lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT có buổi làm việc với các chuyên gia của Công ty Nông nghiệp New Green, Nhật Bản. Nội dung trao đổi về khả năng ứng dụng loại robot diệt cỏ trên ruộng lúa không sử dụng hóa chất có tên là Aigamorobo.
Giới thiệu về sản phẩm của New Green, ông Tetsuya Nakamura, người sáng tạo ra Aigamorobo cho biết, robot này tự động chạy trên các ruộng lúa, khuấy nước và nâng bùn lên để chắn ánh sáng mặt trời từ đó ngăn chặn sự phát triển của cỏ dại trong nước mà không dùng đến thuốc diệt cỏ.
Ngoài ra, robot này còn có khả năng đẩy lùi ốc bươu vàng, kích thích sự phát triển của lúa, giảm lượng khí thải metan trong ruộng bằng cách sục không khí. Một thí nghiệm của trường đại học tại Nhật Bản cho thấy, lượng khí metan phát thải từ ruộng lúa giảm được 50% ở các mảnh ruộng sử dụng loại robot này.
Theo ông Nakamura: “Loại robot này có thể giúp giảm thiểu lượng khí thải trong các ruộng lúa nhằm hướng đến mục tiêu 1 triệu hecta lúa chất lượng cao phát thải thấp của Bộ NN-PTNT”.
Trước các thông tin này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, đây là sản phẩm rất phù hợp với tình trạng thiếu nhân lực trong nông nghiệp hiện nay, bên cạnh đó là xu hướng giảm phát thải trong sản xuất.
“Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các bạn để thử nghiệm ứng dụng loại robot này, nhất là đưa vào đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp tại ĐSBCL”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nói Việt Nam đang tiếp cận với nông nghiệp hữu cơ và đó cũng là lĩnh vực New Green nghiên cứu nên có thể mở rộng hợp tác thêm.
Về các cơ quan chuyên môn, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (TTKNQG) cho rằng, những thông tin về Aigamorobo rất hấp dẫn và đúng vào 2 vấn đề của sản xuất lúa tại Việt Nam là cỏ dại và ốc bươu vàng, vốn đang được giải quyết chủ yếu bằng các loại thuốc. “Điều đó đồng nghĩa với những thách thức về dư lượng hóa học và phát thải ra môi trường”, ông Lê Quốc Thanh trao đổi với phía Nhật Bản.
Theo ông Lê Quốc Thanh, nguyên lý hoạt động của robot này tương tự cách làm cỏ sục bùn truyền thống trước đây của Việt Nam nhưng được thực hiện bằng công nghệ hiện đại hơn. Do đó, TTKNQG mong muốn có thể được thử nghiệm loại robot này trên cánh đồng Việt Nam và đưa ra những đánh giá về hiệu quả của nó với đồng đất Việt Nam.
Liên quan vấn đề giảm phát thải, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho rằng, sản phẩm này rất phù hợp với đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp của Việt Nam. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cũng đề xuất, New Green cần làm việc với các tổ chức có chức năng để công nhận khả năng giảm phát thải trên ruộng lúa của robot này.
Theo phía New Green, tại Nhật Bản, hiệu quả của robot được xác định vượt trên 70%, đến nay đã có 500 robot được bán ra thị trường và nhận được sự đánh giá cao từ các Bộ trưởng Nông nghiệp các nước G7. Tại Việt Nam, nhóm chuyên gia của New Green đã giới thiệu robot đến các trường đại học, HTX nông nghiệp và tập đoàn nông nghiệp từ tháng 9/2023.
Vào tháng 1 vừa qua, nhóm chuyên gia của New Green đã đi thăm các khu vực sản xuất lúa tại ĐBSCL, TP.HCM và Hà Nội nhằm quan sát tình hình kinh doanh tại Việt Nam, tìm môi trường để giới thiệu loại robot với tính năng diệt cỏ không dùng hoá chất này.
Nhóm chuyên gia của New Green cũng cho biết đã gặp gỡ và trao đổi với Học viện Nông nghiệp và nhận được sự quan tâm của trường. Ngoài Học viện Nông nghiệp, phía New Green cũng muốn trao đổi, hợp tác thêm với nhiều đơn vị có nghiên cứu về lúa của Việt Nam.