Việt Nam sở hữu tiềm năng lớn để phát triển ngành rong biển. Tuy nhiên, diện tích trồng rong biển hiện nay vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có.
Theo số liệu từ Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), năm 2023, diện tích trồng rong biển trên cả nước chỉ đạt gần 17.000ha, sản lượng khoảng 150.000 tấn. Con số này khá nhỏ so với tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng hàng năm là 5,4 triệu tấn, cho thấy ngành rong biển vẫn còn nhiều dư địa để phát triển.
Ngành rong biển đang phải đối mặt với không ít thách thức. Một trong những vấn đề nổi cộm là chất lượng giống đang giảm sút do thoái hóa, ảnh hưởng đến hàm lượng các chất chiết xuất trong rong biển. Đồng thời, áp lực cạnh tranh không gian sản xuất với các ngành kinh tế khác, tác động từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường biển và thiên tai cũng đặt ra nhiều khó khăn. Những yếu tố này không chỉ hạn chế khả năng mở rộng diện tích trồng mà còn ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm, làm giảm sức cạnh tranh của rong biển Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Tuy vậy, tiềm năng phát triển ngành rong biển là rất lớn. Thị trường toàn cầu của rong biển hiện nay ước tính có giá trị 16 - 20 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 10% mỗi năm. Nhu cầu ngày càng cao về thực phẩm xanh, năng lượng tái tạo và các sản phẩm thân thiện với môi trường đang mở ra cơ hội đáng kể cho Việt Nam khai thác thế mạnh này. Rong biển, được ví như một “kho báu” trong thời đại chuyển đổi xanh, không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững.
Theo ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Bền vững (ICAFIS), rong biển có giá trị rất lớn ở cả hai khía cạnh kinh tế và môi trường.
Về môi trường, rong biển đóng vai trò quan trọng trong việc trung hòa axit đại dương, một vấn đề đang ngày càng trở nên nghiêm trọng do biến đổi khí hậu. Rong biển cũng tạo môi trường sống cho nhiều loài động vật thủy sinh, là nơi sinh sản và phát triển của chúng.
Đặc biệt, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, rong biển có khả năng hấp thụ khí nhà kính carbon gấp 2 - 5 lần so với cây rừng trên cùng một diện tích. Một số loại rong biển có tán rộng, độ che phủ rộng còn có khả năng hấp thụ carbon cao hơn đến 20 lần, góp phần làm xanh hành tinh, tạo thành một bể chứa carbon khổng lồ cho đại dương.
Về mặt kinh tế, rong biển hiện tại chưa được khai thác đúng tiềm năng. Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực có thể mang lại lợi ích kinh tế lớn, đặc biệt cho các cộng đồng ngư dân ven biển. Với chi phí đầu tư thấp rất phù hợp với các hộ gia đình quy mô nhỏ, giúp tạo sinh kế bền vững cho ngư dân, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn.
Hơn nữa, rong biển có thể được canh tác kết hợp với các loài thủy sản khác như hàu, cá... hay dùng làm thức ăn cho các loài cá, biến rong biển thành một loài nuôi, từ đó giảm áp lực đến khai thác tự nhiên.
Ngoài ra, giá trị dinh dưỡng và y học của rong biển cũng rất đáng chú ý. Rong biển chứa hàm lượng collagen cao, cùng với 15 loại axit amin, canxi và các Vitamin A, B, E. Đây là những thành phần có giá trị lớn trong lĩnh vực y học và công nghiệp thực phẩm.
“Xu hướng tiêu dùng hiện đại hướng đến các sản phẩm dinh dưỡng và thân thiện với sức khỏe, do đó rong biển được xem như siêu thực phẩm. Với 15 axit amin..., rong biển được ví như "yến dưới biển", hứa hẹn mang lại tiềm năng kinh tế vượt trội nếu được khai thác đúng cách”, ông Lập nhấn mạnh.