Vượt sầu riêng Thái Lan nhờ thu hoạch quanh năm
Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong 2 tháng đầu năm nay, nước này đã nhập khẩu 53.110 tấn sầu riêng tươi. Điều đáng chú ý trong nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc đầu năm nay là Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để vươn lên vị trí số một về xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc.
Cụ thể, trong 2 tháng, lượng sầu riêng từ Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc là 32.750 tấn, trị giá 161 triệu USD, tăng gấp 2,4 lần về cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Tính theo kim ngạch, sầu riêng Việt Nam chiếm 57% kim ngạch nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm, tăng mạnh so với 32% của năm 2023.
Trong khi đó, sầu riêng Thái Lan nhập khẩu vào Trung Quốc lại giảm mạnh khi chỉ đạt 19.016 tấn, trị giá 120,3 triệu USD, giảm 50,3% về lượng và 45,2% về trị giá so với cùng kỳ 2023. Thị phần của sầu riêng Thái Lan trong kim ngạch nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc 2 tháng đầu năm là 42% (trong cả năm 2023 là 68%).
Ngoài Việt Nam và Thái Lan, đầu năm nay, Trung Quốc cũng nhập khẩu sầu riêng từ Philippines, với tổng giá trị là 2,2 triệu USD, chiếm khoảng 1% tổng giá trị sầu riêng nhập khẩu.
Việc Việt Nam vượt qua Thái Lan về xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc trong những tháng đầu năm nay, trước hết là do tháng nào ở Việt Nam cũng có sầu riêng thu hoạch, trong khi sầu riêng ở Thái Lan vẫn được sản xuất và thu hoạch theo mùa vụ nhất định.
Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, sầu riêng ở Việt Nam được trồng phổ biến ở các tỉnh phía Nam, từ Đà Nẵng trở vào. Trong đó, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ngoài vụ chính thu hoạch vào tháng 4 và tháng 5 hàng năm, thì vẫn có sầu riêng thu hoạch quanh năm nhờ sản xuất rải vụ (xử lý cho cây ra hoa sớm hơn hay muộn hơn so với thời vụ bình thường).
Vì vậy, đầu năm nay, tuy không phải là vụ thu hoạch chính ở cả 3 vùng trồng chính là Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng nguồn sầu riêng thu hoạch ở Đồng bằng sông Cửu Long và một số nơi khác vẫn đáp ứng được nhu cầu của khách hàng Trung Quốc và giúp sầu riêng Việt Nam vượt qua Thái Lan ở thị trường này.
Chất lượng tốt, giá sầu riêng Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc lại cạnh tranh hơn so với sầu riêng Thái Lan nhờ vận chuyển thuận tiện và nhanh chóng hơn. Tính chung trong 2 tháng đầu năm nay, giá sầu riêng Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc đạt bình quân 4.916 USD/tấn, thấp hơn so với mức giá 6.133 USD/tấn của Thái Lan, nhưng cao hơn so với 3.075 USD/tấn của Philippines.
Như vậy, sầu riêng Việt Nam đang tiếp tục lấy thị phần của sầu riêng Thái Lan tại thị trường Trung Quốc. Trước năm 2022, Thái Lan chiếm gần như toàn bộ thị trường sầu riêng tươi của Trung Quốc.
Năm 2022, khi sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, thị phần sầu riêng Thái Lan giảm xuống còn 95% trong nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc, 5% còn lại thuộc về sầu riêng Việt Nam. Sang năm 2023, thị phần của sầu riêng Việt Nam tăng lên 32%, còn Thái Lan giảm xuống 68%. Và đầu năm nay, như đã nói ở trên, thị phần của sầu riêng Việt Nam đã vượt qua thị phần của sầu riêng Thái Lan trên thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới.
Nhờ xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng mạnh trong 2 tháng đầu năm, giá sầu riêng tại Việt Nam liên tục tăng cao. Ông Nguyễn Văn Đông, nông dân trồng sầu riêng ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai cho biết, trong những ngày đầu tháng 4, giá sầu riêng Ri6 loại 1 ở Đông Nam bộ vào khoảng 100.000 đồng/kg, sầu riêng Dona loại 1 khoảng 180.000 đồng/kg. Ông Đông nhận định giá sầu riêng dù có lúc tăng, lúc giảm, nhưng vẫn đang có xu hướng tăng lên trong tháng 4 do lượng sầu riêng thu hoạch ở các vườn hiện không còn nhiều trong khi nhu cầu tiêu thụ vẫn đang cao.
Cạnh tranh ngày càng tăng
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), Trung Quốc hiện chiếm đến 95% thị phần sầu riêng thế giới.
Người tiêu dùng Trung Quốc coi sầu riêng là loại trái cây cao cấp, thậm chí coi sầu riêng là “vua của trái cây”. Vì vậy, nhu cầu tiêu thụ sầu riêng ở Trung Quốc đang tiếp tục tăng lên.
Thông tin từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, kim ngạch nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc tăng trưởng bình quân 46% trong giai đoạn từ năm 2019 - 2023. Trong năm 2023, kim ngạch nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc đã lên tới 6,7 tỷ USD, tăng 65,6% so với năm 2022 và tăng 318,5% so với năm 2019.
Là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới nên sự cạnh tranh ở Trung Quốc dự báo sẽ ngày càng gay gắt hơn với sự tham gia của nhiều nước Đông Nam Á khác, nhất là Malaysia.
Lâu nay, trên thị trường sầu riêng thế giới, sầu riêng Malaysia luôn được đánh giá cao về chất lượng. Trong đó, giống sầu riêng Musang King được nhiều người coi là loại sầu riêng ngon nhất thế giới.
Với những lợi thế đó, trong những năm gần đây, Malaysia đang đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu sầu riêng. Năm 2022, sản lượng sầu riêng Malaysia là 455.000 tấn, và dự kiến sẽ tăng lên 506.000 tấn vào năm 2025. Năm 2022, xuất khẩu sầu riêng của Malaysia đạt 260 triệu USD, tăng 168% so với năm 2019. Các dự báo cho thấy ngành sầu riêng của Malaysia sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng, với tốc độ tăng trưởng hằng năm ước tính là 7,2% trong giai đoạn 2023 - 2033.
Trong năm nay, Malaysia sẽ đưa sầu riêng tươi vào thị trường Trung Quốc, thời điểm dự kiến là dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào tháng 5/2024. Gần đây, một biên bản ghi nhớ đã được ký kết giữa Malaysia và Trung Quốc để để thiết lập một đường bay dành riêng cho sầu riêng từ Kuala Lumpur (Malaysia) đến Trịnh Châu (Trung Quốc). Như vậy, Malasia đang chuẩn bị những bước đi cần thiết để xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc bằng nhiều con đường vận chuyển, trong đó có hàng không.
Là một trong 3 nước đã xuất khẩu sầu riêng tươi vào Trung Quốc, Philippines cũng đang mở rộng diện tích sầu riêng, nhất là ở khu vực Davao, với mục tiêu tăng thêm khoảng 15 nghìn ha đến năm 2029.